Sài Gòn ơi! Sài Gòn! Có lẽ rằng đó là những cái “giật mình” hồn nhiên về miền quá khứ, nơi những khoảnh khắc yêu thương bất chợt, những kỷ niệm bỏ quên muốn tìm lại, những ký ức phai nhoà theo dòng thời gian mà có hay không chỉ còn đọng lại trong từng từng nỗi nhớ, từng trải nghiệm cuộc đời…
Một Thuở - nơi ấp ủ những hoài niệm, những hiện vật, hình ảnh của Sài Gòn những năm đầu của thập niên 70. “Thật thú vị khi thưởng thức một ly café mà mùi thơm và vị đắng của nó được hoà quyện với âm thanh và không gian đầy ắp những kỷ vật của một thời không thể nào quên, thấy được những đường phố cũ, gợi nhớ về bao kỷ niệm”, đó là một lời tâm sự nhưng ẩn chứa trong đó là cả những tâm tình, những tâm huyết của người thiết kế cũng như chủ nhân của quán café với cái tên gọi mang đầy hình ảnh “gợi nhớ” đó.
Một cây cầu soi mình trong hồ nước, bờ đê dài với thảm cỏ lún phún những nụ hoa vàng, hay góc nhỏ của hình ảnh Đà Lạt với bờ đá và cây thông già trên 40 năm tuổi. Có nhiều loại cây xanh như sakê, bằng lăng, ngọc lan, osaka vàng, ban Nhật Bản… cho Một Thuở trong lành và dịu mát. Một chiếc xe máy “cổ” dựng bên thác nước, nơi có một sân khấu để tổ chức 2 tháng một lần cho một chủ đề về trường, về những kỷ niệm của Sài Gòn xưa. Khách cũng có thể tặng thơ cho quán và xen kẽ trong từng lời cảm nhận là tiếng hát của nhiều ca sĩ, khách mời nổi tiếng.
Rất nhiều hiện vật của Sài Gòn những năm 60, 70 được lưu giữ ở Một Thuở. Trên bức tường, dưới mặt kiếng của bàn, cạnh thác nước… Khách có thể thấy được những tờ báo nổi tiếng thời đó như Tia sáng, Điện tín, Chính luận, Trắng đen; các sách truyện như Tuổi hoa, Mây hồng; những bài thơ tình bất hủ của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyên Sa; hay hình ảnh của tuổi trẻ Việt Nam trong chiến tranh với những hành động sinh viên biểu tình đốt xe Mỹ, quyên góp những chiếc áo trắng cho đồng bào bị lũ lụt, chiến tranh.
“Nắng Sài Gòn, anh đi mà chợt nhớ, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông, anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng, anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…”. Còn đó những câu hát bịn rịn, lưu luyến về nét đẹp, nét thơ mộng của Sài Gòn xưa. Con đường Duy Tân với hình ảnh hàng cây dài toả bóng mát đã đi vào ca khúc “Trả lại em yêu” của nhạc sĩ Phạm Duy, hay man mác những xóm nghèo lụp xụp ở những khu phố của Q.4 ngày xưa. Những quán café nổi tiếng như Thằng Bờm, Pasteur, Lá Me, hay Bò bía Văn Khoa, Gia Long, nơi “ghé lại” của những chiếc áo trắng sau giờ tan học.
Những ai từng trải qua thời niên thiếu ở các ngôi trường của Sài Gòn thời ấy chắc hẳn không quên những trường như Jean Jaques Rouseau nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn; Trường Nữ TH Gia Long nay là Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai; Trường Nữ TH Lê Văn Duyệt nay là Trường PTTH Võ Thị Sáu; Trường Nam TH Petrus Ký nay là Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong… Và Một Thuở như là hồi ức để có thể cảm nhận và sống lại giây phút háo hức, sự trong trắng hồn nhiên của lứa tuổi học trò bên trang sách trắng.
Xin được nhắc lại một lần nữa những cái “giật mình” về Sài Gòn xưa ở Một Thuở, nơi nối liền nhịp cầu tình cảm của một thời với bao kỷ niệm, kỷ vật và cả những dĩ vãng của những ai đã từng “đi” trên quảng đường đó.