05/10/2011
1086 lượt xem
“Du học, anh học được gì ngoài kiến thức chuyên môn? Có đáng phải du học không?” Câu hỏi chơi của người bạn làm thức dậy điều mà tôi đã nhiều lần suy tư.
Du học - có đáng đi không?
“Du học, anh học được gì ngoài kiến thức chuyên môn? Có đáng phải du học không?” Câu hỏi chơi của người bạn làm thức dậy điều mà tôi đã nhiều lần suy tư. Và tôi đã tổng kết lại, tự nhận ra được những điều hay mà mình đã học:
Thứ nhất, điều quan trọng nhất là tôi học được sự tự giác và lòng tự trọng của người trí thức.
Khi làm bài kiểm tra, tôi không thấy giáo sư Mỹ phải đi “tuần tra” khắp lớp như ở Việt Nam để canh chừng nạn quay cóp. Các vị cứ ung dung ngồi đọc báo, hoặc làm việc riêng, vậy mà chẳng thấy sinh viên (SV) nào mở tài liệu ra xem, cũng chẳng thấy SV hỏi bài nhau.
SV nào không đến lớp làm kiểm tra được hôm đó, cứ xin phép, giáo sư sẽ cho đề riêng để làm vào một hôm khác. Nhiều SV khi làm đề thi riêng, đem ghế ra ngoài hành lang làm một mình, để khỏi bị bài giảng của giáo sư làm phân tâm. Tôi cố tình để ý những sinh viên này và cũng không thấy họ mở tài liệu ra.
graduation_1813
Những người xung quanh tự giác như thế, tôi cũng phải theo. Trong khi đó, ở Việt Nam tôi bị xem là lập dị khi không quay cóp. Kỷ niệm buồn nhất của tôi về chuyện này xảy ra năm lớp 12. Các bạn tôi mở sách hướng dẫn giải bài tập ra chép trong lúc làm bài tập Anh văn nên được điểm 9-10. Tôi không chép, tự làm nên được 4, và kết quả là thầy mắng cho một trận vì “cả lớp làm được như thế, mà em làm không được là sao?” Và đương nhiên khi ra chơi các bạn tôi có dịp cười rũ rượi về cái-thằng-lập-dị như tôi.
Ngày đầu tiên tôi bước vào giảng đường ĐH Mỹ, bài học đầu tiên của tôi là đừng bao giờ chơi trò “plagiarism” (đạo văn). Nếu giáo sư phát hiện tôi đạo văn của ai đó, coi như tôi phải “tạm biệt” ngôi trường của tôi vĩnh viễn, đó là luật. Các vị giáo sư ở bên này có thể “ngửi được cái mùi… kém cỏi” của SV dễ dàng. Các vị đã đọc rất nhiều sách nên nắm rõ trường phái nào, ý tưởng nào của ai, ở sách nào… Do đó, khi nghi ngờ SV “thuổng” ý tưởng của ai đó, các vị có thể kiểm tra ngay.
Ngày nay, các vị giáo sư còn được nhiều phần mềm và website hỗ trợ cho việc này. Chỉ cần gõ lại câu văn bị nghi ngờ của SV vào ô tìm kiếm (giống như khi tìm kiếm trên Google hay Yahoo), lập tức kẻ đạo văn sẽ lộ mặt, nếu câu văn đó thật sự là đồ chôm chỉa.
Thứ hai, tôi học được khả năng tự quản lý, sắp xếp việc học của mình.
Ngay từ đầu học kỳ, giáo sư sẽ phát cho sinh viên một cái syllabus (tạm dịch là chương trình học). Trong syllabus, giáo sư ghi rõ môn đó là môn gì, dạy cái gì, ngày nào học cái gì, SV phải đọc sách nào, trang mấy; khi nào kiểm tra, nội dung ra sao…
Căn cứ trên syllabus, sinh viên cứ theo đó mà sắp xếp lịch học, vì vậy SV rất chủ động, thoải mái trong việc học của mình. Tuần đầu tiên của học kỳ thường là tuần học thử. Trong tuần này SV sẽ đi học hết những môn mà mình muốn học. Sau đó, so sánh syllabus các môn với nhau, SV quyết định sẽ chính thức học môn nào, bỏ môn nào. Cũng dựa vào syllabus, SV sắp xếp chuyện đi làm thêm, học thêm, và lịch đi chơi giải trí cho cả học kỳ.
Thứ ba, tôi học được cách lý luận độc lập.
Khoa học là vô biên, là sự phát triển không ngừng, nên không có học thuyết tuyệt đối. Do đó, SV được quyền chất vấn giáo sư, đặt vấn đề ngược lại, nếu cảm thấy nghi ngờ điều giáo sư vừa nói và thậm chí đặt vấn đề với cả những học thuyết.
Giáo sư không bao giờ chửi SV là đồ ngu, mà khuyến khích hỏi tới nơi tới chốn. Một giáo sư ngôn ngữ học của ĐH Santa Cruz nói: một nghiên cứu của ngành giáo dục Mỹ cho biết câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” chiếm gần 80% trong các câu hỏi được nêu lên trong giảng đường ĐH Mỹ.
Ngay cả văn thơ, SV cũng không bị bắt buộc học thuộc lòng những tác phẩm, thay vào đó là chú trọng phần lý luận. Tác phẩm có sẵn trong sách, khi cần có thể mở ra xem, vậy tại sao phải học thuộc lòng? Vấn đề là sau khi xem tác phẩm SV có biết đưa ra ý kiến của mình hay không.
SV không buộc phải có ý kiến giống sách giáo khoa, vì khả năng cảm thụ của mỗi người mỗi khác, miễn là khi đưa ra nhận định SV có đủ lý luận để chứng minh cho nhận định của mình.
Thứ tư, tôi học được cách nghiên cứu độc lập.
Người viết bài này từng chứng kiến Rosa, một học sinh lớp 5 phải tự vào thư viện tìm tòi về địa lý thành phố Santa Cruz, nơi em đang ở, sau đó viết “report” (tường thuật chứ không chép lại những gì em tìm được trong thư viện).
Đương nhiên cách làm này sẽ khiến em nhớ nhiều hơn là học và trả bài như con vẹt. Sau đó không lâu tôi có gặp lại Rosa, nhân lúc nói chuyện về thời tiết, em đã giải thích cho tôi tại sao khí hậu Santa Cruz được xem là “dễ chịu” nhất nước Mỹ.
Ở bậc học Đại Học, các giáo sư cũng làm như thế, nên SV phải tận dụng tối đa thư viện, nhờ đó khả năng nghiên cứu độc lập được nâng lên. Người học có cảm giác ông thầy chẳng dạy gì cho mình cả. Suốt ngày ông chỉ bắt SV vào thư viện, đọc đọc, chép chép, rồi đến lớp thảo luận. Tuy vậy qua cách học đó, những kiến thức khi đã vào đầu thì không chạy ra được dù muốn tống nó ra.
Thứ năm, tôi học được cách tôn trọng người khác và làm người khác tôn trọng.
Các giáo sư, văn phòng khoa, nhân viên của trường đối xử với SV như một người lớn thật sự. Họ biết tôn trọng, lắng nghe SV. Đi đến đâu cũng thấy những “nụ cười nở trên môi”, những lời “xin lỗi”, “cám ơn”, “xin vui lòng” từ những người đó. Khi SV đến làm việc với khoa, thư viện… SV không có cảm giác mình là một kẻ đi xin xỏ, nhờ vả.
Chuyện riêng tư của SV được tôn trọng tuyệt đối. Sau kỳ thi, mỗi SV nhận được một cái phong bì, trong đó là điểm số của mình và lời nhận xét của giáo viên. Không ai biết điểm của ai.
Trường đối xử với tôi như thế, nên tôi không thể trả đũa bằng những cái trò phá phách, nghịch ngợm, cứng đầu theo kiểu trẻ con được
Đi du học tôi được gì?
Ở VN dù coi thi chặt đến mấy vẫn có người quay cóp. Ở đây các vị giáo sư chỉ việc ra đề và ngồi uống cà phê, không có chuyện đi “tuần tra” vòng quanh lớp, cũng không có chuyện mỗi khi giáo sư bước ra ngoài là phòng học lại rộ lên những tiếng bàn tán. Hễ kiểm tra là mỗi người tự lo thân mình, biết thì làm, không hỏi, không quay cóp, không biết thì nộp giấy trắng. Nếu cheat (lừa dối) bị phát hiện thì bị đuổi học là tất yếu.
Qua đây, tôi đã học được lòng tự trọng của một người trí thức. Ngoài ra, tôi cũng học được phương pháp học hiện đại: lý luận độc lập, nghiên cứu tư liệu và làm việc theo nhóm. Khác biệt lớn nhất là sinh viên được quyền chất vấn giáo sư. Sinh viên không bị bắt buộc phải theo ý kiến của bất cứ ai, có thể có luận điểm của riêng mình chừng nào anh bảo vệ được luận điểm ấy.
Tất cả bài luận đều yêu cầu sinh viên phải nêu ý kiến của riêng mình, không chỉ đơn thuần là nhắc lại như máy những bài giảng trên lớp hay trong sách giáo khoa.
Văn thơ có thể thích hay không thích và không bao giờ phải học thuộc lòng. Cái quan trọng là anh cảm nhận văn thơ như thế nào.
Mỗi khi giáo sư ra một đề tài nghiên cứu thì đó là “nghiên cứu” theo đúng nghĩa của nó. Đó là sử dụng tối đa thư viện, Internet để tìm tư liệu, dành thời gian phân tích tư liệu, nhìn rõ tư liệu nào đáng tin cậy rồi sử dụng tư liệu đó để viết bài luận. Sách giáo khoa và bài giảng trên lớp chỉ chiếm 50% phần kiến thức cần thiết. Còn lại là nghiên cứu độc lập.
Làm việc theo nhóm là kỹ năng cần thiết nhất trong cuộc sống. Qua những team project (nhóm làm dự án) trong học kỳ này, tôi hiểu được cách hợp tác với người khác, hiểu rõ vị trí và khả năng của mình trong nhóm, và làm sao để phát huy hết những khả năng ấy.
|
29/07/2011
1839 lượt xem
Phải mất nhiều ngày trong vai anh xe ôm khiêm bốc vác dễ thương, phóng viên báo Giao dịch mới thâm nhập được vào điểm tập kết nóng nguyên liệu chế biến nước tương. Đó là bãi xương trâu bò thối mà phải khó khăn lắm mới không ói tại chỗ.
Điểm tập kết xương thối phát ói
Trong vai một người chạy xe ôm, tôi chở một chị phụ nữ tuổi trạc 40 đi mua xương về nấu phở. Thấy tôi dễ mến, chị thường trò chuyện trên đường và những lúc ngừng nghỉ. Qua một bãi rác trống trải, chị chỉ tay bảo: "Ngày trước, đây là điểm thu mua và chế biến xương súc vật. Đông vui lắm. Nay không còn nữa, vì xương trâu bò rất hiếm, phải tập kết từ nhiều nơi như Bình Thuận, Long An, Đồng Nai mới có đủ xương cho các lò chế biến nước tương. Ít hàng, các đầu nậu tập trung hết về một vài điểm thôi. Xương thối thì để cho các lò nấu nước tương, xương tươi thì đầu nậu a lô cho các tiệm phở đến điểm tập kết nhận hàng".
Điểm tập kết nằm trên một con đường vắng được che chắn bởi một góc tường rào cao. Tôi suýt nôn ọe vì mùi hôi thối khủng khiếp. Xương chất thành từng đống, ruồi nhặng bâu đầy như rắc đậu đen. Có năm ba lao động đều còn trẻ đang lom khom phân loại xương. Một phụ nữ dáng vẻ đầu nậu đứng chỉ tay cho các xe hàng loại 1,5 tấn đổ xương vào nơi quy định. Đây là chuyến "hàng tươi" nên chị ta liên tục gọi di động cho các bạn hàng nấu phở đến nhận xương mới.
Trong khu tập kết, xương súc vật chất thành đống dưới đất, sát bờ tường. Có đủ loại xương đầu trâu, đầu bò cũ. Có mới có cũ được phân loại đâu ra đấy. Lại có đống xương hình thù kỳ dị, đoán mãi không ra xương động vật gì. Ruồi nhặng bay trên các đống xương này một đám mây đen. Tôi vừa há miệng toan ngáp đã bị mấy chú chui tọt vào miệng. Ghê hết chỗ nói.
Công nghệ chế biến "gia truyền"
Ngay bên khu tập kết là một lò nấu nước tương. Đó là một hệ thống lò nấu bằng củi gồm các lồng đựng và các khung khổng lồ rỉ sét đựng xương. Qui trình chế biến xương xem ra khá đơn giản. Xương được đưa vào rọ lưới rồi cho vào lò hấp. Công đoạn tiếp theo là đem xương ngâm vào axít pha loãng cho rã ra. Sau đó cho nước vôi tôi vào “trung hòa”. Công đoạn thứ 3 là xương được mang ra phơi cho ráo nước rồi đưa vào cối gắn moteur để nghiền nhuyễn. Công đoạn thứ tư là thêm đậu nành hoặc bánh dầu kèm các loại hóa chất tẩy rửa để khử mùi, khử mỡ. Công đoạn cuối cùng là bổ xung hoá chất tạo màu, tạo hương để cho ra loại nước chấm màu đen đậm đặc được gọi là “tinh chất đạm”.
"Nói là công nghệ chế biến "gia truyền", nhưng thực ra công nghệ sản xuất nước tương ngày xưa khác bay giờ nhiều lắm. - Anh M., một kỹ thuật viên ở lò cho biểt. - Sản xuất nước tương ngày xưa thường có 2 công đoạn. Công đoạn một là ủ đậu nành lên men tự nhiên (thuỷ phân). Nhưng làm thế thì rất mất thời gian. Chạy theo lợi nhuận, sản xuất đại trà, các cơ sở sản xuất đã làm nhanh quá trình lên men tự nhiên bằng cách "lên men nhân tạo", tức là sử dụng axít thuỷ phân nguyên liệu trực tiếp. Nguyên liệu chính là các loại bánh dầu và đậu nành loại 2, loại 3. Thế nhưng, trong sản xuất theo phương cách này, dư lượng 3-MCPD (tiền chất gây ung thư) còn lại trong sản phẩm rất cao, nên từ rất lâu đã không cho phép sử dụng.
Sản phẩm có thể gây ung thư
Trao đổi với GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, được biết, cholesterol có nhiều trong xương heo, xương bò, nếu không xử lý tốt sẽ tạo thành các phức chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trong tinh chất đạm (nước cốt của nước tương) có các chất độc thuộc họ cloropropanol, chủ yếu là 3-cloro - 1,2 - propandiol (3-MCPD) và 1,3-dicloro-2-propanol (1,3- DCP). Đây là những hóa chất có thể gây ung thư cho người tiêu dùng. Chất béo trong xương hoặc khô dầu đậu tác dụng với HCl sẽ sinh ra chất 3-MCPD. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã quy định rất chặt chẽ hàm lượng của chất 3-MCPD trong nước tương. Chẳng hạn, ở Châu Âu, Úc, New Zealand, hàm lượng 3-MCPD cho phép không được vuợt quá 20 mg/kg.
Cách đây 3 năm bộ và sở Y tế TP.HCM đã triển khai các quy định về hàm lượng 3-MCPD, theo đó yêu cầu các cơ sở sản xuất phải công bố hàm lượng 3-MCPD trong sản phẩm như nước tương, xì dầu, dầu hào trên nhãn mác sản phẩm.
Một vấn đề khác là loại hóa chất bảo quản dùng trong nước tương là natri benzoat (chất bảo quản dùng trong một số loại cháo dinh dưỡng đã từng bị dư luận công phẫn lên án cách đây không lâu). Nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng hoá chất này do ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (hại gan, thận và hệ thần kinh). Theo quy định, hàm lượng chất bảo quản natri benzoat trong thực phẩm không được vượt quá 1mg/kg. Thực tế, khi kiểm tra sản phẩm của các cơ sở sử dụng chất natri benzoat hầu hết đều vượt quá nhiều lần mức cho phép.
Muối tôm cũng được làm từ… xương thối
Trên đường về, chị phụ nữ đi lấy xương tươi về nấu phở cho biết: “Bây giờ tìm nguồn xương tươi để nấu phở cho ngọt nước để giữ khách hàng là rất khó, phải canh mới lấy được hàng tươi, vì hàng ở các tỉnh chở về phần lớn là hàng thối, chỉ để nấu nước tương được thôi".
Chị cho biết, xương súc vật không chỉ để nấu nước tương. Xương vụn được nghiền nát thành bột, trộn thêm bột ngọt cho ra một sản phẩm mới là “muối ngọt”, thêm chất tạo màu vào thì thành "muối tôm". Loại thứ 2 là các loại bột nêm gia vị, tuỳ theo việc nấu canh hay kho cá mà gia giảm bột ngọt vào xương bột.
Vì lợi nhuận, người ta đã bất chấp vệ sinh an toàn thực phẩm để sản xuất ra nước tương thông dụng trong bữa ăn hàng ngày của người dân từ nguồn nguyên liệu đáng sợ như vậy. Vấn đề ATVSTP từ rất lâu đã là nỗi bức xúc lớn cho người tiêu dùng. Không lẽ các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSTP đành bất lực?
|
20/06/2011
1027 lượt xem
Có một ngân hàng, mỗi buổi sáng, cung cấp vào tài khoản của bạn 86.400 USD.
Số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác
Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không dùng hết trong ngày.
Bạn sẽ phải làm gì ?
Sử dụng hết số tiền đó, dĩ nhiên !Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như vậy.
Tên ngân hàng là THỜI GIAN.
Mỗi buổi sáng, ngân hàng này cung cấp cho bạn 86.400 giây.
Vào mỗi buổi tối, ngân hàng sẽ xóa bỏ, coi như bạn mất,
thời gian mà bạn không đầu tư được vào các mục đích tốt.
Ngân hàng không cho phép bạn được để lại số dư trong tài khoản.
Cũng không cho phép bạn bội chi.
Mỗi ngày, ngân hàng lại mở một tài khoản mới cho bạn.
Mỗi tối nó lại hủy hết những gì còn lại trong ngày.
Nếu bạn không dùng được hết thời gian mà bạn có trong ngày,
người bị mất chính là bạn.
Không có chuyện quay lại ngày hôm qua.
Không có chuyện tiêu trước cho "ngày mai"
Bạn phải sống bằng những gì bạn có trong tài khoản ngà y hôm nay.
Hãy đầu tư vào đấy bằng cách nào đó,
để bạn có thể nhận được nhiều sức khỏe, hạnh phúc, và thành công nhất !
Đồng hồ vẫn đang chạy.
Hãy cố thực hiện thật nhiều trong ngày hôm nay.
Để biết được giá trị của MỘT NĂM,
hãy hỏi một học sinh bị ở lại một lớp.
Để biết được giá trị của MỘT THÁNG,
hãy hỏi một người mẹ sinh con thiếu tháng.
Để biết được giá trị của MỘT TUẦN,
hãy hỏi biên tập viên của một tuần báo.
Để biết được giá trị của MỘT GIỜ,
hãy hỏi những người yêu nhau đang mong chờ được gặp nhau.
Để biết được giá trị của MỘT PHÚT,
hãy hỏi một người bị lỡ chuyến tàu.
Để biết được giá trị của MỘT GIÂY,
hãy hỏi một người vừa thoát khỏi một tai nạn.
Để biết được giá trị của MỘT PHẦN NGÀN GIÂY,
hãy hỏi người vừa nhận được huy chương bạc trong kỳ thi Olympic.
Hãy quý trọng từng giây phút mà bạn có !
Và hãy nên quý thời gian hơn nữa
bởi vì bạn đang chia sẻ thời gian đó với ai đấy thật đặc biệt đối với bạn,
đủ đặc biệt để có thể chia sẻ thời gian của bạn.
Và hãy nhớ rằng thời gian chẳng chờ đợi ai cả.
Ngày hôm qua dã là lịch sử. Ngày mai là một bí ẩn.
Hôm nay là quà tặng. Cũng vì vậy mà nó được gọi là PRESENT !
( có nghĩa là HIỆN TẠI, mà cũng có nghĩa là QUÀ TẶNG ).
Bạn bè thật sự là một loại nữ trang quý hiếm.
Họ khiến bạn mĩm cười và khuyến khích bạn thành công.
Họ lắng nghe bạn, họ chia sẻ với bạn những lời khen tặng,
và họ luôn muốn mở trái tim ra với chúng ta.
Hãy gởi những lời này đến với ai mà bạn xem như BẠN MÌNH,
Và nếu những dòng này lại trở về với bạn,
bạn ắt biết rằng bạn đang có một vòng tròn bạn hữu.
|
16/06/2011
2881 lượt xem
>> Nhà trọ miễn phí, quán ăn sinh viên phục vụ mùa thi CĐ – ĐH 2011
>> Huế: Cơm chay và chỗ trọ miễn phí cho thí sinh
>> 90 ĐỊA ĐIỂM LUYỆN THI ĐẠI HỌC 2011 TẠI TPHCM
>> Đà Nẵng: Hơn 500 sinh viên tham gia tiếp sức mùa thi năm 2011
Để hỗ trợ cho thí sinh các tỉnh về Đà Nẵng thi đại học, cao đẳng năm nay, ban hỗ trợ tuyển sinh của khu vực Đà Nẵng đã hỗ trợ và đưa thông tin về 3400 địa chỉ nhà trọ giá rẻ. Những địa chỉ này với giá bình dân từ 5000 - 15000 một ngày. Toàn bộ thông tin địa chỉ nhà trọ được in kèm theo với giấy báo dự thi của thí sinh.
Cụ thể, thí sinh có thể đăng ký ở trọ giá rẻ tại các ký túc xá (KTX) thuộc ĐH Đà Nẵng nằm trên địa bàn TP Đà Nẵng, gồm:
1. KTX Bách khoa: 1.200 chỗ ở, tại địa chỉ: 60 Ngô Sỹ Liên, Q. Liên Chiểu. Điện thoại liên hệ: 0913402314 (gặp thầy Thắng);
2. KTX CĐ Công nghệ: 450 chỗ ở, tại 48 Cao Thắng, Q. Hải Châu. ĐT liên hệ: 0905888324 (thầy Trường);
3. KTX Sư phạm (800 chỗ ở), 459 Tôn Đức Thắng, Q. Liên Chiểu. ĐT liên hệ: 0905120237 (thầy Phong);
4. KTX Kinh tế (450 chỗ ở), 71 Ngũ Hành Sơn, Q. Ngũ Hành Sơn. ĐT liên hệ: 0989291088 (thầy Thắng);
5. Phòng trọ nhà dân quanh các trường (500 chỗ), liên hệ VP Đoàn Thanh niên ĐH Đà Nẵng, ĐT liên hệ: 05113.891985 (cô My).
Điều đặc biệt là ở KTX có căn tin nên vấn đề ăn uống, sinh hoạt khá là thuận tiện.
Địa còn được biết thêm là nếu con em gia đình chính sách sẽ được miễn phí luôn đấy! Đọc thông tin này cảm thấy ấm áp hơn. Hi vọng mùa tuyển sinh năm nay, các thí sinh ở khu vực Đà Nẵng nói riêng, thí sinh trên cả nước nói chung có một mùa thi với kết quả cao!
|
11/06/2011
1030 lượt xem
Mỗi người, đối với những vui, buồn, thương ghét, những được mất, thành bại của bản thân nên “tự mình định liệu”. Đời người đi đến đâu, từ đâu đến, cũng phải biết làm chủ; thành vua thành giặc, thành Hiền Thánh, càng nên làm chủ bản thân mình.
Tục ngữ có câu: “Không có Thích Ca trời sinh, không có Di lặc tự nhiên”, tất cả đều phải dựa vào nỗ lực không ngừng của bản thân; chỉ cần bạn phấn đấu, có trí tiến thủ, tự nhiên sẽ trả lại cho bạn một kết quả xứng đáng.
Trên thế gian, có người vì một câu nói vu vơ của người khác, mà buồn sầu, nhớ mãi, ba bữa cơm đều không sao nuốt nổi; có người vì những chuyện lặt vặt không được như ý, mà khiến tâm tình phiền não, trằn trọc suốt đêm. Cũng như vậy cuộc đời này, vui buồn đều bị người khác điều khiển; muốn bạn thích, khen ngợi bạn hai câu tốt đẹp, muốn bạn phiền não, phê bình chỉ trích bạn vài lời không hay. Như vậy đời người lúc nào cũng sống trong sự nắm giữ , khống chế của người khác, thế không buồn sao được!
Tương truyền, Triệu Phán Quan dưới địa ngục, phụng mệnh Diêm Vương, lên trần gian để tìm hiểu xem tuổi thọ của người đời còn lại bao nhiêu.
Triệu Phán Quan ngồi bên lề đường, tay rung chuông, nói với ông A đã cáo lão hoàn hương: “Thọ mệnh của ông chỉ còn lại ba tháng; sau ba tháng nữa, tôi sẽ vào nhà ông rung chuông, ngay khi tiếng chuông vang lên, ông sẽ theo tôi biến mất.”
Triệu Phán Quan lại rung thêm một tiếng chuông, nói với thương gia B đang qua đường: “Thọ mệnh của ông cũng chỉ còn ba tháng, ba tháng nữa, tôi đến phủ của ông lắc chuông, trong tiếng chuông, ông sẽ theo tôi mà chết”.
Hai ông A, B nghe vậy, trong lòng sợ hãi, bồn chồn không yên. Từ lúc đó, A ngày nào cũng âu sầu buồn bã, nghĩ tới ba tháng còn lại của mình, cơm ăn không xuôi, giấc ngủ không yên. Ngày nào cũng chỉ nhìn đống tiền mình đã kiếm được mà đau khổ, tay không ngừng đếm những của cải mà cả đời mình đã vất vả tích cóp, chẳng biết nên làm thế nào!
Mặt khác, ông B nghĩ đến đời mình chỉ còn được ba tháng nữa, mới thấy cuộc đời ngắn ngủi và cay đắng biết bao, gia tài vạn quan, giúp gì mình được nữa? Thế là, ông bố thí cho mọi người, xây cầu làm đường khắp nơi, tùy duyên giúp nghèo cứu khổ, cứ bận rộn như thế, quên cả chính mình.
Đến kỳ hạn ba tháng, Triệu Phán Quan y hẹn đến phủ ông A, do ưu sầu phiền não, tâm thần không yên, ông A ngày nào đã trở thành một ông A thân thể suy nhược, mới nhìn thấy Triệu Phán Quan, thì dù chuông chưa kêu, ông đã ngã mà chết. Song ông B thì, do hành thiện bố thí, làm phúc cho quê nhà, người dân nhớ ơn ông, để tỏ lòng, họ liên tục đem hoành phi đến tặng. Lập tức chiêng trống vang trời, náo nhiệt không ngớt, vì thế, mặc cho tiếng chuông của Triệu Phán Quan rung mãi, ông B vẫn không hề nghe thấy, ông tiếp tục sống một cuộc sống tự tại, lấy việc thiện làm niềm vui.
Vì vậy, trên đường đời của con người, vui buồn được mất, tất cả đều do bản thân mình, không hề chịu sự khống chế bởi người khác!
|
11/06/2011
2003 lượt xem
Nhớ lại những ngày hè ở miền Bắc, giữa cái nắng nôi oi ả trong tiết trời tháng sáu, tháng bảy, để giảm bớt sự bực bội trong người, mẹ tôi thường nấu chè đậu. Trong số những món chè ấy, đậu xanh là món chè tôi thích nhất.
Nhà ở quê, đất đai rộng rãi, tháng giêng mẹ trồng đậu sau mùa thu hoạch dưa chuột (dưa chuột miền Bắc là dưa leo miền Nam đó). Tôi còn nhớ như in những sáng sớm mang giỏ theo mẹ ra đồng vặt những trái đậu đã chín đen. Đi thu hoạch đậu phải chọn buổi sáng sớm, khi mặt trời còn chưa đứng bóng. Đậu xanh đã già chuyển sang màu xám đen, rất dễ tách nên muốn hái phải đi khi trời còn đọng sương. Lá đậu vốn có lông tơ, ram ráp, ai chưa quen rất dễ bị ngứa.
Đi giữa luống đậu, những chiếc lá thô huơ như bàn tay con nít, hơi ráp và thô, cảm giác từng giọt sương mát lạnh tới tận da thịt. Từng chùm, từng chùm đậu chín nằm lấp trong kẽ lá, đôi tay khẽ vờ vào, vặt nhẹ rồi bỏ vào giỏ.
Đậu hái về, mẹ sẽ dặn tôi phơi ra góc sân, chọn chỗ nắng nhất, chỉ chừng 2 nắng là vỏ đậu khô giòn tan, nổ tanh tách trong nắng. Khi chiều xuống, mẹ tôi gom lại mẻ đậu đã phơi, dồn hết vào cái nia, dùng cây đập cho tách hết vỏ đậu ra. Sau đó phải sàng sẩy để phân hạt và vỏ đậu. Hạt đậu tiếp tục được phơi thêm cho khô, còn vỏ đậu thì dành để đun nấu.
Món chè đậu xanh của mẹ tôi rất đơn giản. Hoặc là mẹ nấu chè hoa bưởi thì đậu phải mang xay ra, bỏ vỏ, chỉ còn màu vàng ươm trong từng hạt đậu. Hoặc là nấu chè với cây nha đam, mẹ để nguyên hạt, ngâm nước cho mềm rồi mới mang nấu. Chè đậu xanh không khó nấu, nhưng để cho hạt đậu chín mềm mà không bị nở toét ra thì tôi còn phải học ở mẹ rất nhiều.
Đậu xanh bỏ vỏ nấu chín, pha thêm bột sắn tạo thành thứ chè đặc sánh, khi ăn bỏ thêm dừa khô và đậu phộng rang. Chỉ cần đưa một muỗng chè vào miệng là cảm nhận được vị thanh mát của bột sắn, vị bùi thơm của đậu cùng vị beo béo của dừa.
Đậu xanh còn vỏ nấu chung với khoai lang và đậu phộng thành món chè khoai (vì khoai lang là chủ yếu), món này mẹ thường nấu khi mua được những củ khoai lang thật ngon. Cả nhà tôi ai cũng thích ăn món này. Giờ anh chị em ít khi có dịp gặp nhau như trước, mỗi lần nhắc lại vẫn thương nhớ nồi chè khoai của mẹ trong những mùa hè.
Bí ngô nấu đậu xanh thành món chè bí. Chè bí ngô đậu xanh của mẹ tôi đơn giản, chân phương như chính con người của mẹ vậy. Mỗi mùa bí, mẹ tôi chọn trái bí thật đỏ, bung với đậu xanh, nồi chè có màu vàng au nhìn đẹp mắt.
Nhờ món chè của mẹ mà chị em chúng tôi đi qua biết bao mùa hè nóng nực trong niềm vui và những kỉ niệm đầy ắp. Vẫn nhớ nồi chè mẹ nấu, nhớ những tháng ba mưa xuân cùng mẹ đi ra đồng, nhớ những tháng sáu vàng tươi nắng mới...Và bây giờ tôi còn nhớ mãi tiếng cười tuổi thơ bên nồi chè đậu xanh bí đỏ...
|
04/06/2011
760 lượt xem
Với tâm của ta, ta cũng là người quan sát. Ta quan sát thấy tâm ta đang giận. Ta quan sát thấy tâm ta đang buồn. Ta quan sát thấy tâm ta đang vui...
Bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta, dù điều đó là tốt hoặc xấu. Điều đầu tiên chúng ta cần làm khi đón nhận chúng là quan sát. Ta hãy biến ta thành người quan sát. Khi ta trở thành người quan sát thì ta sẽ không bị đồng hoá bởi những sự kiện đang xảy ra.
Vì không bị đồng hoá nên ta đón nhận những sự kiện đang xảy đến với chúng ta một cách tròn đầy. Tiếp nhận một sự kiện đến với chúng ta một cách tròn đầy là cho ta cơ hội thấy được tính hai mặt của chúng. Nếu sự kiện đó là một sự kiện xấu thì ta cũng thấy được những ảnh hưởng tốt từ chúng đem lại. Và nhờ thấy được như thế nên ta không bị những khổ đau, buồn thương nhấn chìm. Còn với một điều tốt xảy đến với chúng ta, chúng ta vẫn thấy được mặt bên kia của chúng. Chúng ta thấy được những nguy cơ đàng tiềm ẩn trong chúng. Vì thấy được những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn nên ta không quá vui, không quá tự mãn nhưng đồng thời ta cũng biết cách tạo thêm nhiều điều kiện cho những điều tốt ấy phát triển. Là người quan sát ta sẽ làm chủ được đời sống của mình. Niềm vui là gì, hạnh phúc là gì nếu không phải là sự bình an trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Và ta chỉ có thể bình an khi ta biết nhìn những vấn đề đến với chúng ta như người quan sát. Nhìn những vấn đề đang xảy đến với chúng ta như người quan sát ta sẽ không đắm chìm vào chúng. Ta sẽ biết xử lý chúng. Và ta cũng biết cách đón nhận chúng.
Đón nhận vấn đề với tâm người quan sát sẽ cho ta cơ hội thấy được vẻ đẹp của chúng. Và ta sẽ khám phá ra rằng mọi vấn đề điều có vẻ đẹp riêng. Vấn đề đó là đau khổ vẫn có vẻ đẹp riêng của đau khổ. Vấn đề đó là hạnh phúc cũng có vẻ đẹp riêng của hạnh phúc. Vẻ đẹp của khổ đau và vẻ đẹp của hạnh phúc hoàn toàn không trái chống nhau. Không những không trái chống nhau mà còn tô điểm cho nhau. Ví như có một người phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả để thực hiện lý tưởng, hoài bảo, ước mơ của mình. Rồi một ngày kia người ấy đạt được những gì mình mong ước. Thì rõ ràng những khó khăn ấy đã làm đẹp thêm thành công của người này.
Là người quan sát sẽ cho ta rất nhiều cơ hội để sống bình an giữa dòng đời luôn biến động. Và vì là người quan sát nên dù cho dòng đời có biến động như thế nào đi chăng nữa ta vẫn luôn là người chủ động. Và để trở thành người quan sát thật thụ ta phải biết cách quan sát, ta phải học cách quan sát.
Trước tiên ta phải quan sát những gì đang diễn ra trong thân thể của ta. Ta phải thấy được những mấy động của thân thể ta khi ta đi, đứng, nằm, và ngồi. Ta phải quan sát thân thể ta trong mọi lúc, mọi nơi. Bởi vì ta mới tập làm người quan sát nên ta sẽ thường quên, quên quan sát những gì đang diễn ra nơi thân thể ta. Điều này không quan trọng, miễn là khi biết rằng ta đã quên thì đơn giản là trở về làm người quan sát lại. Ta quan sát thân thể ta trong khi ta đi, trong khi ta đứng, nằm và ngồi được thuần thục thì ta sẽ dễ dàng nhận thấy những gì đang diễn ra trong tâm của ta.
Với tâm của ta, ta cũng là người quan sát. Ta quan sát thấy tâm ta đang giận. Ta quan sát thấy tâm ta đang buồn. Ta quan sát thấy tâm ta đang vui... dù ta có giận, buồn, vui... hay bất cứ điều gì khác thì ta vẫn hãy là người quan sát. Chỉ có là người quan sát mới cho ta cơ hội để nhận ra vẻ đẹp của sự sống. Chỉ có là người quan sát mới cho ta thấy được hai mặt của một vấn đề. Chỉ có là người quan sát mới cho ta thấy được bình an, hạnh phúc là những gì đã có sẵn trong giây phút này. Trong giây phút ta là người quan sát.
|
31/05/2011
523 lượt xem
1. Mang điện thoại: lỗi ngớ ngẩn nhất
Năm nào cũng vậy, kỳ thi nào cũng thế dù được nhắc nhở nhiều lần, nhiều trường hợp bị bắt, kỉ luật nặng nhưng chuyện học sinh mang điện thoại di động vào phòng thi vẫn xảy ra.
Phụ huynh cần nghiêm khắc, quản lí việc dùng điện thoại của con. Không có lí do gì các em lại bị kỉ luật bởi lỗi này dù chỉ là vô tình hay quên, lỡ mang điện thoại theo người.
2. Ăn uống, ngủ nghỉ hợp lí
Chuyện ăn uống tưởng đơn giản nhưng không thể xem nhẹ. Vì thời gian thi của các em kéo dài cả ngày, nhiều em ở lại, nếu ăn uống hàng quán không đảm bảo vệ sinh rất dễ dẫn đến chuyện đau bụng,..ảnh hưởng không tốt tới quá trình làm bài.
Thêm nữa, phụ huynh và học sinh cần hết sức chú ý đến giờ giấc. Rất nhiều trường hợp vì sáng đi thi đúng giờ nhưng chiều ăn uống xong ngủ quên, đến muộn quá 15 phút, mất quyền vào phòng thi.
3. Tránh tâm lí chủ quan hay lo lắng quá mức
Nhiều em vì tâm lí quá lo lắng dẫn, vào phòng thi hồi hộp quá dẫn đến không thể tập trung vào bài tập, hoảng hốt khi ngay từ ban đầu đã “choáng” với đề thi. Lo lắng quá mức cũng ảnh hưởng rất nhiều tới chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của các em. Nhiều em vì sợ “hổng” kiến thức, trước ngày đi thi học quá khuya, sáng sau ngủ dậy muộn, muộn luôn cả giờ thi.
Cần lưu ý, đề thi THPT bám sát chương trình cơ bản trong SGK, các em có thể đạt 50% số điểm ở mức tối thiểu.
Ngược lại, nhiều học sinh có tâm lí chủ quan nghĩ kì thi này đơn giản, kiểu gì cũng qua hay tâm lí ỷ lại, trông chờ được giúp đỡ. Đây cũng là điều hết sức phải tránh. Trước khi bước được vào ngưỡng cửa ĐH-CĐ, các em cần phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT cái đã.
4. Đọc kĩ đề bài, làm bài cẩn thận
Nhiều em khi nhận đề thông thường “bập” ngay vào làm, vội vã dẫn tới bài làm quá lan man vừa mất thời gian vừa không đạt điểm tối đa. Ví dụ đề yêu cầu tóm tắt tiểu sử nhưng em nói cả quá trình là không cần thiết rồi.
Với đề thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh các em cần sử dụng bút chì để tô, không tô quá nhạt hay quá đậm, tô ra ngoài, đặc biệt dùng bút bi để tô vào bài. Những lỗi như vậy vô tình khiến các em mất điểm dù làm đúng câu hỏi.
5. Ăn mặc gọn gàng, thái độ trong phòng thi cần điềm đạm
Nhiều giám thị thường không mấy thiện cảm với các em đầu tóc bù xù, ăn mặc không gọn gàng khi tới phòng thi. Chuyện này không ai cấm các em nhưng cần hết sức lưu ý.
Một điều hết sức quan trọng các em học sinh cần lưu ý là thái độ trong phòng thi. Hiện vẫn tồn tại việc sắp xếp học sinh các trường công lập và dân lập trong cùng hội đồng thi. Nhiều học sinh (thường ở khối dân lập) có thái độ ngông nghênh, bất cần.
Thậm chí có trường hợp đe dọa, giật bài thi của bạn. Tất nhiên đa phần sẽ được các giám thị can thiệp, xử lí. Tuy nhiên các em cần có thái độ điềm đạm, không nóng nảy rất dễ dẫn đến những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến quá trình thi của các em.
(Theo Vietnamnet)
|
31/05/2011
611 lượt xem
Cụ thể, nếu thí sinh đến muộn trước giờ bắt đầu làm bài, giám thị lập biên bản và cho thi bình thường. Nếu thí sinh đến muộn sau giờ bắt đầu làm bài, giám thị lập biên bản và không cho thí sinh thi môn đó.
Trường hợp thí sinh bị ốm trong khi đang thi, giám thị trong phòng thi yêu cầu giám thị 3 đưa thí sinh đến y tế của HĐCT và lập biên bản xác nhận. Giám thị thu đề thi, bài thi, giấy nháp của thí sinh, bảo quản và nộp cho Chủ tịch HĐCT sau buổi thi.
Nếu trong suốt buổi thi do thí sinh ốm không làm được bài thi, thí sinh tự nguyện không nộp bài thi, coi thí sinh đó vắng thi, giám thị không thu bài thi môn đó của thí sinh, không cho thí sinh ký vào phiếu thu bài thi và bảng ghi tên dự thi. HĐCT lập hồ sơ đề nghị đặc cách tốt nghiệp (nếu thí sinh có yêu cầu). Hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập viện của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (nếu thí sinh có nhu cầu đề nghị đặc cách tốt nghiệp).
Nếu có việc đột xuất đặc biệt xảy ra không thể tiếp tục thi được, HĐCT lập biên bản và yêu cầu thí sinh nộp giấy xác nhận hợp lệ.
Thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi, giám thị lập biên bản và thu hồi tang vật (nếu có); thu bài thi môn đó của thí sinh nhưng không cho vào túi số 1; nộp cho Chủ tịch HĐCT.
7h30 ngày 1-6, HĐCT sẽ tổ chức cho thí sinh học tập quy chế thi. Khi vào phòng thi, thí sinh phải để cặp, tài liệu và các vật dụng, tư trang ở bàn kê tại hành lang của phòng thi (tuyệt đối không để trên bục giảng). Khi vào phòng thi, nếu thí sinh quên thẻ dự thi có thể thay bằng Chứng minh nhân dân.
|
31/05/2011
851 lượt xem
Có một ngày, tự nhiên thấy mình buồn!
Trời âm u, chẳng mưa chẳng nắng, cây cối im ru, nhìn những người xung quanh bỗng thấy xa lạ quá!
Có một nỗi buồn không tên cứ len lỏi vào tim. Có một nỗi nhớ không định hình cứ âm ỉ.
Có một sự bực bội vô hình không thể gọi tên...Sao tự nhiên thấy vơi đi chút niềm tin nơi người khác nhỉ?
Về tới nhà thấy ồn ào, tới chỗ làm cũng chẳng vui! Có lẽ mình chỉ còn một nơi duy nhất để đi.
Thế mới hay, con người mình biết bao nhiêu cái xấu, chỉ một chút khó khăn nổi lên đã giải đãi quá rồi!
Thôi thì hãy nhìn Sen! Để tâm lắng cho chút phiền qua mau!
|