Thật hạnh phúc trong không gian yên ả của ngày hè, hai bác cháu trải tấm lá chuối ngồi bên bờ vườn dưới bóng cây râm mát “đối ẩm” bên đĩa nấm mối nướng lá nghệ còn nóng hổi, thơm lừng!
Bác Hai tôi là một nông dân chất phác, xởi lởi, rất thương con cháu và thích tự vào bếp chế biến món ăn. Một hôm tôi về quê (xã Giao Long, huyện Châu Thành - Bến Tre) thăm bác, bác vui mừng vô hạn nói: “Sẵn dịp cháu về vào mùa nấm mối, bác ra vườn tìm xem có tai nấm nào không, đãi cháu một món ăn dân dã, đảm bảo không 'đụng hàng', đó là: “Nấm mối nướng lá nghệ”.
|
Nấm mối nướng muối ớt. |
Nghe bác nói đến nấm mối, ký ức tuổi thơ nơi quê nhà yêu dấu chợt ùa về. Tôi còn nhớ hàng năm - vào khoảng tháng 5 Âm lịch khi những cơn mưa đầu mùa chợt mưa, chợt nắng làm cho mặt đất hâm hấp nóng là y như rằng nấm mối sẽ mọc.
Biết được những đặc điểm trên, bọn trẻ chúng tôi thường ra bờ vườn chỗ nấm mối thường hay mọc hàng năm để cắm chà tre bao quanh và lấy lá chuối khô phủ lên trên để “xí phần” trước. Sáng hôm sau khi trời còn tờ mờ sương, bọn chúng tôi cặp rổ ra vườn để hái nấm. Nhìn những tai nấm mối mới lú màu nâu đất hay nâu trắng (nấm nếp) giống như tai nấm rơm, nhưng phần dù (đầu) nhọn hơn, chân nấm dài không có bao, trông thật hấp dẫn!. Có khi may mắn, chúng tôi hái được cả kí lô. Thế là, trưa hôm đó, má đãi cả nhà một bữa ăn “thịnh soạn” với nấm mối xào cổ hũ dừa, nấm mối xào thịt, nấm mối nấu canh giò heo măng..v.v..; đôi lúc, má còn “vẽ duyên” làm bánh xèo nhân nấm mối nữa!...
|
Thu hái nấm mối. |
Quay lại nhà bác Hai, sau khi hai bác cháu “quần” khắp bờ vườn một lát cũng được khoảng 200 gram nấm mối tươi, tai nấm còn búp (chưa bung dù) rất ngon.
Trước hết, bác gọt chân nấm (phần dính đất), chẻ nấm ra làm đôi (nếu nấm nhỏ thì để nguyên), rửa sạch với nước lạnh có pha chút muối, vớt ra để ráo. Kế đến, bác rang muối hột trên bếp cho khô để nguội, đâm nhuyễn cùng với một nhúm ớt hiểm xanh để sẵn ra tô.
Bác còn cho tôi biết thêm bí quyết khi làm món này là không nên dùng thêm gia vị nào khác (đường, bột ngọt…) khiến mất đi hương vị đặc trưng của nấm mối.
Lá nghệ tươi cắt thành hình chữ nhật, cỡ 20x30 cm, lau sạch phơi nắng để cho lá hơi héo (gói không bị rách). “Lá nghệ gói nấm mối nướng, tinh dầu của lá nghệ thấm vào nấm mối có một mùi thơm rất độc đáo!”, bác giải thích về việc dùng loại lá này.
|
Nấm mối xào thịt Bến Tre. |
Mọi thứ đã chuẩn bị xong, bác nhanh tay cho nấm mối cùng với muối ớt vào trộn đều cho vừa khẩu vị, để ngấm khoảng 15 phút. Kế đến, bác xếp 2 lớp lá nghệ đặt lên mặt bàn và đổ nấm mối vào gói lại thành một gói hình vuông (như bánh gói), mép lá nghệ còn thừa được nhét vào bên trong. Nấm mối được chia thành nhiều gói để mau chín.
Gói xong, bác lấy một bó rơm đốt cháy và đặt những gói nấm mối vào lửa cho tới khi lớp lá nghệ bên ngoài cháy trèm trèm, bác gỡ lớp lá nghệ ra, cho nấm mối vào đĩa là xong!. Sau cùng, bác cũng không quên lấy chai rượu thuốc trên tủ thờ xuống để bác cháu “nhâm nhi” trong ngày vui gặp gỡ...
Thật hạnh phúc trong không gian yên ả của ngày hè, hai bác cháu trải tấm lá chuối ngồi bên bờ vườn dưới bóng cây râm mát “đối ẩm” bên đĩa nấm mối nướng lá nghệ còn nóng hổi, thơm lừng! Gắp một miếng đưa lên miệng nhai một cách từ tốn. Vị dai, giòn, ngọt đặc trưng của nấm mối hòa lẫn mùi thơm thoảng của tinh dầu nghệ, vị cay the the của ớt lan tỏa thấm dần vào vị giác. Thêm chút “men cay” vào nữa khiến cho câu chuyện thêm phần rôm rả.
Mùa nấm mối năm nay lại về và bác Hai tôi đã ra người thiên cổ. Ghé vào nhà bác, bước xuống bếp thấy đứa cháu gái đang rị mọ rửa từng tai nấm mối để chuẩn bị bữa ăn, tim tôi như nghẹn lại và nhớ bác vô cùng.
Nấm mối là đặc sản của Bến Tre, Tiền Giang (các tình miền Đông cũng có nhưng không ngon bằng). Nấm mối dai hơn nấm rơm, vị ngọt đậm đà, có mùi thơm đặc trưng nên được mọi người ưa chuộng. Nấm giàu chất dinh dưỡng tự nhiên và giúp cho cơ thể chống lão hóa tốt. Nấm mối mỗi năm chỉ có một lần vào khoảng tháng 4 –-7 âm lịch, rộ nhất vào tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) và kéo dài khoảng một tháng là hết.