Bánh căn vốn không phải có nguồn gốc từ Đà Lạt mà du nhập vào Đà Lạt từ những người dân miền Trung nắng gió tha hương đi làm ăn mang lên. Dần dần, qua thời gian, bánh căn trở thành món ăn dân dã không thể thiếu nơi phố núi này. Tìm hiểu thì đến bây giờ, vẫn không dám chắc chắn bánh căn thuộc tỉnh nào của miền Trung, nhưng chắc một điều rằng, bánh căn khi ăn ở Đà Lạt sẽ có những điều thú vị mà khi ăn ở những nơi khác sẽ không cảm nhận được.
Nên, trước mỗi khi về Đà lạt, chưa bao giờ mình bỏ qua món bánh căn. Mình có anh bạn, nghiện Đà Lạt vô kể, mỗi năm ba lần, anh phải đi Đà lạt, cứ mỗi lần mình đi Đà Lạt là anh lại gọi điện dặn, nhớ ăn bánh căn nghen, ăn luôn giùm phần anh, và dặn nhất định phải tới Tăng Bạt Hổ, vậy mới đúng điệu.
Bánh căn thường bị nhầm sang bánh khọt – một loại bánh của miền Nam đúc bằng khuôn và có hình dáng giống bánh căn, nhưng có nhân (tôm, thịt, giá…) còn bánh căn thì không có nhân. Đặc biệt, khi đổ bánh căn, người ta sẽ không dùng đến dầu mỡ để tráng khuôn như bánh khọt. Vì vậy, khi ăn bánh căn, sẽ không có cảm giác ngấy. Bánh căn làm từ bột gạo và trứng. Khi đổ bánh, người đầu bếp đổ một lớp bột gạo lên khuôn, sau đó đổ tiếp một lớp trứng lên trên lớp bột gạo đó sao cho cả bột gạo và trứng chỉ chiếm phân nửa khuôn, và đậy nắp lại. Dưới lửa than hồng, vài phút là bánh sẽ chín, dậy mùi thơm phức. Bánh sẽ được ăn kèm với nước chấm gồm thịt, xá xíu, mỡ hành hoặc đơn giản chỉ là bát mắm nêm đâm ớt chỉ thiên thật cay. Có những chỗ khác có thêm thịt bò, hoặc trứng cút vào bánh khi đổ để thêm phần chất lượng. Tuy nhiên ở quán Tăng Bạt Hổ vẫn truyền thống là dùng trứng vịt bỏ vào bánh và có ăn thêm xíu mại.
Cách chấm bánh căn cũng thật lạ, vì bánh căn chỉ thật sự ngon khi ta gắp cả chiếc bánh đang còn nóng hôi hổi bốc hơi nghi ngút kia nhúng ngập vào bát nước chấm. Cắn một miếng bánh sau ngấm nước chấm nồng vị ớt, đậm vị thịt viên, và thơm mùi hành lá, chợt nhận ra cái lạnh dường như tan biến đi đâu rồi.
Món bánh căn đơn giản là vậy, nhưng khi thưởng thức dưới trời Đà Lạt thì lại mang hương vị, dư âm khác hẳn. Có lẽ cái ngon của bánh căn Đà Lạt xuất phát từ khí trời lành lạnh ngồi trên những dãy ghế nhựa thấp, lom khom xoa hai tay hơ bên bếp than, ngắm người bán cần mẫn đổ những khuôn bánh bé tí tẹo trên bếp lửa, sự chờ đợi được ăn những chiếc bánh nóng hôi hổi vừa vớt ra từ khuôn, hít hà vị cay, nước mắt chảy lem nhem và những câu chuyện xi xao giữa phố núi.
Sáng nay Sài Gòn đổ mưa, bỗng chốc làm mình nhớ Đà Lạt. Nhớ Đà Lạt của những buổi lang thang qua những con dốc dài rợp màu dã quỳ và những đêm trong quán cà phê lạnh buốt có lò sưởi và những chiều ngồi co ro trong quán bánh căn sực ấm than hồng. Đã đi bộ cả một quãng dài để tìm sự ấm áp ấy và đội mưa lất phất trở về, thấy mình chênh chao quá đỗi