19/08/2011
1338 lượt xem
Nấu nướng cũng cần đến “cảm hứng”, nếu dao, thớt, xoong nồi nhà bạn đều sạch, tốt thì việc làm bếp cũng mang đến những niềm vui. Đừng để niềm vui nấu nướng bị ảnh hưởng khi thớt bị ra mùn gỗ hoặc dao cùn cắt thức ăn “chẳng sướng tay”.
Bảo quản thớt
1. Thớt nhựa
Thớt nhựa có trọng lượng nhẹ và không bị thấm nước, không có mùn thớt và không bị mục như thớt gỗ. Nhưng thớt nhựa không chịu được lực tác động lớn. Nếu bạn chặt thịt cá, thớt có thể bị nứt, vỡ, làm dao nhanh cùn hơn. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng thớt nhựa để thái các loại thức ăn đã chế biến, không cần nhiều lực, hoặc cắt rau củ.
Thớt nhựa còn có loại chia ngăn giúp bạn có thể sơ chế cùng lúc nhiều loại thực phẩm mà không sợ “lẫn lộn” món này sang món kia. Hiện trên thị trường đã có loại thớt nhựa có chức năng diệt khuẩn, thực chất loại thớt này có chứa chất microban diệt khuẩn, có tác dụng phá vỡ chức năng tế bào của vi khuẩn, ngăn chặn vi khuẩn và nấm mốc sinh trưởng, phát triển trên bề mặt thớt.
Lưu ý:
- Tránh ấn dao quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sống, đồng thời làm thớt nhanh cũ.
- Khi thớt bị ố, ngả màu, bạn nên ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong hai giờ đồng hồ. Sau đó rửa sạch lại bằng nước rửa bát, tráng nước sôi để làm thớt sạch và mới lại, dùng bền hơn.
2. Thớt gỗ
Thớt gỗ có độ đàn hồi cao, trọng lượng nặng, thích hợp để băm, chặt thức ăn. Chúng có nhược điểm là dễ thấm hút nước và các loại mùi, nhanh cong vênh, có mùn, nứt, dễ mục. Vì thế, khi sử dụng thớt gỗ, bạn lưu ý:
- Chọn thớt độ dày đều, không có mắt gỗ.
- Khi mới mua về, bạn ngâm thớt trong nước muối mặn theo tỷ lệ: 200g muối/1lít nước, trong 24 giờ, sau đó phơi khô thoáng. Điều này giúp thớt có đủ độ ẩm, không bị rạn nứt về sau.
- Để thớt không bị mùn hay có mùi, sau khi sử dụng, bạn nên chà rửa thớt bằng một ít nước rửa bát hoặc chanh tươi. Sau đó, bạn lau khô và treo thớt ở nơi khô thoáng để ngăn ngừa nấm mốc.
Bảo quản dao
Không được hơ dao trên lò lửa, hoặc phơi nắng gắt để tránh làm dao bị mềm.
Dao rất dễ bị gỉ và cùn đi nếu đồ ăn vẫn còn dính trên dao sau khi đã dùng xong. Vì thế, luôn phải rửa sạch dao sau khi nấu nướng. Khi rửa dao, nên dùng miếng bọt biển để chống xước. Rửa sạch dao ngay sau khi sử dụng xong, lau khô dao và cất đi. Nếu dao có vỏ bọc thì nên “trả dao về đúng chỗ của nó” để đảm bảo tuổi thọ của dao.
Tuyệt đối không cho dao vào máy rửa bát hoặc ngâm xuống nước. Điều này sẽ làm chuôi gỗ bị lỏng, khiến dao của bạn khó sử dụng. Ngòai ra, dao còn có thể bị va đập mạnh với những đồ vật khác trong máy rửa bát, làm hỏng lưỡi dao.
Để yên tâm dao không bị gỉ sét, bạn có thể bôi lên mặt dao một ít dầu ăn, ngâm vào nước vo gạo, hoặc lấy gừng xoa lên.
Mỗi tuần nên mài dao một lần để đảm bảo dao luôn sắc, giúp bạn thoải mái khi nấu nướng. Chỉ cần dùng đá mài hoặc dụng cụ mài dao, tuy nhiên không nên để nước dính vào dụng cụ này sẽ làm nó rất nhanh gỉ. Nếu tỉ mỉ hơn, giữ thói quen mài dao trước mỗi lần cắt, gọt thức ăn cũng là một giải pháp hay. Nhưng nên nhớ bạn nên rửa sạch dao sau khi mài, để khô cho sạch bụi kim loại có thể còn sót lại sau khi mài rồi hãy sử dụng nấu nướng.
Khi dao bị cùn: Theo thói quen khi dao bị cùn, bạn sẽ mài nó trên vật nhẵn nào đó, hoặc trên đáy chén đĩa… nhưng thật ra làm như thế dao của bạn sẽ nóng lên, dễ bị cong và rỉ. Bạn hãy thử ngâm dao trong nước muối 20 phút, sau đó mài bằng đá mịn. Đảm bảo dao của bạn sẽ sắc bén như lúc mới mua về.
|
09/08/2011
1586 lượt xem
Sau khi cô con gái yêu dấu qua đời, tiểu thuyết gia nổi tiếng Isabel Allende mới nhận ra món quà lớn nhất mà mình có được khi cho đi.
“Tôi đã sống vội vã với những đam mê, cố gắng để hoàn thành quá nhiều việc. Tôi chẳng bao giờ dành thời gian cho những đức tin của mình cho đến khi Paula, đứa con gái hai mươi tám tuổi của tôi mắc bệnh. Nó nằm hôn mê suốt một năm, đó cũng là một năm tôi ở nhà chăm sóc nó cho đến khi nó ra đi trong vòng tay tôi vào tháng 12 năm 1992.
Suốt một năm trời tôi chìm trong đau buồn, mọi thứ với tôi đã kết thúc. Tôi không còn có thể làm được gì ngoài việc khóc lóc và hồi tưởng lại quá khứ. Tuy nhiên, quãng thời gian đó cũng là cơ hội để tôi nhìn lại mình trên chặng đường đã đi và những gì tôi đã gây dựng. Rồi tôi phát hiện ra thứ đã chi phối điều tôi tin, những tác phẩm tôi viết và cách tôi sống. Tôi vẫn chưa thay đổi gì hết; vẫn là cô bé của năm mươi năm trước, vẫn là cô gái của những năm bảy mươi, vẫn khát khao cuộc sống, ngang tàng và độc lập, vẫn ước ao công lý và dễ dàng yêu điên dại.
Dù đang nằm tê liệt trên giường, Paula vẫn dạy cho tôi một bài học mà giờ đây đã trở thành tâm niệm: Thứ bạn có là thứ bạn cho đi. Hãy cho đi bản thân để trở thành người giàu có.
Paula đã sống một cuộc đời giúp đỡ người khác. Nó làm tình nguyện viên chuyên giúp đỡ phụ nữ và trẻ em tám tiếng một ngày, sáu ngày một tuần. Nó chưa bao giờ có tiền, nhưng cũng chẳng bao giờ cần nhiều tiền. Khi chết, nó chẳng có gì và cũng chẳng cần gì. Khi nó mắc bệnh cũng là lúc tôi mất đi mọi thứ: Tiếng cười, giọng nói, sự duyên dáng, vẻ đẹp của con gái mình, mất đi một người luôn bên tôi, và hơn tất cả, mất đi tinh thần của con bé.
Khi con gái tôi qua đời, tôi nghĩ rằng mình đã mất đi tất cả. Nhưng sau đó tôi nhận ra mình vẫn còn một thứ, đó là tình yêu tôi dành cho Paula. Nhưng nó không thể nào đáp lại tình yêu đó của tôi được nữa, đôi mắt nó như thể hồ nước ảm đạm không phản chiếu ánh sáng. Nhưng trong tôi tình yêu vẫn tràn ngập, cứ sinh sôi nảy nở và kết trái.
Nỗi đau mất con là một sự thanh tẩy. Tôi phải quẳng đi tất cả những điều vặt vãnh phù phiếm, chỉ giữ lại những gì quan trọng. Vì Paula, tôi không còn bị ràng buộc với bất cứ cái gì nữa. Giờ đây tôi muốn cho đi thật nhiều, nhiều hơn những gì tôi nhận được. Hạnh phúc đến khi bạn yêu nhiều hơn là khi bạn được yêu. Tôi yêu quý người chồng của tôi, đứa con trai của tôi, các cháu, mẹ già và chú cún của tôi, thực sự thậm chí tôi cũng không biết họ có thích tôi hay không. Nhưng điều đó có quan trọng gì? Tình yêu tôi dành cho họ đem đến cho tôi niềm vui.
Hãy cho đi, cho đi, kinh nghiệm, kiến thức, tài năng để làm gì nếu tôi không thể chia sẻ? Những câu chuyện của tôi viết ra để làm gì nếu không ai khác được nghe về chúng? Giàu có để làm gì nếu bạn không biết cho đi? Tôi không muốn sau này tiền của bị đem thiêu cùng thân xác mình! Chỉ khi cho đi tôi mới gắn kết được với mọi người. Khi cho đi, tôi cảm nhận được linh hồn của Paula sống trong mình, giống như một phép màu nhiệm
(Theo Beliefnet)
|
05/08/2011
1557 lượt xem
Đang lướt web, chợt đọc được một bài có câu hỏi "Con yêu, phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể hả con?", tôi tò mò vào đọc xem, thấy hay, chia sẻ mọi người.
Mẹ tôi đã ra một câu đố: "Con yêu, phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể hả con?"
Ngày nhỏ, tôi đã nói với mẹ rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên tai là bộ phận quan trọng nhất. Mẹ lắc đầu: "không phải đâu con. Có rất nhiều người trên thế giới này không nghe được đâu, con yêu ạ. Con tiếp tục suy nghĩ về câu đố đó đi nhé, sau này mẹ sẽ hỏi lại con.
"Vài năm sau, tôi đã nói với mẹ rằng hình ảnh là quan trọng nhất, vì thế đôi mắt là bộ phận mà mẹ muốn đố tôi. Mẹ lại nhìn tôi âu yếm nói: "Con đã học được nhiều điều rồi đấy, nhưng câu trả lời của con chưa đúng bởi vi vẫn còn nhiều người trên thế gian này chẳng nhìn thấy gì."Đã bao lần tôi muốn mẹ nói ra đáp án, và vì thế tôi toàn đoán lung tung. Mẹ chỉ trả lời tôi: "Không đúng. Nhưng con đang tiến bộ rất nhanh, con yêu của mẹ."
Rồi đến năm 1991, bà nội yêu quý của tôi qua đời. Mọi người đều khóc vì thương nhớ bà. Một mình tôi đã vừa đạp xe vừa khóc trên suốt chặng đường 26 km từ thị xã về quê trong đêm mưa rào ngày 4/5 âm lịch của năm đó. Tôi đạp thật nhanh về bệnh viện huyện để mong được gặp bà lần cuối. Nhưng tôi đến nơi thì đã muộn mất rồi. Tôi đã thấy bố tôi gục đầu vào vai mẹ tôi và khóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc như tôi.Lúc liệm bà xong, mẹ đến cạnh tôi thì thầm: "Con đã tìm ra câu trả lời chưa?" Tôi như bị sốc khi thấy mẹ đem chuyện đó ra hỏi tôi lúc này. Tôi chỉ nghĩ đó là một trò chơi giữa hai mẹ con thôi. Nhìn vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, mẹ liền bảo cho tôi đáp án: "Con trai ạ, phần quan trọng nhất trên cơ thể con chính là cái vai." Tôi hỏi lại: "Có phải vì nó đỡ cái đầu con không hả mẹ?" Mẹ lắc đầu: "Không phải thế, bởi vì đó là nơi người thân của con có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một cái vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một cái vai cho con có thể ngả đầu vào."
Từ lúc đó, tôi hiểu rằng phần quan trọng nhất của con người không phải là "phần ích kỷ", mà là phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác
|
02/07/2011
2301 lượt xem
>> Xuyên Việt_Thác Bản Gốc (Cao Bằng)
>>Xuyên Việt_Thanh bình trên đảo Cô Tô
Với những lớp thạch nhũ cùng ánh sáng kỳ ảo, lộng lẫy, động đẹp nhất miền Bắc Việt Nam ngày ngày thu hút hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước.
Động Thiên Cung, nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cách cảng tàu du lịch 4 km, trên đảo Đầu Gỗ ở độ cao 25 m so với mực nước biển.
Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra khoảng không bên trên một mặt bằng hình tứ giác với chiều dài hơn 130 m. Càng vào trong vẻ đẹp của động càng lộng lẫy bởi những lớp thạch nhũ tạo nên.
Trên vách động phía đông là một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó nổi lên những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, đường nét mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế ở từng chi tiết, những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay nhỏ bé đều được bàn tay của tạo hoá trau truốt tỉ mỉ.
Động gắn liền với truyền thuyết về vua Rồng xưa: "Sau khi vua Rồng giúp dân ta đánh tan giặc giã, vua Rồng trở về động của mình, năm ấy trời hạn hán nặng, dân tình mất mùa nhiều nên họ phải cầu cứu vua Rồng ra tay làm mưa. Bao nhiêu người đã ra đi mà không có ngày trở về. Không sợ nguy hiểm gian nan, có một đôi vợ chồng trẻ quyết tâm cùng nhau đi tìm gặp vua Rồng. Người con gái của họ ra đời được đặt tên là nàng Mây...
Nàng Mây lớn lên đã làm xao xuyến trái tim Hoàng tử Rồng và tình yêu đã giúp họ tìm đến với nhau, đám cưới được tổ chức 7 ngày 7 đêm tại khu vực trung tâm động. Để chúc mừng đám cưới, những chú rồng bay lượn lúc ẩn lúc hiện trong rừng mây nhũ đá, những chú voi con công kênh nhau lên nhảy múa, những con mãng xà lớn trườn mình quấn quanh cây đa cổ thụ, hai chú sư tử đá nhảy múa bờm tóc tung bay, trên cao những chú đại bàng dang rộng đôi cánh khổng lồ. Một chú voi lớn được trang trí diêm dúa công phu đang nằm phủ phục chờ cô dâu chú rể bước xuống. Nam Tào, Bắc Đẩu tóc bạc như mây cũng đến dự tiệc vui, cảnh tượng vô cùng tưng bừng náo nhiệt".
Trung tâm động là bốn cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được chạm nổi nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành... Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng đám cưới.
Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá tự nhiên lộng lẫy.
Tới ngăn động cuối cùng, những luồng ánh sáng trắng xanh đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một khe nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách, nơi đây có ba chiếc ao, nước trong vắt. Theo truyền thuyết, đây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ trưởng thành. Một con đường dẫn ra phía ngoài quanh co uốn khúc, đó chính là con đường mà nàng Mây cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn ở lại cùng với người cha xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại là bầu vú tiên tràn trề sức sống.
Lối ra cửa Động hẹp và sâu hun hút.
|
01/07/2011
2508 lượt xem
>>Xuyên Việt_Thanh bình trên đảo Cô Tô
>>Xuyên Việt_Lộng lẫy Động Thiên Cung (Quảng Ninh)
Con đường từ Khau Vai, Hà Giang sang Đức Hạnh, Cao Bằng chỉ bé vừa bụng con trâu, có đoạn lại quanh co như sợi chỉ quấn quanh đỉnh núi đủ làm chùn bước tay lái khách đường xa. Vượt Nho Quế bằng bè mảng rồi lại may mắn “tóm” được dân bản địa dẫn đường đi Cốc Pàng, Bảo Lạc, Cao Bằng.
Toàn cảnh thác bản Giốc nhìn từ trạm biên phòng Bản Giốc.
Cụm thác phụ tuôn đổ trắng xóa, lác đác đóa hoa vô ưu nở vàng.
Đêm miền biên viễn nhuốm hơi sương mờ ảo, cả đoàn men theo con đường đất xuống tới gần chân thác để lắng nghe tiếng thác đổ về đêm. Không ai bảo ai, nhưng chẳng ai cười đùa để lắng nghe tiếng thác tuôn rào rào trong màn đêm tĩnh mịch hay là để lắng nghe nhịp đập con tim mình nơi thắng cảnh của Tổ quốc.
Những chùm hoa nở bên dòng thác.
Cụm thác chính với ba tầng thác đổ xuống sông Quây Sơn
Sáng ra, dậy thật sớm chạy lên gác hai trạm biên phòng Bản Giốc để ngắm nhìn toàn cảnh thác. Hai cụm thác chính, phụ với hàng chục dòng thác trắng xóa hiện ra nguyên sơ và hùng vĩ. Lác đác đâu đó trên đỉnh thác hoa vô ưu nở vàng rực, dưới chân thác, dòng Quây Sơn xanh ngăn ngắt.
Thế mới biết, thác Bản Giốc đẹp đến mức nào, nó là vẻ đẹp nguyên sơ của người phụ nữ Tày nơi đỉnh núi mù sương hay là mái tóc nàng tiên nào đã lãng quên vắt ngang đỉnh núi. Cái vẻ đẹp ấy nó làm đắm say cả những khách phương tây để rồi được lưu lại trên những tấm bưu thiếp từ trăm năm trước với dòng chữ: TonKin-Région de Caobang - Cascade de Ban-Giot.
Ngay từ năm 1922, người Pháp đã miêu tả về thác Bản Giốc “... Đây là một vùng đẹp nhất của Tonkin (tức miền Bắc)… nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu chữ Z bắc lên những tảng đá băng qua sông, và nhất là cái thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm có tên Tu Tong được người châu Âu biết đến nhiều qua tên thác Bản Giốc”.
Du khách được lênh đênh trên bè mảng để khám phá sự hùng vĩ của tự nhiên
Trên chiếc mảng tre của những người dân Bản Giốc làm du lịch, du khách được đưa ra giữa dòng Quây Sơn, neo mảng thật lâu nơi chân thác để nghe bọt nước se lạnh thấm qua lòng mình những yêu thương, để lắng nghe thật rõ, để nhớ thật lâu tiếng thách đổ miền đất địa đầu Tổ quốc.
Ánh nắng vàng vọt của buổi sớm chiếu hắt lên những dòng thác trắng xóa tạo cho khung cảnh một vẻ đẹp rực rỡ. Một khoảnh khắc ngắn ngủi khi những tia nắng phản chiếu hơi bụi của thác nước tạo thành cầu vồng bảy sắc.
Những người nông dân vẫn cần mẫn cày bừa như từ hàng trăm năm trước.
Để được ngắm kỹ hơn dòng Quây Sơn hùng vĩ, du khách phải men theo con đường nhỏ lên phía đỉnh thác. Từ góc này, lại càng cảm thấy rõ hơn sự hùng vĩ của mẹ thiên nhiên khi nhìn xuống dòng thác cao 50m tuôn đổ tung bọt trắng xóa.
Xa xa trên cánh đồng, những người nông dân vẫn cần mẫn với cái cày, con trâu. Cuộc sống nơi đây vẫn bình dị, đơn sơ như hàng trăm năm trước, như hình ảnh ba con trâu đi cày trên bức bưu thiếp mang số thứ tự 831 của nhà sưu tập người Pháp những ngày xa xưa.
|
01/07/2011
1273 lượt xem
Hệ thống cửa hàng phân phối vali, balô, túi xách, ví, cùng các phụ kiện du lịch chính hãng Travel Point dành nhiều ưu đãi cho các thương hiệu nổi tiếng như: Samsonite (Mỹ), Delsey (Pháp), Carlton (Anh) và American Tourister (Mỹ)...
Theo đó, với chương trình “Sôi động mùa hè cùng Travel Point”, các mặt hàng vali, balô, túi xách, ví... đang bày bán tại Thương xá Taxsẽ được giảm giá đến 50% trong thời gian từ 27/6 đến 3/7.
Hình ảnh một số sản phẩm khuyến mãi:
Delsey giảm giá đến 50%
Carlton giảm giá đến 50%
Samsonite giảm giá 30-50%
American Tourister giảm giá 30-50%
|
30/06/2011
563 lượt xem
Đây là thông tin mới nhất được đăng tải trên báo Đất Việt chiều nay (29/6). Lí do được đưa ra giải thích cho sự vắng mặt này là vì Lachezar, bạn nhảy của Thu Minh đã phải nhập viện tối qua.
Hiện nay, Lachezar đang điều trị tại bệnh viện và Thu Minh luôn túc trực bên cạnh để chăm sóc, động viên người bạn nhảy của mình. Thông tin trên Dân Việt cho biết do không quen với thức ăn, khí hậu ở Việt Nam và sức khỏe chưa hoàn toàn hồi phục sau lần bị thủy đậu vừa rồi nên Lachezar tiếp tục đổ bệnh. Bắt đầu từ đêm qua, Lachezar liên tục có triệu chứng nôn nên phải nhập viện truyền nước.
Ngay từ khi có tên trong danh sách tham dự, Thu Minh đã được giới truyền thông và nhiều người phỏng đoán sẽ trở thành "Nữ hoàng khiêu vũ" của cuộc thi BNHV 2011 vì ca sỹ này đã từng học múa, cộng thêm khả năng cảm thụ âm nhạc tốt nên có rất nhiều thuận lợi. Trước sự kì vọng của người hâm mộ, ngay từ những đêm đầu tiên của cuộc thi BNHV, Thu Minh luôn tỏ ra là thí sinh xuất sắc, chị liên tục đứng vị trí nhất nhì trong các đêm thi. Trong đêm chung kết này, ngoài việc biểu diễn điệu free style giống như hai thí sinh còn lại là Nguyên Vũ và Thủy Tiên, Thu Minh chọn biểu diễn điệu Rumba ngọt ngào, quyến rũ nhưng cũng không kém phần nóng bỏng.
Ngoài Thu Minh đang gặp xui vì bạn nhảy bị ốm nên chưa tập luyện được nhiều, hai thí sinh còn lại đang dốc hết sức mình để có sự chuẩn bị tốt nhất các tiết mục cho đêm diễn quyết định
|
30/06/2011
1263 lượt xem
>> Xuyên Việt_Thác Bản Gốc (Cao Bằng)
>>Xuyên Việt_Lộng lẫy Động Thiên Cung (Quảng Ninh)
Cô Tô là tập hợp của nhiều hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Bắc Bộ, trong đó, nổi tiếng nhất là đảo Cô Tô lớn và Cô Tô nhỏ, ngoài ra còn có nhiều đảo khác như đảo Trần, đảo Thanh Lâm... Nếu bạn là người yêu thích khám phá thì quần đảo Cô Tô hoang sơ sẽ là nơi thích hợp dành cho những ngày nghỉ cuối tuần của bạn.
Từ Hà Nội, bạn có thể tới Cô Tô bằng xe khách tại các bến xe như Mỹ Đình, Lương Yên. Xe sẽ đưa bạn tới Cửa Ông, sau đó bạn tiếp tục đón taxi để tới cảng Cái Rồng. Trong ảnh là khung cảnh bến thuyền ở cảng Cái Rồng, nơi bạn sẽ đi thuyền ra đảo.
Điểm đến của khách du lịch tới Cô Tô là đảo Cô Tô lớn vì ở đây có nhiều cảnh đẹp cũng như các dịch vụ du lịch cũng phong phú. Từ cảng Cái Rồng tới Cô Tô lớn có thể mất 3 tiếng hoặc 3 tiếng rưỡi tùy theo điều kiện thời tiết và cũng tùy thuộc vào việc bạn đón được tàu cao tốc hay tàu gỗ.
Đường ra đảo Cô Tô lớn sẽ đi qua nhiều hòn đảo nhỏ và núi đá trên biển.
Vào những ngày đẹp trời, nước biển ở Cô Tô trong xanh và khá lặng sóng. Điểm đặc biệt ở đảo Cô Tô là màu nước biển thay đổi tùy theo độ xa bờ, khi ở gần bờ, nước biển có màu xanh ngọc, càng ra xa, nước càng chuyển sang màu xanh thẫm như bầu trời.
Màu trời và màu nước biển như hòa vào làm một.
Từ trên ngọn hải đăng của đảo Cô Tô lớn, bạn có thể nhìn thấy những vũng, vịnh trên đảo và xa xa là những hòn đảo nhỏ.
Trên những ngôi nhà của các ngư dân ở gần biển luôn treo lá cờ đỏ thắm.
Thông thường, đảo Cô Tô chỉ đông khách vào cuối tuần.
Bãi biển Bắc Vàn, một trong số những bãi tắm ở Cô Tô vẫn còn hoang sơ và sạch sẽ.
Ngoài biển, trên đảo Cô Tô còn có nhiều đồng lúa bát ngát.
|
30/06/2011
1270 lượt xem
Chiều 28/6/2011, tại Hà Nội, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu Trại hè Việt Nam 2011 với chủ đề “Tiếp bước Lý Tự Trọng” dự kiến diễn ra từ ngày 07/7 - 24/7/2011 tại ba miền Bắc - Trung - Nam.
Tham dự “Trại hè Việt Nam” lần thứ 8 với chủ đề “Tiếp bước Lý Tự Trọng” dự kiến sẽ có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu thanh niên, sinh viên kiều bào từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Điểm nhấn của chương trình năm nay là các hoạt động hưởng ứng “Năm Thanh niên” Việt Nam 2011 noi gương Lý Tự Trọng, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh rời bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước và tri ân các anh, hùng liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết “Trại hè Việt Nam” là một hoạt động được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức hàng năm nhằm tạo điều kiện để thanh niên, sinh viên người Việt Nam ở nước ngoài về nước gặp gỡ nhau và giao lưu với thanh niên trong nước; tìm hiểu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết năm nay sẽ có khoảng 150 em học sinh,
sinh viên kiều bào về "Tiếp bước Lý Tự Trọng".
Qua các dịp tổ chức trại hè, các em học sinh, sinh viên kiều bào rất hăng hái đăng ký tham dự. Điều đó thể hiện tinh thần muốn trở về tổ quốc, muốn được tận mắt chứng kiến sự phát triển của đất nước, học hỏi về lịch sử, truyền thống văn hoá dân tộc, hiểu biết thêm những danh lam thắng cảnh, những di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam để các em thêm tự hào và gắn bó với tổ quốc Việt Nam.
Lễ khai mạc trại hè năm nay sẽ diễn ra tại tượng đài Lý Tự Trọng - Hà Nội và bế mạc tại Đồng Nai. Các hoạt động đáng chú ý và có ý nghĩa trọng dịp trại hè năm nay với các em như: dự kiến chào Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; thăm các di tích lịch sử, văn hoá, du lịch tại Hà Nội (viếng Lăng Bác, bảo tàng…), Quảng Ninh (Vịnh Hạ long), Phú Thọ (Đền Hùng), Hà Tĩnh (thăm quê hương Lý Tự Trọng, dâng hương tại khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc), Quảng Ngãi (chứng tích Sơn Mỹ, tặng quà cho bà mẹ Việt Nam anh hùng), TP Hồ Chí Minh (dâng hoa tại tượng đài Bác, thăm Dinh Thống Nhất và Củ Chi), Đồng Nai (tham dự lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7)…
|
28/06/2011
619 lượt xem
Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống trong Tình và Nghĩa
Tôi hỏi đất: -Ðất sống với đất như thế nào? - Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước: -Nước sống với nước như thế nào? - Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ: -Cỏ sống với cỏ như thế nào? - Chúng tôi đan vào nhau Làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?.
Ba dòng thơ cuối với sự lặp tuyệt đối như một lời trách giận hay là lối hỏi chua chát? Người sống với người như thế nào? Ừ nhỉ, người sống với người như thế nào? Mình sống với người như thế nào? Người sống với mình như thế nào? Câu trả lời nằm ngay trong chính dòng đời miết mải.
Chẳng hiểu sao ngay từ đầu, cái câu hỏi đầy ám ảnh kia lại tạo cho mình ấn tượng sâu đến thế. Để đến lúc đọc lại cả bài thơ rồi, thì lại bật cười, có lẽ ... ừ có lẽ cả bài thơ đã là lời giải đáp. Người với người sống với nhau để làm cuộc sống của nhau đầy đặn hơn, tô màu thêm sắc để cuộc đời trở nên xanh tươi hơn, và chúng ta tôn nhau lên, để cho những cái riêng của từng cái tôi nổi trội lên, nhưng đồng thời cũng hòa vào nhau, đan vào nhau trong một cái sắc chung - CUỘC ĐỜI.
Và cứ thế, đất, nước và cỏ còn thua chúng ta nhiều lắm. Chúng chỉ tạo được cho nhau, chỉ cho được cho nhau một điều nổi bật, trong khi chúng ta, CON NGƯỜI làm được rất nhiều, nhiều hơn thế. Không phải là tôi ngây thơ đến mức hiểu nhầm dụng ý của tác giả, nhưng vần thơ là để người tán tụng, để người suy diễn. Nhà văn, nhà thơ có nhìn thấy, có chỉ ra được một khía cạnh, thì tâm hồn người đọc vẫn có thể lần tìm những ngóc ngách khác. Chỉ xin hãy nhìn đời bằng một con mắt lạc quan, để cả ba lần hỏi nhức nhối được trở thành ba lần nhấn mạnh, điểm nhấn cho lòng yêu thương, sự bao dung và tình đồng loại.
Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống với trong Tình và Nghĩa Lời bình luận của ai đó làm người ta giật mình ... cái dụng ý hiển nhiên của tác giả bỗng chốc bị lật ngược, bị thay bằng một cách hiểu mới hoàn toàn khác.
Quả thật, có lẽ hầu hết ai đọc bài thơ đều thấy khâm phục tác giả, bài thơ ý nhị, giàu ẩn ý nếu không nói là giàu ẩn ý một cách xót xa. Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào? Ba câu hỏi giống nhau về câu chữ, nhưng khác nhau nhiều về cách đọc nó. Người bộc trực dễ lên giọng ở hai câu cuối, cái cảm xúc ấy nó cứ trào ra như sự uất hận bấy lâu bị dồn nén, như một lời quát thẳng vào mặt ai đó, một ai đó hư vô - cuộc đời. Người điềm đạm thì cứ xuống giọng, nhỏ dần, tưởng chừng như bất lực. Cái nín nhịn thắt chặt, sự bức bối ngậm ngùi giữ chặt trái tim, đã biết câu trả lời, đã hứng chịu đủ cuộc đời và giờ đây thì im lặng ...
Đúng, giá trị của bài thơ chính là ở ba câu hỏi cuối, nó không những giá trị ở chỗ tác giả đã gửi vào đó tâm sự sâu kín không chỉ của riêng mình, mà còn là cơ hội để người ta nhìn lại chính mình _ những cái gì bên trong được gọi là Tình và Nghĩa?
Sưu tầm
|