21/08/2011
1181 lượt xem
Gọi là cháo nhưng không phải là cháo; nhìn giống mỳ vằn thắn, nhưng đó là cháo canh, đặc sản thành Vinh.
Cháo canh mà nhiều nơi còn gọi là bánh canh. Bánh canh làm từ bột mỳ. Trước tiên, bột mỳ trộn nước lạnh được nhào kỹ cho nhuyễn. Nếu như ngày trước, người bán hàng dùng tay để nặn những sợi bánh thì nay công đoạn đó đã được máy hóa. Sợi mỳ chỉ nhỉnh hơn đầu đũa được cho ngay vào nồi nước sôi để làm chín. Những sợi bột mỳ khi ấy mới nở, mới thật dẻo và dai.
Mỳ cho vào nồi thường xuyên được khuấy để không bị dính vào nhau. Càng đun lâu thì sợi mỳ càng trong.
Cháo canh có nhiều vị như cháo canh tôm, cháo canh giò heo… nhưng với những người dân Vinh thì quen thuộc nhất vẫn là vị cháo canh thịt.
Cháo canh thịt đặc biệt nhất là ở thứ nước được chan vào bát mỳ sợi. Xương lợn được ninh nhừ để lấy nước cốt làm nước dùng. Nước dùng có vị ngọt của xương thịt, vị cay cay của ớt chưng, vị ngậy ngậy thịt nạc.
Mỗi khi khách gọi món, bà chủ sẽ nhanh tay cho mỳ và múc nước dùng vào tô, rắc ít hành hoa thái nhỏ và một thìa ớt chưng lên trên để bát mỳ thêm màu sắc và hương vị. Ngoài ra, thưởng thức cháo canh đúng điệu còn cần có vài lá mùi tàu.
Tô cháo canh vốn đã khiến người thưởng thức thích thú bởi màu trắng trong của bánh canh bên cạnh những màu sắc hài hòa khác. Nhưng để no bụng vẫn cần gọi thêm một vài lát bánh mỳ rán giòn để ăn kèm.
Khi ăn nên vắt thêm ít chanh để tạo vị chua cho bát cháo canh. Những người thích cay có thể thêm ớt quả hay ớt ngâm. Tuy nhiên, thìa ớt trưng của bà chủ quán cũng đã đủ khiến người ta xuýt xoa.
Gọi là cháo mà chẳng giống cháo là điểm thú vị của món đặc sản thành Vinh này.
|
20/08/2011
976 lượt xem
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả của VnExpress có thể tham gia cuộc thi viết “Những đôi tay kỳ diệu", chia sẻ những câu chuyện cảm động và có thật trong cuộc sống thông qua hình tượng đôi tay.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, có nội dung kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Đó có thể là những đôi tay giúp đỡ nhau cùng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn như: tay mẹ ẵm bồng, chăm nom con trẻ, ông bà dắt dìu những thế hệ trẻ trưởng thành... Bạn cũng có thể kể lại cuộc sống của mình được cứu trong gang tấc nhờ đôi tay người bác sĩ hay bàn tay người thầy viết bảng, giảng giải kiến thức cho học trò, những cái nắm tay an ủi, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, đôi tay những người yêu nhau tìm kiếm và gắn kết trong cuộc sống… Đặc biệt, bài dự thi kèm hình ảnh hoặc clip là một lợi thế ưu tiên trong việc chấm điểm.
Mỗi tuần, 5 bài dự thi hay, cảm động nhất trong số những bài được lựa chọn đăng trên VnExpress sẽ được nhận quà tặng của nhà tài trợ (gửi tới tận tay tác giả bài viết qua đường bưu điện). Cuối chương trình, 3 bài viết xuất sắc do ban biên tập và độc giả lựa chọn (dựa trên lượng comment) sẽ được trao giải thưởng chung cuộc. Trong đó có một giải nhất trị giá 5.000.000 đồng, một giải nhì trị giá 3.000.000 đồng và một giải ba trị giá 1.000.000 đồng.
Danh sách độc giả đoạt giải thưởng chung cuộc sẽ được công bố trên VnExpress vào ngày 12/10.
Người dự thi gửi kèm thông tin cá nhân, bao gồm tên, năm sinh, chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được bảo mật. Người gửi bài sẽ chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin, bài viết phải đảm bảo chưa từng được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Ban tổ chức từ chối đăng những bài dự thi có nội dung không phù hợp, viết tắt, viết tiếng Việt không dấu hoặc các ký hiệu, sao chép một phần hoặc toàn bộ các tác phẩm đã được đăng tải trên bất cứ phương tiện truyền thông nào.
Chương trình do VnExpress phối hợp với Nhãn hàng dung dịch rửa tay diệt khuẩn Green Cross tổ chức. Bài dự thi gửi về Ban Biên tập VnExpress theo email media@vnexpress.net hoặc thư tay về địa chỉ Công ty TNHH Dòng sông Hoa Lan tại tầng 10, khu A tòa nhà HDTC, 36 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM (ngoài bì thư ghi rõ Tham gia cuộc thi “Những đôi tay kỳ diệu”).
Mọi thắc mắc về chương trình, bạn đọc có thể gọi điện thoại số 097 557 0693 để được tư vấn trực tiếp.
VnExpress
|
18/08/2011
1051 lượt xem
Ăn rau không chú ơi? Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.
- Ăn hộ tôi mớ rau...!
Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. "Mình thương người thì ai thương mình" - cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.
- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt. - Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!
Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ. Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:
- Rau này bà bán bao nhiêu? - Hai nghìn một mớ - Bà cụ mừng rỡ.
Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.
- Sao chú mua nhiều thế? - Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!
Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ...
-Nghỉ thế đủ rồi đấy!
Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.
Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.
Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.
Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.
Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo: - Bà bán rau chết rồi. - Bà cụ hay đi qua đây hả chị? - chị bán nước khẽ hỏi. - Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác. - Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.
Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi.
Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ...!
Sưu tầm
|
17/08/2011
989 lượt xem
Những điều dưới đây trích từ kinh điển phật giáo ấn độ
Bất kể bạn có mê tín hay không vẫn xin bạn đọc những lời dưới đây
Sau khi đọc xong bài văn này, trong vòng 4 ngày may mắn sẽ đến với bạn.
Nên ăn nhiều lương thực thô.
Đừng nên dễ dàng tin vào những gì bạn nghe, đừng tiêu xài hết tiền bạn đang có, không nên muốn ngủ bao lâu thì ngủ bao lâu.
Xin thành thật và thật lòng khi nói câu “I love you”
Bất kể lúc nào khi nói câu “xin lỗi”, xin hãy nhìn thẳng vào mắt của đối phương.
Hãy tin vào tiếng sét ái tình.
Đừng bao giờ coi thường mơ ước của người khác.
Bạn có thể bị tổn thương nếu yêu một người một cách say đắm, nhưng nó là phương pháp duy nhất khiến con người bạn trở nên toàn diện.
Dùng phương pháp tinh vi và xác thật để giải quyết tranh chấp, không nên xúc phạm người khác.
Đừng bao giờ đánh giá con người qua bề ngoài.
Nói từ từ nhưng phải suy nghĩ nhanh
Khi người khác hỏi những điều mà bạn không muốn trả lời, xin hãy cười và nói “tại sao bạn lại muốn biết điều đó?”
Gọi điện thoại cho mẹ, nếu không thể, ít nhất trong lòng bạn phải nghĩ về mẹ.
Một khi gặp phải thất bại, bạn nên nhớ phải lấy đó làm kinh nghiệm học tập của bạn.
Hãy ghi nhớ ba chữ “trọng”: tôn trọng mình; tôn trọng người khác; giữ lấy tôn trọng, phải có trách nhiệm đối với hành vi của mình.
Đừng nên để việc tranh chấp nhỏ đi hủy hoại tình bạn vĩ đại.
Bất luận lúc nào khi bạn phát hiện bạn làm sai, xin hết lòng tìm cách bù đắp. Phải nhanh chân lên!
Bất luận lúc nào khi bạn nghe điện thoại, khi nhấc điện thoại lên xin bạn hãy cười lên, vì đối phương sẽ cảm nhận được nụ cười của bạn!
Hãy kết hôn với người mà bạn thích chuyện trò với người đó, vì khi bạn già đi, bạn sẽ phát hiện, thích chuyện trò là một ưu điểm lớn.
Nên chấp nhận sự thay đổi, nhưng không phải vứt bỏ quan niệm của mình.
Hãy nhớ rằng, im lặng là vàng.
Hãy dành nhiều thời gian để đọc sách, ít xem ti vi.
Tin tưởng vào thượng đế, nhưng đừng quên khóa cửa.
Khi bạn cãi vã với người yêu, xin hãy giải quyết bằng lý trí, không nên moi những gì đã qua ra nói.
Đừng trốn tránh ngày hôm qua.
Nên chú ý ý nghĩa từng câu nói của bạn.
Cùng chia sẽ kiến thức của bạn với người khác, đó mới là đạo vĩnh hằng.
Hãy làm những gì mà bạn phải làm.
Đừng nên tin người không bao giờ nhắm mắt khi hôn bạn
Mỗi năm ít nhất đi một nơi mà bạn chưa hề đi qua.
Nếu bạn kiếm được nhiều tiền, nên làm nhiều việc thiện khi bạn còn sống, đó là một cách trả báo tốt nhất cho bạn.
Hiểu sâu và lý giải đúng tất cả các quy tắc, hợp lý cải tiến những quy tắc đó.
Ghi nhớ rằng: quan hệ tốt nhất là yêu và cho người khác hơn là yêu cầu người khác.
Hãy nhìn lại mục đích mà bạn thề sẽ đạt được và phân tích mình đã thành công đến mức nào.
Bất luận trong nấu ăn hay trong tình yêu, bạn đều phải dùng 100% trách nhiệm trong thái độ đối xử.
|
16/08/2011
1286 lượt xem
Ba người thợ xây đang lát gạch cho bức tường để xây một tòa nhà nguy nga. Một người đến hỏi: “Các anh đang làm gì thế?”, và anh ta nhận được ba câu trả lời...khác nhau.
Người thợ xây thứ nhất: Anh không thấy đường à? Tôi đang chét hồ để ốp từng viên gạch chứ còn làm gì nữa. Người thợ xây thứ hai: Thì đang xây bức tường cao này đấy thôi. Người thợ xây thứ ba: À, anh đang đứng trước một tòa nhà nguy nga mà tôi đang xây đấy.
Câu trả lời của người thợ xây thứ ba rõ ràng là hồ hởi, háo hức hơn nhờ khả năng “nhìn xa” của anh ta. Anh nhìn xa hơn công việc hiện tại mình đang làm, anh trông thấy trước thành quả và dự báo được chuyện sẽ đến trong tương lai với một bản vẽ tòa nhà nguy nga đã có từ trước trong đầu. Chắc chắn, công việc và cuộc sống của người thứ ba sẽ nhiều niềm vui và thú vị hơn nhiều hai người thợ xây còn lại.
Nhìn xa về thời gian
Nhìn xa, nhìn điều mà người khác không nhìn thấy theo tôi là phẩm chất cơ bản phân biệt nhà lãnh đạo với nhà quản lý, giữa người dẫn đường (nhà lãnh đạo) với người quán xuyến cho công việc chạy tốt (nhà quản lý). Khả năng này đòi hỏi tầm nhìn của nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và cũng dễ hiểu khi những nhà lãnh đạo giỏi ban đầu thường bị người khác “chê cười” hoặc hoài nghi vì cho rằng họ không thực tế, mơ mộng hão huyền. Lý do: các nhà lãnh đạo giỏi đang “nhìn thấy” những điều mà người bình thường không nhìn thấy! Mắt của chúng ta chỉ nhìn thấy những gì mà trong đầu chúng ta tin là có, vì vậy trí tưởng tượng của nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải vượt khỏi thế giới hữu hình xung quanh mình. Để thuyết phục người khác đi theo con đường của mình, trí tưởng tượng ấy còn phải được tiếp thêm sức mạnh của niềm tin, của cảm xúc dạt dào từ con tim – nơi ấp ủ những hoài bão tốt đẹp mà chỉ có bạn “nhìn thấy” vì nó thuộc về tương lai.
Nếu các doanh nhân có tầm nhìn xa thì việc chuẩn bị cho doanh nghiệp của mình trước hội nhập WTO đã phải diễn ra từ... nhiều năm trước. Bản thân doanh nhân đã sẵn sàng cho việc hội nhập từ... ngày thành lập công ty, tức trong đầu anh ta đã thành hình con thuyền lớn để ra biển lớn từ lâu! Với tầm nhìn xa, bạn sẽ thấy trước xu hướng, chuẩn bị đón lấy những cơ hội lớn từ nó mang lại và bạn chiến thắng.
Ở đây, tôi muốn quay lại ý niệm cơ bản trong chiến lược, đó là “vision & mission” mà chúng ta quen gọi là “tầm nhìn & sứ mạng”. Để diễn tả hết ý của vision, tôi thường dùng cách diễn nghĩa “hình ảnh doanh nghiệp tương lai” để dễ hình dung. Đó là những mô tả mà khi đọc vào, bạn như nhìn thấy doanh nghiệp của mình trong đó, với qui mô, hình hài để rồi bạn như chạm được vào nó, hình dung ra nó và có cảm xúc với nó. Có như vậy, bạn mới có sự háo hức như anh thợ xây thứ ba trong suốt tiến trình “đắp từng viên gạch” xây nên doanh nghiệp của mình.
Trông rộng về không gian
Tôi đặt câu hỏi như sau trong các buổi hội thảo cho doanh nghiệp: Bạn có nghĩ rằng mình có thể thay đổi thế giới không? Ban đầu, hầu hết mọi người đều nghĩ “thay đổi thế giới ư, chuyện đội đá vá trời” nên nhanh chóng trả lời không. Tôi đưa một ví dụ: Nếu bạn cho một nhân viên nghỉ việc, không chỉ người nhân viên này bị ảnh hưởng một mình. Xét về công việc, đồng nghiệp và toàn thể bộ phận của anh ta bị ảnh hưởng, thậm chí phải thu xếp làm choàng việc của anh. Vì vậy, kết quả công việc của bộ phận này rồi sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác, có tác động đến đầu ra của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến khách hàng. Xét về gia đình anh nhân viên này, chắc chắn quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến vợ con anh ta, rồi sự lo lắng của người vợ sẽ tác động không hay lên công việc của chị và rồi mọi việc lặp lại giống như doanh nghiệp nơi anh chồng làm việc. Khi đứa con lo lắng hoặc bị bố cáu gắt vì mất việc mắng, em sẽ để mọi chuyện ảnh hưởng đến việc học, việc chơi, và thầy cô, bạn bè của em cũng bị tác động. Đó chính là hiệu ứng cánh bướm nổi tiếng (Butterfly effect): chỉ với một cái vỗ cánh của con bướm ở rừng rậm Amazon tận châu Mỹ có thể gây nên tai họa núi lửa phun ở Philippines.
Mỗi cá nhân chúng ta đều sống trong một hệ thống quan hệ chằng chịt, vì vậy vai trò của một người lãnh đạo doanh nghiệp còn có tác động lớn hơn nữa. Với hiệu ứng này, mọi sự việc dù nhỏ cũng có thể tạo tác động rộng lớn. Chỉ một thay đổi nhỏ về giá của sản phẩm công ty bạn, nhưng có thể ảnh hưởng đến cả thị trường. Chỉ một việc giảm chiết khấu đại lý là có thể gây ra những tác động lớn lên cả hệ thống phân phối. Chỉ một cái lắc đầu của bạn hay một lời khen tặng động viên dành cho nhân viên là bạn đang tạo ra một thay đổi lớn lao rồi đấy, nếu bạn “trông thật rộng”.
Khả năng nhìn xa và trông rộng giúp người lãnh đạo suy xét mọi hậu quả lâu dài của các quyết định của mình, ngay cả trong việc cân nhắc từng lời nói, hành động, suy nghĩ. Nhận thức này không chỉ cần thiết cho thời kỳ hội nhập WTO, mà cần thiết trong suốt cả quãng đời tồn tại của từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn đóng góp tốt nhất cho xã hội, cho cuộc sống loài người, doanh nhân hãy nhìn thật xa và trông thật rộng.
Nguồn: www.quachtuankhanh.net
|
16/08/2011
756 lượt xem
Tôi là cựu giáo viên dạy nhạc tại một trường tiểu học ở DeMoines. Tôi luôn kiếm được lợi tức từ công việc dạy đàn dương cầm _ đó là một công việc mà tôi đã làm suốt 30 năm qua. Trong thời gian đó, tôi đã gặp nhiều trẻ em có những khả năng về âm nhạc ở nhiều cấp độ khác nhau. Tôi chưa bao giờ có hứng thú trong việc có học sinh thuộc dạng "cần nâng đỡ" mặc dù tôi đã từng dạy một vài học sinh tài năng. Tuy nhiên tôi cũng dành thì giờ vào những học sinh mà tôi gọi là "trơ nhạc". Một trong những học sinh đó là Robby.
Robby đã 11 tuổi khi mẹ cậu thả vào lớp trong bài học dương cầm đầu tiên. Tôi thích những học sinh (đặc biệt là những cậu bé) bắt đầu ở lứa tuổi nhỏ hơn, và nói điều đó với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ cậu luôn luôn mơ ước được nghe cậu chơi dương cầm. Vì vậy tôi đã nhận cậu vào học. Thế là Robby bắt đầu những bài học dương cầm đầu tiên và tôi nghĩ rằng đó là sự cố gắng vô vọng. Robby càng cố gắng, cậu càng thiếu khả năng cảm thụ âm nhạc cần thiết để tiến bộ. Nhưng cậu rất nghiêm túc trong việc ôn lại những bài học và những bản nhạc sơ đẳng mà tôi yêu cầu cất cả các học sinh của mình đều phải học. Sau nhiều tháng ròng rã, cậu miệt mài cố gắng và tôi vẫn cứ lắng nghe và cố động viên cậu. Cứ hết mỗi bài học hàng tuần, cậu luôn nói: "Một ngày nào đó mẹ em sẽ đến đây để nghe em chơi đàn". Nhưng điều đó dường như vô vọng. Cậu không hề có một năng khiếu bẩm sinh nào. Tôi chỉ thấy mẹ cậu (một phụ nữ không chồng) ở một khoảng cách khá xa khi thả cậu xuống xe và chờ cậu trong một chiếc xe hơi cũ mèm khi đến đón cậu. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ ở lại lâu.
Thế rồi một ngày nọ Robby không đến học nữa, tôi định gọi điện cho cậu nhưng thôi, bởi vì cậu không hề có chút năng khiếu nào, có lẽ cậu đã quyết định theo đuổi một con đường khác. Tôi cũng vui khi cậu không đến nữa. Cậu làm cho sự quảng bá trong việc dạy dỗ của tôi mất ưu thế! Vài tuần sau đó, tôi gởi đến nhà những học sinh của mình các tờ bướm thông báo cho buổi diễn tấu sắp tới. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Robby (cũng đã nhận một tờ bướm) hỏi xem cậu có được tham dự biểu diễn hay không. Tôi bảo với cậu, buổi diễn chỉ dành cho học sinh đang học, vì cậu đã thôi học nên cậu sẽ không đủ khả năng thực hiện. Cậu nói rằng mẹ cậu đang ốm và không thể chở cậu đi học nữa, nhưng cậu vẫn luôn luyện tập. "Cô Hondorf… cô cho em diễn một lần thôi…", cậu nài nỉ. Tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi cho phép cậu chơi trong buổi trình tấu đó. Có thể là cậu đã tha thiết quá, hoặc là một điều gì đó trong tôi đã bảo mách tôi rằng điều đó là đúng.
Đêm biểu diễn đã đến. Trong hội trường đông nghịt những phụ huynh, bạn bè và họ hàng. Tôi bố trí cho Robby ở cuối chương trình trước khi tôi xuất hiện để kết thúc và cảm ơn những học sinh đã trình diễn. Tôi nghĩ rằng tất cả những rủi ro mà cậu có thể gây ra cũng là lúc kết thúc và nếu có bề gì thì tôi cũng có thể "chữa cháy" cho sự biểu diễn yếu kém của cậu bằng tiết mục "hạ màn" của tôi. Và buổi biểu diễn trôi qua không một trở ngại nào. Những học sinh đã luyện tập nhuần nhuyễn và trình bày rất tốt. Thế rồi Robby bước ra sân khấu. A? quần cậu nhàu nát và mái tóc như tổ quạ.
"Tại sao cậu lại không ăn vận như những học sinh khác nhỉ? Tôi nghĩ "Tại sao ít ra mẹ cậu lại không chải tóc cho cậu vào cái đêm đặc biệt như thế này chứ? "
Robby mở nắp đàn lên và bắt đầu. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu tuyên bố rằng cậu chọn bản Concerto số 21 cung Đô trưởng của Mozart. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe những gì tiếp theo đó. Những ngón tay của cậu lấp lánh, nhảy múa trên những phím ngà. Cậu đã chơi những giai điệu từ nhẹ nhàng êm dịu đến hùng tráng… thật có hồn và đầy điêu luyện trong sự phối âm tuyệt diệu của nhạc Mozart. Chưa bao giờ tôi nghe một đứa trẻ ở tuổi ấy trình bày nhạc Mozart hay đến thế. Sau 6 phút rưỡi cậu đã kết thúc trong một âm thanh huy hoàng mạnh mẽ và mọi người đều đứng lên vỗ tay. Không nén được lệ tràn trong mắt, tôi chạy lên sân khấu và vòng tay ôm lấy Robby trong hạnh phúc: "Cô chưa bao giờ nghe em chơi hay như thế Robby ạ. Làm sao em có thể làm được điều đó? ". Robby giải thích qua chiếc micro "Thưa cô Hondorf… cô có nhớ là em đã kể rằng mẹ em đang ốm? Thực ra, mẹ em đã bị ung thư và qua đời sáng nay. Mẹ em bị điếc bẩm sinh vì vậy đêm nay là đêm đầu tiên mẹ em nghe thấy em đàn. Em muốn làm điều gì đó thật là đặc biệt".
Tối hôm ấy, trong hội trường không đôi mắt nào không nhỏ lệ. Khi những người ở Trại Xã Hội đưa cậu từ sân khấu trở về trại mồ côi tôi nhận thấy mắt họ đỏ và sưng mọng. Tôi chợt nghĩ, đời tôi nhiều ý nghĩa biết bao khi đã từng nhận một học sinh như Robby. Không, tôi chưa bao giờ nhận một học sinh nào "cần nâng đỡ", nhưng đêm đó tôi trở thành người được nâng đỡ bởi Robby. Cậu là thầy của tôi và tôi chỉ là một học trò. Bởi vì cậu đã dạy cho tôi ý nghĩa của sự kiên trì, của tình yêu và niềm tin trong chính con người của chúng ta và điều đó có thể tạo ra cho người khác một cơ hội mà chúng ta không biết vì sao. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa hơn khi sau này tôi biết Robby bị chết trong vụ nổ bom điên rồ tại tòa nhà Alfred P. Murrah Federal ở thành phố Oklahoma vào tháng 4 năm 1995 nơi cậu đang biểu diễn.
|