Số lượng và chất lượng thường tỉ lệ nghịch với nhau. Khỏi cần xài hàng Trung Quốc mới nhận ra chân lý này. Cứ xem bánh Trung Thu mấy năm nay thì biết. Đầu tháng 8, nhà nhà bán bánh Kinh Đô, người người biếu bánh Kinh Đô...từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, chọi một cục đá thế nào cũng trúng một gian hàng bánh Kinh Đô.
Tôi chỉ chưa thấy ai ăn bánh Kinh Đô bao giờ.
Bao nhiêu năm nay, nhà tôi chỉ ăn hai loại bánh: hiệu Văn Hòa Lạc ở Bà Rịa, và hiệu Đông Hưng Viên ở Sài Gòn. Tôi khoái bánh Văn Hòa Lạc da dộp, nhưn khoai môn, to bằng cái đĩa - ăn ngầy ngậy, thơm thơm khoai môn tự nhiên. Còn bánh Đông Hưng Viên cổ điển theo công thức người Hoa chợ lớn bao đời nay: từ vi cá thập cẩm đến đậu xanh hai trứng. Hai loại này, hễ có ai biếu thì nhà tôi giữ lại để ăn. Còn không ai biếu, thì đi mua. Nếu không có tiền đi mua, thì đi thăm lò bánh, biết đâu được mời ăn free (he he).
Tôi đến thăm lò bánh Đông Hưng Viên, cũng là nhà của gia chủ, một buổi chiều cuối tháng Tám. Trong một con đường lớn ở Quận 5, ngôi nhà đồ sộ mới xây lại phía trước, nhưng phía sau vẫn là lò bánh cũ. Hai người thợ nướng vừa xong mẻ cuối, đang ngồi uống trà.
Mùi lá dứa, mùi vani, mùi gừng thoang thoảng. Cháu nội út của người sáng lập ra ĐHV dẫn tôi đi xem lò bánh.Tầng trệt là nơi hong bánh thành phẩm, vô hộp. Tầng 1 là nơi nướng bánh, và tầng 2 là tầng làm bột, trộn nhưn, làm đường. Tuy nhỏ, bộ phận nào cũng có ghi chú, có nội quy.
Bỏ qua tầng trệt có hai phòng hong bánh trên mấy cái rack gỗ không có gì thú vị, tôi lên tầng 1 thơm phức mùi bánh nướng. Sát tường là hàng lò nưóng gạch cũ dài hơn 10 mét, đã không sử dụng cũng hơn chục năm nay. Chuyển sang lò inox đã lâu, nhưng ông chủ muốn để lò gạch lại làm kỷ kiệm (với lại đám người mẫu rỗi hơi có thể muốn đến đây làm dáng bên lò gạch cũ). Đứng kế cái lò nướng y nốc khổng lồ, tôi tưởng như đang đợi thang máy ở Sunwah (đôi khi máy lạnh hư, thanh máy ở Sunwah cũng nóng cỡ đó). Còn thêm mấy cái lò nữa, chắc để nướng các loại bánh khác nhau.
Tầng 2 là nơi làm nhưn, ngào bột, hong trứng. Đâu ra đó: đậu xanh để hai khay (tôi được ăn thử một miếng... thơm thơm, béo béo...rất đã). Lạp xưởng lấy từ một chỗ người quen, cũng ở quận 5. Mè đen. Gừng giòn. Khoai môn tím. Trứng muối hồng tươi đang hong trên khay inox. Tất cả đều tinh tươm, và tất cả đều có thể ăn riêng rẽ được...chẳng cần bỏ vào bánh cũng đã ngon. "Khó nhất", và cũng là công thức gia truyền, "là khâu trộn nhưn, và làm đường sao cho vừa ngọt tới".
Tôi xuống dưới nhà, ngồi uống trà với chủ hiệu bánh. Ông đã hơn 70, nhưng quắc thước và nhanh nhẹn. Năm nay là năm thứ 40 ông làm bánh. Ông không chạy theo trị trường, tuy có cải thiện bao bì cho đa dạng hơn. Và cũng không muốn sản xuất nhiều hơn để cạnh tranh với các tiệm lớn. Ông nói "mấy năm nay bán cũng ít lại, nhưng có nhiều khách quen àh, với lại mấy đứa (con) cũng phụ làm. Thằng Hai ở Mỹ nhưng tới mùa bánh là về."
Tôi nhìn là khoảng sân trước, có mấy cái đèn cổ kiểu Hội An lung linh sáng. Vị ngọt bùi của bánh rất quen thuộc, ngụm chè sen nóng. Gió thổi nhẹ làm mấy cái lồng đèn đung đưa. Một chút thơ ấu ùa về. Chưa rằm tháng 8, nhưng ngồi đây, tôi thấy Trung Thu lắm rồi.