Bánh xèo Má đỗ ngày xưa
Cho đến tận ngày hôm nay, dù đã xuôi ngược khắp mọi nẻo đường đất nước và định cư giữa Sài Gòn nhộn nhịp này trên 10 năm có lẻ, nhưng trong tôi vẫn không thể nào quên được mùi bánh xèo thơm phức Má đã đỗ ngày xưa.
Ngày ấy, quê tôi còn nghèo lắm, cứ một nhà đỗ bánh xèo thì hình như cả xóm đều biết. Mỗi lần đỗ bánh xèo, Má thường chuẩn bị mọi thứ lỉnh kỉnh như thịt, mỡ, rau, ngâm gạo, phi mỡ vào chiều tối hôm trước và sai tôi đi xay bột vào sáng sớm hôm sau. Còn nhớ ngày đó, cả làng chỉ có mỗi nhà ông Ba Chà ở xóm dưới là có máy xay bột nên tôi phải đi từ sớm chứ nếu không sẽ phải chờ khá lâu mới tới lượt. Gạo ngâm cùng với nước được đựng trong một cái xô to trong khi thân hình tôi thì bé tẹo nhìn tội nghiệp chẳng khác nào chiếc xe xích-đờ-ca thời Liên Xô cũ của mấy chú công an hồi đó. Thấy tôi xách bột, tụi nhỏ cùng xóm cũng lon ton xách giùm vì tụi nó biết có công thì thế nào cũng sẽ có phần, tự nhiên tôi thấy mình như một nhân vật đặc biệt vào ngày hôm ấy khi được bọn nhóc trong xóm ưu ái vô cùng. Xay bột xong, tôi lại dẫn đầu cả bọn đi xin lá chuối ở nhà hàng xóm, Má dặn phải chọn những lá to, có cọng dài và không bị rách thì đỗ bánh mới ngon. Công việc cuối cùng của tôi là đi mua Giá, không như giá ở các nơi khác, Giá quê tôi được trồng bằng cát sạch vớt từ dưới sông lên và chỉ được tưới nước chứ không dùng bất kỳ loại thuốc nào khác nên cọng Giá thường ốm và dài nhưng lại có mùi thơm và vị ngọt đặc trưng.
Đến gần trưa, Má khiêng cái lò đất được cất ở góc bếp ra và bắt đầu chụm lửa, ngọn lửa bắt nguồn từ cây ngo lan sang những cục than đen xì làm khói bốc lên nghi ngút. Nhìn Má vừa thổi vừa quạt mà nước mắt chảy ròng ròng bỗng thấy thương làm sao. Khi lửa đã hừng, Má đặt những cái khuôn đất lên lò cho nóng rồi lấy cọng lá chuối chẻ nhỏ một đầu chấm vào mỡ và tha đều trên mặt khuôn. Đến khi khói bắt đầu bốc lên cũng là lúc khuôn đã nóng, Má mới đổ bột vào chờ cho bánh chín và vớt bỏ đi để làm sạch khuôn. Sau đó, Má đổ khuôn bánh đầu tiên và thắp nhang dâng lên bàn thờ ông bà rồi mới đến lượt tôi và những người khác.
Quê nghèo nên bánh Xèo Má đỗ cũng giản dị không kém, mỗi cái bánh Xèo chỉ được bỏ vào vài lát thị ba chỉ mỏng, rồi dùng cọng lá chuối xoay tròn khắp mặt khuôn cho ra mỡ, sau đó thêm ít cọng Giá rồi đổ bột vào thế mà thơm ngon không thể chê vào đâu được.
Nhắc đến bánh Xèo thì không thể quên Rau và nước Mắm. Rau ăn bánh Xèo là một hỗn hợp giữa rau xà lách sắt thành từng miếng nhỏ khoảng 2 lóng tay, é trắng, rau thơm, tía tô, dấp cá, Giá và dưa leo sắt thành những hình tròn mỏng như tờ giấy. Còn nước Mắm thì được chế biến từ Ớt Đỏ không cay đã lấy hạt, thơm và cà chua nên nước Mắm làm xong thường có màu đỏ au rất đẹp, có vị hơi ngọt và hơi tê đầu lưỡi chứ không cay.
Cách ăn Bánh Xèo ở quê tôi cũng khác, bánh được bỏ vô chén rồi sau đó cho Rau và chế nước Mắm vào ăn chung. Vừa ăn bánh vừa húp nước Mắm nên nước Mắm thường mau hết, biết thế nên Má luôn để dành một ít xác Mắm để pha thêm khi cần.
Má ngồi đỗ bánh ở giữa, tụi nhóc bọn tôi và bà con chòm xóm ngồi xung quanh thành hình cánh cung ngăn cách bởi chiếc bàn dài có lót lá Chuối lên trên. Vì Lò bánh chỉ đỗ được 4 cái bánh một lần nên chúng tôi phải vừa ăn vừa chờ cho đến lượt. Trong khi người lớn thích ăn bánh Xèo mềm, thì tụi nhỏ lại thích bánh để lâu cho sê ăn mới giòn nên chờ càng lâu. Riêng tôi còn được Má ưu ái đỗ thêm cho cái trứng gà của con gà mái mới đẻ, đâu cũng được năm đến sáu cái bánh đặc biệt có trứng.
Giữa trưa, mùi bánh Xèo bốc lên thơm phức làm dậy lòng những ai đi ngang hoặc đã từng một lần được thưởng thức qua. Riêng tôi, đó là một phần ký ức tuổi thơ không thể xóa nhòa.