Cũng trong hành trình tìm hiểu về văn hóa lịch sử ở Đồng Nai, tôi được một người bạn "thổ địa" nơi đây giới thiệu và đưa tới thăm văn miếu Trấn Biên.
Nếu như phương bắc nổi tiếng với văn miếu Quốc Tử Giám thì phương nam lại nổi tiếng với Văn miếu Trấn Biên. Văn miếu được xây dựng để tôn vinh Khổng Tử, các danh nhân văn hóa nước Việt và làm nơi đào tạo nhân tài phục vụ cho chế độ.
Năm 1861, nơi thờ phụng trên đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Mãi đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên mới được khởi công khôi phục lại nơi vị trí cũ, và hoàn thành vào năm 2002.
Tôi được người bạn giới thiệu về các hình ảnh trong văn miếu:
- Ở gian giữa có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương.
- Bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý D9o6n, ...bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như: Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, ....
- Trong gian thờ này, đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt.
- Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền - Hậu hiền. Ngoài ra, nơi Văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm có nhà truyền thống, bia truyền thống, và các công trình phụ cận. Bia truyền thống Trấn Biên – Đồng Nai khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước...
Địa thế của văn miếu có: Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt...
Tôi rất thích phong cảnh rộng và thoáng mát ở đây. Đặc biệt là cảnh tĩnh lặng bên hồ nước trong xanh làm cho tôi như được trở về với thiên nhiên và với cội nguồn dân tộc để thêm yêu quê hương đất nước mình hơn.