Viêm âm hộ - âm đạo và cách phòng tránhBộ phận sinh dục phụ nữ có chức năng sinh lý đặc biệt để đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ. Bộ phận này có cấu tạo giống một ống đèn xếp mở ra ngoài cơ thể, lại có vị trí gần nơi bài tiết phân, nước tiểu hàng ngày khiến cho âm hộ luôn ẩm ướt. Nếu không vệ sinh tốt sẽ sinh mùi hôi khó chịu làm giảm sự hấp dẫn, giảm khoái cảm, giảm ham muốn của phụ nữ. Đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hoạt động gây ra viêm nhiễm, nấm ngứa tại chỗ hoặc có thể vào sâu, lan rộng đến âm đạo, tử cung, buồng trứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sinh khoẻ sinh sản của phụ nữ.
Nguyên nhân gây viêm nhiễm âm hộ - âm đạo
Bình thường, ở môi trường âm đạo luôn tồn tại hệ vi khuẩn sống hoại sinh, trong đó phải kể đến 7 loại vi khuẩn lactobacilli giúp cân bằng sinh lý âm đạo. Sự tồn tại của các vi khuẩn có lợi đã ức chế vi khuẩn có hại gây bệnh. Bất cứ tác động nào gây mất cân bằng hệ vi khuẩn này đều tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại gây viêm nhiễm. Do vậy mà bệnh lý thường gặp ở phụ nữ là viêm âm hộ - âm đạo. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy không gây hại trực tiếp đến tính mạng nhưng gây xáo trộn trong sinh hoạt cá nhân, đời sống tình dục... Một số trường hợp do điều trị muộn hoặc không đúng cách sẽ để lại di chứng như: teo hẹp vòi trứng, gây vô sinh hoặc thai ngoài tử cung... Với người đang mang thai có thể dẫn đến sảy thai hoặc đẻ non.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm nhiễm âm hộ - âm đạo, song chủ yếu là do thiếu hiểu biết về vệ sinh sinh dục và vệ sinh tình dục cũng như môi trường nóng, ẩm, dễ ô nhiễm. Mùa nắng nóng mặc quần lót, quần dài quá chật cũng có thể tạo ra một môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm. Ngoài ra việc sử dụng bừa bãi các thuốc kháng sinh, Corticoid, làm thay đổi môi trường acid của âm đạo cũng góp phần làm gia tăng sự viêm nhiễm do vi khuẩn gây bệnh có điều kiện phát triển vượt qua cả sức tự bảo vệ của cơ thể.
Cách phòng tránh viêm nhiễm âm hộ - âm đạo
- Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên trong thời kỳ kinh nguyệt, thai nghén, hậu sản, trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Giữ cho vùng kín càng khô ráo càng tốt. Tránh mặc quần áo chật, quần ẩm ướt, không nên mặc đồ lót bó sát ngăn da tiếp xúc với không khí gây rối loạn tuần hoàn máu, thay quần lót thường xuyên.
- Không thụt rửa âm đạo khi không có chỉ dẫn của thầy thuốc, vì việc thụt rửa dễ ảnh hưởng tới độ pH, cân bằng sinh lý âm đạo.
- Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Khi sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ cần chọn lựa sản phẩm phù hợp, không nên sử dụng thường xuyên những dung dịch sát khuẩn mạnh, tránh làm xáo trộn môi trường tự nhiên của âm đạo.
- Không dùng nước bẩn có nhiều vi sinh vật như nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa vệ sinh.
- Nên đi khám phụ khoa định kỳ hàng năm. Khi đã mắc bệnh phải đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.
Bác sĩ Lý ( phòng khám Đa Khoa MARIa 65 Thái thịnh - Đống Đa - HN #### ĐR\T 0439715555