Đình Kim Liên, còn gọi là đền Kim Liên hoặc đền Cao Sơn (Cao Sơn Đại vương thần từ), ở làng Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đình được xây dựng vào đầu thế kỷ XVI, trên một gò đất cao, cách La Thành khoảng 100m. Đình quay về hướng nam, gồm tam quan và đền thờ thần.
Tam quan là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bốn góc tường hồi xây bốn trụ cao bằng nóc mái. Bốn vì kèo kết cấu kiểu chồng rường giá chiên, cột trốn. Các con rường được chạm trổ hình mây cuốn, hai câu đầu và hai bẩy của hai vì kèo giữa được trang trí phượng ngậm sách, long mã, rồng theo kỹ thuật chạm bong kên và chạm lộng.
Đình có kết cấu hình chữ "đinh", gồm bái đường và hậu cung. Bái đường chỉ còn lại vết tích các hòn đá tảng kê chân cột to và dày. Hậu cung là một dãy nhà dọc ba gian xây gạch trần, mái lợp ngói ta, trong nhà xây vòm cuốn, gian ngoài cùng có bệ gạch cao, đặt hương án gỗ sơn son thiếp vàng. Hương án trang trí kín các đồ án hoa văn theo các ô hình chữ nhật bằng kỹ thuật chạm thủng, chạm nổi hình hổ phù, long mã tranh châu, tứ linh, tứ quý, bát bửu.
Hậu cung thờ Cao Sơn Đại vương và hai vị nữ thần phối hưởng. Trong ban thờ, long ngai thờ thành hoàng Cao Sơn Đại vương có kích thước lớn, chạm khắc tinh vi, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, bệ ngai hình vuông, gồm nhiều lớp được làm theo kiểu chân quỳ dạ cá, các lớp trên được chạm thủng hoa dây.
Đình thờ Cao Sơn Đại vương, tương truyền Cao Sơn là một trong năm mươi người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã theo cha lên núi, là vị thứ hai được thờ trong đền núi Tản Viên. Thần là người được coi là người đã ngầm giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn ở Đông Đô, nên năm 1509 được lập đền thờ ở Kim Liên gần Thăng Long, là một trong bốn trấn ở kinh đô Thăng Lon (bắc là Trấn Vũ, đông là Bạch Mã, tây là Linh Lang, nam là Cao Sơn).
Đình Kim Liên còn được biết đến như Thăng Long nam trấn, là một trong Thăng Long Tứ trấn - 4 ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng của thành Thăng Long xưa.
Hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch đều diễn ra lễ hội, một nét văn hoá vẫn được gìn giữ rất đáng trân trọng tuy nhiên chưa thực sự thu hút được quan tâm của giới trẻ trong khu vực, đạc biệt do khu vực quanh đầy là nơi ở của rất nhiều dân lao động ngoại tỉnh, sinh viên ... Có lẽ nên có biện pháp gì đó để kích thích sự quan tâm và lòng nhiệt thành hướng về lịch sử dân tộc hơn nữa, nếu không đình Kim Liên chỉ mãi là một mái đình làng bị dần dần lãng quên trong mắt những người nhà quê đã bị đô thị hoá và chỉ nhận được sự quan tâm khi người ta cần một khoảng sân rộng để tổ chức những hoạt động sinh hoạt hè hay là cho thuê chỗ tổ chức đám cưới ....