Thủ Thiêm là một vùng quê nhỏ bé, nằm ven sông Sài Gòn ít ai biết đến. Người dân địa phương truyền miệng nhau rằng, Thủ Thiêm là vùng đất bồi mỗi ngày một cao thêm nhờ sông Sài Gòn nên lúc đầu người ta gọi là Thổ Thêm (Thổ, tiếng Hán Việt là đất). Với thời gian người ta đổi thành Thủ Thêm, đồng âm đầu với những vùng lân cận như Thủ Dầu Một, Thủ Đức; và dần dần, từ “Thêm’ được đọc trại ra là “Thiêm”.
Trước đây, khi Việt Nam chưa thuộc quyền đô hộ của người Pháp, Thủ Thiêm bấy giờ gần như hoang vu với rừng tràm, rừng chủi, không khác gì truông nhà Hồ dưới thời Chúa Nguyễn, dân cư chỉ ở thưa thớt ven rừng. Trong rừng là giang sơn của thú dữ, rắn rết và giặc cướp đã dùng nơi đây làm sào huyệt để lẩn trốn mỗi khi cướp của giết người; quan quân không bao giờ dám vào đây để truy tầm.
Giáo họ Thủ Thiêm ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 19, nằm đối diện bên kia sông của thành Sài Gòn. Thời trước, nơi đây không có người theo đạo sinh sống vì là nơi hay bị bắt bớ đạo.
Tháng 2 năm 1859, khi quân Pháp chiếm được thành Sài Gòn, người dân địa phương bỏ chạy hết để lánh nạn. Nhưng nhiều người giáo dân ở các nơi vùng Gia Định, Biên Hòa lại kéo đến sinh sống, cất nhà cửa. Lúc đó chính quyền đã bán rẻ đất cho dân và đặc biệt còn tặng cho các tín hữu một ngôi đình bỏ hoang gần chợ, rồi cho thêm đất đai…thế là một ngôi nhà thờ được hình thành.
Có thể nói giáo xứ Thủ Thiêm trong chặng đường 150 năm đã qua 5 giai đoạn:
- Giai đoạn hình thành; 1859 đến 1873
- Giai đoạn xây dựng và củng cố: 1874 đến 1917
- Giai đoạn trưởng thành: 1917 đến 1953
- Giai đoạn phát triển: 1953 đến 2002
- Giai đoạn hiện nay.
Thật vậy, giáo xứ Thủ Thiêm chỉ có 4.000 giáo dân, nhưng cha sở Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm và cha phó Laurensô Hoàng Bá Quốc Huy phải giúp phần thiêng liêng cho hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là một cộng đoàn độc lập nằm trong ranh giới xứ đạo; một nhà nguyện nằm dọc theo con đường cạnh bờ sông Sài Gòn cách giáo xứ 3 km, và còn công việc mục vụ cho giáo dân ở làng phong Thanh Bình.
Giáo xứ Thủ Thiêm qua chặng đường dài đến nay đã có những nếp sinh hoạt quen thuộc như bao xứ đạo lâu đời khác. Với những mốc điểm về thời gian như thế cho thấy giáo xứ được hình thành và lớn lên từng ngày trong tình thương của Thiên Chúa Quan Phòng, cộng với bao nhiêu công khó của các bậc tiền nhân, quí cha và quí tu sĩ đến phục vụ nơi đây và không thể quên công lao của quí ân nhân chung tay hy sinh vất vả
Giờ lễ:
Ngày thường: 5h, 17h30
Chúa Nhật: 5h, 7h, 17h