Long Hưng cổ tự còn gọi là chùa Tổ được lập nên từ năm 1768, cách nay gần 240 năm. Một quãng thời gian khá dài so với cuộc sống con người Trải qua bao cuộc bể dâu và tàn phá của chiến tranh nhưng chùa Tổ còn có tục danh khác nữa là Tổ Đình Bưng Đỉa vẫn trầm ngâm soi cuộc thế gian dưới bóng mát của đức phật. Ngôi chùa tuy mới được trùng tu vài năm trở lại đây nhưng vẫn còn đó nét hoang sơ thuở nào: Những hàng cây cổ thụ vẫn đang vút cao trên triền đồi, những ngôi mộ của các sư trụ trì viên tịch vẫn còn đó và ngày ngày chúng sinh bái vọng, nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho người dân an cư lạc nghiệp. Được biết, xung quanh ngôi chùa này vẫn còn đang lưu truyền sự chở che của đức phật đối với chúng sinh qua các câu chuyện của một số cô bác sống lâu đời ở vùng này.
Theo lời kể, ngày xưa ở nơi đây vô cùng vắng vẻ, u tịch, trên rừng có thú, dưới bưng thì đỉa vô cùng nhiều, người dân không thể sống được. Một ngày nọ có vị sư đến đây nghe dân làng nói thế nên cảm động dừng chân, cùng với dân làng phát nương làm rẫy, tỉa lúa, Thầy Tổ - vị sư nọ - đã phát tâm nguyện xua đuổi bầy đỉa đói giúp dân có miếng ruộng nương khoai sinh sống mà ngày nay người dân vẫn còn xưng tụng với danh hiệu Tổ Đỉa Thiền sư... Lúc chiến tranh, vào khoảng giữa thập niên 60 thế kỷ trước, khi chiến sự lan ra vùng này, Mỹ - Ngụy, do nghi ngờ có sự che giấu cán bộ cách mạng, nên chúng đã thả một quả bom ngay chánh điện khi mà ngay nơi đây và xung quanh chánh điện có gần 100 nhân mạng lớn nhỏ, đa số là cụ già, phụ nữ và trẻ em đang trú ngụ. Thế nhưng, các tượng phật bị tung tóe khắp nơi còn gần 100 nhân mạng kia chỉ có một chị bị thương nhẹ... Tất cả những câu chuyện đó có thể có thực, có thể do sự ngưỡng mộ của người dân thập phương mà tạo dựng nên sự huyền bí đó nhưng trên hết đó chính là tấm lòng, là sự gửi gắm niềm tin và là sự đánh giá của người dân, người mộ đạo đối với ngôi chùa có thể là lâu đời nhất của Bình Dương.
Hiện tại, trong ngôi chùa còn có một đại hồng chung khá lớn, mang dáng vẻ cổ xưa là một trong những di sản còn lại của một ngôi chùa có trên 200 năm tuổi, đặc biệt, chùa vẫn còn đang lưu giữ bảo tồn một số phần mộ cổ mà theo như chú Vĩ, cô Sáu và một số cô bác đang làm công quả nơi đây thì đó là mộ Tổ-ngôi mộ của vị sư thầy tên Hiếu đã chọn nơi đây là chỗ dừng chân tu học và có công giúp dân ổn định cuộc sống, xây dựng ngôi chùa để dân chúng xung quanh có nơi gửi gắm niềm tin. Được biết, Long Hưng cổ tự đã được tỉnh xếp hạng di tích lịch sử nhưng thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng, nhất là ngành văn hóa - thông tin và khảo cổ học, bảo tàng học cần có sự nghiên cứu, làm rõ và đánh giá một cách khoa học và lịch sử về ngôi chùa này, nhất là có phương án bảo tồn các ngôi mộ Tổ cổ xưa, đại hồng chung và một số hiện vật khác như ý nguyện của các vị bô lão quanh vùng.
Binhduongjobs.com (theo du lịch Bình Dương)