Chân ướt chân ráo vào làng đại học (ĐH) ngót ngét được non nửa năm, cứ hễ cuối tuần là lại có người rỉ tai “Đi ăn lẩu không mày!” Có người anh khoá trên nói với tôi “Đã là SV tất nhiên phải biết cái món “lẩu SV” ở đây”. Nổi máu tò mò, tôi và nhóm bạn liền vác thân đi ăn lẩu cho biết với thiên hạ…
Trong gió hiu hiu buổi chiều, mùi thơm thoang thoảng của nước súp, của hành, của tiêu, bụng bỗng cảm thấy… cồn cào. Nghía qua một nồi lẩu cá điêu hồng đang rực lửa, những khúc cá được làm sạch đang sôi sục . Mùi satế, sả, gừng… bốc lên, hoà quyện vào nhau, đủ để làm nên một tiếng xuýt xoa của những “cái bụng đói”. Ngoài cái nồi lẩu “trung tâm của sự giành giựt”, là 1 đĩa rau ăn kèm “to vật vã”: nào cải xanh, mồng tơi, giá, hẹ, xà lách… có khi có thêm hành lá và mấy cọng rau muống dân dã. Lẩu ngon thì phải nhờ rau mà; nhất là ở cái xứ miền Nam quanh năm xanh tươi rau quả thì nồi lẩu càng được “chăm sóc” thêm phì nhiêu!
Lật qua trang thực đơn, trong đó có đủ các loại lẩu “thượng vàng hạ cám” như lẩu bò, lẩu dê, lẩu cá điêu hồng … với những cái giá rất “phải chăng”. Loại rẻ nhất cũng là 30K với một cái nồi to bự, rau cực nhiều, nước lẩu ngập nồi, cà chua, rau, có vài miếng đậu phụ thi nhau sôi sung sục, và thịt hay cá thì thi nhau … nổi lèo phèo. Nước lẩu ngọt nóng hổi từ xương hầm (cứ cho là vậy!), vị chua của me, vị cay nồng của ớt, mùi thơm điếc mũi của sả, xen lẫn vị bùi bùi của miếng cá… sẵn sàng làm rộn ràng những “tâm hồn ăn uống” đang vây quanh tứ phía. Ngoài ra, một đĩa bún thêm cũng chỉ có giá 1K, rau thêm 2K, nước lèo thêm thì miễn phí. Với những mức giá như vậy, một nhóm 5-6 người, mỗi bạn chỉ cần khoảng 10-15K là đã có thể có 1 buổi cuối tuần “cơm no rượu say” với nhau, mà cũng đầy đủ chất như ai!
Đã ngồi ăn lẩu, mọi thứ chuỵên đủ thể loại trên trời dưới đất đều được đem ra “xào xáo”, từ những chuyện trong lớp như chọn đề tài thuyết trình, phân công công việc, tìm ý, chuyện thầy cô trong lớp… đến những chuyện đời thường như muốn đổi chỗ trọ mới vì chỗ cũ khá nóng; hoặc chỉ là những câu chuyện phiếm… để có cái mà “tám” với nhau cho rôm rả, sôi nổi. Tay trái bưng chén bún chan nước lẩu nóng hổi, tay phải nắm chắc đôi đủa sẵn sàng “gắp”, còn miệng thì vừa xực nạp năng lượng, vừa bắn liên thanh tám liên hồi. Cũng “dzô” rất hoành tráng và sảng khoái, cho dù xen kẽ những ly có bọt bia trắng xoá, là những li trà đá đụng nhau “leng keng”.
Không biết là do trời thương hay do các bác chủ khéo chọn chỗ. Khi mà xung quanh những “tập đoàn lẩu” này là những hàng cây xanh to lớn, và bóng cây ôm rộng đủ sức che cho cả một khoảng sân. Buổi chiều mát hiu hiu, vừa ngồi ăn vừa được ngắm nhìn hàng cây khẽ đung đưa trong gió, lãng mạn lắm đó! Còn nếu là giữa trưa oi bức thì chỉ cần tìm được một bóng râm như thế để đi thôi cũng đủ sướng lắm rồi; chứ nói gì đến việc cùng nhau mà ngồi “chén tạc chén thù”. Những quán lẩu “sinh ra vì ét-vê” này mọc lên đã từ lâu trong làng ĐH, sức ảnh hưởng của nó lan toa khắp giới SV, lan ra khỏi cả cái “làng”, đến tận các trường khác ở nội thành.
Khi hỏi đến những điều đặc trưng ở làng ĐH, SV không ai là không biết đến lẩu ở đây! Ngày cuối tuần đi lẩu cùng hội bạn, thì các quán lẩu trên đường dẫn vào ĐH Quốc tế trở nên nhộn nhịp hơn mọi ngày. Quán nào cũng tấp nập các bạn sinh viên (SV), đến từ nhiều trường khác nhau như Khoa Ktế, ĐH TDTT2, ĐH KHTN, ĐH KHXH&NV