Thác Hang Cọp nằm cách quốc lộ 20b 2,7km về phía đông, thuộc ấp Túy Sơn, Xã Xuân Thọ, Thành phố Đà Lạt. Có nhiều tên gọi khác nhau dành cho thác nước này: Thác Đạ Sar, Long Nhân, Hang Cọp, Thác Ông Thuận, Thiên Thai... thác cách xa khu vực dân cư 3km, nằm trong khu rừng thông với diện tích 308ha, chiều cao thác khoảng 50m, dài 500m.
Nếu đứng dưới chân thác, du khách sẽ thấy bên trên là hai thác nhỏ liên hoàn nhau, dòng nước từ trên cao khoảng 6-8m chảy xuống chân những tảng đá lớn, bọt nước trắng xóa uốn lượn 20m thì đến thác nước cuối cùng. Dòng nước rộng chừng 10m từ trên độ cao thẳng đứng 20m đổ vào một chiếc hồ xinh xắn bên dưới. Tiếng thác phát ra như tiếng cọp gầm, vang xa 2km. Dòng nước từ thác lớn tạo ra 7 tầng thác phía dưới, cao trung bình 4m. Bên cạnh thác có một hang đá rộng chừng 40m3, có 3 ngăn, 1 ngách và 2 miệng hang được tạo một cách tự nhiên. Người Chill gọi là Hang Cọp, tương truyền có cọp ở đó. Trước năm 1975, người K’Ho sinh sống bằng nghề làm rẫy, đốt than, săn bắn và đánh cá cư trú rải rác dọc sông Đạ Kòn, sông Đạ Langbian thuộc địa phận xã Xuân Thọ. Khoảng năm 1950-1975, nơi đây là cơ sở cách mạng, quân giải phóng đặt tên thác này là thác Ông Thuận. Thác Hang Cọp có truyền thuyết liên quan đến lịch sử của các vương quốc Chàm trong các đợt giao chiến. Người già dân tộc Chill kể rằng: Ngày xưa, dưới cái hồ xinh xắn của thác có một tượng đá hình dáng như bức tượng mẹ bồng con. Khi vua Chàm gây chiến tranh lên Tây nguyên, dừng chân đóng trại dưới chân đèo Krông-fa (đèo Ngoạn Mục ngày nay). Suốt 10 đêm ở phòng tuyến, nhà vua không đêm nào ngủ được, trong những lúc thiếp đi chập chờn, vua nghe văng vẳng tiếng gầm rú man dại của núi rừng hòa lẫn với những âm thanh huyền bí. Tự mình thống lĩnh hàng trăm quân vượt đèo Krông-fa quyết tâm tìm cho được âm thanh huyền bí kia. Khi đến thác nước này, nhà vua thấy nước dồn dập từ trên cao đổ xuống trên vai tượng đá có hình mẹ bồng con và từ đó phát ra những âm thanh huyền bí. Vua Chàm bèn xua quân lính đập phá tan tành tượng đá, sau khi phá được tượng đá, bị dòng nước cuốn trôi xuống dòng Đạ Langbian và chết gần hết. Với số quân còn lại ít ỏi, vua Chàm cho khiêng tất cả những mảnh đá vỡ về đất Chàm. Trên đường đi, binh sĩ Chàm chịu nhiều bệnh tật, kiệt sức, không ai đem được một cục đá nhỏ nào về nước được. Đá rơi xuống phía dưới thác tạo ra 7 tầng, về sau, người Chill thu lượm những viên đá rơi vãi dọc đường đem về làm đàn đá, treo trên nương rẫy để đuổi chim muông, thú rừng. Để tưởng nhớ đến người mẹ của họ, người Chill đặt tên cho dòng thác này là thác Long Nhân Những dịp lễ, tết, ngày nghỉ du khách thường đến thưởng ngoạn. Ở đây, cái vẻ hoang vắng, tĩnh mịch của núi rừng chưa bị phá vỡ, cảnh quan còn tương đối nguyên vẹn. Vùng rừng nguyên sinh với nhiều loại cây quý, nhiều cầm thú, thỉnh thoảng dân địa phương bắt gặp nai đỏ, heo rừng, chồn, cheo, thỏ, vượn, mễn... Suối nước chảy quanh năm hòa lẫn với tiếng hót của nhiều loài chim, hai bên suối dây leo chằng chịt... Thật là nên thơ và đầy thú vị!