Cả nhà đang ăn cơm, chị Thúy tái mặt khi nhìn vào bát canh thấy toàn giấy ăn nổi lềnh bềnh. Đây là "tác phẩm" cậu con trai 3 tuổi của chị vừa tạo ra.
Dù con đã 3 tuổi nhưng mỗi bữa cơm, gia đình chị Thúy (Mai Động, Hà Nội) phải có một người chơi hay giữ bé thì những người còn lại mới được ăn ngon lành, nếu không, khi ấy, bé Đạt sẽ phá bĩnh, không hất mâm thì cũng đổ cơm hay thức ăn vào bát canh của cả nhà, hoặc khua bát, gõ thìa inh ỏi.
Lúc ấy, vợ chồng chị Thúy mắng con không được, vì Đạt có thể lăn ra ăn vạ, kêu khóc khiến cả nhà đau đầu, chẳng ai còn nuốt nổi cơm.
Cũng bởi thế, chị Thúy sợ nhất khi nhà có cỗ hay mời khách tới dùng cơm bởi nơm nớp cậu con trai sẽ phá bĩnh làm mất mặt cả nhà.
Cũng chung tình cảnh này, chị Dung (Mỹ Đình, Hà Nội) không bao giờ dám dẫn con theo đi ăn tiệc hay đến nhà hàng, sau một vài lần bị bẽ mặt. Số là, khi đi ăn, cô con gái hai tuổi rưỡi của chị đòi hết thức này đến thức khác rồi khi không thích nữa thì ném thức ăn xuống đất, vứt thìa, đũa lung tung...
Một lần đi ăn nhà hàng, thấy một cặp vợ chồng người nước ngoài và hai đứa con nhỏ ngồi ăn rất đầm ấm mà chị thèm. Hai em bé cũng chỉ tầm tuổi con chị nhưng ngồi ăn ngoan ngoãn phần của mình, không vòi vĩnh, không đập phá. Chị chỉ ước sao con gái mình cũng được như vậy.
Theo một chuyên gia giáo dục của Trường mầm non Hoàng Gia, trường hợp các gia đình có trẻ nghịch phá khi ăn như của chị Thúy và chị Dung không hiếm. Ông cho biết việc trẻ thường lao vào bữa ăn, không kiểm chế được cảm xúc của mình, có những hành vi phá rối có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó, lý do thường gặp nhất là do các gia đình quá nuông chiều con và không chú ý đến việc giáo dục thói quen ăn uống tốt cho trẻ từ bé.
Thạc sĩ này cho biết, trẻ phương Tây thường có thói quen ăn uống rất tích cực vì trong bữa ăn, các bậc phụ huynh luôn coi con - ngay từ nhỏ như các thành viên khác trong gia đình. Họ cũng ý thức rất rõ việc hình thành cho con một nền nếp trong sinh hoạt ăn uống như người lớn. Trong khi đó, không ít ông bố, bà mẹ người Việt thường cho bé ăn riêng, thường là trước bữa ăn của cả nhà và khi gia đình vào bữa bé càng có cơ hội "gây rối".
Để trẻ có thói quen tích cực trong bữa ăn, chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên chú ý đến những việc sau.
- Cho trẻ cùng ngồi ăn cơm với gia đình càng sớm càng tốt (có thể từ khi trẻ biết ngồi).
- Chuẩn bị cho trẻ một bộ bát cơm (hình ảnh ngộ nghĩnh, theo sở thích của trẻ) và hướng dẫn bé biết cách cầm thìa xúc ăn trong bát của mình (cha mẹ lấy thức ăn cho trẻ và trẻ tự xúc cơm).
- Cha mẹ nên nghiêm túc trong bữa ăn, nghĩa là khi trẻ đòi một nhu cầu nào đó phù hợp thì ta có thể đáp ứng, nhưng khi trẻ đòi những nhu cầu không phù hợp thì ta cần phải cứng rắng, không đáp ứng (tất cả các thành viên trong bữa cơm cũng phải đồng nhất với nhau về cách dạy con).
- Khi trẻ đã có sự hiểu biết nhất định, cha mẹ nên nói sự cần thiết về về việc ăn uống có nền nếp với con, nó tốt như thế nào và nếu ăn uống không nền nếp thì sẽ xấu ở chỗ nào.
- Cần rèn luyện thường xuyên cho trẻ về nền nếp ăn uống như: Biết cách cầm thìa xúc ăn, không ăn quá nhanh đến mức phồng mồm, trợn mắt, không nên ngậm quá lâu đến khi chán lại nhè ra, không xúc cơm bắn bừa bãi, ngồi đúng tư thế khi ăn...
Nói chung, việc rèn luyện nền nếp sinh hoạt cho trẻ không phải dễ, tuy thuộc vào tính cách của từng bé và bố mẹ cần kiên trì, kiên quyết.
Vương Linh