Ân mập, biệt danh ông chủ nhà hàng Lẩu nướng Thái - là người “mê không biết mệt” về văn hoá ẩm thực như nhiều người quen đã nhận xét. Qua một thông tin về món sá sùng trên báo, ông Ân đã khăn gói ra Nha Trang tìm hiểu.
Sau hai ba tuần tìm kiếm món sá sùng ở nhà hàng, quán ăn của miền đất biển, đến đâu ông cũng chỉ nhận được cái lắc đầu: “Không biết” hoặc có nghe nhưng bây giờ không còn thấy. Ra đến chợ cũng thế, chẳng thấy hoặc nghe đến sá sùng. Vài ba bận lui tới các xóm chài, ông Ân mới may mắn gặp được một gia đình lão ngư chuyên nghề đào bắt các sản vật ở cửa biển. Bác Năm Ngư nói, muốn biết thì cứ theo bác đi đào trùn biển một buổi, nhưng phải chịu khó tuỳ con nước lúc nửa đêm hoặc sáng tinh mơ lội ra cửa sông mới có thể gặp được con này.
Vậy là ông Ân mập nhập vai dân xóm chài, giữa đêm trang bị nào thùng, túi, xẻng lội nước lạnh cóng, gió biển thổi lạnh thấu xương. Ra tận cửa sông đổ ra biển, nước lúc này đã rút, dải cát trắng phau lộ ra dưới trăng non. Bằng một cú xắn xẻng dứt khoát xuống cát, cách một lỗ tròn khoảng gang tay. Bật nguyên cụm cát lên, rây qua rổ, một con trùn biển (sá sùng) tròn căng, dài hơn gang tay. Sá sùng - mấy ai nghĩ đây là một sản vật biển quý hiếm, dinh dưỡng vì nó được vỗ béo bằng muôn vàn vi sinh vật biển ngay cửa sông. Theo bác Năm thì đa số sá sùng đều được xuất đi châu Âu hoặc Trung Quốc để làm thuốc.
Với mớ sá sùng đầu tiên mang về nhà hàng lẩu nướng Thái phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công. Cách chế biến sá sùng thật công phu, phải lộn ngược ra, làm sạch và tuyệt đối không để một chút nước nào dây vào, nếu vấy nước, sá sùng trở nên nhạt mùi và rất tanh. Với gia vị ướp theo gu Thái, nướng lửa than là tuyệt nhất. Cắn miếng sá sùng giòn sừn sựt nhưng vẫn dai, càng nhai càng béo, ngọt lịm và thơm lạ. Kèm với sá sùng nướng là xoài xanh, tỏi, sả, rau thơm và không thể thiếu trái ớt hiểm cay.
Một món ăn lạ, độc đáo lần đầu tiên có mặt ở thành phố muốn mang đến cho thực khách sành điệu một dư vị riêng. Sá sùng nướng kiểu Thái: 59.000đ/phần/4 người ăn