Ở một ngõ hẻm nghèo giữa lòng Sài Gòn, có một nhóm người Việt hằng năm vẫn đều đặn tổ chức những bữa cơm từ thiện đặc biệt dành riêng cho những người Hoa già cả, neo đơn cư ngụ nơi đây.
Ngõ hẻm 208 Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5 (TP HCM) chỉ dài khoảng 200 m, nhưng lâu nay đã là nơi cưu mang, đùm bọc lẫn nhau của hàng trăm người Hoa nhập cư. Hiện nay, hầu hết thanh niên gốc Hoa ở khu này đã đi làm ăn xa xứ. Những người cao tuổi ở lại, không con cháu đỡ đần.
Họ làm đủ các thứ nghề như nhặt ve chai, bán vé số... để kiếm sống. Đồng cảm với số phận những người Hoa già cả lưu lạc, hơn 10 năm qua, một nhóm chị em phụ nữ tại phường 11, quận 5 đã tự đứng ra vận động quyên góp từ những gia đình khá giả trong khu phố, tổ chức các bữa cơm từ thiện định kỳ cho các cụ, với tâm nguyện được an ủi, sẻ chia cùng hoàn cảnh khó khăn của các cụ.
Chị Hoàng Thị Thanh cùng chồng mượn tạm bếp của một quán cơm, chuẩn bị bữa ăn từ thiện. “ Không làm thì thôi, đã làm thì làm cho đàng hoàng, kỹ lưỡng luôn, tôi chỉ chọn mua toàn loại thịt và rau củ tươi ngon”, vừa thoăn thoắt xắt thịt, chị Thanh vừa vui vẻ cho biết.
Các món ăn được nấu theo phong cách của người Hoa như thịt nguội bát bửu, cơm chiên Dương Châu, gà tiềm bạch quả, bông cải bò viên… Những bữa ăn như thế này thường phải quyên góp từ 2, 3 triệu đồng, nếu thiếu, các nhà từ thiện sẵn sàng bỏ tiền túi để bù vào.
[/img]
Các cụ ông, cụ bà trò chuyện trong khi chờ mọi người đến đông đủ, con hẻm nhỏ bỗng nhộn nhịp khác thường. Những cụ tham dự bữa ăn đều trên 70 tuổi, cao nhất là một cụ bà 93 tuổi.
[/img]
Mọi người cùng nhau đỡ dì Mùi đến dùng cơm. Dì Mùi năm nay đã 86 tuổi, một thân một mình không con cháu đỡ đần. “Thỉnh thoảng mọi người khi gặp cụ cũng biếu ít tiền để bà đỡ tủi thân”, chị Lệ chia sẻ. [/img] Chị Bùi Thị Nguyệt Hà, chi hội trưởng chi hội phụ nữ phường 11 cho biết: “Người Hoa chiếm đến một nửa dân số của phường, phường có 10 chi hội khu phố và một chi hội chợ Xã Tây, chi hội nào cũng đã tổ chức được những bữa ăn từ thiện như thế này”.
Các cụ ông, cụ bà gắp thức ăn cho nhau. Đĩa chôm chôm tráng miệng cũng được rửa sạch và bao bọc cẩn thận. “Bữa cơm vui lắm, ngon miệng lắm”, cụ Ngô Bác Ái, 76 tuổi, vừa dùng bữa vừa xúc động chia sẻ bằng một câu tiếng Việt không sõi.
Phần thức ăn còn lại, được các chị trong ban tổ chức chia thành từng phần để các cụ mang về nhà. Giữa Sài thành tấp nập, phố người Hoa vẫn ấm áp những yêu thương. Tuy chỉ là những bữa cơm nhỏ bé nhưng không khí thân mật, đầm ấm, tinh thần tương thân tương ái như thế này đã trở thành một phần sẻ chia, an ủi cho các cụ trong lúc về già, nơi mảnh đất nghĩa tình mà các cụ đã gắn bó gần hết đời người.