"Hội An - một điểm đến hai di sản", nhưng với tôi có lẽ phải đổi thành :" Hội An - một điểm đến ba di sản". Ấn tượng Hội An đối với tôi không chỉ là vẻ đẹp của các danh thắng Mỹ Sơn hay Phố Cổ, mà còn bởi: "Cao Lầu" - một món ăn đặc sản truyền thống nơi đây.
Đến Huế phải ăn bún bò, đến Mỹ Tho phải ăn hủ tiếu, và đến Hội An chắc chắn phải thưởng thức Cao Lầu. Vâng cho dù có ăn Cao Lầu tại đất Sài Gòn rồi, nhưng ở nơi sản sinh ra món đặc sản này thì hương vị khác hẳn, ngon đến nỗi khiến những thực khách phương xa như tôi muốn ghé lại Hội An chỉ để ăn Cao Lầu mà thôi. Cao Lầu tại Hội An phổ biến đến nỗi bạn có thể ăn ở bất cứ nơi nào, bất cứ bữa nào trong ngày.
Xin được trích dẫn 1 vài thông tin về món Cao Lầu:
"Mới nhìn thoạt qua, cao lầu trông giống mỳ, nhìn kỹ thì lại sợi to giống phở. Sợi cao lầu được chế biến rất công phu. Phải dùng loại gạo của địa phương, được trồng ngay trên đất Quảng Nam mới làm được. Mà gạo lại phải chọn loại gạo không cũ, vì nếu gạo cũ quá thì sợi cao lầu bị khô, còn nếu gạo mới quá sẽ làm sợi cao lầu bị dẻo hơn mức bình thường. Gạo trước khi xay thành bột phải ngâm vào nước tro. Muốn sợi cao lầu đủ ngon, thì nước tro được xem rất quan trọng.
Tro phải được lấy từ củ chàm ở đảo Cù lao Chàm giữa biển, cách đất liền 10km. Pha nước tro cũng là một bí quyết để tạo nên sợi cao lầu ngon, vừa đủ độ dai, độ giòn và hương vị. Nhiều quá sẽ làm sợi nhão, hơi nồng, mà ít quá thì sẽ khô, bở. Dùng nước giếng ở Bá Lễ, một ngôi làng ở bên sông Thu Bồn vốn trước kia của người Chăm, để làm bột thì mới được sợi cao lầu dai và chắc. Bột gạo sau khi ngâm nước tro sẽ có màu vàng nhạt tự nhiên như pha nghệ.
Sau đó gạo được xay thành bột. Trước đây, khi chưa có máy xay thì người dân chủ yếu dùng loại cối xay bằng đá để xay bột gạo. Bột sau khi xay xong, cho vào gáo nước, rồi nhào bộ cho mịn và cán bột thành miếng dày 3 - 4 mm, sau đó đem hấp cách thuỷ. Những miếng bột sau khi chín được cắt thành sợi to bằng sợi phở.
Công đoạn nhào bột cũng là một phần quan trọng để có sợi cao lầu ngon. Sợi cao lầu chỉ giữ được trong ngày và hoàn toàn không dùng các chất phụ gia vì người Hội An luôn giữ sự tinh khiết cho món ăn mang đậm bản chất của mình.
Cao lầu là món một món ăn lạ nhưng hấp dẫn. Lạ không chỉ bởi cái tên gọi mà ngay cả cái hương vị của nó cũng không giống bất kỳ một món ăn nào trên khắp đất nước. Cái vị đặc biệt và làm thành nét riêng của cao lầu, ngoài sợi mỳ thì thịt xá xíu và nước xíu chính là hai thành phần cốt yếu.
Thịt để nấu cao lầu phải chọn loại thịt heo nạc ngon, nhiều nạc ít mỡ. Thịt heo cũng phải chọn giống heo cỏ, thịt săn, thơm, mỏng da, nhiều nạc. Thịt sẽ được để nguyên miếng to, ướp mắm, muối, gia vị, nước mắm Nam Ô - một loại nước mắm nức tiếng khắp miền Trung và ngũ vị hương rồi đem nấu vừa đủ chín. Nhiều loại gia vị hòa cùng nước được tiết ra từ thịt khi nấu tạo nên một hỗn hợp nước xíu thơm lừng, vừa có vị ngọt thơm của thịt, vừa có hương vị riêng được chế biến từ một số gia vị như nước đường, xì dầu, mắm, bột thơm... "
Nhưng trong muôn vàn cửa hàng Cao Lầu tại Hội An, có lẽ cái tên: "Cao Lầu gánh Bà Bé" đã đi vào tiềm thức biết bao nhiêu du khách. Tôi cũng vậy, thế nhưng công việc quá bận rộn làm tôi quên mất cái việc tìm hiểu thông tin về gánh hàng Cao Lầu này trước chuyến đi. Mà cũng có chính vì lẽ đó mà thôi thúc tôi phải ăn món này tại gánh Bà Bé bằng được ngay trong ngày đầu khi đến với Hội An. Quán tuy nằm sâu trong chợ nhưng cũng không quá khó tìm đối với nhưng người lữ khách như tôi, bởi hỏi ai ai trong chợ cũng đều biết Bà Bé. Quán bà rất giản gị, chỉ có đôi quang gánh, vài chiếc ghế, và tấm biển treo lững thững viết bằng phấn trắng với vài chữ nhỏ xíu: " Cao Lầu Bà Bé" thì phải, tôi cũng không nhớ chính xác lắm. Bà Bé thực sự thì đã nghỉ rồi, năm đó bà cũng xấp xỉ 80 rồi, bây giờ gánh hàng được truyền lại cho người phụ việc theo bà làm Cao Lầu từ nhỏ. Mà cũng không biết có phải là chính gốc quán của bà không, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi, cái hương vị Cao Lầu Hội An cũng làm tôi nhớ, nhớ về hương vị một món ăn rất đượm bản sắc.