Du học Anh: những cái được và chưa được
Khi nói về du học Anh, hầu như ai cũng chỉ nghĩ đến những điều hay, điều tốt. Đấy chính là chất lượng, đẳng cấp, là thương hiệu và hiệu quả của một nền giáo dục uy tín lâu đời, có truyền thống nhằm đào tạo từ con người (non nớt ở nghĩa là một sinh vật), thành một con người (trưởng thành, hiện đại ở nghĩa hòa nhập được vào xã hội). Ít ai nghĩ đến những mặt không hay của nó. Tôi xin đi ngược lại vấn đề, chỉ ra những mặt hạn chế của du học Anh đối với nhiều người Việt Nam.
Thứ nhất, đây là một nền giáo dục đắt giá. Người nghèo, người không có ý chí hầu như không thể tiếp cận.
Thứ hai, nền giáo dục không thiên vị, không chấp nhận cả nể, ưu tiên như môi trường ở Việt Nam hay hướng tới và mong đợi.
Thứ ba, nền giáo dục đó hướng con người tới những nền tảng học vấn, kiến thức, kỹ năng để hòa nhập vào một thế giới hiện đại và hiệu quả chứ không tù mù, thiếu tự tin trước công việc.
Thứ tư, nền giáo dục đó khác với giáo dục Việt Nam thường dẫn tới thụ động, sao chép, hình thức… Giáo dục Anh chú trọng tới nhân cách, tự lập, sáng tạo và có trách nhiệm trong công việc.
Có thể nói thêm về những khác biệt nữa nhưng thế cũng là đủ cho những ai muốn du học Anh thấy được vài điều cần suy ngẫm. Bây giờ nói sang những ưu điểm trội nổi của giáo dục Anh:
Đây là một nền giáo dục có chất lượng. Ta thường hiểu, chất lượng trong giáo dục là người học sẽ nhận được kiến thức tốt, có năng lực, kỹ năng giải quyết được công việc chuyên môn mà mình được đào tạo, có khả năng hoàn vốn nhanh những chi phí và sức lực đã bỏ ra trong thời gian học. Chất lượng giáo dục còn được hiểu cụ thể và rộng ra ngoài phạm trù kiến thức như phong cách làm việc, ngôn ngữ để hiểu biết và được sử dụng, sự thông dụng và linh hoạt của kiến thức được truyền đạt... Cụ thể là học sinh, phụ huynh và xã hội đòi hỏi sản phẩm giáo dục phải tốt, bền, sử dụng lâu dài, thuận lợi theo nghĩa con người từ lò giáo dục ra phải hòa nhập tốt vào đời sống đa dạng của xã hội hiện đại. Nền giáo dục nước nhà, trên lý thuyết, đặt mục đích để làm việc đó, nhưng trong thực tế lại chưa thỏa mãn được nhu cầu và đòi hỏi của xã hội. Ngược lại, giáo dục Anh, dù không được hô hào phải làm điều đó, trong thực tế đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Giáo dục Anh đã trở thành một hàng hóa đặc biệt, được chào đón, được trân trọng và có thương hiệu. Một nền giáo dục không quảng cáo suông và quản lý một cách hình thức bởi đầu ra theo số lượng mà quản lý chất lượng toàn diện từ đầu vào, trong quá trình đào tạo cho đến đầu ra và được bảo hành như một loại hàng hóa đặc biệt có thương hiệu chất lượng chuẩn.
Nói đến chất lượng giáo dục, còn phải hiểu thêm cơ hội tìm kiếm việc làm sau ra trường và mức lương được thụ hưởng để cân đối với chi phí và công sức đã bỏ ra. Nền giáo dục Anh đã có được điều đó và chính vì vậy, tuy chi phí đào tạo đắt đỏ, khí hậu sương mù lạnh lẽo, con người chặt chẽ và có chút ít lạnh lùng, dân hiếu học khắp nơi trên thế giới vẫn đổ về Anh quốc để mong có được tấm bằng đào tạo danh giá ở đây!
Trên nền chất lượng đào tạo con người nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại, giáo dục Anh đã đào tạo một đẳng cấp người có học. Chúng ta được giáo dục trong tư duy cào bằng, xoá bỏ giai cấp. Ở Anh không làm như vậy. Không phân chia đẳng cấp nhưng trong giáo dục, người ta đã làm cho những người được đào tạo có được thế đứng của một lớp người có học. Con người có học sẽ đạt một vị trí ổn định, biết được giá trị của mình và tôn trọng được các khách thể cùng tồn tại, cùng hoạt động với mình. Ai đấy có thể nói văn hóa giáo dục Anh đã đưa ra khái niệm “Phớt Ăng lê”- nghĩa là tính cách người Anh hơi cao ngạo, phớt lờ xung quanh. Thực ra không hẳn đúng vậy, văn hóa Anh không dạy con người sống cách biệt, cao ngạo đối với người xung quanh. Họ có học, có vị trí xứng đáng, họ phải được tự tin về điều đó. Khi không cần phải phiền lụy, đụng chạm đến xung quanh, họ ứng xử kín đáo cho riêng mình. Còn khi cần quan tâm, cần hợp tác, họ sẵn sàng cởi mở với tất cả mọi người. Cứ xem cách họ ứng xử với C.Mác, F.Enghen, M.Ganđi, với Hồ Chí Minh trong lịch sử thì biết. Họ không kì thị, không xem thường và sẵn sàng trao đổi, hợp tác khi có thể và khi cần thiết. Đấy là văn hóa Anh, giáo dục Anh từ xưa đến nay!
Với chất lượng và đẳng cấp như vậy, giáo dục Anh đã gây dựng cho mình một thương hiệu có tiếng trên quy mô tầm thế giới. Cũng như hàng hóa thông thường, thương hiệu giáo dục là một khái niệm của người tiêu dùng về một chỉ dấu của nhà sản xuất được gắn trên bao bì nhằm khẳng định chất lượng, đẳng cấp và xuất xứ của sản phẩm. Khái niệm thương hiệu giáo dục ngày càng trở nên một thành tố quan trọng trong văn hóa và kinh doanh. Nó có giá trị không những ở dạng vật chất (người được đào tạo ở một cơ sở có thương hiệu sẽ được tuyển dụng nhanh, có lương cao) mà còn có giá trị ở dạng phi vật chất (tạo cho người học một đẳng cấp khác biệt dễ nhận và dễ tìm tiếng nói với nhau). Nó như một dạng thẻ vào cửa đặc biệt trong tìm kiếm việc làm và được bảo hành theo thời gian.
Sau khi đã giới thiệu những mặt không thuận lợi cần cân nhắc, những mặt mạnh cần ưu tiên chú ý trong du học Anh, chúng ta có thể thấy: Giáo dục đào tạo ở Anh là một quá trình chuyển giao học vấn và chuyên môn cho người học nhằm đưa con người hòa nhập vào thế giới của công việc, cuộc sống hữu ích đa tiện dụng và các giá trị nhân văn khác.
Cụ thể, chúng ta có thể thấy ngay những hữu ích thiết thực như sau:
- Có một công cụ Anh ngữ thuận tiện trong giao tiếp quốc tế, chính xác trong diễn đạt các khái niệm của khoa học hàn lâm cổ điển và hiện đại. Ngôn ngữ này giúp ta mở rộng thêm những thế giới mới về tri thức. Là một công cụ làm việc tiện lợi trong một môi trường năng động và hiệu quả, Anh ngữ cũng giúp cho du học sinh có một phong cách đàng hoàng, chững chạc tự tin, tư duy mạch lạc, có bài bản trong giao tiếp.
- Có một hành trang tri thức và kỹ năng làm việc hiệu quả trong một thế giới mới năng động, hiện đại và đa chiều.
Trên thế giới, mỗi nơi có một nền giáo dục với bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị của nơi đó. Ở Mỹ : mạnh mẽ, hiệu quả và quyết liệt; ở Pháp: hàn lâm, hào hoa và sành điệu; ở Nhật: kiên trì, quyết tâm và tối ưu; ở Trung Quốc: siêng năng, thâm thúy và đa dạng; ở Nga: cơ bản, chắc chắn và hoành tráng. Còn ở nước Anh, nền giáo dục đã mang lại cho người được hưởng thụ những phẩm chất như đã được trình bày ở trên. Những điều đó nhiều hay ít, tốt hay chưa tốt, tùy thuộc vào suy xét của các bạn. Hãy nghĩ kĩ khi chọn du học Anh làm bờ bến học tập cho mình!
Tác giả : Nguyễn Cảnh Nam