Chợ Tây ở Hà Nội
Chỉ mở cửa trong vòng ba tiếng ngày thứ bảy hàng tuần, chợ phiên Tây Hồ là một điểm mua sắm và giao lưu của nhiều người nước ngoài tại Hà Nội.
Khu chợ nhỏ nằm lọt thỏm trong ngõ ở đường Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội. Chợ chỉ họp vào đúng ngày thứ bảy trong tuần, từ 9h30 đến 12h30.
Alain Fiorucci, người Pháp gốc Italy, là một trong những chủ hàng đầu tiên có mặt tại khu chợ này từ lúc mới thành lập. Anh cho biết năm 2009, Patrick Gotie, một người đàn ông gốc Pháp, giám đốc công ty Cổ phần dịch vụ Chăn nuôi Thú y châu Á, đã nảy ra ý tưởng thành lập khu chợ mô phỏng chợ phiên cuối tuần ở châu Âu. Anh cùng vợ mở cửa hàng Tự nhiên Việt Nam (Naturally Vietnam) để thúc đẩy việc mua bán các sản phẩm chăn nuôi sạch và từ đó mời gọi các công ty trong và ngoài Việt Nam tham gia mở chợ.
|
Gian hàng bán rau sạch của chợ phiên Tây Hồ. Ảnh: Hải Ninh. |
Sau gần hai năm hoạt động, chợ đã có hơn 20 gian hàng với sản phẩm khá đa dạng từ các loại thực phẩm như bánh mỳ, mứt, rau củ, mật ong, trứng gà đến các loại đồ uống như rượu, trà, nước hoa quả. Ngoài ra, chợ cũng thu hút khách nước ngoài với các hàng sách, mỹ phẩm, áo quần cũ, đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ. Tất cả các sản phẩm đều được niêm yết giá cả, tên công ty rõ ràng.
"Thực phẩm ở đây luôn phải đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới được bày bán", anh Fiorucci cho biết.
Đó cũng là nét đặc trưng mà những người thành lập khu chợ này hướng đến từ lúc nó mới hình thành. Bên cạnh đó, tuy nằm trong khoảng sân nhỏ của cửa hàng Tự nhiên Việt Nam nhưng các gian hàng của chợ được bố trí trật tự và gọn gàng, hàng hóa lại được gói trong túi giấy thay vì túi nilon để bảo vệ môi trường.
Gian hàng của anh Alain Fiorucci bày bán các loại mật ong rừng nguyên chất của một cơ sở chế biến ở tỉnh Hà Giang. Giá mật ong dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy kích cỡ chai. Sống ở Việt Nam đã 15 năm nay nên anh Fiorruci rất thạo tiếng Việt, cộng với lối nói chuyện dí dỏm và nhiệt tình, gian hàng mật ong của anh là một trong những hàng thu hút nhiều khách nhất.
Khoảng một nửa trong số những người bán hàng ở đây là người nước ngoài như anh. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Canada, Australia, Pháp... Có người nói được một chút tiếng Việt, có người không, nhưng thái độ phục vụ thân thiện và tận tình là đặc điểm dễ nhận ra ở họ.
|
Anh Alain Fiorucci đang giới thiệu với một khách hàng về sản phẩm mật ong. Ảnh: Hải Ninh. |
Khách đến chợ phần đa là người nước ngoài sống quanh địa bàn quận Tây Hồ. Chị Barbara Hart, người Australia, thứ bảy nào cũng cùng chồng đưa hai cô con gái nhỏ của mình đến đây. Trong khi chị mua các loại thực phẩm cho bữa ăn gia đình thì cô con gái của chị lại tíu tít ở gian hàng đồ chơi trẻ em.
"Tôi rất thích khu chợ nhỏ này, nhà tôi ở gần đây nên việc đi chợ rất tiện lợi. Có nhiều người nước ngoài như tôi đến đây hàng tuần, không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, làm quen, trò chuyện với nhau", chị Barbara nói.
Bốn thành viên của gia đình chị Michelle Amanuel, người Canada, cũng là khách hàng quen ở chợ phiên này.
"Chúng tôi xem đây là một cách để cả gia đình cùng thư giãn và gắn bó với nhau hơn. Không khí của chợ rất sôi nổi và gần gũi. Tuy nhiên, quy mô chợ còn khá nhỏ. Tôi muốn có nhiều sản phẩm hơn, đặc biệt là các loại rau", chị Michelle nói.
Không chỉ nổi tiếng vì sản phẩm sạch, không khí vui tươi, chợ phiên Tây Hồ còn được biết đến vì có một gian hàng đặc biệt của nhóm Little Tigers. Đây là nhóm bán hàng từ thiện do một số phụ nữ nước ngoài tại Hà Nội lập ra nhằm quyên góp ủng hộ cho các trẻ em khuyết tật và mồ côi. Sản phẩm của gian hàng này chủ yếu là quần áo cũ và một số đồ dùng khác do chính khách hàng quen mang đến quyên góp.
Chợ phiên cuối tuần Tây Hồ ngày một được biết đến rộng rãi, trở thành địa điểm mua sắm và giao lưu không chỉ của khách nước ngoài mà của cả người Việt Nam. Anh Fiorucci cho biết những người thành lập cũng như những người bán hàng sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô chợ để phục vụ lượng khách hàng ngày càng đông và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao.