Những ngày hè nóng nực, trên phố phường Hà Nội lại nghe tiếng rao quen thuộc: “Ai phớơơ… đây”. Gọi vào, mua một bát, vừa đưa miếng tào phớ vào miệng, vị ngọt mát lan tỏa, thơm mùi hoa nhài nhè nhẹ xóa tan đi cái nóng mùa hè. Tào phớ có ở rất nhiều nơi nhưng mỗi một vùng đất, tào phớ lại mang những hương vị khác nhau.
Ở Hà Nội, tào phớ là một món giải khát trong những ngày hè. Tào phớ Hà Nội được ăn kèm với đá bào mát lạnh, chan nước đường ướp hoa nhài thơm ngát.
Những gánh hàng rong bán tào phớ rong ruổi trên khắp phố phường thủ đô, phục vụ tận tình từ những phố lớn đến từng ngõ nhỏ. Gánh hàng thường một bên là chiếc chạn nhỏ đựng bát, bình nước đường và chiếc xô nhỏ đựng nước. Đầu gánh bên kia là thùng đựng tào phớ. Thùng đựng tào phớ ngày xưa là thùng gỗ còn bây giờ đã được thay bằng thùng nhựa hay kim loại. Dụng cụ hớt tào phớ cũng đã được thay từ những vỏ trai xà cừ óng ánh bằng một chiếc muôi dẹt.
Mặc dù sau bao nhiêu năm đổi thay thì tào phớ vẫn cứ sống trong lòng những người dân Hà Nội. Những người Hà Nội lại không thể không thưởng thức một bát tào phớ mát dịu khi trưa hè nóng bức.
Ở Huế, tào phớ được gọi là đậu hủ. Cũng được làm từ những hạt đậu tương vàng óng ngâm nở rồi xay nhuyễn, nhưng khác với Hà Nội, ở Huế tào phớ lỏng hơn, không định hình. Đậu hủ khi nấu được cho thêm gừng nên khi ăn có vị cay nồng. Đậu hủ Huế khi thưởng thức cũng không dùng nước đường chan ngập như tào phớ Hà Nội. Tùy vào khẩu vị của người ăn mà có thể rắc đường trắng lên trên bát đậu hủ hay không cho đường.
Mỗi một miền quê, tào phớ lại được nấu và thưởng thức theo một kiểu khác nhau. Đó cũng là nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam: thống nhất nhưng đa dạng.
Nếu tào phớ tại Hà Nội mang hương vị mát lạnh của thủ đô, thì ở Sài Gòn, tào phớ lại mang hương vị đặc trưng của thành phố sôi động. Tại Sài Gòn, tào phớ được gọi bằng cái tên là tàu hủ, tàu hủ được nấu đặc hơn so với tào phớ Hà Nội và Huế. Tàu hủ cũng được nấu chung với gừng như ở Huế nhưng được ăn cùng với nước đường mật. Như vậy, tàu hủ Sài Gòn vừa mang dáng vẻ của đậu hủ Huế, vừa mang đặc điểm của tào phớ Hà Nội.
Tuy nhiên, đặc trưng của các món ăn miền Nam là nước cốt dừa, tàu hủ cũng vậy, phải ăn chung với nước dừa thì mới là tàu hủ. Một điều đặc biệt,tàu hủ không ăn kèm với đá như ở Hà Nội mà dùng nóng.
Tuy món ăn này dùng nóng nhưng vẫn là một món giải khát bổ dưỡng. Vào khi trời oi nồng, thưởng thức một chén tàu hủ, ban đầu ta thấy nóng bức hơn nhưng rồi cảm giác ấy qua đi nhanh chóng, bạn sẽ thấy dễ chịu và giảm ngay cơn khát. Mà khi trời mưa lạnh, ngồi nhấm nháp tàu hủ cũng thú vị lắm chứ. Vị cay cay của gừng và ấm nóng của chén tàu hũ sẽ làm người ta không thể nào quên.
Tào phớ qua mỗi vùng miền lại mang một hương vị riêng, khác nhau. Nhưng dù có ở đâu, thì nó cũng thể hiện rõ đặc trưng của một món ăn bình dị mà người Việt Nam yêu thích. Mộc mạc nhưng lại khó quên, người Việt xa xứ nhớ lắm mỗi khi trời nắng nóng thèm được một bát tào phớ để tận hưởng cái hương vị thân quen của quê hương mình.
|