19/04/2011
974 lượt xem
Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp
Khi thanh âm cũng bất lực như lời
(Khúc mùa thu - Hồng Thanh Quang)
Tôi biết chuyện của cô một cách tình cờ. Mẹ cô là bạn thân của dì tôi, vẫn còn thảng thốt khi kể lại chuyện cô con gái 19 tuổi vừa được cứu sống sau khi cắt cổ tay tự tử vì thất tình. Mối tình kéo dài từ năm lớp mười cho đến khi cô vào đại học. Trước khi đi du học, bạn trai cô hứa hẹn rất nhiều, kể cả chuyện sẽ kiếm học bổng để đưa cô theo… Nhưng chưa đầy một năm, anh đã công khai sống chung với một cô gái khác bên xứ người, và đề nghị chia tay cô qua email.
Mẹ cô tìm cách an ủi: “Nó như vậy là không xứng với con, đừng tiếc làm gì”. Cô chỉ cười lớn: “Có gì đâu! Ba đồng một mớ đàn ông mà mẹ, con không quan tâm đến ảnh nữa”. Vậy nên bà cứ đinh ninh là cô đã nguôi ngoai rồi. Ai ngờ cô “nói một đằng nghĩ một nẻo”, lòng vẫn ấp ủ thương nhớ, căm hận, đến nỗi cắt cổ tay. May mà gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời.
Mẹ cô chảy nước mắt khi tâm sự. “Tính nó là vậy, có gì buồn thường không nói ra, chỉ giấu trong lòng, còn mặt ngoài cứ cười hơ hớ. Lúc nó nhỏ tui luôn nhớ đến điều đó, mà sao bây giờ nó lớn tui lại quên. Nó nói “có gì đâu” là tui cho qua liền. Cái nhạy cảm của người làm mẹ như tui để đâu rồi không biết nữa”
Đó là một lời tự trách. Nhưng tôi nghe như một câu hỏi vậy.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng những đứa trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được những cảm xúc của người khác. Hẳn nhiên, trước tiên là cảm xúc của mẹ chúng. Nếu người mẹ vui sướng hạnh phúc, đứa trẻ sẽ tỏ vẻ mãn nguyện, ngủ ngoan, hay cười. Nhưng nếu người mẹ lo lắng, buồn phiền, đau khổ hoặc không muốn có con thì đứa trẻ sẽ phản ứng theo cách khác. Nó bú ít, khó ngủ, quấy khóc nhiều, cáu bẳn, đau bụng... Mặc dù người mẹ không hề tỏ ra điều gì khác thường khi chăm sóc bé.
Thật lạ lùng phải không? Dường như chúng ta được sinh ra đời cùng với một món quà vô giá, đó là sự thấu cảm bẩm sinh. Và rồi món quà ấy mai một dần theo thời gian. Hay chính ta đã vứt bỏ nó đi trong hành trình sống của mình?
Như Daniel Goleman, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng Trí tuệ cảm xúc và Trí tuệ xã hội đã nhắc chúng ta rằng, sự thấu cảm là một phần của trí tuệ xã hội. Và chúng ta đang đánh mất nó. Chúng ta tưởng mình đang được kết nối, khi friendlist trong Facebook của ta dài ra từng ngày. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta đang mất dần kết nối với nhau. Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí cả người xa lạ, trong khi vô tình thờ ơ với người thân thuộc đang ở ngay bên cạnh mình. Mạng lưới rộng đến nỗi một đứt gãy nhỏ bên cạnh làm ta không để tâm. Nhưng chính những đứt gãy nhỏ kề cận, chứ không phải những đứt gãy rời rạc ở xa, mới làm ta trở thành một tinh cầu cô độc.
Có vẻ như càng ngày chúng ta càng phải dựa dẫm quá nhiều vào ngôn ngữ, để có thể hiểu nhau. Khi hỏi thăm một ai đó: “Mọi chuyện sao rồi?” và câu trả lời : “Cám ơn. Vẫn tốt” làm chúng ta dễ dàng hài lòng đến nỗi chúng ta bỏ qua những gì có thể nằm sau những câu nói. Sự mệt mỏi nơi khoé môi. Nét buồn trong ánh mắt. Sự nhạy cảm, hay đúng hơn, khả năng thấu cảm của chúng ta giờ đây giống như chiếc ăngten bị bỏ quên. Nó vẫn ở đó nhưng không ai dùng nó để bắt sóng nữa.
Chúng ta dựa vào từ ngữ nhiều đến nỗi, khi ai đó nói rằng chúng ta không hiểu gì về họ cả, chúng ta sẽ trả lời rất nhanh: “Bạn không nói làm sao tôi hiểu được” như thể việc chúng ta không hiểu hoàn toàn là lỗi của họ.
Sách vở thường viết rằng, hai thế hệ rất khó hiểu nhau, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, đàn ông và phụ nữ không hiểu nhau. Vì chúng ta bày tỏ theo những kiểu khác nhau, chúng ta diễn giải sự việc theo cách khác nhau, chúng ta dùng từ ngữ với những ý nghĩa khác nhau.
Tôi tự hỏi, có phải ta đã chấp nhận những lý lẽ ấy như sự biện hộ cho chính mình. Và quên rằng vẫn còn có một cách khác để hiểu. Rằng sự giao tiếp thực sự giữa con người với nhau có thể vượt qua ngôn ngữ. Đó là cách mà những người yêu thương nhau thường dùng, khi họ thực sự yêu thương.
Yêu và biết cách yêu là hai điều khác nhau, phải vậy không
Ta luôn có thể yêu cho bản thân mình, bằng cách nào cũng được, nói hay không nói, chia sẻ hay không, nhưng để yêu cho người khác thì phải biết cách yêu - tức là biết cách bắt sóng cảm xúc của người ấy để vuốt ve yêu thương chia sẻ với chính những cảm xúc thường tìm cách lẩn trốn ấy. Đó là khi ta giao tiếp không phải để bày tỏ chính mình mà là để thấu hiểu người ấy. Nói hay thinh lặng không phải để mở cửa tâm hồn chính mình, mà tìm đường vào tâm hồn người ta yêu. Đó là khi ta lắng nghe, không chỉ những lời nói, mà lắng nghe một làn sóng, một tín hiệu vô thanh. Những tín hiệu yếu ớt của cảm xúc.
Cũng Daniel Goleman, trong một bài phỏng vấn đã nói đại ý rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mài giũa trí tuệ xã hội của ta, lấy lại khả năng thấu cảm, bằng một cách đơn giản: hãy chuyển sự chú ý của ta sang người ta yêu. Ngay khi ta thực sự chú ý đến họ, ta sẽ ngay lập tức bắt được trường cảm xúc của người ấy. Phía sau lời nói, phía sau biểu hiện, thậm chí phía sau sự yên lặng.
Phải vậy không em, đôi khi ta chỉ cần trở lại ngồi yên bên nhau là đủ. Đủ để hiểu.
Như ngày xưa, khi ta khởi đầu yêu.
Chúng ta thường khởi đầu một tình yêu với một người khi nhận ra rằng ta và người ấy có thể hiểu nhau mà không cần nói. Những xung động buổi ban đầu trong tim ta thường không phải là ngôn từ. Chỉ cần nhìn vào mắt nhau, hay thậm chí chỉ cần ở bên nhau trong cùng một bầu không khí, dường như ta đã hiểu nhau. Và khi mối tình trở nên bền chặt hơn, ta tự hào vì người kia chưa nói hết ý mà người này đã hiểu: tình cảm, nhu cầu chia sẻ, nỗi buồn, niềm vui, sự lo âu… Chiếc ăngten thấu cảm trong ta thật nhạy.
Nhưng rồi, thời gian qua, đến lúc nào đó bỗng dưng ta nhận ra người này đang trách người kia rằng nếu không nói ra làm sao hiểu được. Có lẽ từ khi đó tình yêu đã bước qua một khúc quanh.
Và cuối cùng, khi nói bao nhiêu cũng không hiểu. Càng nói càng không hiểu nhau…
Đó là khi ta nhận ra ngôn từ chưa bao giờ là đủ. Có biết bao điều ta muốn bày tỏ cho người ta yêu - những điều ta mong người ấy thấu hiểu - những yêu thương, oán giận, xót xa, giày vò tự sâu thẳm trái tim ta – nhưng không ngôn từ nào đủ sâu sắc, trọn vẹn lý tình, không ngữ pháp nào đủ phức tạp để diễn tả. Từ ngữ lúc ấy thậm chí còn có bộ mặt phản trắc vì sự đa nghĩa của chúng. Và chúng ta hiểu sai, chúng ta bị hiểu sai. Chúng ta như đi trong rừng rậm của những ý niệm đan chồng chéo lên nhau. Bao nhiêu cuộc tình đã và sẽ còn diễn ra theo cách đó? Không phải sự thấu cảm cạn dần theo tình yêu mà là ngược lại, tình yêu cạn dần theo sự thấu cảm.
Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau. Đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh “Ngôn ngữ là cội nguồn của mọi ngộ nhận.”
Và buồn thay, đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi.
Phạm Lữ Ân
|
05/04/2011
955 lượt xem
“Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần” (Ngạn ngữ Hy Lạp)
Chiều Chủ nhật, tôi ngồi trước bậc thềm quan sát những đứa trẻ trong xóm chơi với nhau. Chúng thường chơi đi chơi lại mấy trò. Trước hết là trò cao bồi, một đứa làm cao bồi kiêm cảnh sát trưởng, vài đứa đóng vai thổ dân, và một tên cướp. Không cậu bé nào chịu đóng vai tên cướp cả. Tất cả đều muốn làm cảnh sát trưởng. Cãi nhau mãi, cuối cùng chúng quyết định những người qua đường sẽ là tên cướp. Những tên cướp luôn luôn bỏ chạy. Và người qua đường cũng thế…Vì vậy chúng hò reo và đuổi theo những người đi qua xóm.
Trò chơi vì thế mà nhanh chóng trở nên nguy hiểm và bị người lớn nghiêm cấm. Những đứa trẻ ngay lập tức chuyển sang trò chơi yêu thích khác, trò “Ta là chúa tể”.
Một cậu bé học lớp Ba, cao nhất và khôn lanh nhất, là người khởi xướng và vì thế nghiễm nhiên trở thành chúa tể. Trò chơi rất đơn giản, “chúa tể” sẽ đội cái xô nhựa lên đầu, tay cầm cây kiếm nhựa giơ lên cao và hét vang “Ta là chúa tể”, sau đó nghiêm mặt quát to“Lính đâu!”. Những đứa trẻ khác sẽ khúm núm cung kính “Thưa chủ nhân!”. Chúa tể sẽ sai vặt “quân lính” (đương nhiên): đi rót nước, đi lượm rác, đi mua kem, hoặc đôi khi, đi trừng phạt một “tên phản bội”, bắt “hắn” lại và nhốt vào nhà tù…
Quân lính nhìn chung tỏ vẻ chán ngán, và một cô bé mới nhập bọn lắc đầu nguầy nguậy. Không công bằng, phải oẳn tù tì để chọn ra người làm chúa tể chứ. “Đâu phải mình anh, ai cũng thích làm chúa tể hết mà” – cô bé càu nhàu.
Những người lớn ngồi trên thềm nhà xung quanh đó cười nghiêng ngả.
Chợt nhớ hôm nọ, cô bạn đang làm giáo viên ở một trường tiểu học Quốc tế kể rằng, ở lớp cô lần lượt mỗi học sinh sẽ được làm lớp trưởng trong một tuần. Bởi cô nghiệm ra rằng để có những cách thức dạy dỗ hoặc điều chỉnh thích hợp, điều cần nhất là giáo viên phải thấy được bản tính của đứa trẻ một cách rõ ràng nhất. Và cũng giống như người lớn, tính cách của trẻ con sẽ bộc lộ rõ nhất khi ta trao cho chúng trách nhiệm và uy quyền trong vai trò thủ lĩnh.
Khi ngồi nhìn những đứa trẻ ngây thơ chơi trò “ta là chúa tể”, tôi mới nhận ra ý tưởng của cô bạn thật tuyệt vời, bởi chính Abraham Lincoln cũng từng nói “Gần như tất cả mọi người đều có thể chịu đựng được nghịch cảnh. Nhưng nếu muốn kiểm tra tính cách của một người nào đó – hãy trao cho anh ta uy quyền”.
“Ai cũng muốn được làm chúa tể” – cô bé kia đã nói như vậy. Chúng ta mới giống nhau làm sao! Ta đều mơ trở thành thuyền trưởng trên mọi con tàu.
Hẳn nhiên khi lớn lên, tôi cũng như bạn, sẽ dần hiểu rằng làm “thủ lĩnh” - dù chỉ là “thủ lĩnh” của một lớp học vài mươi học sinh, hay một công ty hàng trăm người - nghĩa là sẽ được nể vì, được ra oai, sai khiến và đôi khi…trừng phạt người khác. Nhưng nó cũng có nghĩa là phải gánh thêm những trách nhiệm và cả những phiền toái, những thứ luôn khiến cho vai trò đó trở nên ít hấp dẫn hơn. Ví như việc thuyền trưởng luôn phải là người cuối cùng rời khỏi con tàu sắp đắm.
Vì thế khi lớn lên, chúng ta hiểu rằng không phải ai cũng có thể trở thành người “đứng mũi chịu sào”. Phần đông chúng ta sẽ trở thành thủy thủ.
Chúng ta vẫn thường cho rằng quyền lực chỉ đi kèm với địa vị hay chức vụ, nhưng tác giả Brain Tracy trong cuốn sách “100 quy luật bất biến trong kinh doanh” đã đúc kết rằng có bốn kiểu quyền lực khác nhau: quyền lực chuyên môn, quyền lực cá nhân, quyền lực địa vị và quyền lực được phong tặng…
Nghĩa là dù không thể có được quyền lực từ chức vụ cao, bất cứ ai trong số chúng ta cũng có khả năng tác động đến người khác bằng năng lực chuyên môn hoặc bằng nhân cách của mình, hoặc cả hai. Chính vì vậy, nếu bạn có địa vị thì đừng áp chế, và nếu bạn không có địa vị, cũng đừng sợ hãi. Bởi địa vị cao là những con tàu trên biển cả, còn quyền lực chính là những cơn gió. Chúng có thể đưa chúng ta đi xa, nhưng cũng có thể khiến ta lật nhào. Cả những con tàu vĩ đại như Titanic vẫn có thể bị đánh đắm.
Chúng ta thường nhanh chóng quên rằng, một khi càng dễ điều khiển người khác thì chúng ta càng khó điều khiển bản thân mình. Quá trình đó diễn ra tinh vi đến nỗi hiếm khi nào người trong cuộc nhận ra. Đó là sự thật. Chúng ta luôn dễ dàng nhìn ra con người thật của ai đó một khi họ nắm giữ quyền lực, điều đó cũng có nghĩa chúng ta gần như không thể che giấu con người thật của mình khi có quyền lực trong tay.
Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi mình: phải chăng chúng ta đã mang trong mình khao khát quyền lực như một thứ bản năng, khởi từ thuở bình minh của loài người? Có lẽ đúng như vậy. Dường như không ai trong chúng ta có thể vượt qua nổi sự cám dỗ của việc có được quyền năng chi phối người khác, dù chỉ trong một giới hạn nào đó. Nhưng sử dụng quyền lực ấy để làm gì, và như thế nào, là điều khiến chúng ta trở nên khác nhau.
Có người xem quyền lực là mục đích tối thượng còn công việc là chiếc cầu để đạt đến nó. Và họ dùng nó để thống trị người khác, để mưu lợi cho riêng bản thân mình. Cũng có người xem quyền lực là một công cụ hữu ích giúp họ làm tốt hơn công việc của mình. Họ dùng nó để khơi gợi cảm hứng và tài năng của người khác, nhằm đạt được những mục tiêu chung và cố gắng mang lại những lợi ích lớn lao nhất cho nhiều người nhất. Bạn sẽ chọn ai trong những người đó, hoặc sẽ trở thành ai trong những người đó? Bạn sẽ là ai với quyền lực trong tay? Và bạn sẽ là ai trước uy quyền của người khác?
Tôi tin rằng, đó chính là những câu hỏi đáng để đặt ra trong cuộc đời. Bởi câu trả lời sẽ vẽ nên tâm thế và bản lĩnh của chúng ta trong thế giới xô bồ này: ung dung hay hoảng sợ, vững vàng hay bị khuất phục, tự tin hay tự ti, thành công hay thất bại…
Bạn biết chăng, bạn vẫn còn rất trẻ. Và mai kia chính bạn sẽ là người chọn ra thuyền trưởng cho rất nhiều con tàu. Hoặc chính bạn sẽ trở thành thuyền trưởng.
Tôi chỉ mong khi ấy bạn sẽ không quên những gì Edward Counsel đã viết, rằng “những dấu chân của quyền lực thường là những dấu chân trên cát”. Những cơn gió vẫn mải miết thổi qua nơi ấy, và sẽ chẳng để lại gì trên bờ cát thời gian….
Phạm Lữ Ân
|
11/03/2011
1101 lượt xem
“Hãy tự hỏi mình xem điều gì sẽ khiến bạn tỉnh thức, và thực hiện điều đó. Bởi cái thế giới cần là những con người đã thức tỉnh” - Howard Thurman
Tôi từng là sinh viên ngành sư phạm trước khi trở thành nhà báo. Những ngày ngồi ở giảng đường, tôi chưa bao giờ hình dung về bản thân mình như một giáo viên, dù tôi rất yêu quý trẻ con. Tôi luôn cảm thấy có gì đó không đúng, như một chiếc bánh răng không đặt khớp trong cỗ máy đời mình.
Rồi một ngày nọ, tôi gạt qua một bên những ngăn trở, những hoài nghi, dè dặt của gia đình và bè bạn để trở thành phóng viên ở một tờ báo học trò.
Cho đến tận bây giờ, tôi chưa phút nào hối tiếc.
Và phần đông, tôi muốn nói là rất đông, những người tôi quen đã đạt được thành tựu và hạnh phúc với công việc vốn không phải là lựa chọn đầu tiên của họ. Họ đã từng chọn sai đường. Rồi họ bừng tỉnh, và rẽ qua một con đường khác.
Thế cho nên, đừng lo nhé! Nếu như bạn vừa nhận ra rằng mình đã đi sai đường. Hãy xem nó như một giấc mơ. Điều bạn cần làm bây giờ chỉ là tỉnh dậy.
Bởi cuộc đời này có quá nhiều điều thú vị mà chúng ta có thể trải nghiệm, nên việc chọn lựa không bao giờ dễ dàng. Đối với bất cứ ai. Thường thì để lựa chọn đúng, người ta cần một trong hai thứ: sự may mắn, hoặc là sự khôn ngoan.
Một người bạn vong niên từng nói với tôi rằng trí thông minh chưa chắc đã mang lại hạnh phúc.
Nhưng sự khôn ngoan thì có thể. Khôn ngoan là biết cách phát huy tối đa năng lực và phẩm chất của bản thân để đạt được lợi ích một cách toàn diện, không chỉ về vật chất, mà còn về tinh thần, không chỉ danh lợi mà còn danh dự, không chỉ địa vị mà còn lòng tôn trọng và cả sự yêu thương.
Khôn ngoan là biết tránh xa những gì có thể gây thiệt hại, cũng vậy, không chỉ về vật chất, hay danh lợi...
Sự thông minh mang tính bẩm sinh nên không phải ai sinh ra trên đời cũng thông minh. Nhưng tôi tin rằng ai cũng có thể trở nên khôn ngoan. Bởi sự khôn ngoan là điều chúng ta luôn có thể học, và luôn có cơ hội để học, bằng cách tích lũy từng chút một mỗi ngày, mỗi phút những kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình. Hoặc, sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta học được từ cuộc đời người khác. Từ lịch sử.
Thầy dạy văn của tôi từng nói rằng, mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời đều có trong thần thoại Hy Lạp. Đó là lý do vì sao đến tận bây giờ chúng ta vẫn đọc những tác phẩm cổ điển.
Bởi vì nếu gạt bỏ những bối cảnh xã hội và tập tục có thể trở nên lạc hậu theo thời gian thì các nhân vật ở thời đại xa xưa kia không khác gì chúng ta cả.
Công nghệ của chúng ta đã tiến xa nhưng những gì thuộc về bản chất con người thì dường như không hề thay đổi: tình yêu, cảm giác hạnh phúc, lòng tham, sự đố kị, những mưu đồ, tội ác, thất bại, thành công, hy vọng và sự tuyệt vọng...
Tôi từng nghe kể về một người. Một người bình thường. Anh suýt mất mạng khi nhảy xuống cứu hàng chục người lớn và trẻ em bị lật thuyền giữa dòng nước xiết.
Bạn nghĩ người ấy làm điều đó vì ai? Vì những nạn nhân ư? Hay là vì tình yêu con người? Phải chăng anh đã hoàn toàn quên bản thân mình trong khoảnh khắc ấy? Khi mọi người xúm lại trầm trồ thán phục người đàn ông ấy thì anh làu bàu: “Có chi đâu mà nói. Nếu như dưới đó có cái thằng trộm đồ nhà mình thì tui cũng phải nhảy xuống cứu nó lên. Chớ không thì tui làm sao sống nổi với mình?”
Vậy đó. Đột nhiên tôi nhận ra rằng, rất nhiều người làm việc thiện nguyện hay một hành động dũng cảm đơn giản là vì chính họ. Và tôi mong tất cả chúng ta đều vậy. Chúng ta phải mang đến điều tốt đẹp cho người khác trước hết là vì sự thôi thúc của trái tim mình, thứ sâu kín thiêng liêng, ở bên ngoài danh tiếng và những lời hoa mỹ.
Vì chúng ta không thể kìm lòng được, vì nếu không đến và xoa dịu nỗi đau của người khác, không đưa tay cứu lấy người khác trong lúc ngặt nghèo thì trái tim ta không thể nào thanh thản. Đó chẳng phải là một trong những phẩm chất nguyên sơ đẹp đẽ và kỳ diệu nhất của trái tim con người hay sao! Nếu lắng nghe lời chỉ dẫn từ nơi sâu thẳm đó, ta không thể nào đi sai đường được.
Chúng ta không thể mang lại hạnh phúc cho người khác, nếu chính bản thân chúng ta luôn hoang mang hoặc tràn đầy hối tiếc. Chúng ta cũng không thể thanh thản và hạnh phúc thực sự nếu chỉ sống, làm việc, học hành vì người khác - dù đó là những người ta vô cùng yêu quý - thay vì sống theo mong muốn của chính mình. Bởi thế, bạn thân mến, hãy luôn sống vì mình, và hãy sống vì mình một cách khôn ngoan.
Các chuyên gia tâm lý nói rằng 33 thợ mỏ Chilê sau khi được cứu sống sẽ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi trong cuộc sống. Chẳng biết tốt hơn hay tệ hơn, nhưng chắc chắn đó sẽ là những thay đổi lớn. Bởi vì họ đã bị chôn vùi, đã tuyệt vọng, đã cận kề cái chết, và đã được cứu thoát. Họ như bừng tỉnh sau một giấc mơ dài và bây giờ họ tự hỏi “Ta đã làm gì với cuộc đời mình, suốt những năm tháng qua?”
Còn chúng ta thì sao? Lắm lúc chúng ta cũng sống một cách hoang mang bất định. Vậy tại sao chúng ta không tự hỏi mình câu hỏi đó, bây giờ? Chúng ta có chịu cúi xuống để nhặt lấy sự khôn ngoan rơi ra từ túi kinh nghiệm của người khác? Hay chúng ta cứ ngạo nghễ bước qua và đợi đến ngày chính mình bị chôn vùi rồi mới bừng tỉnh giấc?
Tôi muốn nói với bạn rằng, dù bạn còn trẻ và còn vô vàn cơ hội để trải nghiệm, thì cũng đừng bao giờ bỏ qua những hạt giống của sự khôn ngoan, đôi khi được giấu trong những điều vô cùng bé nhỏ, đừng bỏ qua những điều khôn ngoan trong lời nói của những người bình thường ở ngay xung quanh mình.
Đôi khi, bạn không thể biết được, một lời nói tình cờ hoặc một câu danh ngôn được nắm bắt và suy nghĩ đến đủ độ chín có thể làm thay đổi đời bạn ra sao.
Mấy ai biết được tôi đã học được nhiều đến thế nào từ câu nói bâng quơ của một người đàn ông dũng cảm vô danh. Tôi luôn vin vào hai câu hỏi đơn giản này để đi đến hết cuộc đời, để chọn lựa, để hành động, và để sống:
“Nếu làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?” và
“Nếu không làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?”
Phạm Lữ Ân
|
07/12/2010
947 lượt xem
Sáng nay tôi nhìn thấy em ở ngã tư. Đèn đỏ còn sáng và đồng hồ đang đếm ngược. Ba mươi chín giây. Em đang vội, chiếc xe đạp điện màu đỏ cứ nhích dần lên. Không chỉ mình em, nhiều người khác cũng vội. Những chiếc xe máy cứ nhích dần, nhích dần lên…Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.
Tôi nhớ có một hôm nào đó, em đã nói với tôi rằng đấy là một triết lý hay, ta phải tranh thủ sống đến từng giây của cuộc đời.
Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý hay nào mà gạt bỏ đi ý nghĩa của sự chờ đợi. Bởi chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng đợi chứ, nếu em đã học biết về điều sẽ xảy ra.
Đợi khi xếp hàng ở siêu thị, vì biết rồi sẽ đến lượt mình và rằng đó là sự công bằng. Đợi tín hiệu đèn xanh trước khi nhấn bàn đạp, vì biết đó là luật pháp và sự an toàn cho chính bản thân. Đợi một người trễ hẹn thêm dăm phút nữa, vì biết có bao nhiêu việc có thể bất ngờ xảy ra trên đường. Đợi một cơn mưa vì biết rằng dù dai dẳng mấy, nó cũng phải tạnh. Đợi một tình yêu đích thực vì biết rằng những thứ tình yêu “theo phong trào” chỉ có thể đem đến những tổn thương cho tâm hồn nhạy cảm của em…
Vì vậy mà hãy cứ bình tâm, em nhé. Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được. Nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ chín cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng mình. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.
Cũng như câu chuyện về hai chú sâu kia. Sâu anh nằm trong cái kén cảm thấy bực bội vô cùng, nên cố vùng vẫy thật mạnh để mong thoát ra ngoài. Vùng vẫy ngày này qua ngày khác, sâu mọc đôi cánh bé. Nó lại cố ra sức đập cánh, đôi cánh dần lớn ra, cứng cáp. Và cuối cùng, sâu anh hóa bướm, rũ bỏ cái kén chật chội để bay lên cao. Khi đã thoát ra rồi, nó mới thấy sâu em vẫn còn mắc kẹt trong kén. Nó hăm hở lao đến giúp em phá vỡ cái kén và đưa sâu em ra ngoài.
Thế nhưng, em biết không, sâu em mới chỉ có một đôi cánh mỏng manh bé xíu. Nó không thể bay lên như anh và cũng không còn chiếc kén để bảo vệ thân mình. Bướm anh khóc ròng nhìn em bị đàn kiến tha đi.
Tôi nhớ có một câu danh ngôn, đại ý rằng “ Bạn sẽ có được con gà con lông vàng mũm mĩm bằng cách ấp trứng, chứ không phải bằng cách đập vỡ cái trứng ra”. Vậy thì đó là lý do tại sao con sâu phải nằm trong kén đủ ngày rồi mới được hoá thân. Cũng như con người phải chín tháng mười ngày mới nên rời lòng mẹ. Đó cũng là lý do của ba mươi chín giây đèn đỏ, của mười hai năm miệt mài trên ghế nhà trường, của một mối tình thiết tha còn chưa chịu hé lộ. Và của rất nhiều khoảnh khắc chờ đợi trong cuộc đời.
Mọi vật đều có thời điểm của mình. Em đừng cố rút ngắn thời gian. Nếu trái chưa chín thì đừng nên hái. Nếu nhộng chưa chín thì đừng phá vỡ kén tằm. Nếu chưa gặp được một tâm hồn đồng điệu thì đừng trao gửi trái tim. Đừng để thế giới này tác động.
Xuân qua hè tới. Đông sang thu về.
Đừng nôn nóng khi nhìn thấy những loài cây khác đã khoe lá khoe hoa. Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Hãy tận dụng khoảng ngừng lặng này để bồi đắp cho chính mình và học cách khám phá điều sẽ xảy ra. Nếu em biết suy tư, khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa.
Vì thế, dù cuộc sống có trôi nhanh biết mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng thời gian cho sự đợi chờ. Không chỉ như chờ đèn xanh bật sáng ở ngã tư, mà như chờ rượu chín rồi hãy uống.
Như chờ tình đến rồi hãy yêu.
Phạm Lữ Ân.
|
20/10/2010
846 lượt xem
Vừa cắn nửa hạt gạo
Đã buông lửng bát cơm
Suốt một đời mẹ tôi đi vội
Qua những nỗi dở dang của đất trời.
Ngày còn chưa vơi
Mẹ tôi đã đong đêm vào nắng
Khuya chưa kịp trắng
Tóc mẹ đã phôi pha ở phía bạc màu
Nếu còn có ngày sau
Xin đời thôi rơm rạ
Kết trăm nghìn thứ lá
Chẳng xanh nổi diêu bông
Mẹ sống kiếp vắng chồng
Suốt đời không bến đợi
Rớt rồi khúc lí lơi
Lắng đa đoan đáy trời
Nước mắt đổ về trời
Cho mưa ngược về đất
Những nỗi hư thật
Mẹ đong vội đong vàng
Để hư thật dở dang
Song Mây
P/S: Có rất nhiều người mẹ như thế... Hãy làm một điều gì đó cho dù là nhỏ nhoi cho người mẹ thân yêu của bạn, không chỉ là hôm nay mà là tất cả thời gian khi mẹ vẫn còn bên cạnh bạn.
|
14/10/2010
1306 lượt xem
Hôm nay, không bận rộn – đồng nghĩa là có chuyện phải suy nghĩ, suy nghĩ nhiều.
Ta đang giận dỗi, giận ta và giận cả người…
Giận ta sao không có đủ chân tình để yêu thương, giận ta khi ta không biết điểm dừng đúng lúc và thích hợp…
Giận người vì người đã từng yêu thương ta rất mực. Nhưng giá như những yêu thương đó không làm trái tim ta trĩu nặng, những kỳ vọng người dành cho ta không là áp lực và giận cả những cảm thông, những chia sẻ vì sau đó sẽ là điều kiện…
Giận ta sao cứ dối trá quẩn quanh…
Giận người sao cứ im lặng và luôn thách thức…
Giận ta vì ta cứ nghĩ sau tất cả, mọi chuyện sẽ trở về vị trí cũ…
Và… giận người vì người làm cho ta nuôi ảo tưởng – lúc nào và bao giờ người cũng sẽ yêu thương ta...
Giận cả ta và người sao cứ cố níu yêu thương khi tất cả mọi nền móng đều rệu rã - những chia sẻ, khuyên bảo đã không còn sự cảm thông – tình thân bây giờ là gượng gạo…. Vậy, giữ để làm gì?
Ta dừng chân người nhé, chắc có lẽ ta không còn đủ kiên nhẫn để cố gắng vì sợi dây ta đang nắm đóng đầy rêu…
Những nợ nần, ta xin giữ lại đó nhưng nếu người cần ta sẽ trả đủ khi nào có thể…
Xin lỗi người
Xin lỗi những yêu thương
………..
|
27/09/2010
1041 lượt xem
Em sẽ tặng anh một mảnh đời mình
Nơi chính em cũng chưa từng bước tới…
J.L. BORGES
Khi xem xong bộ phim Juno (*), mấy cô cháu của tôi hỉ hả khen kết thúc phim thật có hậu, thật nhân bản. Riêng bà chị tôi ngồi trầm ngâm giữa đám con gái. Bộ phim đúng là rất vui nhộn, thực tế một cách hài hước, khiến các bậc cha mẹ phải suy nghĩ về cách ứng xử của mình khi con cái…lỡ lầm. Nhưng sự mãn nguyện của các cô gái với kết thúc phim đã khiến chị băn khoăn như tôi đang thấy trước mắt..
Trong phim, Juno và cậu bạn trai của cô - người mẹ và người cha bất đắc dĩ – sau những ngày tháng quay cuồng đã trở lại con đường của mình…và tiếp tục cuộc đời còn rộng mở của họ. Đứa trẻ được ra đời, lớn lên dưới sự yêu thương của một người mẹ khác, và có thể nó sẽ hạnh phúc. Và Juno sẽ không phải mang gánh nặng của sự ăn năn như nhiều cô gái khác.
Cháu gái tôi nhắc lại một mẩu tin trên báo, rằng vào ngày 1-10 vừa qua, có hơn 3.000 người đã đến chùa Từ Quang ở Sài Gòn để cầu siêu sám hối vì trót phá bỏ hoặc không thể giữ được sự sống cho hơn 5.000 thai nhi. Cô nói: “Trong số đó hẳn có nhiều người ước mình từng chọn lựa (và được chọn lựa) như Juno.”
Chị tôi lặng im một hồi lâu rồi thốt lên rằng, bộ phim đã bỏ qua một điều rất quan trọng, vô cùng quan trọng. Đó là những vết thương lòng.
Juno và bạn trai – dù muốn hay không, dù nhớ hay quên thì họ cũng đã là một người mẹ, và một người cha. Với cô bé và cậu bé, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nhưng chắc rằng, Juno đã mang trong tim mình một vết thương lòng. Cô có thể quên nó đi trong một đoạn đời còn trẻ và vô tư lự, nhưng khá chắc chắn là nó sẽ tấy lên khi cô đã là một người mẹ thực sự, và có những đứa con khác. Và một khi vết thương ấy rỉ máu trở lại, nó không bao giờ lành nữa.
Hãy hỏi những người mẹ. Họ sẽ nói có một đứa con ngoài ý muốn và để cho nó rời khỏi mình theo bất cứ cách nào đều là một vết thương lòng. Những vết thương lòng của ký ức, đôi khi chúng chỉ là một vết sẹo nhỏ, nhạt nhoà, nhưng thật lạ lùng, chúng luôn có khả năng ngăn cản ta cảm nhận niềm hạnh phúc của thực tại mà ta đáng được hưởng. Giống như bạn đang ăn một chén cơm gạo mới thơm ngon và cắn phải một hạt sạn nhỏ. Cảm giác của hai hàm răng khi cắn vỡ hạt sạn sẽ xoá đi cảm giác ngon miệng trước đó, và sau đó. Thậm chí, đôi khi, ta nhớ cái cảm giác rạn vỡ đó suốt cả đời.
Chúng ta vẫn đọc trên các diễn đàn, và báo chí, những tranh luận chưa bao giờ ngừng nghỉ về việc trao gửi thân xác trước hay sau hôn nhân. Chúng ta đôi khi, cười như mếu trước những khoảng cách xa lắc giữa các bài học đạo đức và dòng chảy thực tế của cuộc sống.
Khi nào là sớm, khi nào thì muộn? Nếu bạn muốn nghe, thì tôi sẽ nói cho bạn nghe điều tôi thực sự nghĩ. Đó là, “khi nào” không quan trọng bằng “với ai”. Đây không phải là một bài học đạo đức, mà là điều xảy ra trong thực tế, hôm qua, hôm nay và rất lâu sau nữa. Với ai, đó là vấn đề.
Có rất nhiều người tôi biết đã và đang cảm thấy hối hận cả đời, không phải vì sau hay trước, mà vì trao thân gửi phận không đúng người. Nghĩa là nếu đã nhầm người thì trước hay sau đám cưới đều khốn khổ như nhau. Khi hai mươi hay khi ba mươi tuổi đều xót xa như nhau. Với góc nhìn từ người ngoài, trao nhầm trước khi cưới thì đáng chê trách hơn. Nhưng với chính cuộc đời bạn, đôi khi, trao nhầm sau khi cưới còn tệ hơn nhiều. Nếu chỉ không đúng thời điểm, có thể người ta sẽ nuối tiếc. Nhưng không hối tiếc. Trái lại, nếu không đúng người, thì ở bất cứ thời điểm nào, người ta cũng sẽ hối tiếc.
Vậy thì, khi nào là đúng thời điểm? Khoảnh khắc nào là hoàn hảo để ta xa lìa thơ dại? Phải chăng chỉ có một đáp án đúng duy nhất: đêm tân hôn? Phải chăng trước luôn là sai lầm, và sau luôn là tối thượng?
Có người nghĩ rằng chỉ cần bước qua khỏi “tuổi trẻ em” và có đủ hiểu biết để ngăn ngừa một đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn nghĩa là đã sẵn sàng để tiến đến nơi đó - bờ cấm, ranh giới mà ta phải vĩnh biệt thơ ngây. Nơi ta rũ bỏ mọi lớp áo khoác ngoài, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nơi ta tiến đến trước mặt người ấy chỉ với bản thể của ta, chỉ ta, trọn vẹn ta, ngoài ra không gì khác… Nhưng không phải vậy. Sẵn sàng, là khi ta có đủ hiểu biết, tin cậy, và tôn trọng để ngăn ngừa những vết thương lòng.
Khoảnh khắc ấy sẽ tuyệt diệu nếu có sự yêu thương và trân trọng với đối phương, và với chính bản thân mình. Hoặc tối thiểu, là sự tôn trọng. Đôi khi sự tôn trọng còn quan trọng hơn cả tình yêu. Bởi nếu có tình yêu mà thiếu sự tôn trọng, thì vẫn không đủ. Nếu có đủ sự tôn trọng và nhận đủ sự tôn trọng, bạn sẽ biết, và sẽ có nhu cầu học biết cách khiến việc đó trở nên tuyệt diệu. Ngược lại, nếu thiếu sự tôn trọng, đó sẽ chỉ là một trò chơi hay một hình phạt, hay một trải nghiệm của sự đổi chác, lừa dối, ép buộc, chiếm đoạt, phục tùng, chịu đựng, sợ hãi, xem thường, chán ghét…Và sẽ có ai đó tổn thương.
Người ta nói nhiều về cảm xúc, về ngừa thai, về khoái cảm, nhưng người ta đôi khi quên nói điều này: khoảnh khắc đó là khi ta dễ bị tổn thương. Khi không còn gì giấu giếm, cũng có nghĩa là không còn gì để tự bảo vệ. Khi ta bộc lộ mình rõ nhất, thật nhất, trần trụi nhất, ấy là khi ta trở nên hoàn toàn dễ bị tổn thương. Điều đó đúng cho cả nam và nữ.
Khi ta sẵn sàng ở vào trạng thái dễ bị tổn thương với ai đó, là bởi ta tin vào mối quan hệ sâu đậm. Khi ta trút hết lòng mình, cũng như khi ta trút hết xiêm y vậy, là bởi ta tin.
Tuổi thơ ngây mãi mãi là thiên đường của đời người. Nếu quyết định lìa xa nó vào bất cứ thời khắc nào đi nữa, hãy chắc chắn rằng bạn lìa xa nó để đến một thiên đường khác, chứ không phải là địa ngục. Và hãy chắc rằng mình chọn đúng người bạn đồng hành. Nếu có bất cứ gợn suy nghĩ nào rằng bạn chưa sẵn sàng, rằng bạn chưa đủ tôn trọng, hay chưa nhận đủ sự tôn trọng. Rằng bạn chưa đủ tin cậy, và chưa được tin cậy đủ thì hãy dừng lại. Hãy chầm chậm thôi, không phải để đợi đúng lúc, mà đợi để biết chắc rằng ta gặp đúng người.
Khi còn nhỏ, ta thường mong mình sớm trở thành người lớn, ta muốn bước ngay vào thế giới mênh mông đó, cùng với những quyền vô hạn định. Nhưng, sự thật đắng cay mà chúng ta phải đối mặt là gì? Không ai có thể cưỡng lại thời gian. Thế cho nên cái khoảnh khắc ta sẽ phải / được thành người lớn ấy - khoảnh khắc ta trở thành một người đàn ông, hay một phụ nữ thực sự - trước sau gì nó cũng đến. Và cùng với nó, là bình yên và sóng gió, hạnh phúc và đắng cay, niềm khoái cảm ngắn ngủi và vết thương lòng dai dẳng, những gì ta kỳ vọng và cả những gì ta không hề chờ đợi…đều hứa hẹn sẽ đến theo.
Ngược lại, những tháng ngày thơ dại xa xưa sẽ bỏ ta đi mãi mãi. Vô phương níu kéo.
Phạm Lữ Ân
(*)"Juno là phim hài dành cho tuổi teen, đoạt giải OscarKịch bản gốc hay nhất năm 2008. Juno, một cô học sinh 16 tuổi, bỗng phát hiện mình đã có thai được hai tháng.Thay vì đi phá thai, Juno lại có một quyết định là sẽ sinh con và kiếm một gia đình hiếm muộn nào đó nhận nuôi."
|
06/08/2010
626 lượt xem
Tôi vẫn luôn quan niệm rằng cuộc đời của mỗi người là những chuyến hành trình dài vô tận và tùy thuộc vào mục tiêu, ước mơ mà chúng ta sẽ có những chuyến đi cho riêng mình.
Khi tôi còn nhỏ, cuộc sống của tôi là cái trò đẩy xe đạp lên một cái dốc cao ngất ngưởng rồi từ từ, chậm rãi thả dốc mặc dù không ít lần tôi trầy da tróc vảy vì trò chơi mạo hiểm đó. Bạn biết vì sao không? Vì tôi yêu lạ kì cái cảm giác chiến thắng khi hoàn thành chuyến “chinh phục núi cao” (do tôi tự đặt tên) của mình và vì tôi say mê cái mát rượi khi gió luồng vào tóc, thổi bay đi những giọt mồ hôi nhễ nhại, xoa dịu đi cái vất vả của tôi vừa mới nãy.
Nhưng khi đã trưởng thành, tôi biết rằng cuộc sống không hề đơn giản như thế bởi vì chúng ta không hề thấy trước được những điều đang chờ chúng ta ở cuối đoạn đường. Đã gọi là đường thì phải có ngã ba, ngã tư, ngã năm,… Thỉnh thoảng tôi lại bước qua một nhánh rẽ để cùng song hành với một người khác hoặc tôi sẽ đưa tay mình ra để đón nhận một người đang bước vào con đường của tôi. Chúng tôi gọi đó là “cùng bước về một phía”… Nhưng mà đã nói là đường đi có bao giờ là thẳng, chúng tôi lại rẽ sang những hướng khác khi tới đoạn đường gồ ghề khó bước hoặc khi thấy một đoạn đường khác phù hợp hơn và nhiều hoa cỏ hơn…
Cũng có khi tôi đang chạy bon bon xuống dốc – tuyệt diệu là điều mà tôi đang tận hưởng sau khi đã chinh phục được một con dốc và tôi đang trên đường tìm sự thử thách mới. Tôi đâu ngờ rằng phía trước là hố sâu và thế là… tôi ngã. Cảm giác đầu tiên là đau, cảm giác thứ hai thất vọng vì sự không cẩn thận của mình, cảm giác thứ ba là muốn ở dưới hố sâu ấy vì mắt đã quen với bóng tối và vì sợ phải bắt đầu lại chuyến hành trình – hay nói đúng hơn là sợ thất bại.
Vậy đấy, bạn và tôi sẽ phải đứng trước rất nhiều quyết định của cuộc đời: dừng lại hay đi tiếp, rẽ phải – rẽ trái hay đi thẳng? Sẽ khó khăn để có một quyết định chính xác nhưng nếu không quyết định lại sẽ trở thành đứng yên – đứng yên trong một khoảnh khắc là tốt nhưng đứng yên mãi lại là một điều khác. Hãy cứ bước và hãy đi đến cuối đường – có thể đó là vực thẳm hay núi cao, là đồng bằng hay sa mạc nhưng ít nhất tôi và bạn biết mình đã đi và đã đến và đã sai lầm một cách chân chính, thành công một cách vinh quang.
Tôi sẽ đến nơi mà tôi muốn đến, để thấy rằng thất bại chưa phải là tận cùng và chiến thắng cũng không phải là điều tốt đẹp nhất – điều quan trọng nhất là tôi không phải hối tiếc vì mình đã bỏ lỡ bất kì một chuyến hành trình thú vị nào trong cuộc đời ngắn ngủi này.
|