07/05/2010
5797 lượt xem
Sài Gòn nắng nóng nung người, cả nhà đều "oải", tôi quyết định đưa cả gia đình đi Đà Lạt nghỉ mát. Nghe nói chuyến đi sẽ kéo dài đến 3 ngày, lũ nhóc nhà tôi reo lên thích thú, “anh xã” cũng đồng ý cả hai tay.
Ngày…
Khởi hành vào buổi sáng. xe đến Đà Lạt vào buổi trưa. Đà Lạt nóng hơn xưa nhiều nhưng so với Sài Gòn thì vẫn còn là “thiên đường ôn đới”. Lúc vào trung tâm thành phố, xe đi trên con đường tạm mới làm vắt ngang qua hồ Xuân Hương, có cảm giác là lạ khi nhớ nơi đây từng là một hồ đầy nước.. Nghe nói có một số người đến đây, thả bộ dưới lòng hồ, chụp ảnh để kỷ niệm
Ăn trưa ở Mei Xuân Hương. Dù đã nghe bạn bè kể trước rồi nhưng vẫn rất ấn tượng với cách phục vụ lễ phép và niềm nở của nhân viên nơi đây. Chẳng mấy chốc họ đã tạo được cảm giác thân thiện với tôi và các con tôi. Hai đứa theo các “anh chị” vào chơi game ở phòng máy vi tính. Lát sau, khi hai đứa quay lại, tôi bật cười khi thấy thằng Cún của mình chễm chệ làm mặt mèo trên lưng một “anh” phục vụ, còn bé Miu thì đang thỏ thẻ trên tay một “chị” khác. Lúc ra về chúng cứ lưu luyến quay đầu nhìn lại mãi.
Tối, gửi con cho dì Hạnh, hai đứa tôi thả bộ tìm đến quán Cung tơ chiều. Bạn bè kể nhiều về quán này làm tôi rất hâm mộ. Tên quán nghe đầy chất thơ nhưng không biết giải thích ý nghĩa thế nào, nếu cắt nghĩa là “tiếng tơ lòng được cất lên vào buổi chiều” thì lại có vẻ sượng?!
Lúc chiều mưa nên con đường nhỏ tối tăm dẫn lên quán thêm ẩm ướt và khó đi. Chị chủ quán hát năm sáu bài, bài nào cũng buồn mênh mang và sâu lắng. Chị hát như rút ruột, rút gan, tôi thả hồn mình trôi theo giòng cảm xúc của chị, thấy gai gai nơi cột sống và nhoi nhói ở trái tim, đề rồi sau đó là một sự đồng cảm và lắng dịu lạ thường trong tâm tưởng. Một cảm giác như là sự biết ơn. Chợt nhớ lời tựa và câu kết tuyệt vời trong tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà mình chép nắn nót trong sổ tay:
"Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... “
"Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo qui luật bất di bất dịch của thiên nhiên; bản thân nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế!"…
Gần 10 g 30 mới về, đi ngang qua xe bắp nướng và sữa đậu nành mua một ít cho mấy nhóc nhưng về đến nhà dì, tụi nhỏ đã ngủ say. “Hai đứa” đành đem ra “chén" hết ! Wa! Ngon quá! Mùi vị những hạt bắp dẻo thơm và đậu nành béo ngậy theo tôi vào giấc ngủ.
Ngày…
Sáng nay dậy hơi muộn. Buổi sáng trời Đà Lạt lành lạnh ngủ ngon quá đi! Nếu không có bé Lan- con út của dì vào gọi ăn sáng chắc tôi còn ngủ tới trưa mất! Lan 17 tuổi, rất ra dáng thiếu nữ Đà Lạt, mắt đen lánh, đôi má lúc nào cũng ửng hồng, da trắng, dáng khép nép, hiền hậu.
Ăn sáng xong đón xe đi Thiền viện Trúc Lâm. Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi cao. dưới chân đồi là hồ Tuyền Lâm nước trong xanh mênh mông.. Quanh chùa, những tán thông già ngày đêm reo vi vu trong gió ngàn, dáng vững chãi mà trầm lặng giữa chập chùng đồi núi. Giờ này có một số thuyền đang thong thả dạo trên mặt hồ. Khung cãnh thật trữ tình và êm ả.
Đến sân chùa phải qua 3 cổng tam quan và hàng trăm bậc đá. Vừa đặt chân lên bậc đá cuối cùng đập vào mắt tôi là một tòa tháp lớn, ở chính giữa treo một chiếc đại hồng chung cao khoảng hai mét, trên chuông có khắc những chữ Hán lớn. Một vị sư giải thích đó là bài thơ của vua Trần Nhân Tông-“Sơn Phòng Mạn Hứng”:
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
(Phải trái rụng theo hoa buổi sớm
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn, mưa tạnh, non im vắng
Xuân cỗi còn dư một tiếng chim)
Tôi đọc được bài thơ đậm chất thiền này đã lâu, chỉ “cảm” được vẻ đẹp của bài thơ chứ chưa thể hiểu hết ý nghĩa triết lý sâu xa của nó.
Tòa chánh điện rộng rãi chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca. Thấp thoáng đây đó bóng các chú tiểu mặc áo nâu sồng lặng lẽ dọn lá rụng trên các lối đi hoặc chăm sóc hoa kiểng. Hoa có quá nhiều loại, đi mỏi chân cũng không ngắm được hết. Trong cõi xuân không mùa này, tiếng tụng kinh ngân nga bổng trầm bằng tiếng Việt nghe vừa lạ lùng vừa gần gũi.
Tuy không có dáng vẻ cổ kính như Trúc Lâm Yên tử hay nguy nga như Trúc Lâm Tây Thiên nhưng Trúc Lâm Đà Lạt toát lên một vẻ đẹp giản dị mà thanh thoát như muốn hòa nhập với thiên nhiên thành “nhất thể”. Chợt nghĩ đến sự phi thường của vua Trần Nhân Tông - phi thường không chỉ vì hai lần đánh tan đội quân Nguyên Mông bách chiến bách thắng mà còn vì ở chỗ “dám” rời bỏ lầu vàng điện ngọc khi mới 35 tuổi, độ tuổi thông thường còn nhiều ham muốn và háo thắng.
Đến đây, gác qua một bên những phiền lụy, áo cơm của đời để thấy tâm hồn mình thư thái, thanh sạch như cỏ cây vừa được tắm gội sau cơn mưa…
Trưa ăn cơm lam với thịt nướng. Những lát cơm trắng nuột, mịn màng, thơm tho. Lần đầu tiên biết mùi vị cơm lam nó như thế nào. Dẻo nhưng không quện dính lưỡi, bùi nhưng không cứng. Miếng cơm như thoảng chút mùi thơm dìu dịu của tre nứa và hương núi rừng. Thịt nướng nghe quảng cáo là thịt heo rừng, không biết có phải không nhưng rất ngon. Hai nhóc cứ “ Cho con thêm miếng nữa” cho đến khi căng bụng mới chịu thôi.
Buổi chiều đi thung lũng Vàng. Thung lũng nằm dưới chân ngọn đồi xanh, quanh năm nghe tiếng ngàn thông vi vu trong gió. Con đường mòn nhỏ len lỏi qua cỏ xanh, qua những phiến đá nhân tạo đưa khách du khám phá vẻ đẹp còn hoang sơ của núi rừng.
Chiều xuống, đồi thông đắm mình trong hơi sương, những sợi nắng còn sót lại lung linh trong vòm lá, rơi rắc trên cỏ xanh dệt nên trong lòng du khách một cảm giác mông lung huyền ảo. Nghe lũ bạn kể nếu đi vào mùa quỳ nở, sẽ được chiêm ngưỡng những thảm hoa vàng rực, không kiêu sa quý phái nhưng tràn đầy sức sống mãnh liệt của miền sơn cước, đã tạo thành tên cho chốn này.
Cạnh thung lũng là suối Vàng. Một chiếc cầu gỗ vắt ngang mặt nước lung linh mây trời và bóng núi, gợi nhớ một khung cảnh nào như xa xưa lắm. Nét đẹp đơn sơ và mong manh của chiếc cầu làm nao nao lòng du khách. Đẹp quá thung lũng Vàng ơi!
Giữa biếc xanh mặt hồ, mênh mang đồi cỏ, ngút ngàn rừng thông, những đá, suối, hoa do bàn tay người sắp đặt thể hiện ý đồ cố gắng làm tăng vẻ đẹp của thiên nhiên. Tuy nhiên, ở đôi chỗ sự can thiệp dường như “chưa tới”, khiến người ta không khỏi có một chút cảm giác “khéo quá hóa vụng”. Hoa viên trồng nhiều loại cây nhưng tôi chỉ nhận ra vài loài như đỗ quyên, cẩm tú cầu, misosa…. Lúc ra về tôi cứ tần ngần trước một vạt hoa cúc trắng nằm bên lối mòn, màu trắng nuột nà, tinh khiết nổi bật giữa nền lá xanh thẫm
Cảnh đẹp nhưng cũng như thiền viện Trúc Lâm, ở đây chẳng có gì cho mấy nhóc chơi, chúng chỉ tung tăng một lúc là kêu mỏi chân, đòi về.
Ngày…
Quyết định dành ngày còn lại để đi ở những chỗ gần vì hai đứa nhỏ kiện: ”Ba má toàn đi chơi riêng với đi mấy chỗ xa, tụi con mỏi chân lắm!”
Sáng dắt hai nhóc đi mua sắm loanh quanh ở chợ Đà Lạt, mua cả quà cho gia đình và bạn bè. Mẹ và dì thích nhất là món mứt dâu và hồng khô Đà Lạt. Người ta nói nhiều về tình trạng nói thách ở chợ Đà Lạt nhưng tôi nghĩ đó không phải là “đặc quyền” của chợ này. Chợ nào chẳng có tình trạng này, thậm chí có nơi người bán vừa “chém” vừa hách dịch, trong khi người bán ở đây thật chiều khách, nói chuyện nhẹ nhàng và khéo léo, quả thật không hổ danh người Đà Lạt. Nếu thật sự có bị chém chăng nữa, hãy tự an ủi đó là những vết chém…ngọt ngào! (Hì hì) Nhìn chung, tuy có nhiều đổi thay, người Đà Lạt vẫn còn giữ được tính cách lịch sự, nhẹ nhàng và hiền hoà.
Chiều ra ga Đà Lạt đáp chuyến xe lửa Đà Lạt –Trại Mát, một đoạn đường sắt 7 km thuộc tuyến đường sắt “vàng son một thuở” Đà Lạt-Tháp Chàm dài 84 km. “Tu… tu…tu…”, đoàn tàu dáng cổ kéo còi chầm chậm rời ga. phút chốc đã bỏ lại phố xá sau lưng. Xe chạy không nhanh lắm nên khách dễ dàng ngắm cảnh đẹp hai bên đường đang không ngừng thay đổi một cách ngoạn mục. Đang treo mình bên sườn núi, thoắt một cái xe đã ẩn mình dưới lũng sâu. Xe vượt qua những vườn rau, vườn cây trái quanh năm xanh mát, xe chui qua cầu, phía trên khá đông người và xe lại qua, xe trườn lên ngọn đồi cao đưa tầm mắt du khách phóng xa tới tận chân trời. Từ trên cao nhìn xuống, những khu vườn trông như bàn cờ xanh, những ngôi nhà ngói đỏ nhỏ xíu như những hộp diêm. Xa xa mặt hồ Than Thở trầm mặc giữa rừng thông tĩnh mịch như vẫn ngàn đời thở than cho đôi mối tình đẹp đẽ mà đau thương. Lâu lắm rồi không ghé thăm hồ và Đồi Thông Hai Mộ.
Cái cảm giác đặc biệt khi được đi xe lửa phố núi làm bọn trẻ rất thích thú, “hai đứa”chúng tôi cũng vậy, nhưng càng thích thú bao nhiêu thì càng thấy tiếc cho sự lãng phí tột cùng đối với tuyến đường xe lửa Đà Lạt –Tháp Chàm, tuyến đường sắt răng cưa thuộc loại hiếm có trên thế giới, sau năm 75 đã bị bỏ phế vì một quyết định sai lầm của một cá nhân nào đó. Thậm chí, những chiếc đầu máy kiểu cổ rất độc đáo và còn hoạt động được đã bị đem bán với giá rẻ mạt, còn đường ray thì sau khi “được” lệnh…gỡ ra để ráp vào tuyến đường xe lửa khác mà không được (do khổ đường ray khác nhau) đã bị đem bán sắt vụn!!! Nghe nói bây giờ để khôi phục lại toàn bộ tuyến đường sắt dài 84 km này phải mất 9,10 năm và tiêu tốn 5- 7 ngàn tỉ đồng (khoảng 320 triệu đô la)! Biết bao công sức và tiền của sẽ phải đổ ra để “sửa sai” cho một-kẻ-được-đặt-ngồi-sai-chỗ!
Tối, ghé lại Mei Xuân Hương theo yêu cầu của lũ nhóc, chưa bước vào cổng đã nghe tiếng nhạc rộn rã của bài Happy Birthday, lúc vào đi ngang chiếc bánh kem thật to đặt giữa quán. Ngỡ sinh nhật của chủ nhân, hóa ra là sinh nhật chung của một số nhân viên sinh cùng tháng. Chi phí do chủ nhà hàng đài thọ. Cũng thú vị đấy chứ!
Các nhân viên vây quanh chiếc bánh, đốt đèn cầy hát mừng sinh nhật, dắt tay cả hai nhóc của tôi và một số con em của khách cùng tham gia. Khi cắt bánh, bánh được chia cho tất cả khách có mặt, hai đứa tôi và các con tôi cũng có phần, mỗi người một miếng bánh kem khá lớn. Cún với Miu cứ tròn mắt ra mà nhìn miếng bánh đặt trước mặt cho dù chúng không lạ gì thứ bánh này. Cái cảm giác ăn bánh sinh nhật những người chưa hề quen giữa một nơi công cộng có một tư vị riêng khó tả. Ông nhóc đang ăn thì xin đi toa-lét, bẵng đi một lát mới thấy quay lại cười ngoác miệng tới tận mang tai, trên má là hai bệt kem to tướng. Tôi định mắng thì đã thấy một cô nhân viên cầm khăn ướp lạnh tới lau mặt cho nó. Tôi cười hài lòng, ngồi nhấm nháp từng miếng bánh ngọt ngào, thỉnh thoảng lại nhấp một ngụm cà phê thơm ngát. Lắng tai nghe tiếng nhạc và cảm nhận sự nên thơ của cảnh vật cũng như tâm hồn hiền hòa của con người nơi đây. Chồng tôi dắt hai nhóc đi dạo quanh khuôn viên nhà hàng. Lúc quay lại, anh cười hồn hậu: ”Đi có một lúc hà, “đụng đầu” tới hơn mười đứa nhân viên! Tụi nó chào đến nỗi anh xây xẩm mặt mày vì chào đáp lễ!”.
Gần 10 giờ tối rời nhà hàng, đường vắng. Hơi sương ướt đẫm trên cành lá. Đêm buông dài trên những con đường yên ắng, nghe rõ cả tiếng sương rơi và tiếng gió thầm thì qua vòm lá xanh thẫm. Đà Lạt đang đổi thay nên cũng đang đánh mất nhiều điều nhưng Đà Lạt vẫn còn đẹp lắm trong mắt tôi. Chỉ ước sao được sống suốt đời ở Đà Lạt.
Trở lại Sài Gòn đông đúc, vẫn còn lưu luyến cảnh vật và con người Đà Lạt và một chút gì đó không cam lòng khi phải rời chốn bình yên để trở về với cảm giác oi bức, ngột ngạt thường ngày. Rồi sẽ nhớ Đà Lạt lắm đây. Hẹn gặp lại nhé, Đà Lạt ơi!