03/06/2011
869 lượt xem
Đời người giống như sự vận hành của tiết trời: Xuân Hạ Thu Đông nhưng khác một điều là cuộc đời bắt đầu từ mùa xuân của tuổi trẻ học trò thơ mộng rồi bước sang mùa hè nóng bỏng của tình yêu lứa đôi. Khi nắng hè chói chang lịm tắt, nắng thu vàng heo hắt chào đón mùa thu cuộc đời, báo trước một mùa đông lạnh lẽo cô đơn của tuổi già hiu quạnh để rồi kết thúc một đời người bằng giấc ngủ đông dài vô tận.
Đêm! Lang thang...một mình qua những con phố dài....và chợt nhận ra một nửa mùa thu đã ra đi...mùa mà em yêu nhất trong năm...em yêu những vạt nắng nhàn nhạt của mùa thu, yêu những chiếc lá úa vàng rơi trong gió...yêu cả những cơn mưa thu lãng đãng...trong những chiều hoàng hôn...nhưng tất cả những điều ấy em chưa một lần được chạm tay vào...mùa thu chưa bao giờ là mùa của riêng em...vậy mà em vẫn yêu...mùa thu...
Mùa thu ở Sài Gòn không thoảng hương hoa sữa, cũng không có khoảng trời vàng rực của hoa cúc...như miền bắc quê mình. Mùa thu ở Sài Gòn chỉ có những cơn mưa với những con đường nhem nhép nước...mà Hi của em rất ghét. Những cơn mưa thu không bất chợt đến, không ồn ào như những cơn mưa mùa hạ. Những giọt mưa thu mỏng manh, long lanh và dai dẳng ...đến nao lòng!
Mùa thu là một sự giao thoa tuyệt vời giữa mùa hạ oi ả nóng bức với mùa đông lạnh lẽo, buốt giá...vì thế mùa thu thường gợi cho ta rất nhiều cảm xúc...bởi mùa thu rất quyến rũ với màu vàng của hoa cúc...một sức sống không quá ồn ào nhưng cũng không kém phần mãnh liệt...
Mùa thu còn có màu vàng của những chiếc lá úa màu gợi cho ta một chút hoang sơ tiêu điều...một sức sống bắt đầu tàn lụi sau bao năm tháng...như sự hợp tan, ly biệt của cuộc sống.
Và mùa thu cũng gợi lên bao day dứt, tiếc nuối...và cả những nỗi nhớ chưa nguôi...
Mùa thu còn khiến người ta liên tưởng và thẩm thấu những bẽ bàng, u uất...trong mỗi con người...Mùa thu cũng se lạnh, tĩnh mịch cũng tái tê...lòng người đa cảm...cái lạnh của mùa thu thẩm thấu đến cả tiếng đàn...Với em mùa thu luôn là một bản nhạc dài bất tận những tâm tư ngập ngừng, những e ấp, thẹn thùng... những tâm trạng chưa một lần có thể nói thành lời...vì thế em chỉ có thể im lặng và nhìn những mùa thu ra đi...
(Blog của 1 người khách vãng lai qua cuộc đời tôi)
|
01/06/2011
659 lượt xem
Vùng cao Tây Bắc với mây ngàn, gió núi đã tạo cho các em nhỏ những trò chơi, thú vui đặc biệt, hòa hợp với thiên nhiên kỳ vĩ và một nụ cười trong trẻo, tươi tắn, hồn nhiên như chính núi rừng..
Hãy lên Tây Bắc một lần để được lắng nghe tiếng cười của trẻ nhỏ, xem các em học, chơi và làm việc giúp đỡ gia đình. Cuộc sống của các em luôn rộng mở, đầy ắp những tiếng cười trong trẻo dù thường ngày còn nhiều thiếu thốn.
Theo Dân trí
|
01/06/2011
643 lượt xem
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông báo tuyển 40 suất học bổng đào tạo tiến sỹ tại Pháp để làm giảng viên, nghiên cứu viên của trường bằng ngân sách nhà nước năm 2011.
.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Các ngành đào tạo tập trung vào 6 lĩnh vực, gồm công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học - dược học; nước - môi trường - hải dương học; khoa học vật liệu - công nghệ nano; năng lượng; và khoa học hàng không - vũ trụ.
Đối tượng dự tuyển là các học viên mới tốt nghiệp cao học với kết quả học tập đạt khá trở lên; sinh viên tốt nghiệp đại học trình độ kỹ sư (hệ đào tạo 5 năm) đạt loại giỏi, chưa có cơ quan công tác; các giảng viên, cán bộ (biên chế hoặc hợp đồng) đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trung tâm công nghệ cao, có khả năng sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, có nguyện vọng được đào tạo và cam kết sau khi tốt nghiệp trở về làm giảng viên tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Chương trình học bổng là đề án nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa chính phủ Pháp và Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2020, đào tạo 400 tiến sỹ nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên cho trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trong đó kinh phí chủ yếu được sử dụng từ ngân sách nhà nước và phía Pháp sẽ hỗ trợ một số các chi phí tại Pháp.
Ứng viên dự tuyển cần nộp bộ hồ sơ theo mẫu và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về trình độ học vấn và ngoại ngữ được quy định theo thông báo chi tiết đăng tải trên các website:
http://www.moet.gov.vn
http://www.vied.vn
http://usth.edu.vn
hoặc liên hệ với Văn phòng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Hạn nộp hồ sơ trước ngày 15/9/2011.
Thời gian phỏng vấn dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 11 năm 2011.
Người trúng tuyển dự kiến sẽ đi học trong quý I/2012
Theo TTXVN
|
01/06/2011
604 lượt xem
Không buông những học sinh (HS) yếu kém, thầy cô nhiều trường THPT vẫn đồng hành cùng HS đến sát ngày thi bằng nhiều cách khác nhau.
Học sinh lớp 12A6 Trường THPT Hồng Hà, TP.HCM ôn bài môn sinh học chiều 30-5 - Ảnh: Như Hùng
Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc của người đứng đầu một trường, cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - vẫn nhận nhiệm vụ chủ nhiệm một lớp 12 đặc biệt gồm 35 HS cá biệt, học lực yếu, bắt đầu từ học kỳ II và theo các em đến sát kỳ thi.
Những “liệu pháp đặc biệt”
Cô Nhiếp cho biết: “Các em ở lớp đặc biệt không chỉ có vấn đề ở học lực, nên việc rèn giũa đưa các em vào nề nếp rất vất vả. Phương pháp dạy học là tạo cho các em sự tự tin, hứng thú để các em chủ động và vui vẻ ngồi vào bàn tự học. Khi các em đã biết tự học, khả năng thành công rất cao”.
Nhiều HS trong lớp này lúc đầu không thể giải một bài toán cơ bản, không biết cách viết một đoạn văn. Học yếu, thiếu tự tin, chán học và hầu như không hi vọng mình thi đỗ tốt nghiệp là tình hình chung của những HS này. Thế nhưng, đều đặn năm tiết mỗi buổi chiều (ngoài giờ học chính khóa buổi sáng), các em được ôn tập lại theo hướng “hổng đâu bù đó”, được chỉ dẫn cách tự mình thu nạp kiến thức, tham gia thi thử... Kết quả nhiều em đã tiến bộ trông thấy.
Một người cha có con học lớp này đã khóc trong buổi học cuối cùng của con. Ông nói tưởng đã phải bó tay với con nhưng giờ ông tin con mình sẽ thi đỗ. Trong buổi cuối cùng, có HS đã thốt lên: “Cô ơi, cô yên tâm, con sẽ thi đỗ để cô không phải xấu hổ vì con”. Em N.N.M. cho biết: “Trước đây em mải chơi, trốn tiết, dẫn đến việc không hiểu bài nên rất nản, nhưng với sự giúp đỡ của các thầy cô, em đã lần lượt học lại những kiến thức cơ bản nhất, giờ em tin sẽ đỗ tốt nghiệp”.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết năm học trước “lớp 12 đặc biệt” của trường cũng đã được mở, 100% số học sinh của lớp này đỗ tốt nghiệp, một số em đỗ với kết quả cao. Năm nay có ít nhất 2/3 số học sinh của lớp đặc biệt có chuyển biến rất rõ trong học tập, ý thức.
Tổ chức lớp theo môn
Trường THPT Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) lại tổ chức lớp theo môn học. Mỗi lớp học chỉ khoảng 10 học sinh. Theo các thầy cô phụ trách lớp, rất nhiều học sinh yếu môn toán, lý nhưng lại học tốt môn văn, địa và ngược lại. Thời gian ôn thi không còn nhiều nên việc tổ chức lớp học như thế này để tiết kiệm thời gian cho HS và cả giáo viên. HS còn yếu môn nào đăng ký học môn ấy.
Những ngày cuối cùng trước khi thi, HS được các thầy cô giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về kiến thức từng môn thi, dặn dò những việc cần làm và không được làm khi bước vào phòng thi.
Thi vấn đáp là hình thức ôn tập khá đặc biệt của Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội. Nhiều HS của trường này cho biết đợt kiểm tra vấn đáp rất căng thẳng, nhưng lại giúp nhớ bài rất lâu và tập thói quen suy nghĩ thật nhanh, đòi hỏi vững kiến thức.
Bên cạnh việc kiểm tra vấn đáp đối với 100% học sinh lớp 12, nhà trường khuyến khích các lớp áp dụng hình thức này để “truy bài”, đặc biệt là những HS khá truy bài với học sinh còn yếu. N.H.H., một HS có lực học yếu đầu học kỳ II, cho biết: “Khi trao đổi trực tiếp với thầy cô, bạn bè, em vỡ ra được nhiều điều chưa hiểu trong lúc học. Những sai sót vấp phải trong lúc truy bài, trả lời vấn đáp lại là những kiến thức em ghi nhớ lâu hơn. Đây cũng là cách thức giúp em đỡ run hơn khi bước vào phòng thi”.
Trong khi đó, Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) đã dành sáu tuần trước kỳ thi để tập trung giáo viên giỏi bồi dưỡng riêng cho bốn lớp HS có trình độ dưới trung bình. Riêng môn sinh học, trường tổ chức thêm buổi để thầy cô căn dặn HS về các dạng bài thường gặp, hướng dẫn phương pháp làm bài.
Tại Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM) - một trong những trường có đầu vào khá thấp ở TP.HCM, hoạt động ôn tập, phụ đạo cho HS yếu, kém kéo dài tới sát ngày thi. Trong số 269 HS khối 12, những HS khá, giỏi được khuyến khích tự học, riêng những HS còn yếu, kém được hướng dẫn, kèm cặp sát sao để có thể đạt điểm trên trung bình.
Tạm quên bài vở trước ngày thi
Hai ngày trước kỳ thi tốt nghiệp THPT là thời gian mà HS khối 12 Trường THPT tư thục Nhân Văn (Q.Tân Phú, TP.HCM) được nghỉ ngơi hoàn toàn, tạm quên các công thức, bài tập và những kiến thức ngồn ngộn.
Cô Hoàng Thị Minh Liên, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngày 1-6, HS khối 12 sẽ được thầy cô đưa đi tham quan một vòng bến Bạch Đằng, cho các em thoải mái vui chơi, sau đó đưa các em đi ăn phở, món mà các em rất thích. Buổi tối trước ngày thi, nhà trường sẽ tổ chức cho phụ huynh gặp HS để động viên, dặn dò”.
Tương tự, học sinh Trường THPT tư thục Thành Nhân (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng được chăm chút bữa ăn hơn để bồi bổ sức khỏe cho các em trước ngày thi. Hoạt động ôn tập được chuyển sang “chế độ” tự học, trong đó giáo viên quản nhiệm túc trực 24/24 để chăm sóc và giúp đỡ các em ôn bài khi cần. Các lớp học được chia thành hai ba nhóm để ôn tập hiệu quả hơn. Trước kỳ thi một ngày sẽ là thời gian cho HS nghỉ ngơi để thoải mái bước vào kỳ thi sắp tới.
Theo Tuổi trẻ
|