15/10/2011
630 lượt xem
Biện pháp phòng chống cảm cúm dễ dàng mà lại cho hiệu quả cao chính là đi qua chiếc dạ dày…
Ảnh minh họa.
1. Rau xanh và trái cây mỗi bữa ăn
Các chất chống ôxy hoá có nhiều trong rau xanh và hoa quả giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do và tăng sức đề kháng trước sự tấn công của virus.
Vì thế, hãy đảm bảo ít nhất 5 loại rau xanh và trái cây với các màu sắc đa dạng trong thực đơn mỗi ngày để ngăn chặn sự “hỏi thăm” của các bệnh đường hô hấp.
Ảnh minh họa.
2. Nêm thêm tỏi, hành
Thêm nhiều hành và tỏi trong các món ăn vào mùa đông có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể trước các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi. Hơn thế, hành và tỏi còn ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
Ảnh minh họa.
3. Thân thiện với hải sản
Với nguồn Omega-3 dồi dào, hải sản mang đến cho cơ thể rất nhiều kẽm - một chất chống ôxy hoá kích thích hoạt động của hệ miễn dịch.
Những nguồn kẽm khác có thể tìm thấy trong thịt gà, mầm lúa mì, các cây họ đậu…
Ảnh minh họa.
4. Tận hưởng cá và các nguồn Omega-3
Chất béo bão hoà, nhất là Omega-3 rất cần thiết cho cơ thể nhờ khả năng cải thiện hệ miễn dịch.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn cá (hoặc hải sản) 3 lần mỗi tuần, nên sử dụng dầu thực vật (dầu ôliu, dầu hạt cải, dầu hạt lanh…) với liều lượng hợp lý trong bữa cơm gia đình. Bên cạnh đó, có thể nhâm nhi thêm các loại hạt như hạt hướng dương, hạt vừng, hạt điều và hạt lanh.
Ảnh minh họa.
5. Cung cấp đủ protein
Nếu thiếu hụt protein, hệ miễn dịch sẽ hoạt động kém hiệu quả do các tế bào (nhất là tế bào máu trắng giúp cải thiện hệ miễn dịch) không được nuôi dưỡng tốt.
Ảnh minh họa.
Trứng, cá và thịt là những nguồn cung cấp protein chính cho cơ thể của chúng ta. Tuy nhiên, ta không ăn vô độ những thực phẩm này. Tốt hết hãy lựa chọn thịt gia cầm thay cho thịt đỏ. Và đừng quên rằng quá nhiều đạm và chất béo sẽ gây tác dụng ngược, làm cơ thể mệt mỏi và giảm khả năng kháng cự trước các bệnh đường hô hấp.
6. Vận động cơ thể bắt buộc
Ảnh minh họa.
Ngoài chế độ ăn hợp lý giúp phòng ngừa cảm cúm trong mùa đông, ta cũng cần duy trì đều đặn một hình thức luyện tập nhất định để cơ thể luôn khoẻ mạnh, có sức chống chọi cao trước sự tấn công của virus cúm.
Thêm vào đó, vệ sinh tay thường xuyên cũng là giải pháp hiệu quả trong việc phòng chống các bệnh cảm cúm.
(trích từ khoemoingay.vn)
|
15/10/2011
803 lượt xem
Viêm đường hô hấp cấp là bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa lạnh, được gọi là cấp tính vì các triệu chứng bệnh không kéo dài quá 30 ngày...
Viêm đường hô hấp cấp là gì ?
Đường hô hấp được chia làm hai phần:
Đường hô hấp trên từ mũi, hầu, họng cho đến thanh quản.
Đường hô hấp dưới từ phế quản, khí quản phải và trái, các tiểu phế quản và phổi (gồm nhiều phế nang).
Viêm đường hô hấp cấp là bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa lạnh, được gọi là cấp tính vì các triệu chứng bệnh không kéo dài quá 30 ngày. Viêm đường hô hấp trên (dân gian thường gọi là cảm lạnh) thường do virus thường trú tại đường hô hấp gây ra. Nếu được chăm sóc tốt, đa số trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 10 — 14 ngày mà không cần dùng đến kháng sinh. Viêm đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản, viêm phổi, thường do các loại vi khuẩn như Pneumococcus, Hemophilusinfluenza… gây ra. Đây là bệnh nặng với các biến chứng như viêm mủ màng phổi, ápxe phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, dễ dẫn đến tử vong và cần được điều trị bằng kháng sinh thích hợp.
Ảnh minh họa.
Một bệnh hô hấp cấp có nguy cơ phát triển nhanh vào mùa lạnh là bệnh cúm A (H1N1). Virus cúm A (H1N1) có khả năng lây lan nhanh từ người sang người, có thể gây ra các biến chứng hô hấp nguy hiểm và dẫn đến tử vong. Thời gian lây bệnh bắt đầu từ 1 ngày trước khi khởi phát bệnh và kéo dài đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
Các biểu hiện của viêm đường hô hấp cấp ?
Các triệu chứng chung của viêm đường hô hấp cấp bao gồm: ho (có thể ho khan hoặc ho có đàm), đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, buồn nôn hay nôn. Nếu là bệnh cúm thì thường có các triệu chứng đi kèm như sốt, nhức đầu, đau nhức mình, mệt lả, khó chịu ở ngực. Tuy nhiên, trên lâm sàng rất khó phân biệt cúm mùa với cúm A (H1N1) vì đều có các triệu chứng điển hình như đột ngột sốt cao trên 38 độ C, nhức đầu, đau mỏi toàn thân và các triệu chứng hô hấp như ho, chảy nước mũi, viêm và đau họng. Riêng bệnh cúm A (H1N1) đôi khi có triệu chứng đau bụng, tiêu chạy và đặc biệt có khả năng gây tổn thương phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Làm thế nào để nhận biết bệnh?
Ảnh minh họa.
Phát hiện sớm trẻ bị suy hô hấp do tổn thương phổi hay tổn thương phổi bằng cách dùng ống nghe để nghe các âm thanh trong ngực trẻ khi thở. Nếu chỉ có tiếng rì rào phế nang êm dịu là bình thường, nếu có tiêng ran rít, ran ngáy hay ran ẩm thì cần chú ý vì có khả năng trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi. Riêng các bà mẹ có thể phát hiện triệu chứng bệnh của con mình bằng cách đếm nhịp thở của bé trong một phút bằng đồng hồ có kim giây. Nếu bé thở nhanh thì có khả năng bị viêm phổi, nhưng phải loại trừ khả năng trẻ thở nhanh do quấy khóc, do đó chỉ đếm nhịp thở của khi bé đang nằm yên.
Số lần thở trong một phút tùy thuộc vào độ tuổi, trẻ thở nhanh là khi:
Nếu trẻ dưới 2 tháng có nhịp thở trên 60 lần/ phút.
Trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng có nhịp thở trên 50 lần/phút.
Trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi có nhịp thở trên 40 lần/ phút.
Nếu trẻ có dấu hiệu thở nhanh bất thường cần đưa bé đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.
Đặc biệt đối với trẻ bị viêm phổi nặng khi thở có hiện tượng co lõm lồng ngực, nghĩa là khi trẻ hít vào, phần dưới xương sườn, xương ức sẽ lõm vào thay vì phình ra như bình thường. Ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, mọi trường hợp viêm phổi đều cần được đưa đến bệnh viện để điều trị.
Chăm sóc trẻ viêm đường hô hấp cấp như thế nào ?
Trẻ bị viêm đường hô hấp cấp cần được chăm sóc tốt. - Ảnh minh họa.
Đối với trẻ viêm đường hô hấp cấp cần cho trẻ bú nhiều lần hơn hoặc cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, phù hợp với lứa tuổi, không nên kiêng ăn. Bên cạnh đó cũng cần cho trẻ uống đủ nước, nước đun sôi để nguội hay nước trái cây, nước cam đều được. Cho bé uống thuốc đúng liều theo đúng hướng dẫn của bác sĩ đã khám cho bé, không tự ý ngưng thuốc khi trẻ đã bớt bệnh, cũng không dùng thêm thuốc theo lời khuyên của người khác. Làm thông thoáng mũi giúp trẻ dễ bú, dễ thở. Chú ý những dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Những dấu hiệu nguy hiểm
Khi trẻ có một trong các dấu hiện sau đây, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay: da tím tái, bé bỏ bú hoặc bú kém (ở trẻ dưới 2 tháng tuổi), không uống được (ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi), co giật, ngủ li bì (khó đánh thức), thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng. Ở trẻ dưới hai tháng tuổi, nếu có sốt hay hạ thân nhiệt (thân thể lạnh), thở khò khè cũng cũng là dấu hiệu nguy hiểm cần đưa đi cấp cứu.
Phòng bệnh
Phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp cho trẻ trong mùa lạnh bằng cách: cho trẻ ăn nhiều chất dinh dưỡng để tăng cười sức đề kháng, mặc ấm cho trẻ, tiêm chủng đầy đủ, uống vitamin A theo chương trình quốc gia, nơi ở thông thoáng tráh ô nhiễm khói bụi, hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, không tiếp xúc với những người
(Trích từ khoemoingay.vn)
|
15/10/2011
627 lượt xem
Hai bệnh hô hấp thường gặp trong mùa lạnh là bệnh cúm và nhiễm khuẩn đường hô hấp do phế cầu khuẩn. Căn nguyên gây ra các bệnh lý này có thể là do virut hoặc vi khuẩn...
Tác hại của nhiễm khuẩn đường hô hấp do phế cầu khuẩn
Đây là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là streptococcus pneumoniae. Phế cầu này là một loại vi khuẩn gây bệnh thường lưu trú tại vùng mũi họng không chỉ ở người bệnh mà ngay cả ở một số người khỏe mạnh. Người ta nhận thấy rằng có khoảng 60% trẻ em và 30% người lớn khỏe mạnh có mang vi khuẩn này trong vùng mũi họng. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm, hoặc do viêm nhiễm bội phát, do bị cảm lạnh thì những vi khuẩn này sẽ bùng lên và gây bệnh ở họng rồi lan xuống phổi. Vi khuẩn có thể lây truyền từ người này sang người khác qua không khí khi hắt hơi, ho, đặc biệt khi có những môi trường thuận lợi như ở nơi đông đúc, chật chội.
Viêm phổi do phế cầu biểu hiện như thế nào?
Ảnh minh họa.
Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, phế cầu có thể gây ra viêm phổi, đây là căn nguyên gây ra viêm phổi cao nhất hiện nay, chiếm 30 - 50% các trường hợp viêm phổi. Bệnh nhân thường có những biểu hiện cấp tính như sốt cao, đau ngực, ho nhiều... có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đối với những người có sẵn các bệnh mạn tính, viêm phổi do phế cầu sẽ làm nặng thêm bệnh lý mạn tính hiện có và tỷ lệ tử vong ở những trường hợp này cũng tăng lên. Không chỉ gây viêm phổi mà phế cầu còn có thể xâm nhập sâu hơn vào cơ thể gây ra nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não... Mọi người đều có thể bị nhiễm phế cầu khuẩn, tuy nhiên một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đó là những người cao tuổi, trẻ nhỏ, bệnh tim, phổi hoặc gan, thận, nghiện rượu hoặc ung thư...
Ai dễ mắc cúm?
Bệnh cúm là bệnh gây ra do virut cúm tấn công vào đường hô hấp trên. Có 3 phân nhóm virut cúm đó là A, B và C. Virut cúm nhóm A và B là những nhóm được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất vì nó là căn nguyên chính gây tử vong và tổn hại cho con người. Triệu chứng của bệnh cúm thường là ho, sốt, sổ mũi, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi. Người lớn thường hồi phục sau 1 đến 2 tuần. Bệnh nhân cúm hồi phục nhanh, những người bị các bệnh mạn tính, sức đề kháng yếu có thể có những biến chứng nặng.
Viêm phổi cấp tính do virut là một biến chứng nặng của cúm, đó là những đại dịch như H5N1 gây ra. Triệu chứng khởi đầu giống như cúm điển hình nhưng tiến triển nhanh, trong vòng 3 ngày bệnh nhân sẽ bị sốt cao, ho, khó thở, tím tái. Phù phổi do suy tim và các biểu hiện thần kinh và thận khác. Tỷ lệ tử vong cao và diễn tiến nhanh. Kháng sinh không có hiệu quả chống lại virut. Bệnh cúm có thể lây nhiễm cho mọi người trên toàn thế giới, bất kể tuổi tác, chủng tộc. Các trận dịch cúm có thể lây truyền từ nơi khởi phát sang các khu vực khác chỉ trong vòng vài tháng. Khí hậu ẩm lạnh, phương tiện di chuyển công cộng đông đúc là những điều kiện tốt khởi phát các trận dịch cúm. Trong mùa dịch cúm hằng năm, có khoảng 10% dân số thế giới nhiễm cúm, có nghĩa tất cả mọi người đều có thể mắc cúm.
Ảnh minh họa.
Phòng ngừa nhiễm phế cầu khuẩn và virut cúm như thế nào
Viêm phổi do phế cầu khuẩn có thể dẫn đến tử vong, do vậy bệnh nhân cần được nhập viện để điều trị. Tuy bệnh có thể được điều trị khỏi bằng kháng sinh sau 7 — 10 ngày nhưng việc điều trị đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng cao. Đối với bệnh cúm thì hiện vẫn chưa có thuốc điều trị.
Hằng năm, các nhà y học dự phòng và truyền nhiễm trên thế giới có những tổng kết quan trọng để đánh giá xem virut cúm nào là chủ yếu trong mùa bệnh sắp tới, qua đó các nhà sản xuất vaccin sẽ đưa ra những loại vaccin cúm phù hợp. Việc phòng bệnh cúm và viêm phổi do phế cầu bằng vaccin thật sự là một kết quả mong đợi đối với nhiều người, nhất là phụ nữ chuẩn bị mang thai, người già, người mắc bệnh mạn tính và trẻ em. Ngoài việc phòng bệnh bằng vaccin, mọi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh như luôn mặc ấm, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất dinh dưỡng và hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh.
(Trích từ khoemoingay.vn)
|
15/10/2011
697 lượt xem
Trong ba thế kỷ qua, cứ khoảng 30 đến 40 năm, thế giới lại chứng kiến một đại dịch cúm. Trước khi có vắc xin, mỗi đợt dịch giết chết hàng triệu người.
Hippocrates (460-370 B.C.), thầy thuốc Hy Lạp cổ đại (trái), ông tổ nghề y, trong ghi chép của mình đôi khi nhắc đến các triệu chứng như cúm. Tuy vậy cho đến năm 1580, chưa từng có dịch cúm nào được ghi nhận trên thế giới. Thời vua Phillip II ở Tây Ban Nha mới xuất hiện cúm. Các nhà khoa học cho rằng chính đội quân của vua Phillip đã làm lây lan virus chết người này sang những phần khác của châu Âu. - Ảnh minh họa.
Thế kỷ 18, thế giới chứng kiến ba đại dịch cúm và hai đại dịch khác. Mặc dù các bác sĩ đã làm hết sức bên các bệnh nhân- như minh họa trong bức tranh này, tại một bệnh viện thời đó - họ không hiểu được bản chất của virus cúm. Một số người còn cho rằng bệnh lây qua quan hệ tình dục. - Ảnh minh họa.
Các dịch cúm vẫn tiếp diễn trong thế kỷ 19, khi các thành phố lớn dần lên và giao thông đường biển giúp cho việc đi lại được thuận tiện - đồng nghĩa với khả năng lây lan tăng hơn. Dịch cúm năm 1837 nghiêm trọng đến mức ở Berlin, số người chết nhiều hơn số người được sinh ra, và ở Barcelona thì toàn bộ các hoạt động kinh doanh bị đình đốn. Trong ảnh, một bệnh viện Nga phải dựng thêm lều chứa bệnh nhân năm 1890. Bệnh dịch khi đó được cho là phát sinh từ nam Trung Quốc, sang châu Âu và Mỹ qua Nga. - Ảnh minh họa.
Năm 1918 chứng kiến đại dịch cúm nghiêm trọng nhất lịch sử thế giới, thậm chí còn được cho là đại dịch kinh hoàng nhất trong các loại bệnh dịch. Khoảng 50 triệu người chết, trong đó riêng ở Tây Ban Nha có 8 triệu, vì thế dịch cúm này mang tên cúm Tây Ban Nha. Trong ảnh, bệnh nhân cúm nằm la liệt trong một bệnh viện ở Kansas, Mỹ. Ảnh minh họa.
Cảnh sát ở Seatle mang khẩu trang trong thời dịch cúm 1918. - Ảnh minh họa.
Năm 1941. Các học sinh trong một lớp học ở Anh súc miệng để phòng tránh cúm. - Ảnh minh họa.
Năm 1957 đánh dấu dịch cúm châu Á. Nhờ các tiến bộ khoa học, dịch bệnh nhanh chóng được xác định, các biện pháp y tế cần thiết được triển khai, trong đó có việc sử dụng vắc xin. Tuy vậy số lượng người chết vì cúm vẫn ở mức 2 triệu. Trong ảnh, các bệnh nhân cúm ở Đan Mạch nằm trong khu nghỉ tạm ở nhà thi đấu của hải quân ở Copenhagen. - Ảnh minh họa.
Khi hiểu biết của các nhà khoa học về cúm tăng lên, việc chủng ngừa vắc xin được tiến hành thường xuyên. Trong ảnh chụp năm 1963 này, các cô gái chuyên biểu diễn ở nhà hát nổi tiếng ở London, đang được tiêm chủng. - Ảnh minh họa.
Năm 1969, dịch cúm Hong Kong giết chết 34.000 người. Thành phố London phải nhờ đến sự hỗ trợ của các y tá tình nguyện. Nhân viên văn phòng đeo khẩu trang khi làm việc, để phòng ngừa cúm. - Ảnh minh họa.
Năm 1976 tại New Jersey,Mỹ, xuất hiện dịch cúm khiến 1 người chết. Giới chức lo sự trở lại của cúm Tây Ban Nha, nhưng virus chủ yếu tồn tại ở lợn. Vắc xin được đem tiêm cho một phần tư dân số Mỹ. Có 25 người chết do biến chứng của vắcxin, nhưng không ai thiệt mạng vì cúm lợn. Ảnh minh họa.
Năm 2003, cúm gia cầm được phát hiện ở Hàn Quốc. Chính phủ ra lệnh tiêu hủy gần 1 triệu con gà và vịt. Trong ảnh, quân nhân và bác sĩ thú y chôn hàng trăm gà và vịt để ngăn sự lây lan của virus. - Ảnh minh họa.
Cũng trong năm này, khoảng 400 ca nhiễm cúm gia cầm được phát hiện ở Việt Nam. Năm sau đó, hầu hết trong 64 tỉnh thành của nước này đều xuất hiện cúm. Ở một số nước, cúm được coi là đáng sợ như HIV/AIDS, nhiều người từ chối ăn gà, vịt và chim. - Ảnh minh họa.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, vận chuyển một nạn nhân giả của dịch cúm, trong đợt diễn tập chống căn bệnh này, tháng 1/2008 ở Malaysia. - Ảnh minh họa.
Các chuyên gia y tế nói rằng dịch cúm 2009 không nghiêm trọng như năm 1918 bởi y khoa đã tiến những bước dài trong 90 năm qua. Tuy nhiên số người chết ở Mexico, nơi khởi phát dịch, rất cao. Trong ảnh, một phụ nữ đưa người chồng ốm vào bệnh viện ở Mexico City. Ảnh minh họa.
(trích từ khoemoingay.vn)
|
15/10/2011
694 lượt xem
Nghiên cứu phát hiện đa số bệnh đều có thể thâm nhập vào thai nhi qua nhau thai, khiến thai nhi bị dị hình hoặc chết lưu và bệnh cúm cũng không phải là một ngoại lệ.
Cảm cúm thông thường hay dịch cúm đều do sự truyền nhiễm qua đường hô hấp mà nên. Các biểu hiện của cảm cúm thông thường như nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, ho và đau người v.v... có thể xảy ra ở rất nhiều người. Những triệu chứng này ảnh hưởng không lớn đến thai nhi. Nhưng nếu nhiệt độ cơ thể cứ kéo dài ở 39 độ C thì phải thận trọng vì có thể nó sẽ gây dị hình ở thai nhi.
Dịch cảm cúm là do các vi rút gây bệnh từ nước bọt, mũi và đờm của người bệnh thông qua không khí truyền sang người bình thường, tính lan truyền của nó rất mạnh gây nên bệnh dịch.
Người mắc vi rút truyền nhiễm thường có các biểu hiện như: lúc nóng, lúc lạnh, sốt tương đối cao, đau đầu, toàn thân nhức mỏi, thường thì sau khi hạ sốt sẽ có các triệu chứng như là ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng v.v... khiến cho thể lực của người bệnh tiêu hao lớn và hồi phục chậm.
Ảnh minh họa.
Vi rút của dịch cúm không chỉ khiến thai nhi bị dị hình, mà khi sốt cao cộng với độc tính của vi rút cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây nên hiện tượng sảy thai hoặc sinh sớm.
Qua điều tra trên 56 thai nhi bị dị hình thì có tới 10 thai nhi là do sản phụ đã từng mắc dịch cúm, thai nhi được khoảng 50 ngày tuổi. Do tính chất của dịch cúm là rất mạnh thông thường phải dùng các biện pháp hạ sốt, tiêm, dùng kháng sinh v.v... nên khi sử dụng bắt buộc phải tiến hành theo chỉ thị từ bác sỹ.
Các bà bầu bí cần chú ý đề phòng vi rút truyền nhiễm, nhất là vấn đề dinh dưỡng để tăng cường thể lực, tránh tiếp xúc với những người bệnh, khi có bệnh dịch thì không nên đến những nơi công cộng.
Khi mắc cúm rồi thì cần kịp thời có biện pháp khống chế bệnh dịch lây lan, loại trừ mầm bệnh đồng thời áp dụng các biện pháp hạ sốt thích hợp cho mình như: uống nhiều nước ấm, chú ý nghỉ ngơi, giữ ấm cho cơ thể, v.v...
Các biện pháp hạ sốt thông thường là dùng khăn lạnh hay chườm đá lên vùng trán v.v... không nên dùng thuốc uống hạ sốt để tránh ảnh hưởng đến sản phụ và thai nhi.
Một số trường hợp có thể căn cứ theo chỉ định của bác sỹ để dùng thuốc bắc điều trị. Thuốc bắc rất có hiệu quả trong việc điều trị cảm cúm mà độc tính lại thấp cho nên các lương y cho rằng việc sử dụng thuốc bắc để điều trị bệnh cảm cúm cho phụ nữ mang thai là biện pháp có thể áp dụng được.
(trích từ khoemoingay.vn)
|
15/10/2011
1099 lượt xem
Cúm là bệnh do virus xảy ra ở đường hô hấp, gồm mũi, họng, phế quản và phổi. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng trẻ nhỏ, người già, người bị bệnh mạn tính và suy giảm miễn dịch đặc biệt dễ mắc.
Nguyên nhân
Có 3 chủng virus gây bệnh cúm là cúm A, B, và C. Virus cúm lây lan qua những giọt dịch tiết bắn vào trong không khí khi người bệnh ho và hắt hơi. Cúm týp A là nguyên nhân gây nên nhiều đại dịch nguy hiểm xảy ra 10 đến 40 năm một lần. Cúm týp B gây ra những ổ dịch nhỏ khu trú hơn. Cả hai týp A và B đều gây bệnh cúm theo mùa lưu hành hằng năm. Cúm týp C chưa bao giờ gây ra đại dịch lớn.
Triệu chứng
Ảnh minh họa
Bệnh cúm thường có khởi đầu giống như cảm lạnh với các triệu chứng chảy nước mũi, thờ khò khè và đau họng, song thường có khởi phát đột ngột và nặng lên nhanh chóng. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp khác gồm:
Sốt, rét run và toát mồ hôi
Đau đầu
Ho khan
Đau nhức cơ, nhất là vùng lưng, cánh tay và chân
Mệt mỏi nhiều
Ngạt mũi
Chán ăn
Tiêu chảy hoặc nôn ở trẻ em
Điều trị
Thông thường bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi tại giường và uống nhiều nước. Nhưng trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê đơn những thuốc chống virus như oseltamivir (Tamiflu) hay zanamivir (Relenza).
Những thuốc này điều trị cả cúm týp A và B, có tác dụng bất hoạt một enzym cần thiết để virus phát triển và lây lan. Nếu được dùng sớm thuốc có thể rút ngắn thời gian có triệu chứng. Cả hai thuốc đều có thể gây những tác dụng phụ như kém minh mẫn, buồn nôn, nôn, chán ăn hoặc khó thở, và có thể dẫn đến sự hình thành virus kháng thuốc..
Phòng bệnh
Ảnh minh họa
Tiêm vaccin phòng cúm hằng năm. Tốt nhất nên tiêm vào tháng 10 hoặc tháng 11 để cơ thể tạo được kháng thể trước khi mùa cúm bắt đầu. Vaccin không có tác dụng bảo vệ hoàn toàn nhưng có thể làm giảm được nguy cơ và mức độ nặng của bệnh.
Rửa tay sạch. Đây là cách tốt nhất để phòng ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng. Kì cọ kỹ bàn tay trong ít nhất 15 giây, tráng kỹ và dùng khăn giấy để tắt vòi nước. Hoặc dùng gel rửa tay chứa ít nhất 60% cồn.
Ăn đúng, ngủ đủ. Ăn ngủ kém sẽ làm giảm miễn dịch và khiến cơ thể dễ bị bệnh. Chế độ ăn cần cân đối, chú trọng rau quả, ngũ cốc và thịt nạc với lượng vừa phải. Người lớn cần ngủ 7 — 8 tiếng ban đêm. Trẻ lớn và trẻ vị thành niên cần ngủ nhiều hơn, chừng 9 — 10 tiếng.
Tập luyện thường xuyên có tác dụng tăng cường miễn dịch, nhờ đó khi bị bệnh triệu chứng sẽ nhẹ hơn và mau khỏi hơn.
Tránh nơi đông người khi đang có dịch cúm. Bệnh cúm lây lan dễ dàng ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, công sở, nàh hát, rạp chiếu phim v.v… Tránh những nơi đông người khi đang có dịch cúm sẽ làm giảm nguy cơ lây bệnh.
(Trích từ khoemoingay.vn)
|
15/10/2011
543 lượt xem
Rất nhiều người tưởng rằng đã mắc sốt xuất huyết thì sẽ không bị lại. Tuy nhiên, việc tái mắc vẫn xảy và và lần sau sẽ nặng hơn lần trước.
Tình hình bệnh sốt xuất huyết được đánh giá là rất phức tạp, nhất là những tháng cuối năm. Nguy hiểm hơn khi hiện nay, nước ta chưa có vắc-xin phòng bệnh này.77
Trong khi đó, theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhiều người dân rất chủ quan cho rằng đã mắc SXH thì sẽ không mắc lại. Tuy nhiên, việc tái mắc vẫn xảy và và lần mắc sau sẽ nặng hơn lần trước. Lý giải điều này, ông Hiển cho biết khi bị nhiễm một trong bốn type của vi trùng SXH, cơ thể người bệnh sẽ sinh ra kháng thể chống lại typép đó. Nếu người mắc SXH lần hai, thủ phạm gây bệnh thường là type vi trùng khác. Khi đó, hai kháng thể của hai type vi trùng khác nhau cùng tồn tại trong cơ thể người sẽ làm bệnh trầm trọng hơn, gây phản ứng, làm tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, choáng, trụy mạch.
Lưu ý phòng bệnh
Ảnh minh họa.
Về bệnh SXH, các bác sĩ cũng khuyến cáo để tránh trường hợp sốc SXH ở trẻ, khi thấy con sốt cao trên hai ngày, có một trong các dấu hiệu: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống;…thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Đặc biệt, không được dùng thuốc Aspirin vì thuốc này sẽ làm cho bệnh nhân bị chảy máu nặng, có thể dẫn đến tử vong. Tốt nhất sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, đối với bệnh nhân SXH, không thể tiên đoán được bệnh sẽ tiến triển nặng hay nhẹ, mà phụ thuộc vào tùy từng trường hợp, dù có thể mắc týp gây bệnh giống nhau. Do đó, vấn đề theo dõi, cấp cứu điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh có vai trò rất quan trọng. Người bệnh không nên tự ý truyền dịch tại nhà. Tuyêt đối không được truyền các dung dịch có đường, dung dịch pha vitamin, có đạm vì rất dễ dẫn tới sốc, gây tổn thương não, nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện tại, chưa có vắc xin phòng bệnh SXH nên cách phòng bệnh hiệu quả nhất là người dân phải giữ vệ sinh nhà cửa luôn khô, thoáng, không nên dùng các dụng cụ hở nắp tích trữ nước trong nhà.
(trích từ khoemoingay.vn)
|
15/10/2011
487 lượt xem
Cần theo dõi sát sao để phát hiện các dấu hiệu tiền sốc vì sốc là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết, rất dễ dẫn đến tử vong. Đừng quá phụ thuộc vào triệu chứng xuất huyết vì nhiều trẻ bị sốc mà không có dấu hiệu này.
Bệnh sốt xuất huyết thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt với 3 đặc điểm: đột ngột, liên tục và sốt cao. Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày và rất đa dạng: chảy máu cam, chảy máu dưới da, nôn hay tiêu ra máu. Có những trẻ hoàn toàn không bị xuất huyết.
Dù có hoặc không triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể dẫn tới một biến chứng vô cùng nguy hiểm mà các thầy thuốc đều luôn cảnh giác, đó là sốc. Sốc là một hội chứng (nghĩa là nhiều triệu chứng hội tụ lại) với 3 tình trạng suy giảm của cơ thể: giảm tri giác (người bệnh không còn lanh lợi, tỉnh táo mà trở nên lừ đừ, có khi mê sảng), giảm nhiệt độ (nhất là đầu chi) và giảm huyết áp. Sốc là biến chứng nguy kịch nhất của bệnh sốt xuất huyết. Đa số trẻ sốt xuất huyết tử vong do sốc nặng, không phục hồi được nữa.
Căn cứ vào các triệu chứng và biến chứng, ngành y đã phân bệnh sốt xuất huyết làm 4 cấp từ nhẹ tới nặng. Ở cấp 1, người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết. Cấp 2, người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết. Ở cấp 3, người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc và cấp 4 thì đã bị sốc nặng.
Trẻ sốt xuất huyết cấp 1 sẽ được điều trị tại nhà theo đơn, có hẹn ngày tái khám. Với cấp 2, tùy trường hợp, trẻ có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ, hoặc nhập viện nếu xét thấy cần thiết. Những trường hợp cấp 3 và 4 nhất thiết phải nhập viện ngay.
Ảnh minh họa.
Khoảng 70% trẻ sốt xuất huyết được điều trị tại nhà. Trong trường hợp này, cần cho trẻ nằm nghỉ tuyệt đối, uống nước đầy đủ, ăn các chất dễ tiêu, thực hiện đúng đơn thuốc của bác sĩ và theo dõi chặt chẽ sự tiến triển của bệnh.
Nằm nghỉ là điều đầu tiên phải thực hiện. Trẻ cần nằm nghỉ trong một phòng thoáng mát. Tuyệt đối không ra mưa, ra nắng, không đi đâu vì nhiều trẻ tuy sốt những vẫn có vẻ khỏe mạnh.
Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Để phòng tránh, nên cho trẻ uống Oresol (chất thường dùng để bù nước trong bệnh tiêu chảy) hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Cho trẻ uống từ từ, thong thả vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng. Về ăn, cần chọn các chất dễ tiêu như cháo, súp và không bao giờ được ăn no quá.
Trong bệnh sốt xuất huyết, các bác sĩ thường cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol (với nhiều tên khác nhau như Acemol, Cetamol, Efferalgan, Panadol). Đừng bao giờ cho trẻ dùng các thuốc nhóm aspirine như Aspegic, Aspro... chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và một số tai biến khác (có trường hợp dẫn đến tử vong). Không được tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh vì chúng không có tác dụng gì với bệnh sốt xuất huyết mà chỉ làm trẻ mệt thêm.
Trường hợp trẻ sốt cao, có thể áp dụng thêm phương pháp “lau mát” với 3 động tác cơ bản: Dùng 1 khăn lông rấp nước mát đắp lên đầu, lên trán trẻ; lấy 1 khăn lông khác dấp nước ấm để lau mình mẩy, tay chân; nếu sờ 2 bàn chân trẻ thấy lạnh thì dùng 1 chai nước ấm ủ giữa 2 bàn chân, phủ lên 1 khăn lông khô.
Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi bệnh của trẻ thật chu đáo để phát hiện các triệu chứng tiền sốc, bao gồm:
- Trẻ đang tỉnh táo, bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã.
- Trẻ có những cơn đau bụng dữ dội mà trước đây không có hoặc rất ít.
- Tay, chân lạnh.
- Da trẻ đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại.
- Trẻ tiểu ít hẳn hoặc không tiểu chút nào, nhưng rất khát.
Bạn hãy lưu ý phát hiện các triệu chứng tiền sốc, nhất là từ ngày thứ 3 của bệnh (tính từ ngày bắt đầu sốt), vì biến chứng sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Nếu bạn nhận thấy một hoặc vài triệu chứng kể trên thì dù chưa đến ngày tái khám hoặc bận công việc gì cũng phải cấp tốc đưa trẻ đến bệnh viện.
(Trích từ khoemoingay.vn)
|
15/10/2011
410 lượt xem
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 500 trường hợp là người lớn nhập viện do sốt xuất huyết, trong đó hơn 50 ca ở độ 3-4. Hiện tại khoa Nhiễm của bệnh viện, có hơn 200 người lớn đang được điều trị sốt xuất huyết tăng trên 50% so với những tuần trước.
Ảnh minh họa.
Gia tăng người lớn mắc bệnh
Cũng theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, so với những năm trước, tỷ lệ người lớn mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 1991, tỷ lệ người lớn mắc bệnh chỉ chiếm 14%, năm 2004 lên 30%, năm 2006 là 50,1% và hiện nay lên 75%. Những năm gần đây tỷ lệ không chỉ ở khu vực nông thôn, khu vực thành thị số người mắc cũng ngày càng nhiều.
Nguyên nhân
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia y tế cho rằng có nhiều yếu tố như môi trường, mật độ dân cư ngày càng đông, tập trung ở các thành phố lớn; các chủng virut gây bệnh có sự biến đổi độc tính; ít hiểu biết cũng như cách phòng tránh về căn bệnh nguy hiểm này… Nguyên nhân khác, chính là sự chủ quan ở người bệnh bởi cho rằng sốt xuất huyết chỉ có ở trẻ em, ít xảy ra ở người lớn. Bởi vậy, khi mắc sốt xuất huyết nhiều người không biết, nghĩ cảm cúm thông thường hay sốt siêu vi nên không đến cơ sở y tế để khám và điều trị dẫn đến nhiều trượng hợp bệnh nặng đã có biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng
Sốt cao, xuất huyết nhiều hơn
Sốt xuất huyết ở người lớn rất khác sốt xuất huyết ở trẻ em. Trẻ em bị sốt xuất huyết có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết. Ở người lớn thì ngược lại xuất huyết nhiều hơn sốc và sốt cao hơn trẻ em. Khi sốt thường kèm lạnh run, nhức đầu, thời gian sốt kéo dài từ 7-10 ngày (trẻ em thường từ 5-7 ngày). Xuất huyết thường xuất hiện sau 2-3 ngày sốt cao, những chấm xuất huyết dưới da xuất hiện tự nhiên sau đụng chạm nhẹ, chảy máu răng, chảy máu mũi tự nhiên. Ở nữ giới, xuất huyết âm đạo không trùng với chu kỳ kinh nguyệt điều này khiến nhiều người nhầm tưởng mắc bệnh phụ khoa. Sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất chính là lúc huyết áp bị tụt gây biến chứng như xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi tiêu ra máu, ra phân đen), suy gan, đông máu. Do đó, nguy cơ tử vong ở người lớn cũng cao hơn trẻ em.
Chủ động phòng bệnh
Để phòng bệnh cần tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường như: Dọn dẹp các nơi bùn lầy, nước đọng nhất, diệt lăng quăng, đậy kín các dụng cụ chứa nước trong và ngoài nhà...
Khi có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế được khám, tư vấn và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc hạ sốt, giảm đau. Đặc biệt, không được dùng thuốc Aspirin vì thuốc này sẽ làm cho bệnh nhân bị chảy máu nặng, có thể dẫn đến tử vong. Tốt nhất sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước...
(trích từ khoemoingay.vn)
|
15/10/2011
249 lượt xem
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, biện pháp đơn giản để phòng bệnh tay chân miệng là “giữ bàn tay sạch” bằng cách rửa tay nhiều lần trong ngày. Vậy cách rửa tay nào mới mang lại tác dụng tốt như “vắc-xin”?
Ảnh minh họa.
Thông thường khi rửa tay, chúng ta thường chỉ sử dụng một lượng nhỏ xà phòng, xát qua lòng bàn tay và rửa nhanh lại với nước, không chú ý tới mu bàn tay, các kẽ tay, kẽ móng tay, nơi thường tập trung nhiều mầm bệnh và vi khuẩn gây hại.
Vậy cách rửa tay nào mới thực sự mang lại hiệu quả như Bộ Y tế khuyến cáo?
Theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế tổ chức Y tế thế giới, công thức 6 bước rửa tay đơn giản dưới đây sẽ giúp diệt sạch khuẩn trên da:
Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay với nhau.
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Bước 6: Xà cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.
Ảnh minh họa.
Cần chú ý thêm là thời gian cho mỗi lần rửa tay tối thiểu là 1 phút, các bước 2, 3, 4, 5 lặp lại tối thiểu 5 lần mỗi bước. Mỗi lần rửa tay bằng xà phòng, nhất thiết cần tuân thủ đầy đủ trình tự 6 bước như trên mới có thể đảm bảo tiêu diệt tối đa vi khuẩn, giảm xuống tối thiểu khả năng mắc bệnh và lây lan bệnh tật qua những bàn tay bẩn.
Khi tuân thủ đúng các bước này và rửa tay nhiều lần trong ngày, dịch bệnh lây truyền sẽ không còn là nỗi lo của bạn và những người xung quanh bạn nữa.
(trích từ khoemoingay.vn)
|