Gần ngày làm bánh, phải mang nếp đem ra phơi cho thật khô, để khi rang mới nổ to, nở bung ra như hoa chanh, hoa cam. Trên bếp than hồng, hạt nếp nổ bung vỏ trấu ra, khoe ruột trắng ngần. Sau khi sàng sẩy, giần đãi cho sạch vỏ trấu thì bắt đầu đóng bánh. Đường để làm bánh cũng phải là loại đường thơm, không có tạp chất.
Trước kia người dân quê thường làm bằng loại đường mật, đường đen nên bánh dẻo hơn. Bây giờ người ta thường dùng đường kính trắng, bánh nhìn trắng và ngon hơn. Gừng để làm hương cũng phải chọn loại gừng già, gừng cụ thì vị mới đủ cay, mới thơm khi đổ khuôn bánh. Khi rang nếp, thắng đường, ướp gừng phải là người có kinh nghiệm mới làm được, nếu không đường sẽ cháy làm bánh có vị đắng, nếp chưa nổ hết sẽ không thơm.
Xong những bước đó là đến lúc đóng bánh vào khuôn. Khuôn đóng bánh được làm bằng gỗ hình chữ nhật có kích thước 36 cm x 4 cm lắp đứng trên đế gỗ vững chắc. Dùng chày đầu trên tròn, đầu dưới chữ nhật vừa khít với khuôn bánh để đóng cho bánh mịn. Khuôn cũng có nhiều kiểu dáng khác nhau, như hình vuông, hình chữ nhật hay cả những hình hoa lá tùy theo người làm đặt khuôn. Sau khi đóng xong thì gói bằng lá chuối khô, vừa có vị bánh, lại vừa có hương của lá.
Làm bánh Tết, cúng tổ tiên và tiếp khách, đãi họ hàng, cứ làm theo cách cổ truyền, bánh nổ ngày xuân mới giàu ý vị. Khi đêm đến, tiếng đóng bánh bồm bộp vọng lên từ những bếp nhà trong xóm, vọng khắp quê từ nhà này sang nhà khác tiếp nối như những tràng pháo chờ đợi lúc giao mùa.
Không khí tết lúc đó dường như đã len lỏi đến từng ngôi nhà, từng gia đình không chỉ trong ba ngày tết mà trước đó rất lâu... Ngày nay, tết về biết bao nhiêu loại bánh kẹo bày bán và người chọn mua nườm nượp, nhưng bánh nổ quê nhà vẫn có riêng một vị trí trong lòng người dân quê như một cái gì hiện hữu không thể thiếu mỗi lúc giao mùa, và cho cả những ngày sau… Bạn có nhớ bánh nổ quê hương bánh nổ dẻo: 58.500VNĐ/bịch Liên hệ: www.alodacsan.com