Nếu nghĩ nhanh thì bạn nghĩ đơn giản rằng tôi thích dùng tiền xu còn bạn lại thích dùng tiền giấy. Nếu nghĩ dài thêm một chút thì hình như không phải vậy, hình như bạn giàu hơn tôi, nên bạn mới không quen nặng túi bằng những đồng tiền mệnh giá thấp như tôi. Bạn có thể cho rằng bạn đúng, còn tôi thì không. Vì tôi thì không nghĩ đơn giản, tôi nghĩ đến sự phức tạp của vấn đề. Nếu bạn nghĩ thật kỹ, bạn sẽ nhận ra ý nghĩa sâu xa của vấn đề, rằng tôi kiếm tiền khó khăn hơn bạn. Cùng kiếm ra một số tiền như nhau, nhưng tôi lại phải bỏ ra nhiều sức lao động hơn bạn. Như vậy nghĩa là tôi làm việc không hiệu quả bằng bạn. Như vậy nghĩa là tôi có một công việc không dễ dàng kiếm tiền như bạn. Như vậy nghĩa là …v.v. Bạn có thể nghĩ ra hàng trăm ngàn lý do để gán với cụm từ “như vậy là” mà tôi đã dùng. Và tất cả những lý do đó đều có thể là không sai.
Đó mới chỉ là sự khởi đầu của sự phức tạp liên quan đến đồng tiền.
Ngoài đời thường, chắc chắn có nhiều cô gái đang yêu nói với người yêu dấu của cô ấy rằng “Em không cần anh nhiều tiền nhiều bạc, em chỉ cần anh giàu nghĩa giàu tình, tiền chỉ là phù du”. Tôi không dám phán xét rằng các cô gái ấy nói sai hay nói không thật lòng. Nhưng tôi dám chắc rằng khi các cô ấy kề vai người yêu và thỏ thẻ vào tai người yêu như thế thì cũng là lúc trong đầu các cô thẩm nhủ “Dù sao thì phù du nhiều vẫn hơn”. Cũng đúng thôi, bạn nhìn thấy hai cô gái bình phẩm rằng “Sữa chua Ba Vì ăn ngon lắm” thì bạn phải có tiền mới có thể nhìn sang mà khẳng định “Đây ăn suốt nhé”. Cứ tưởng tượng bạn mới cưới một cô vợ nhỏ và hai bạn sống trong một ngôi nhà nho nhỏ. Nhưng cái gia đình nhỏ ấy của bạn sẽ rối tinh rối mù lên. Và mọi chuyện không còn là nhỏ nữa khi mà cô vợ nhỏ của bạn sinh ra cho hai bạn một thiên thần bé nhỏ. Tiền tã, tiền sữa … tất tần tật đều được gọi là tiền.
Đó mới chỉ là một mức độ nào đó của sự phức tạp liên quan đến đồng tiền.
Suy cho cùng, tiền là tuốc nơ vít, tiền là cờ lê và tiền là mỏ lết. Người ta dùng tuốc nơ vít để vặn chặt một con đinh ốc, nhiều con đinh ốc, miễn sao cái tuốc nơ vít và con đinh ốc ấy là vừa cỡ với nhau. Đấy gọi là dùng tiền để che đậy thông tin, dùng tiền để giấu kín vấn đề .
Người ta dùng cờ lê để mở một cái bu lông, nhiều cái bu lông, miễn sao cái cờ lê và cái bu lông là vừa cỡ với nhau. Đấy gọi là dùng tiền để mở ra cơ hội, dùng tiền để phanh phui nhiều chuyện khác.
Và khi cái cờ lê không vừa cỡ với cái bu lông thì người ta dùng mỏ lết. Đấy gọi là những gì không giải quyết được bằng tiền thì... "có thể giải quyết được bằng nhiều tiền". Đấy gọi là cái gì cũng có giá của nó, bu lông nhỏ thì chỉnh cho mỏ lết khép vào một tý, bu lông to thì chỉnh cho mỏ lết nó ngoác rộng ra.
Đó là một mức độ cao hơn của sự phức tạp liên quan đến đồng tiền.
Một người bạn nói với tôi rằng “Số tiền mình kiếm được thể hiện giá trị của bản thân mình”. Tôi lại không phán xét. Nhưng xét cho cùng thì anh bạn tôi nói đúng, nó thể hiện giá trị của bản thân mình.
Tôi quay về cái nghĩa tiền là "phù du". Nếu đúng tiền là phù du thật thì tôi kiếm được càng nhiều phù du thì giá trị của bản thân tôi càng lớn. Chẳng phải có rất nhiều thứ mà bây giờ người ta coi như là phù du đấy sao? Đó là tình bạn, tình anh em, tình đồng chí, tình đông nghiệp, tình yêu lao động, sự trung thực v.v. Khi tôi và bạn kiếm được số tiền quá khác nhau, người ta sẽ so sánh số tiền của tôi và bạn. Nhưng khi tôi và bạn kiếm được số tiền ngang bằng nhau, người ta sẽ so sánh cách kiếm tiền của tôi và bạn.
Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi cũng vẫn sẽ đi kiếm "phù du". Tôi không ngại đồng 5 nghìn của tôi nặng hơn của bạn, vì rõ ràng sẽ có lúc người ta sẽ dùng cân để so sánh tiền thôi
( st)