Các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ
Các bệnh phụ khoa thông thường là các loại viêm nhiễm thường gặp ở đường sinh dục dưới, dễ chẩn đoán, xử trí, không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng để lại nhiều hậu quả
Viêm âm hộ:
Nguyên nhân: Do thiêu vệ sinh phụ nữ trong sinh hoạt hàng ngày hay trong hoạt động tình dục.
Biểu hiện: Có hai hình thái:
Cấp tính: thường gặp ở những người trẻ mới lấy chồng. Quanh lỗ niệu đạo và màng trinh tấy đỏ, chạm vào đau. Có khí hư ở các môi lớn, môi nhỏ, tuyến Bertholin có thể bị viêm làm cho các môi lớn sưng đau, nắn có mủ chảy ra ở lỗ tiết của tuyến. Thường do tụ cầu, lậu cầu và trực khuẩn coli.
Mãn tính: ít gặp hơn, thường gặp ở những người đã mãn kinh hoặc những người bị cấp tính nhưng không điều trị đúng và đủ. Biểu hiện ngứa dẫn đến gãi gây nên nhiều vết xước trên mặt vùng âm hộ. Âm hộ đỏ, có các mụn nhỏ, có mủ ở các lỗ chân lông vùng âm hộ.
Xử trí: Rửa sạch vùng âm hộ bằng dung dịch thuốc tím 1/5000-1/6000 hay bằng dung dịch mercry lauryle. Trường hợp viêm thường điều trị bằng kháng sinh toàn thân và kết hợp với thuốc diệt khuẩn.
Viêm âm đạo:
Nguyên nhân: Do yếu tố kháng khuẩn tự nhiên của âm đạo bị giảm ở tuổi già tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Do vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong giao hợp kém dẫn đến nhiễm kí sinh trùng, trùng roi, nấm…
Viêm âm đạo do tạp khuẩn:
Biểu hiện: Có khí hư trắng hay hơi vàng, có khi đặc như mủ, niêm mạc âm đạo hơi đỏ.
Điều trị: Rửa âm hộ bằng nước diệt khuẩn như dung dịch mercryl laucryle. Dùng kháng sinh và đặt thuốc theo chỉ định của bác sĩ trước khi đi ngủ.
Viêm âm đạo do kí sinh trùng:
Biểu hiện: Ngứa nhiều vùng âm hộ trước, trong và sau khi có kinh. Khí hư có màu trắng đục, loãng, có bọt, âm đạo viêm đỏ.
Phòng và Điều trị: Cần điều trị cả hai vợ chồng. Thường dùng kháng sinh uống hoặc đặt âm đạo như Metronidazol, Flaygyl. Trong khi điều trị khoảng 7 ngày cần kiêng giao hợp. Không tắm nước ao hồ, khi vệ sinh phụ nữ dùng chậu riêng.
Viêm âm đạo do nấm:
Biểu hiện: Ngứa nhiều vùng âm hộ vào giữa chu kỳ kinh, khi hư đặc như bột, có ánh trắng, âm đạo có màu đỏ tím.
Điều trị: Thường đặt thuốc âm đạo như Nystatin 0.07g hoặc Bicarbonat 1%. Tuy nhiên việc điều trị cần được tiến hành tại cơ sở chuyên khoa và tuân thủ đúng quá trình điều trị phù hợp với từng người
Viêm lộ tuyến tử cung:
Nguyên nhân: Do viêm hay sang chấn: rách cổ tử cung, nạo hút nhiều lần làm hủy hoại lớp biểu mô lát kép quanh cổ tử cung và biểu mô trụ từ trong cổ tử cung lan ra thay thế nên gây nên lộ tuyến, biểu mô trụ này sẽ gặp phải môi trường axit của âm đạo nên dễ bị viêm.
Biểu hiện: Xuất hiện khí hư, khi khám sẽ thấy cổ tử cung không nhẵn bóng và màu hồng mà có màu đỏ thẫm, khí hư nhầy bao phủ.
Điều trị: Đặt kháng sinh chống viêm âm đạo và cổ tử cung như sunfamit,penixilin đặt trong 10-15 ngày. Nếu tổn thương rộng cần điều trị bằng phương pháp đốt nhiệt hoặc đốt điện.
Viêm tuyến Bertholin:
Nguyên nhân: Thường do nhiễm khuẩn do vệ sinh không tốt.
Biểu hiện: Bệnh nhân xuất hiện cảm giác đau vùng âm hộ và tăng lên khi đi lại. Nắn môi nhỏ giữa ngón trỏ và ngón cái sẽ thấy một khối to căng, rắn, tròn đều. Nắn thấy đau và có mủ chảy ra ở cửa tuyến ở mặt trong môi nhỏ và màng trinh.
Điều trị:
Cấp tính: Dùng kháng sinh toàn thân đến khi hết viêm tấy thì sẽ tiến hành chích mủ dẫn lưu. Sau đó 3-6 tháng mổ bóc tách túi tuyến.
Mạn tính: Mổ bóc tách cả khối tuyến Bertholin.
Viêm tử cung:
Nguyên nhân: Sau sảy thai, sau đẻ, nạo thai, hút điều hòa kinh nguyệt. Do sót rau, do dụng cụ đỡ đẻ, do không vô khuẩn tốt khi bóc rau. Do thao tác nạo hút thai, lấy vòng không vô khuẩn. Do bế sản dịch sau đẻ.
Biểu hiện: Xuất hiện 3-4 ngày sau đẻ hoặc sau sảy thai: người bệnh ăn uống kém, mất ngủ, bứt rứt trong người, mạch nhanh. Sau 1-2 ngày sốt cao, đau bụng vùng hạ vị, sản dịch ra nhiều, lẫn mủ, có mùi hôi. Tử cung to, mềm, đau. Nếu tiến triển mạn tính thì khí hư nhiều có khi có lẫn máu, sau đó viêm có thể lan sang các phần phụ như buồng trứng, ống dẫn trứng.
Điều trị: Dùng kháng sinh toàn thân liều cao theo chỉ định của bác sĩ. Nâng cao thể trạng và điều trị tích cực và đúng cách.
Viêm phần phụ: (ống dẫn trứng, buồng trứng).
Cấp tính: Thường do lậu cầu hay gặp sau khi giao hợp với người có bệnh. Biểu hiện: đau bụng vùng hạ vị hoặc hố chậu, sốt cao hay thấp, từng cơn hay liên tục. Khí hư nhiều, mùi hôi lẫn mủ.
Mạn tính: Người bệnh đau ở hai hố chậu, âm ỉ và tăng nhiều khi đi lại. Khí hư nhiều và có mùi hôi, có khi làm mủ kèm theo rong huyết. Nắn thấy tử cung ít di động, có thể thấy bên cạnh tử cung khối viêm gồm cả ống dẫn trứng và buồng trứng dính vào nhau và rất đau.
Điều trị: Điều trị bằng kháng sinh liều cao theo chỉ định của bác sĩ. Nghỉ ngơi, chườm đá vùng viêm. Điều trị bằng liệu pháp sóng ngắn.