|
|
21/05/2010
|
|
Một sự đồng cảm
Trong thời gian lưu lại Đà Lạt, mỗi ngày tôi đều đến đây ít nhất một lần. Đó là một nhà hàng - quán cà phê rộng rãi và nên thơ nằm dọc theo bờ Hồ Xuân Hương có cái tên hơi lạ tai: Mei Xuân Hương. Dưới tán tùng, thông xanh um, tiếng nhạc không lời văng vẳng. Một chốn thanh bình cho những người muốn có một nơi yên tĩnh nhưng không quá tịch mịch .
Tối hôm đó tôi chọn một bàn gần lối đi nhất. Sau khi ăn, tôi ngồi lướt web, thỉnh thoảng lại khoan khoái nhấp từng ngụm cocktail Mojito thơm mùi bạc hà. Tận hưởng cảm giác yên bình và cảm thấy mình thật hạnh phúc khi đã khám phá ra chốn này. Bỗng dưng, không khí yên bình đó bị phá vỡ bởi tiếng bóp còi inh ỏi của một chiếc Mercedes màu đen bóng loáng. Hai người đàn ông đứng tuổi bước xuống sau tiếng dập cửa xe thật mạnh.
Người đàn ông đi trước có chiếc đầu hói bóng lưỡng hất hàm nói bằng giọng Bắc rất nặng:
- Này em. Một bàn xịn nhất cho hai anh nhá.
- Dạ. Mời hai chú…à, anh theo lối này ạ.
- Bảo mấy thằng bồi mang nước ra ngay nhá. Khát bỏ mẹ luôn rồi!
Cô nhân viên vẫn giữ nét mặt tươi cười trước câu nói chối tai. Cô nhanh nhẹn dọn bàn rồi nhanh chóng mang ra hai ly trà artichoke còn đang bốc khói.
Người đán ông trẻ hơn cầm ly nhấp ngay một ngụm rồi la toáng tên:
- Trà gì lạ vậy? Hôi như là thuốc bắc ấy!
- Dạ, đây là trà a-ti-sô ạ, cô gái cố gắng giải thích một cách rành rọt, a-ti-sô là một loại cây chỉ có ở Đà Lạt. Nó rất tốt cho gan, thân, làm lợi tiểu và giải nhiệt. Ngoài ra, bông của nó nấu canh với xương rất ngọt và bổ dưỡng đấy ạ.
Đáp lại thiện ý của cô bé là một tràng cười khả ố:
- Vậy à? Nhưng anh đây chỉ thích uống loại nào…”bổ dương” thôi, cô em ơi!
Cô gái có phần lúng túng, đành gắng gượng cúi đầu chào hai ông khách “quý” rồi quay đi.
Tôi không thể giấu một cái nhăn mặt khó chịu trước hai vị khách kệch cỡm, ăn nói thô tục. Khi cô gái trở lại với cuốn menu màu đỏ trên tay, gã đầu hói cau mày:
-Sao lâu vậy?
-Dạ, em xin lỗi. Xin hai anh thông cảm vì đông khách quá. Trong lúc chờ nhà bếp làm món ăn, hai anh uống gì ạ?
- Sữa, em! Ông ta cố tình nói không ngắt câu và cười đểu cáng, ánh mắt không ngừng dò xét trên ngực cô gái.
- Dạ… sữa gì ạ?, cô gái chớp chớp mắt nhưng vẫn gắng gượng nở nụ cười hỏi lại.
- Anh muốn sữa tươi, vắt tại chỗ càng tốt.
Nói xong, cả hai nhìn nhau đầy ẩn ý rồi phá lên cười sặc sụa. Tiếng cười sao mà nham nhở và chát chúa giữa một chốn tao nhã và thanh lịch như thế này. Tôi cảm thấy phẫn nộ thay cho cô gái đáng thương.
Cô nhân viên bé nhỏ vẫn cố giữ bình tĩnh:
- Cháu chỉ đáng tuổi con của hai chú thôi. Xin hai chú tự trọng cho!
- Mày nói cái gì?!
Mặt gã hói tím bầm, sừng sộ đứng lên định gây sự với cô bé nhưng người kia chừng như còn tỉnh táo hơn, ngăn hắn lại.
Tôi ngồi ở bàn bên cạnh, chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, căm ghét bọn người vô giáo dục kia bao nhiêu thì càng thương và nể phục cho sự nhẫn nhịn và câu cảnh tỉnh rất đúng “liều lượng” của cô. của cô nhân viên kia.
Lúc đó, tôi đã đến bên cô bé an ủi vài lời và được biết em là sinh viên đi làm thêm. Về nhà, chuyện hai gã “ễnh ương” kia vẫn ám ảnh tôi và tôi viết lên những dòng này để đông đảo các bạn đọc đồng cảm với cô nhân viên phục vụ đáng mến.
|