13/01/2014
926 lượt xem
Dự án Khu du lịch sinh thái Quốc tế (DLSTQT) do Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Quốc tế đầu tư dựa trên kiến trúc cảnh quan tự nhiên sẵn có và tôn tạo, giữ gìn đặc trưng của vùng quê nơi tận cùng Tổ quốc.
Dự án này được các nhà làm du lịch đánh giá là một trong những trung tâm bảo vệ, tôn tạo các hệ sinh thái động, thực vật, cảnh quan môi trường thiên nhiên của tỉnh.
Theo nhận định của Trung tâm Thông tin và Quảng bá du lịch tỉnh, sở hữu vị trí đắc địa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, khu DLSTQT chỉ cách TP Cà Mau khoảng 7 km theo hướng Quốc lộ 1, là cửa ngõ đón đầu khách đến tham quan các khu, điểm du lịch trọng điểm: Đất Mũi, đầm Thị Tường, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Hòn Đá Bạc…
Nơi đây hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi” để trở thành một điểm dừng chân lý tưởng và hấp dẫn với đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước.
Đậm nét đặc trưng
Phối cảnh bên ngoài Khu Du lịch sinh thái Quốc tế (tọa lạc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước). Ảnh chụp lại
Toạ lạc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, với diện tích 6,4 ha, Khu DLSTQT ban đầu (năm 2000) chỉ là mảnh vườn gia đình, chủ yếu trồng cây ăn trái, cau kiểng, nuôi cá… Những dịp lễ, Tết hay cuối tuần, nơi đây trở thành điểm đến thú vị để họp mặt bạn bè, gia đình, rồi đến từng nhóm khách nhỏ với những trải nghiệm đậm nét quê: văn nghệ - đờn ca, chèo xuồng, câu cá, tát đìa, tự chế biến món ăn Nam Bộ dân dã…
Ông Trần Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV DLSTQT, chủ dự án, cho biết: Thực tế, du lịch Cà Mau vẫn chưa phát triển rõ nét loại hình du lịch sinh thái và sản phẩm du lịch không có nét đặc trưng. Khi đến Cà Mau, du khách chỉ chú ý đến một số điểm du lịch chính như Đất Mũi, Hòn Đá Bạc…
Song, khách chỉ đến một lần và không ở lâu. Chính điều đó đặt ra vấn đề “Cà Mau là vùng đất trẻ, đầy tiềm năng, tại sao du lịch lại không “níu” chân khách?”.
Ấp ủ ý tưởng, ông Hùng bắt đầu mài mò, tìm hiểu về cái “gu” du lịch từ chính những người bạn phương xa đến thăm, đúc rút từ những chia sẻ về cách nhìn nhận, đánh giá của bạn bè. Để học hỏi, so sánh và tìm kiếm sự mới lạ vun đắp ý tưởng, ông đã đến tham quan nhiều điểm du lịch khắp nơi trong cả nước, kể cả nước ngoài và ghi chép cẩn thận những chi tiết cần bổ sung, để khởi tạo một dự án.
Đầu năm 2013, ngay khi công bố dự án Khu DLSTQT với nhiều ý tưởng mới lạ, ông Hùng nhận được nhiều sự ủng hộ, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và tiến hành thực hiện ngay dự án theo đúng tiến độ.
Ông Hùng phấn khởi: “Cảm hứng được khởi nguồn từ thiên nhiên, dự án khu du lịch có kiến trúc cảnh quan được thiết kế với phong cách độc đáo, ấn tượng theo lối hiện đại nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt của vùng đất Cà Mau: vạt rừng xanh, những cánh đồng lúa và lưu giữ đờn ca Nam Bộ…
Với vốn đầu tư 84 tỷ đồng, các hạng mục sẽ được lập dựng gồm: chăn nuôi, trồng trọt, khu vui chơi, giải trí, ẩm thực, tham quan, nghỉ dưỡng… Hứa hẹn đây là một khu du lịch có không gian sống rất thực và thoáng đạt, mang tính đồng quê pha chút hiện đại. Mỗi khu mang vẻ đẹp kiến trúc riêng, có sức lôi cuốn đặc biệt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của cả khách du lịch và người dân trong vùng.
Dự kiến giai đoạn 1 với diện tích 34.000 m2 gồm: sảnh đón khách, cảnh quan, hầm rượu, Bungalow, Nhà thuỷ tạ, khu câu cá, khu chăn nuôi, trang trại… sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2014; giai đoạn 2 tiếp tục hoàn thành vào cuối năm 2015.
Hướng phát triển bền vững
Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Dũng cho biết: Hiện nay xu hướng của khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ đơn thuần là đến tham quan mà còn thích được khám phá với những trải nghiệm thực tế.
Chính vì vậy, họ rất ưa chuộng hình thức du lịch sinh thái cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên, sông nước. Đã qua, tỉnh có nhiều khu du lịch được mở ra, xây dựng khang trang, trong đó, nhiều khu DLST - dã ngoại được hình thành như: khu DLST Sông Trẹm tại xã Khánh Thuận (U Minh), khu đa dạng sinh học Lâm trường 184, các khu vườn chim…
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có việc nằm trái tuyến và hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức nên chưa phát huy hiệu quả. Du khách ngại đến, thu nhập từ du lịch bấp bênh, nay dần bỏ ngỏ. Với dự án khu DLSTQT, lợi thế về vị trí, được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp vận động, rất phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tạo tiền đề hướng đến sự phát triển DLST bền vững.
Điểm nhấn của khu DLSTQT là sự “pha trộn” các lối kiến trúc hiện đại như: sảnh đón tiếp, quảng trường, Bungalow, hồ bơi, khu vui chơi… được thiết kế đan xen với nét dân dã thôn quê, với những trang trại chăn nuôi, đặc biệt là hai hệ sinh thái nước mặn - nước ngọt… Nhưng quan trọng nhất được xem là bí quyết, đó là phải dựa vào dân, dân cùng làm du lịch và cùng hưởng lợi.
Trong đó, cốt yếu là tạo điều kiện để cộng đồng dân cư trên tuyến du lịch, lân cận điểm du lịch phát huy các loại hình văn hoá, văn nghệ dân gian, ngành nghề thủ công truyền thống phục vụ khách du lịch, nhằm góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân từ dịch vụ du lịch.
Khu Du lịch sinh thái Quốc tế là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc hiện đại với nét hoang sơ của thiên nhiên (phối cảnh Quảng trường Trung tâm). Ảnh chụp lại
Ông Hùng cho hay: Nét độc đáo của khu DLSTQT là mong muốn mang đến cho du khách màu sắc và âm hưởng văn hoá Nam Bộ đờn ca tài tử và kể chuyện bác Ba Phi xuyên suốt các buổi tối trong tuần, hay phục vụ theo nhu cầu khách.
Tái dựng các làng nghề: dệt chiếu Tân Thành, đan đát Tân Bằng, nấu rượu Tân Lộc… cùng với những sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu và bảo đảm chất lượng: mật ong U Minh, khô bổi Trần Văn Thời, ba khía Rạch Gốc, mắm Thới Bình…
Đặc biệt, cùng lúc hai hệ sinh thái nước mặn - nước ngọt có mặt tại nơi này với việc bảo tồn động, thực vật và tạo dựng cảnh quan môi trường thiên nhiên theo kiểu “du lịch sạch” gắn với sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
Trên bước đường đi tìm và khẳng định “thương hiệu” du lịch của vùng đất có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái, sự có mặt của khu DLSTQT hy vọng sẽ mở ra cơ hội mới, tiếp tục tạo niềm tin và “giữ chân” du khách khi đến Cà Mau. Hiện nay, chủ dự án đang nghiên cứu, hợp tác triển khai thực hiện hướng đến mô hình sinh thái “Cà Mau thu nhỏ”.
Và chắc chắn với tư duy năng động của mình, sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời. Với loại hình du lịch này, rất nhiều du khách sẽ “phải lòng” con người và cuộc sống nơi cuối trời, hứa hẹn những “tiềm năng vàng” cho hình thái du lịch sinh thái phát triển bền vững./.
Băng Thanh