16/10/2011
542 lượt xem
Làng nằm cách thủ đô Hà Nội chừng 47 km về phía Tây, cách trung tâm hành chính Thị xã Sơn Tây 5 km. Gọi là Làng cổ nhưng đó là sự quy tụ của 5 thôn trong tổng số 9 thôn của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây là: thôn Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm với diện tích tự nhiên của Làng cổ khoảng 800,25 ha, dân số hơn 8000 người. Nơi ấy đã được nhiều người biết đến với những cái tên rất thuần Việt như “Làng Việt cổ”, “Làng cổ đá ong Đường Lâm”, hay địa danh “ấp hai Vua”. Cũng như rất nhiều làng quê của Thủ đô thời mở rộng nói riêng và cả nước nói chung đang hội nhập và hoà mình với dòng chảy công nghiệp hoá - hiện đại hoá, thế nhưng cái Làng Việt cổ ấy ở một vị trí rất gần với đô thị lại vẫn ẩn chứa và giữ trong mình một kho tàng những giá trị văn hoá, lịch sử đồ sộ và rất quý báu. Đó là thành quả của quá trình lao động, sự sáng tạo, trí tuệ và những đôi bàn tay khéo léo của bao thế hệ người nông dân được sinh ra, lớn lên và tồn tại ở vùng quê “địa linh nhân kiệt” – xứ Đoài mây trắng. Nếu du khách đến với phố cổ Hội An (Quảng Nam) để được tham quan, tìm hiểu những giá trị văn hoá đặc trưng của cuộc sống đô thị hồi thế kỷ 16 – 17 ở xứ Đàng Trong với những ngôi nhà, phong tục, lễ hội, ẩm thực, kiến trúc đại diện cho những tầng lớp thương gia phong kiến nơi phố Hội có những nét pha trộn du nhập nền văn hoá bang giao như của xứ sở Phù Tang, Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc thì khi đến với làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, họ lại được hoà mình, được chiêm ngưỡng một “bảo tàng sống” về lối sống nông nghiệp – nông thôn Việt Nam. Nó rất đặc trưng, điển hình cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gắn liền với hai con sông huyền thoại, đó là Hồng Hà và Tích Giang. Hầu như những “tài sản văn hoá” vô hình hay hữu hình rất đa dạng, phong phú của người nông dân Việt Nam vẫn còn được bảo tồn và gìn giữ ở nơi đây. Đó là những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể quý báu.
* Những di tích lịch sử văn hoá - kiến trúc nghệ thuật
Đó là cổng làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, chùa Mía, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, đình Phùng Hưng, đền – lăng Ngô Quyền, Đền phủ Bà Chúa Mía, chùa Ón, các nhà thờ họ, quán, điếm, miếu, giếng. Các loại hình di tích ấy có mặt ở tất cả các thôn của làng cổ.
- Cổng làng Mông Phụ là chiếc cổng cổ và còn tương đối nguyên vẹn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nằm soi mình bên hồ nước, cùng với cây đa cổ thụ, cổng quay về hướng đông nam. Chỗ ấy đã trở thành nơi rất thân thuộc, gần gũi cho bao thế hệ người dân của làng. Thuở ngày xưa, cùng với luỹ tre gai bên ngoài rìa, hai cánh cổng lim được khép lại về đêm sẽ bảo đảm cho sự an toàn và bình yên của làng. Thời gian ấy, mọi người đều tuân thủ theo quy tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
- Đình Mông Phụ nằm ở vị trí cao, giữa trung tâm của làng. Cái tên Mông Phụ gắn liền với quê hương của nhà nho học Khổng Tử của Trung Quốc thời cổ đại. Nguyện ý của những người khi mới đến lập làng là miền quê nhỏ bé này sẽ mở mang, rạng rỡ về con đường tu chí học tập noi gương Khổng Tử. Đình có kiến trúc độc đáo, rất đặc trưng của các ngôi đình cổ còn tồn tại ở Việt Nam như các bức chạm nghệ thuật, hướng đình, sập gỗ lim, hai giếng nước. Đình thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn – một vị được xếp vào hàng đệ nhất phúc đẳng thần trong Tứ bất tử của người Việt. Quả là không sai khi người xưa có câu sấm truyền “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Đình ở xứ Đoài rất nổi tiếng, ngoài Mông Phụ còn có Tây Đằng, Chu Quyến, Thuỵ Phiêu (Ba Vì), Tường Phiêu (Phúc Thọ).
- Nhà thờ Thám hoá Giang Văn Minh – nơi ghi danh đức độ, tinh thần xả thân vì đất nước của vị sứ khi làm nhiệm vụ tại đất nước Trung Hoa thời vua Sùng Trinh (nhà Minh) với tài đối đáp khéo léo, đanh thép hồi thế kỷ 17.
- Chùa Mía còn có tên là Sùng Nghiêm Tự, nằm trên khu đất cao của thôn Đông Sàng. Đây là ngôi chùa cổ rất thuần Việt. Trong chùa còn bảo lưu một hệ thống tượng Phật rất phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá, bao gồm 287 pho và nhiều di vật quý. Chùa Mía cùng với đền Phủ, chùa Viễn, bến phà Hà Tân, chợ Mía, cổng làng Đông Sàng, rạch Phủ, là những công trình gắn liền với công lao to lớn của bà Ngọc Dong (Ngọc Dao) – một người con của quê hương và là cung phi của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng. Đến với chùa Mía để được hoà mình vào cõi linh thiêng, u tịnh, thanh cao nơi đất phật với những huyền tích rất ly kỳ của các vị Phật qua những năm tháng khổ luyện, thành tâm đến ngày thành đạt. Ai ai cũng cảm nhận được những lời răn dạy, lẽ phải nơi cửa phật. Ngoài ra, các tác phẩm ấy còn khẳng định giá trị vô giá về mỹ thuật, điêu khắc. Ấy là sự lao động miệt mài sáng tạo của những nghệ nhân đất Việt hồi thế kỷ 18,19.
- Rời Sùng Nghiêm Tự, đến với ấp Cam Lâm qua chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng sông Tích. Nơi ấy đã sinh ra hai vị anh hùng làm rạng rỡ non sông đất nước, đó là Bố Cái Đại Vương – Phùng Hưng (hồi thế kỷ thứ 8) và Tiền Ngô Vương – Ngô Quyền (hồi thế kỷ thứ 10). Đến với ngôi đình Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, mỗi chúng ta đang được hồi tưởng về thân thế, sự nghiệp của hai vị vua. Phùng Hưng có sức khoẻ hơn người, có thể dùng tay không đánh hổ, ngăn hai con trâu đánh nhau. Ngô Vương ngày cất tiếng khóc chào đời đã là một đứa trẻ có những dấu hiệu khác thường như: mặt mũi khôi ngô, trên mình có 3 điểm sáng.
Chiến thắng giặc Tống và tên đô hộ khét tiếng Cao Chính Bình ở phủ Tống Bình (Hà Nội ngày nay) vào năm 791 của vua Phùng Hưng đã giải phóng một vùng rộng lớn và xây dựng nền tự chủ, và 147 năm sau, trận Bạch Đằng Giang lừng lẫy do Ngô Quyền chỉ huy đã nhấn chìm đại quân xâm lược Nam Hán, thống nhất đất nước sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Đó là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Cổ Loa đã được Ngô Vương chọn làm nơi đóng đô và xây dựng nền độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc.
Ngoài ra còn rất nhiều di tích khác như: nhà thờ họ, xích hậu, các quán, điếm canh, giếng cổ quanh làng. Gắn liền với đó là các lễ hội truyền thống – ngày mà tất cả những người con quê hương, dù ở tận nơi xa cũng gắng xếp mọi công việc để về dự. Thật tự hào và thiêng liêng khi được trở về với nơi “ chôn rau cắt rốn” của mình, được thắp nén hương, nghiêng mình kính cẩn trước các vị anh linh, thánh hiền tổ tiên.
* Nét độc đáo về kiến trúc những ngôi nhà cổ
Những ngôi nhà nằm ẩn mình và phủ màu rêu phong trên bề mặt những viên ngói mũi ri, tạo nên hình thù võng lưng (giống lưng con lợn ỉn của Bắc Bộ ngày xưa). Gắn liền với nhà là sân, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm, bình phong, ao, cây rơm và chiếc cổng có mái che gắn với cái tay nắm xoay tròn. Những ngôi nhà ấy được xây cất bằng các loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài như: đá ong (cấu tạo lên các bức tường, bảo đảm cho nhà mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông), tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, đất nện, trấu, bùn, mùn cưa, vôi, cát, sỉ, rơm rạ. Nhà nào có kinh tế khá giả thì dùng chất liệu gỗ tứ thiết (đinh – lim – sến – táu). Nhà được bố trí kiến trúc 5 hàng chân, với mô hình 5 gian hay 7 gian 2 dĩ; hệ thống ngách, cửa bức bàn hoặc cánh phố. Trần nhà thường gác cái thước “lỗ ban” nơi câu đầu, xà nóc có khắc niên đại; các bức thùng, vòm cửa là nơi được khắc nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ. Gian giữa, chiếm nhiều diện tích, là nơi bố trí ban thờ tổ tiên. Gắn liền với đó là các bộ hoành phi, câu đối, tranh ảnh cổ, các bộ đồ thờ, những kỷ vật của các bậc tiền nhân, phía dưới đặt bộ phản để ngồi. Ngoài ra còn có thêm bộ trường kỷ. Trên bàn hầu như nhà nào cũng có chiếc ấm tích ủ nước chè xanh mời khách hoặc đôi khi là chiếc điếu bát, điếu ống tre để hút thuốc lào.
Ngoài những di tích điển hình, còn có hệ thống nhà thờ họ, miếu, quán, giếng cổ, ngõ; kèm theo đó là hệ thống cảnh quan môi trường sinh động với 36 gò đồi, 18 rộc sâu, 49 ao, hồ, vũng, chuôm, hàng chục cây cổ thụ gồm: đa, đề, si, ruối, trong đó nổi bật là rặng ruối cổ gồm 29 cây ở khu vực đền – lăng Ngô Quyền. Tương truyền, nơi đây, vua Phùng Hưng và Ngô Quyền đã buộc voi, ngựa chiến. Những thửa ruộng, gò, đồi bãi mấp mô cực kỳ sinh động và hấp dẫn những nhiếp ảnh gia khi mùa vàng đến, hay lúa, ngô đương thì “con gái” với màu xanh mướt mượt mà.
* Nét văn hoá ẩm thực nơi làng quê đậm chất hồn cổ người Việt
Đó là các món ăn rất bình dị, mộc mạc bằng những sản vật từ chính miền quê “bán sơn địa” này, đó là: thịt gà Mía, xôi nếp, bánh tẻ, chè kho, chè lam, rượu, cá kho tương, đậu phụ, cà xé phay; ăn xong tráng miệng bằng bát nước chè tươi với củ khoai lang vàng nghệ cùng một số hoa quả đặc trưng khác như: ổi găng, ổi tây, mít, xoài, hồng xiêm, đu đủ, chuối, dứa, hay vài bắp ngô luộc cùng bát nước luộc sánh thơm còn vương vấn những sợi râu ngô.
* Mảnh đất hiếu học – nơi có những dòng họ “trâm anh thế phiệt”
Ngoài hai vị anh hùng làm rạng danh non sông đất nước, đất cổ Đường Lâm còn có những dòng họ sinh ra những nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực: thủa xa xưa đất Đường Lâm là nơi sinh ra bà Man Thiện – thân mẫu của Hai Bà Trưng đã góp sức cùng con gái và một số nữ tướng đánh giặc Đông Hán và anh dũng hy sinh những năm 43 của thế kỷ thứ I; bà Nguyễn Thị Ngọc Dao – cung phi của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, người con gái hiền tài, đẹp nết; Sứ thần – Thám hoa Giang Văn Minh (1573 – 1639); Khâm sai đại thần – Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Phan Kế Toại (1898 - 1973); Phó bảng Kiều Oánh Mậu (1854 – 1912); Đốc học Đỗ Doãn Chính; Bộ trưởng Bộ thuỷ lợi Hà Kế Tấn (1912 – 1998); hoạ sỹ tài ba Phan Kế An.
Với những giá trị văn hoá, lịch sử quý báu, quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia ngày 28 tháng 11 năm 2005. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, các tổ chức hợp tác quốc tế, sự phối kết hợp chặt chẽ của chính quyền và nhân dân địa phương, quần thể di tích “sống” ấy đã và đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, khai thác giá trị một cách có hiệu quả. Nhiều dự án về bảo tồn, phục hồi các công trình di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá đã được triển khai. Bộ mặt cuộc sống nông thôn nơi làng cổ đã thay đổi. Một bộ phận gia đình đã biết tận dụng lợi thế, tiềm năng để khai thác, thu hút khách du lịch nhằm nâng cao mức thu nhập. Cơ quan quản lý đã và đang khẩn trương hoàn thiện bản quy hoạch tổng thể “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm” để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đó sẽ là căn cứ khoa học pháp lý để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hoá trong quần thể di tích Làng cổ một cách bền vững, hiệu quả với mục tiêu lớn là “bảo tồn để phát triển”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ lâu dài đó, ngay từ bây giờ cần có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều cấp, ngành và đại bộ phận nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Di sản văn hoá, nguyên tắc bảo tồn và các văn bản, nghị định khác có liên quan. Là di tích gắn liền với cuộc sống của đông đảo nhân dân nên mọi chương trình đầu tư, sửa chữa ở các lĩnh vực đều có mối liên hệ mật thiết và khăng khít với nhau như: việc xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình của nhân dân, công trình phúc lợi tập thể (điện - đường – trường – trạm). Ngoài bảo tồn kiến trúc cổ, còn những yếu tố phụ cận liên quan rất quan trọng như: không gian, cảnh quan, môi trường sinh thái.
Cùng với các di tích danh lam thắng cảnh tiêu biểu nổi bật trên địa bàn Thị xã như: Thành cổ Sơn Tây, Đền Và (Đông Cung), quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm đang trở thành điểm đến, là tour du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi về với Thủ đô Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
tham khảo thêm tại: langcoduonglam.com