31/05/2011
880 lượt xem
Khi còn là học sinh cấp II, tôi đã có một cuộc tranh luận nẩy lửa với cậu bạn cùng lớp. Nguyên nhân thì tôi chẳng còn nhớ, nhưng bài học có được từ ngày hôm đó, tôi sẽ chẳng bao giờ quên.
Trong cuộc khẩu chiến ấy, tôi cố chứng minh rằng tôi đúng còn cậu ta thì sai. Cậu ta, ngược lại, cố thuyết phục rằng tôi sai, còn cậu ta mới là người đúng. Và cô giáo đã quyết định chỉ cho chúng tôi thấy, ai sai ai đúng. Cô đưa chúng tôi lên văn phòng, bảo hai đứa đứng ở hai đầu bàn.
Trên bàn, cô đặt một quả bóng lớn, màu đen. Cô hỏi cậu bạn tôi: “Quả bóng màu gì?”. Cậu ta dõng dạc trả lời: “Màu trắng”.
Tôi không thể tin vào tai mình. Thật là ngốc nghếch! Cậu ta nói quả bóng màu trắng trong khi nó rõ ràng màu đen. Và chúng tôi lại gân cổ lên để bảo vệ ý kiến của mình, giờ là về màu sắc của quả bóng.
Yêu cầu chúng tôi trật tự, cô giáo bảo hai đứa đổi chỗ cho nhau. Tôi đứng chỗ của cậu ta, còn cậu ta chuyển sang đứng chỗ tôi. Sau đó, cô giáo hỏi lại chúng tôi về màu sắc của quả bóng. Tôi ngập ngừng trả lời: “Trắng”.
Đó là một quả bóng phân hai nửa màu khác nhau. Nhìn từ vị trí của cậu ta thì nó trắng, trong khi từ vị trí của tôi, nó có màu đen.
Cô giáo đã dạy cho tôi một điều quan trọng không chỉ ngày hôm đó mà trong suốt cuộc đời: Bạn nên đứng ở vị trí của người đối diện để hiểu nguyên nhân hành động và cảm giác của họ
|
25/05/2011
1101 lượt xem
Ngày kia, nhà tỷ phú nọ mang cậu con trai duy nhất về nơi thôn dã với ý định để cho con tìm hiểu và so sánh với cuộc sống nghèo nàn của người dân quê. Hai cha con sống hai ngày tại một làng xóm xa xôi nơi mà người ta cho là có đời sống khó khăn. Sau khi trở về nhà, người cha hỏi người con:
- Con thấy cuộc đi chơi ra sao?
- Cuộc đi thích thú lắm - người con trả lời.
- Con có thấy cuộc sống của người dân quê không?
- Dạ, có.
- Con nhận thấy gì trong cuộc sống của họ?
- Con nhận thấy chúng ta chỉ có mỗi một con chó mà họ thì có tới bốn con. Chúng ta chỉ có một hồ bơi nhỏ ở giữa vườn, còn họ thì có cả một nhánh sông chảy mút mùa. Chúng ta phải nhập cảng những chiếc đèn để treo trong vườn mà họ thì không cần đến vì họ có đầy sao chiếu sáng lúc ban đêm.
Tại chỗ ngồi chơi trước nhà, chúng ta chỉ có thể nhìn tới bức tường ở cổng trước mà thôi, còn họ có thể ngồi nhìn suốt tới tận chân trời. Chúng ta chỉ có một khoảng đất để sống quanh quẩn ở đó, còn họ có cả một khoảng đồng ruộng thẳng cánh cò bay.
Chúng ta phải có người ở để giúp việc chúng ta, còn họ thì không cần, họ tự lo cho nhau. Chúng ta phải bỏ tiền đi mua đồ ăn, còn họ trồng lấy và tự túc về thực phẩm. Nhà chúng ta phải có tường bao quanh để bảo vệ chúng ta, còn họ thì không cần vì họ có những bạn tốt để đùm bọc lẫn nhau.
Trước những lý luận của người con trai, người cha đã không nói nên lời.
Người con nói tiếp:" Con cám ơn cha đã mang con đi du hành để tỏ bày cho con thấy chúng ta đang có một cuộc sống nghèo nàn như thế nào?"
|
24/05/2011
785 lượt xem
Trước đây, có những đêm chồng tôi về nhà lúc 3g sáng, anh nói đi coi bóng đá cùng bạn bè, cũng là kết thêm tình bằng hữu. Khi ấy lòng tôi dấy lên trăm ngàn mối hoài nghi: anh đã ở đâu?
Từ ngày tôi mang bầu, thai lớn đầy mệt nhọc cũng là lúc mỗi tuần anh về khuya vài bữa. Tôi nghĩ anh có nhân tình, tìm đủ cách dò hỏi từ lái xe, nhân viên đến bạn bè của anh đều không moi được thông tin. Cuối cùng tôi phải thuê thám tử tư theo dõi. Kết quả đưa về là những tấm hình không chỉ có chồng tôi cặp bồ, mà những anh bạn mẫu mực tôi quen biết cũng tham dự đại tiệc “ăn phở”.
Tôi giận run người, ném đồ đạc của anh ra cửa và ngồi khóc rấm rứt, nhưng rồi lại lặng lẽ dọn vào trước khi anh trở về nhà. Có thể vì tôi sắp sinh con, có thể anh theo mốt bởi bạn bè ai cũng nuôi bồ nhí, có thể do cô gái kia đã đeo bám một cách quyết liệt? Thế nên tôi giấu đi chứng cứ ngoại tình của anh để bình yên vượt cạn.
Con chúng tôi 1 tuổi, anh thỉnh thoảng vẫn về nhà lúc 3g sáng. Nhưng tôi biết chắc một điều những lần anh đi cùng tình nhân, chỉ cần tôi gọi điện nói con đang xảy ra chuyện là anh chạy về ngay lập tức.
Con 2 tuổi đã không còn khó nuôi và anh thỉnh thoảng lại về lúc 3g sáng. Tôi lại nhờ thám tử theo dõi. Anh vẫn cặp kè với cô bồ năm nào.
Tôi tìm gặp tình nhân của chồng. Cô ta không bất ngờ trước sự xuất hiện của tôi. Cả hai ngồi nói chuyện trong một quán cà phê yên tĩnh. Cô ta khóc: “Em thầm yêu anh ấy từ lâu, nhưng đến khi chị sắp sinh anh ấy mới đến với em. Em ước gì khi ở bên nhau anh ấy không kể về những kỷ niệm với chị, không khoe con cái của hai người, không vội vã bỏ em lại một mình khi chị gọi điện, không một mực khuyên em tìm một người đàn ông độc thân để lấy làm chồng...” và rất nhiều điều khác khiến cô ta đau lòng. Nhưng tôi chỉ cần nhớ ngần ấy là đủ để lịch thiệp chào người đàn bà cố yêu chồng mình trước khi ra về.
Con 3 tuổi, chồng tôi vẫn chưa dứt những đêm về quá khuya. Cho đến một ngày tôi nhận được tin nhắn: “Chị à, mọi người đều ngoại tình... và họ kết thúc” thì việc chồng tôi lặng lẽ mở cửa vào nhà lúc 3g sáng không còn nữa, dù nhiều buổi anh không về ăn tối với lý do bù khú cùng bạn bè. Đến giờ, mỗi lần nhìn anh vui đùa rạng rỡ bên con, tôi lại nghĩ: phải chăng mình may mắn vì từng là người vợ chấp nhận cho chồng có những thú vui riêng!?
|
24/05/2011
937 lượt xem
Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi đi làm thuê.
- Vé tàu!
Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.
Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc :
- Ðây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp :
- Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao ? Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết.
Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi :
- Anh là người tàn tật ?
- Vâng, tôi là người tàn tật.
- Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp :
- Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em.
Cô soát vé cười gằn :
- Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật ?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên
- Anh chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn, bảo :
- Tôi cần xem chứng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật", có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật !
Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích :
- Tôi không có tờ khai gia đình của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra tai nạn ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định...
Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.
Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật…
Trưởng tàu cũng hỏi :
- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu ?
Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình
Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói :
- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.
Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc :
- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.
Trưởng tàu nói kiên quyết :
- Không được.
Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu :
- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý :
- Cũng được.
Một ông lão ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi :
- Anh có phải đàn ông không ?
Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại :
- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không ?
- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không ?
- Ðương nhiên tôi là đàn ông !
- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông ? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem ?
Mọi người chung quanh cười rộ lên.
Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói :
- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả ?
Ông Lão lắc lắc đầu, nói :
- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.
Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.
Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với ông lão:
- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.
Ông lão chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng :
- Cô hoàn toàn không phải người ! Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé :
- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì ?
Ông lão vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:
- Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận "người" của cô ra xem nào...
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa. Chỉ có một người không cười. Ðó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận.
(Sưu tầm)
|
20/05/2011
680 lượt xem
Chiếc hộp rỗng chứa đầy những nụ hôn của cô con gái chính là món quà vô cùng quý giá mà người cha luôn giữ bên mình. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta nhận được những món quà quý giá như vậy nhưng lại vô tình bỏ qua.
Có một người cha nghèo đã quở phạt đứa con gái 3 tuổi của mình vì tội lãng phí cả một cuộn giấy gói quà mầu vàng. Tiền bạc eo hẹp, người cha nổi giận khi đứa bé cắt cuộn giấy quý ra thành từng mảnh nhỏ trang trí một cái hộp giấy. Sáng sớm hôm sau, đứa con gái nhỏ vẫn mang hộp quà đến nói với cha: "Con tặng bố!". Người cha cảm thấy bối rối vì cơn giận dữ của mình tối hôm trước nhưng rồi cơn giận dữ lại bùng lên khi ông mở ra, thấy cái hộp trống rỗng.
Ông mắng con gái. Đứa con gái nhỏ ngước nhìn cha, nước mắt rưng rưng, thưa: "Bố ơi, đó đâu phải là cái hộp rỗng, con đã thổi đầy những nụ hôn vào hộp để tặng bố mà!".
Người cha giật mình. Ông vòng tay ôm lấy đứa con gái nhỏ cầu xin con tha thứ.
Đứa con gái nhỏ, sau đấy không bao lâu, qua đời trong một tai nạn. Nhiều năm sau, người cha vẫn khư khư giữ cái hộp giấy bên mình, mỗi khi gặp chuyện nản lòng, ông lấy ra một nụ hôn tưởng tượng và nghĩ đến tình yêu mà đứa con gái bé bỏng của ông đã thổi vào chiếc hộp.
Trong cuộc sống, chúng ta đã và sẽ nhận được những chiếc hộp quý giá chứa đầy tình yêu và những nụ hôn vô tư từ con cái của chúng ta, từ bạn bè, gia đình. Trên đời này, chúng ta không thể có được tài sản nào quý giá hơn những chiếc hộp chứa đầy tình yêu vô tư như thế.
(Sưu tầm)
|
19/05/2011
840 lượt xem
Thật muôn màu muôn vẻ, cái hạt lúa tý hon mà kỳ diệu. Nó làm nên sắc thái và cảnh quan của đất và người. Khao khát được ghi lại và chia sẻ cùng mọi người những nơi tôi đã đi qua, dù chưa đầy đủ...
Cánh đồng Bắc Cạn
Cánh đồng Cao Bằng
Cánh đồng Hà Giang
Cánh đồng Lạng Sơn
Cánh đồng Lao Cai
Cánh đồng Ninh Bình
|
19/05/2011
642 lượt xem
Dù bạn luôn than vãn về tình trạng một mình nhưng rõ ràng, bạn cũng có những lợi thế riêng khi không thuộc về một ai đó cả.
Người độc thân vừa sướng vừa khổ
Điểm tốt
1. Ít tốn tiền: Bạn sẽ không phải tiêu tốn vào các dịp đi chơi, các món quà tặng và vô số món phát sinh do tình yêu.
2. Không cần trách nhiệm: Bạn sẽ không phải lo lắng về việc lịch hẹn bố mẹ của chàng/nàng trùng với lịch tụ tập của lũ bạn.
3. Thoải mái giao lưu: Lẽ dĩ nhiên, khi bạn không thuộc về ai đó, bạn có quyền kết bạn và tán nhăng tán cuội bất cứ ai.
4. Làm mọi thứ theo ý thích: Bạn sẽ không lo bị ai đó phán xét khi ăn mặc quái lạ hay để phòng ốc bừa bộn.
5. Được thử những cái mới: Bạn có nhiều cơ hội để khẳng định mình, được nhảy việc theo ý thích, được đi bụi với một nhóm bạn lạ mà không sợ bị phán xét.
Điểm xấu
1. Cô đơn vào ngày lễ: Thử tưởng tượng vào ngày lễ tình nhân bạn chỉ có thui thủi một mình thì cảm giác sẽ tệ thế nào.
2. Mất thăng bằng: Bạn có thể làm mọi thứ theo ý thích, tuy nhiên, đôi lúc bạn cần ai đó để hãm phanh trước khi bạn bị tuột dốc.
3. Nhìn đời toàn màu xám: Thiếu tình yêu có thể khiến bạn trở nên cay nghiệt trong quan điểm, biến bạn trở thành người dễ nổi nóng hơn bình thường.
4. Thiếu người để sẻ chia: Áp lực công việc, cuộc sống khiến bạn cần ai đó để chia sẻ. Và lúc đó có một người để thông cảm thì cảm giác thật dễ chịu4. Thiếu người để sẻ chia: Áp lực công việc, cuộc sống khiến bạn cần ai đó để chia sẻ. Và lúc đó có một người để thông cảm thì cảm giác thật dễ chịu.
5. Hội chứng sợ tụ họp: Bạn trở nên tự ti khi những buổi hội họp của công ty, trường lớp, khi ai đó cũng có đôi thì mình chỉ đứng lóng ngóng một mình
|