Tục ngữ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cà phê phải đen như Địa Ngục, phải đắng như Tử Thần và ngọt ngào như Tình Ái (Coffee should be black as Hell, strong as Death, and sweet as Love). Liệu như thể đã đủ để khái quát về cà phê? Bằng ngôn từ làm sao diễn tả được cái sắc nâu đen huyền bí, vị đắng đầy mê hoặc, mùi thơm nồng nàn quyến rũ mà bao người không thể thoát khỏi ma lực kỳ lạ của nó?
Bởi thế, khi các quán rượu mọc lên như nấm thì các tiệm cà phê cũng thi nhau mở trên khắp miền đất nước. Ở Đà Lạt cũng vậy. Mỗi tiệm một khung cảnh, một phong cách và hương vị riêng. Nhưng có lẽ, nếu không có khí hậu lành lạnh rất riêng, những cơn mưa thầm thì mà dai dẳng thì uống cà phê ở Đà Lạt cũng chẳng khác biệt gì so với các địa phương khác trên khắp Việt Nam.
Những quán cà phê với những cái tên đầy gợi nhớ sẽ còn tiếp tục mọc lên và dù vô tình hay hữu ý đều góp phần xây dựng nên cái gọi là văn hóa cà phê Đà Lạt. Mà liệu Đà Lạt có tồn tại hay chăng một thứ gọi là văn hóa cà phê? Nhiều người sẽ bảo là có.
Văn hóa là trình độ nhận thức về chính bản thân mình, về xã hội và được thể hiện qua cách giao tiếp, ứng xử hay cách thụ hưởng của mỗi cá nhân. Đó chính là vẻ đẹp của tinh thần cộng đồng, đã trải qua quá trình bồi đắp lâu dài, liên tục, với sự cống hiến của nhiều thân phận, nhiều cuộc đời.
Nếu quan niệm như thế thì Cà phê Tùng có thể xem là một “thân phận” góp mặt từ thuở ban đầu cho đến bây giờ, đóng góp phần công sức to lớn và lâu dài cho văn hóa cà phê Đà Lạt.
Một ngày ghé Cà phê Tùng, quán còn đó,những bức tranh do chính tay ông mua còn đó nhưng chủ nhân đã về cõi khác. Trên vách bên trái là bức Thiếu nữ xanh của Đinh Cường, màu xanh nhung vương lớp bụi thời gian. Vách bên phải là bức Người chơi đàn Guitar của Vị Ý, vẽ hình một người chơi guitar đầu cúi xuống. Phòng trong là bức tranh thiếu nữ với chiếc bandeau màu hồng nhạt của Cù Nguyễn.
Cho đến giờ này, bao nhiêu năm vẫn không gian ấy, màu thời gian ấy, nhưng trước những cơn lốc xoáy biến động của cuộc sống, ai biết được mai này sẽ ra sao?
Cà phê nhiều khi là sự bất chợt. Như một sớm mai dừng chân nơi góc phố, ngồi xuống uống một ly cà phê nơi quán nhỏ ven đường, lúc lắc ly cà phê sánh đặc trên tay, ngẩn ngơ nhìn sắc nâu đen huyền bí, mộng mị với hương thơm quyến rũ ẩn chứa sự mê say...
Rồi một chiều dạo bước bên hồ Xuân Hương chợt dừng chân khi bắt gặp một khung trời thinh lặng ven đường phố xôn xao người lại qua. Chỉ cần băng ngang con đường tấp nập ngựa xe (ngựa thật chứ không phải văn chương), bước vào quán Mei vươn vai rũ sạch bụi đường và tận hưởng sự bình yên lắng sâu trên làn da thớ thịt. Một nơi để lánh xa, để thụ hưởng mà vẫn thấy mình cởi mở và thoải mái trước những câu chào lễ độ, những nụ cười thân thiện, và sự trân trọng thể hiện trong từng cử chỉ, giọng nói của những nhân viên phục vụ.
Đôi khi cạn túi, những quán cóc vỉa hè là điểm dừng chân. Ngồi đấy với cái tự do thong dong và gần gũi của những kẻ “bình dân”. Ai dám bảo những ly cà phê uống vào lúc ấy là không ngon?
Có người cho rằng cà phê là gạch nối giữa niềm vui và nỗi buồn, dù là cà phê không đường vẫn cầm muỗng khuấy nhẹ nhàng như khuấy lên những nỗi niềm thẳm sâu giữa hốn mình, khuấy lên, uống từ từ từng ít một như sợ hồn mình cũng cạn theo ly cà phê.
Đùa vui, có bạn bảo: Uống rượu say thì mới quậy, nhưng uống cà phê thì quậy rồi mới say. Tôi phản ứng theo bản năng: Bậy, sao lại quậy rồi mới say? Bạn cười tủm: Thì uống cà phê sữa, đường phải QUẬY mới tan được chứ!
Nói tới rượu, hay chính xác hơn là quán nhậu là nói tới sự nhốn nháo, bất an. Nơi ấy thường xô bồ, nồng nặc mùi rượu thịt quyện với mùi mồ hôi người. Đối lập với nó, quán cà phê là nơi thanh tịnh giúp tâm hồn lắng lại. Như một bản nhạc, con người cũng cần những khoảng lặng cho tâm hồn, khi ấy ta có thể suy ngẫm về những điều mà cuộc sống bon chen bận rộn hàng ngày không cho phép ta nhớ đến. Phải chăng đó cũng chính là lúc ly cà phê bé nhỏ góp phần tạo nên một thứ văn hóa cho đời?