16/09/2011
2004 lượt xem
Không hiểu sao, mỗi sáng chồng chở đi làm, anh hỏi tôi " Ăn gì em?" tôi luôn đáp lại" Bún bò". Có lẽ đây là món khoái khẩu của tôi. Nhưng để tìm một nơi ăn đúng khẩu vị của mình thì không phải dễ. Tôi vẫn nhớ hoài cái hương vị bún bò ở quê - nơi mẹ hay mua cho tôi ăn thời tôi còn đi học. Từ ngày vào sài gòn học và sinh sống, đôi lần mẹ cũng gửi vào cho tôi món bún bò này.
Theo tôi, một tô bún bò chưa nếm được vị xem có thật sự ngon hay không thì ít nhất cũng phải đạt được hình thức hấp dẫn và hương thơm ngun ngút của nó. Tô bún khi đặt trước mặt người ăn là có thể ngửi được ngay mùi thơm của bò, của xã , của ruốt Huế và mùi nồng cay của ớt. Những sợi bún to, trắng nổi bật giữa những miếng bắp bò có dính chút gân ăn vào giòn giòn , sực sực , thấm tháp và những cục giò trắng,mập được hầm thật mềm. Điểm trên tô bún để trông bắt mắt và hấp dẫn không thể thiếu là những cọng ngò xanh, thơm, một ít lát hành tây cay nồng, một ít tiêu. Điều đặc biệt của tô bún bò tôi từng ăn ở quê là bún được ăn với rất nhiều rau. Quê tôi là thành phố rau mà, vì vậy khi ăn món này, luôn đi kèm một đĩa xà lách được thái mỏng, xanh rờn chứ không ăn với rau muống như ở Sài Gòn này. Nằm kèm bên cạnh là rau bắp chuối và những cọng giá trắng trẻo, tất nhiên không thể thiếu được những cọng rau thơm. Gắp rau vào tô, húp một ít nước beo béo, đậm đà kèm theo một chút chanh ớt, không còn gì tuyệt hơn. Cảm giác vừa cay, vừa nóng, vừa xuýt xoa, vừa nghe vị ngọt của nước bún của thịt chạy dần vào trong thực quản là điều mà tôi tâm đắc nhất khi ăn món này....( sao trông miệng lại ừng ực thế này nhỉ...:-)).
Đó chỉ là những cảm nhận tôi còn nhớ được về tô bún bò ở quê. Ở Sài Gòn này, để tìm một nơi bán bún bò không khó hoặc có thể nói là rất nhiều nhưng có lẽ tôi vẫn không tìm được tô bún bò hương vị tương tự như vậy. Tôi đã ăn bún bò thành nội đường Trần Cao Vân, một quán nằm trong hẻm Karaoke Nice Lê văn sỹ, một quán nằm ở 31 Mạc Đỉnh Chi, một quán kế bên hẻm Big C Tô Hiến Thành... nói chung rất nhiều. Mỗi nơi đều có một hương vị riêng, cũng đậm đà, hấp dẫn nhưng sao trong tôi vẫn có cảm giác thèm được về quê ăn lại tô bún bò đó - có lẽ là bởi nó mang hương vị riêng của quê tôi và một nỗi niềm nhớ quê trong đó...
|
19/08/2011
2376 lượt xem
Vùng bụng dưới săn chắc và phẳng không chỉ giúp bạn tự tin diện quần áo ôm sát hay áo tắm, mà còn giúp bạn tránh xa được các cơn đau và gia cố thêm cho lưng. Bạn nghĩ là rất khó tập cho bụng dưới phải không? Hãy dành 15 phút cho 3 lần mỗi tuần để tập 6 động tác đơn giản dưới đây. Bạn sẽ sớm thấy kết quả thôi.
|
17/08/2011
1720 lượt xem
Cảm nhận đầu tiên trong tôi là một con đường nhỏ ngoằn ngoèo, với hai bức thành đất rất cao. Phía trên đầu bầu trời cũng bị cắt thành những đường nhỏ. Trên tay tôi có một búp bê và một cái giỏ trong đó có những quả phi lao khô. Tôi cứ đi theo con đường trước mặt. Lâu lắm, thời gian như vô tận, tôi đi đến hết con đường. Ở đó có những bậc thang bằng đất. Tôi cố sức leo lên những bậc thang đó nhưng nó cao quá. Tôi suýt òa khóc thì nhìn thấy một rễ cây thò lò ở trên đầu tôi. Tôi đu vào rễ cây rồi leo lên các bậc thang. Trên mặt đất là một vườn cây to, tỏa bóng rợp mặt đất. Dưới nền đất những lá rụng được quét gọn thành một đống, sạch sẽ. Nắng chiều qua vòm lá thành những quả bóng to, nhỏ khác nhau trên mặt đất. Tôi đi quanh những gốc cây và cảm thấy muốn hát. Rồi một cơn buồn ngủ kéo đến. Tôi nằm trên đống lá và ngủ ngon lành. Trong giấc ngủ tôi mơ thấy những điều đẹp đẽ. Khi tôi đang chìm trong giấc ngủ thiên thần thì tôi đâu biết rằng mẹ tôi đang khốn khổ vì tưởng đã đánh mất tôi rồi. Máy bay Mỹ ập đến, người ta bế lũ trẻ bỏ xuống hầm, rồi phải đi sơ tán đồ đạc. Bọn trẻ ngồi túm tụm lại một chỗ. Còn tôi đi lang thang. Máy bay Mỹ cút đi, những bà mẹ đi tìm con, mẹ tôi không tìm thấy tôi đâu cả.
Tôi mở choàng tỉnh vì thấy có ai đó bế tôi lên. Tôi mở mắt và nhìn thấy một người đàn ông mặc áo thụng đen. Ông cười với tôi. Tôi bảo ông rằng, trong đống lá kia còn con búp bê và lẵng quả phi lao nữa. Ông bế tôi quay trở lại lấy hai thứ đó rồi đi vào nhà thờ. Một lúc lâu sau, có người chạy đi báo mẹ tôi đến nhà thờ đón tôi. Nhìn thấy tôi, mẹ Ỏa khóc, rồi chạy đến túm tóc tôi lôi xềnh xệch:
- Con ranh con khốn nạn này, mày đi đâu mà để tao tìm đứt cả hơi. Sao mày không bị bom nó vùi đi cho rồi.
Lúc đó cha không có mặt ở đấy.
Khi đó tôi lên bốn nhưng sau tôi còn có hai đứa em trai nữa, một đứa lên hai và một đứa mới mấy tháng. Nơi chúng tôi đang sống không phải là quê của cha mẹ tôi mà là nơi họ làm việc. Nhưng đối với tôi đó lại là nơi chôn rau, cắt rốn. Ngày tôi ra đời là thời kỳ đất nước đang thịnh vượng, thế nhưng tôi lại được cắt rốn bằng lưỡi liềm cắt lúa.
Chuyện thế này, lúc mẹ tôi lên cơn đau đẻ, được cha tôi đưa đến trạm xá. Bà trạm xá trưởng kiêm đỡ đẻ, kiêm y sĩ kê đơn, kiêm y tá tiêm chích thuốc khóa cửa đi ăn cỗ mãi bên xã khác. Cha tôi để mẹ tôi ngồi ở chiếc ghế chờ rồi mượn xe đi tìm bà y sĩ. Mẹ tôi quằn quại trên ghế, cơn đau mỗi lúc một tăng. Một bà đi kiếm rau lợn thấy mẹ tôi đau dữ quá bèn vào giúp đỡ. Sau thấy mẹ tôi đẻ đến nơi mà vẫn chưa thấy bà đỡ và cha tôi về. Bà bảo với mẹ tôi:
- Cô chịu khó nằm đây, tôi vào tìm bà Mụ, ngày chưa có trạm xá bà ấy đỡ cho cả làng này đấy.
Chưa đầy năm phút sau đã thấy bà quay lại cùng bà Mụ. Trên tay bà Mụ cầm một chiếc liềm đen sì. Bà Mụ khám cho mẹ tôi thấy cái đầu tôi lấp ló cửa dạ bèn giục bà đi hái rau lợn:
- Chị kiếm cho tôi mấy cái tàu lá chuối khô, kiếm đâu được cái chậu nữa chứ, không thì bẩn tóe ra đây về bà trạm trưởng lại mắng cho.
Thế là tôi ra đời trên cái ổ chuối khô, được bà Mụ cắt rốn bằng lưỡi liềm. Bà Mụ bảo: Trong các vật dụng của nhà nông thì chỉ có lưỡi liềm sạch nhất vì chỉ để cắt lúa và cắt rốn trẻ con. Ca đẻ mẹ tròn con vuông xong thì bà trạm trưởng và cha tôi mới về đến nơi. Bà trạm trưởng trách mắng mẹ tôi:
- Cô lỗi thời quá, sao không chờ tôi về. Phản khoa học hết sức, ai lại cắt rốn bằng liềm. Nằm lại đây theo dõi.
Bà Mụ nghe thế chỉ tủm tỉm cười rồi ra về. Hai ngày sau mẹ tôi bế tôi về nhà vì tôi chẳng bị làm sao cả. Câu chuyện này được cả làng biết, hễ ai nhìn thấy mặt tôi cũng kể. Tôi được nghe có dễ hàng trăm lần.
Càng lớn lên tôi càng thấy vùng quê tôi ở sao mà đẹp thế, lắm điều kỳ lạ thế. Ngày ấy, tôi có khái niệm về mùa, một năm đối với tôi chỉ có hai dịp Tết và hè. Tết, ấy là khi cam trong vườn nhà bác Thạo ở bên cạnh nhà tôi đỏ rực. Cỏ ở bờ mương xanh ngắt mỡ màng. Cỏ chen mọc cả vào lối đi, cỏ che những vết chân trâu lồi lõm. Mẹ thay cho tôi một chiếc áo trắng và dặn:
- Mày đi chơi đâu thì đi, đến chiều tối là về. Ngày mai mùng một chớ có vào nhà ai, cái thứ con gái đến nhà mùng một là dông cả năm, người ta chửi cho thì tao đánh chết. Tôi phải nhớ lời mẹ dặn. Sáng mùng một, mẹ tôi để cho tôi ngủ thoải mái. Bố mẹ sắp cơm cúng xong mới gọi chúng tôi dậy ăn uống. Ăn xong mẹ chia cho một ít bánh kẹo. Tôi gói vào khăn mùi xoa để dành cho cái Hoa. Nhà nó có nhiều bánh chưng hơn nhà tôi nhưng lại không có bánh kẹo, vì bố mẹ nó làm ruộng. Tôi đi ra ngõ, mẹ tôi gọi với theo:
- Nhớ đừng vào nhà ai đấy.
Tôi đi một mạch ra bờ mương. Nước đồng trong veo chưa cấy lúa, chỉ có cỏ ở bờ vùng, bờ thửa xanh nối lên trời. Từ cuối bờ mương, nơi giáp với làng bên xuất hiện một vài chấm nhỏ, rồi to dần, rồi tiếng cười, tiếng nói, rồi mầu xanh, mầu đỏ của áo xống phấp phới trong gió, những người họ hàng đi Tết nhau. Trong lòng tôi rạo rực đến kỳ lạ. Tôi muốn đi cùng những người họ hàng kia để đến những nhà họ hàng. Nhưng tôi chỉ được phép đứng dựa lưng vào gốc dừa để nhìn theo họ.
Mùa hè, bắt đầu từ những cơn mưa rào. Ngồi dưới một tàu lá chuối to làm nhà, bên cạnh hàng rào mắc mấy sợi tơ chuối làm khung cửi, ngắt mấy lá mùng tơi làm mâm cơm. Một gia đình nhỏ ở trên thiên đàng. Bỗng đâu mây đen kéo đến che khuất mặt trời. Mưa rơi nặng hạt trên tàu lá chuối. Rồi cơn mưa trút xuống bất ngờ. Tôi chạy vội vào nhà trú mưa. Mưa càng to thì nỗi buồn của tôi càng lớn. Tôi không hiểu nỗi buồn của tôi đến từ khi nào. Có khi từ một buổi trưa, tôi nằm trong lòng mẹ với sự thanh bình nhất, rồi tôi ngủ thiếp đi. Cơn mưa đánh thức tôi dậy. Mẹ đã đi làm rồi. Thế là nỗi buồn ập đến. Và ngay cả khi tôi không thức dậy vào cơn mưa thì từ cơn mưa nỗi buồn ùa vào tôi. Nỗi buồn đeo nặng cả cuộc đời.
Cơn mưa tạnh bất ngờ, nắng lại bừng lên. Sau cơn mưa tất cả bụi bẩn trên lá cây được gội rửa hết, chỉ còn lại màu xanh nguyên sơ của từng loài, lóng lánh những tia mắt cười dưới nắng. Sau cơn mưa là đến chuyện bố tôi đi bộ đội. Bố đi vào mùa hè, một buổi sáng, sau cơn mưa rào vào đêm. Ba chị em cùng mẹ đi tiễn bố. Nơi bố nhập ngũ sao mà đông vui thế. Rất nhiều cờ, có cả trống và rất đông thanh niên. Bố có lẽ là già nhất trong số họ. Mẹ cứ khóc còn chúng tôi thì cười và la hét với bố và những chú mà bố bảo là đồng đội. Bố đi buổi sáng, hết cả ngày hôm ấy đến đêm tôi không có cảm giác nhớ bố, mặc dù cho đến khi ấy tôi chưa bao giờ xa bố. Gần sáng, cảm giác lạnh, tôi quờ tìm bố để ôm lấy bố như mọi khi thì không thấy bố. Tôi nhớ bố đã đi rồi, tôi khóc khe khẽ. Mẹ tôi hỏi vì sao mà khóc, có đau hay nhức đầu gì không. Tôi chỉ khóc to hơn. Mẹ tôi dỗ:
- Nói đi vì sao mà khóc rồi sáng ra mẹ cho đi xem đám ma.
Tôi chưa bao giờ được đi xem đám ma nên tôi bảo với mẹ:
- Con nhớ bố lắm!
- Thế thì im đi, khóc gì cho bố mày sốt ruột, sốt gan, không khéo lại bị giặc nó bắn chết đấy. Nhớ chưa, bố mày chưa chết thì đừng có khóc, có nhắc gì làm bố rối ruột, không tỉnh táo mà tránh đạn được đâu. Tao cũng chẳng dám khóc đây này.
Nghe mẹ nói tôi sợ lắm, nên mỗi lần nhớ bố tôi phải chạy đi tìm cái gì chơi để khỏi khóc. Mùa hè, cái ngày đầu tiên tôi đến trường trời đầy nắng. Cô giáo dạy trên lớp, về nhà mẹ dạy thêm cho tôi. Cô giáo dạy dễ thuộc, mẹ dạy dễ nhớ. Mẹ có những câu thơ thế này: "O tròn như quả trứng gà; ô thì đội mũ- Ơ thì thêm râu. O, a hai chữ khác nhau; vì a có cái móc câu bên mình". Tôi cứ đọc theo mẹ thế mà thuộc. Nhưng đến hai chữ X và S thì tôi không sao phân biệt nổi. Mẹ cho tôi hai cái tát, một cái cốc, rồi bất lực bảo:
- Tao chịu rồi con ngu dốt ạ, để mai cô giáo mày dạy cho mày.
Mùa hè, là những đêm đầy huyền bí. Những đêm không trăng trời tối đen như mực, lũ trẻ bắt đom đóm bỏ vào lọ cầm đi chơi. Một thằng lớn đầu têu bảo:
- Chúng mày có đến ngôi nhà ma không?
- Có sợ lắm không?
- Đi rồi khắc biết.
Thằng lớn đi trước, một lũ bé rồng rắn theo sau. Căn nhà nằm riêng ra một chỗ bên cạnh một gò đất nhỏ. Xung quanh có những luống hoa thẳng tắp. Những con đom đóm lập lòe trong cỏ xung quanh nhà. Thằng lớn bảo:
- Đấy thấy chưa, ma trơi lượn đầy xung quanh nhà. Chạy đi kẻo ma nó đuổi đấy. Thế là ù té chạy. Những đứa bé vấp ngã bật khóc. Đứa không ngã cũng khóc. Nỗi sợ hãi đi cả vào giấc ngủ. Thế mà ngôi nhà ấy ban ngày ối đứa vào hái trộm hoa.
Một đêm, cách cái ngày bố đi bộ đội khá lâu, buổi tối mẹ giục chúng tôi đi ngủ sớm. Một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó làm giấc ngủ của tôi chập chờn, nhưng vì có ngọn đèn dầu được mẹ vặn nhỏ bằng hạt đỗ để ở đầu giường mà tôi yên tâm ngủ thiếp. Giấc ngủ kéo dài khá lâu thì đứa em tôi đạp đổ đèn, căn nhà chìm vào bóng tối. Tôi tỉnh giấc, gọi mẹ không thấy mẹ đâu. Tôi gào khóc, không thấy mẹ đâu. Tôi liền mở cửa, cửa bị khóa từ bên ngoài. Hai đứa em tôi cũng thức giấc. Chúng tôi gào khóc cuống cuồng, và cùng hé mắt nhìn ra khe cửa. Bên ngoài cũng tối đen như mực. Một lúc lâu sau, tôi nhìn thấy cổng có một đốm lửa bằng hạt đỗ. Tôi gào to:
- Cho cháu xin tí lửa. Cháu sợ tối lắm.
Đốm lửa ngập ngừng định tiến lại phía cửa, rồi dừng lại. Tôi nài nỉ:
- Cho cháu xin tí lửa đi, em cháu làm đổ đèn rồi, cháu sợ tối lắm. Mẹ cháu đi vắng. Đốm lửa đứng yên lặng rồi từ từ quay ra phía cổng đi mất. Tôi gào khóc thêm một lúc nữa rồi mệt quá vào giường nằm. Không gian im lặng, tiếng cầu kinh đã tắt từ lâu rồi. Tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi. Sáng ra mẹ gọi dậy dặn dò để đi làm. Tôi ngơ ngác nhìn mẹ. Không hiểu đêm qua mẹ có đi vắng thật hay chỉ là một giấc mơ hãi hùng. Tôi tự đi xác minh xem, bởi tôi vẫn nhớ có một ngọn đèn hạt đỗ trước cổng nhà tôi. Nhưng hình như mọi người có điều gì muốn giấu. Họ im lặng nhưng đánh mắt sang nhau.
Mùa hè, những cái roi thật sự quất lên da thịt tôi. Khi tôi lên bảy mẹ giao cho tôi một việc: đun một ấm nước mưa để nguội cho cả nhà uống. Mẹ đi làm tôi kéo chúng bạn đến chơi thả đỉa ba ba, đi chợ Đồng Xuân... Vui không thể nào tả xiết. Nhưng cũng vì thế mà ấm nước sôi để nguội hết nhanh chóng. Sắp đến giờ mẹ về tôi mới bắc bếp đun nước. Tôi đút ra. vào bếp cháy đùng đùng mà mãi nước không sôi. Ở ngoài sân thì bọn chúng cười vui quá. Mẹ về ấm nước còn nóng không uống được thế là tôi bị mấy cái cốc bêu trán. Một lần tôi đổ đầy ấm nước để cạnh bếp định đun nhưng cuộc chơi đang vui, cuốn đi, nên quên mất. Mẹ về khen tôi ngoan biết nghe lời. Tôi im lặng và suy nghĩ. Để tránh đòn của mẹ thì bận sau tôi chỉ cần đổ đầy nước mưa vào ấm và chẳng cần đun gì cả.
Tôi chỉ tránh được một việc như thế. Còn những cuộc đi chơi cùng mẹ tôi rất khao khát mà dường như chẳng bao giờ được toại nguyện. Một lần thấy tôi đang tha thẩn chơi ở đường, mẹ đạp xe đi qua, dừng lại bảo:
" - Về lấy mũ tao cho đi chơi". Tôi sướng quá nhảy chân sáo chạy về. Bỗng nhiên vấp phải hòn gạch ngã sóng xoài ra đường. Mẹ đang vui bỗng điên tiết đạp xe đi. Tôi chạy theo mẹ gào khóc: "Mẹ Ơi, cho con đi với". Mẹ càng đạp nhanh hơn. Tôi hụt hơi ngã xuống bãi cỏ ven đường. Tôi thi gan nằm úp mặt cho đến khi mẹ quay về. Mẹ bẻ một cành roi thật to, quật và thề rằng: "Chẳng bao giờ tao cho mày đi đâu cả".
Lâu lắm mẹ quên mất lời thề, một chiều mẹ bảo tôi dọn cơm sớm ăn rồi cho đi chơi. Tôi sướng sun người, vừa bê mâm bát vừa hát. Bỗng: choang. Chao ôi! Tôi bị vấp phải bậu cửa. Mẹ lại điên tiết lên: ở nhà, không đi đâu nữa. Tôi đã hết lời van xin mẹ mà mẹ vẫn chỉ dắt hai thằng em tôi đi. Tôi gào khóc dữ dội. Trời ập tối, tôi bỗng thấy mình thật bé nhỏ, cô đơn. Tôi nhớ đến bố. Mặc dầu vẫn nhớ lời mẹ dặn là không được khóc hờ bố vì bố chưa chết, để bố tỉnh táo mà tránh đạn nhưng tôi nghĩ, tôi chẳng còn ai thương nữa ngoài bố ra. Tôi khóc: "Bố ơi về với con đi, mẹ ghét con lắm. Mẹ chỉ yêu chúng nó thôi. Chẳng còn ai thương con cả". Giọng tôi khản đặc. Mệt mỏi quá tôi ngồi im lặng và mở to mắt để nhìn. Trước mặt tôi là một người mặc áo thụng đen đang nhìn chằm chằm vào tôi. Rồi người đó đưa tay cho tôi:
- Tâm hồn con bị lạc lối mất rồi, theo cha về để cha rửa tội lỗi cho con.
Tôi ngoan ngoãn đứng lên và lầm lụi bước theo người đó với cái đầu rỗng tuếch. Ông dẫn tôi vào một căn phòng rộng, thắp đèn măng-sông sáng trắng. Ông mở tủ rót cho tôi một chén nước và lấy cho tôi mấy chiếc kẹo, thứ kẹo này dù có dịp Tết tôi cũng chưa được ăn bao giờ. Ông chìa cho tôi nhưng tôi rụt tay lại thành hai nắm đấm giấu chặt vào đùi. Tôi bậm chặt môi và nhìn trừng vào mặt ông. Thì ra ông không già như tôi tưởng, chỉ già hơn bố một ít thôi. Ông cũng nhìn thẳng vào mặt tôi rồi để kẹo và nước xuống bàn. Ông nhìn vào mặt tôi một hồi lâu và tôi cũng cứ giương mắt nhìn vào ông như thế. Ông rời mắt khỏi tôi, rồi kéo ghế ngồi xuống bên cạnh.
- Nào con của ta, con hãy kể cho ta nghe vì sao con lại gào khóc như thế?
Tôi im lặng.
- Ta biết bố con đi vắng rồi nhưng bố con vẫn thường xuyên nghe thấy những lời con nói đấy.
- Có thật không hở cha? Nhưng bố con vẫn tỉnh táo để tránh đạn của quân thù chứ cha? - Con nói sao?
- Mẹ con dặn, không được nhắc đến bố, nhớ bố cũng không được khóc, vì bố chưa chết, để bố tỉnh táo mà tránh hòn đạn mũi tên. Nhắc nhiều đến bố, bố rối ruột lên. - Mẹ con dặn thế à?
- Đúng không cha?
- Thế con kể đi, vì sao mà con gào khóc dữ thế?
- Vì con rất yêu mẹ con mà mẹ con lại không yêu con. Mẹ con đánh con, không cho con đi chơi cùng mẹ.
- Không đúng thế đâu, mẹ rất yêu con, mẹ không ghét bỏ con đâu. Chắc mẹ có lý do nào đó. Con ơi, cha muốn nói với con điều này. Con được sinh ra ở trên đời này là một kết quả đẹp đẽ nhất trong sự sinh sản của muôn loài. Bởi vậy con mang trong mình con một vũ trụ riêng. Con đã có những niềm vui, sự sung sướng phải không? Vậy sự khổ đau và nỗi buồn cũng sẽ tự mình con mang lấy. Con có thể chia sẻ với người này, người khác nhưng con hãy mang một chữ "nhẫn" bên mình. Có chữ nhẫn bên mình con sẽ thấy cuộc sống dễ dàng hơn. Con đừng oán trách cha mẹ làm gì. Dẫu sau này cuộc sống của con có khốn khổ đến nhường nào. Với bố con, con hãy ngày đêm cầu nguyện cho ông ấy, mong Chúa ở bên ông, che chở cho ông ấy.
- Nhưng mà nhà con không có Chúa.
- Cha biết, nhà con theo đời nhưng Chúa ở trong tim con ấy. Con hãy tin ông ấy sẽ che chở cho con.
Tôi và cha nói chuyện với nhau rất lâu. Tôi vui lên rất nhiều. Tôi quên hết cả mọi buồn phiền. Tôi uống hết cốc nước, ăn hết kẹo. Cha xoa đầu tôi:
- Khuya rồi đấy, con về đi kẻo mẹ chờ. Con có sợ bóng tối không, cha sẽ đưa con về. - Con không sợ đâu, con sẽ chạy một mạch. Ồ, cha ơi, trăng kìa!
Trăng cuối tháng tỏa xuống đất trời vào lúc đêm đã khuya, vạn vật đã im lìm trong giấc ngủ. Cỏ cây cũng đã ngủ say, ánh trăng cù vào lá, lá càu nhàu rung nhẹ. Rồi chẳng đừng được mở mắt ra cười lóng lánh với trăng. Tôi chạy một mạch về nhà với tâm trạng như vừa được tắm rửa sạch sẽ. Mẹ đã đóng chặt cửa. Tôi gọi:
- Mẹ Ơi mở cửa cho con với.
Im lặng.
- Mẹ Ơi, mở cửa cho con vào ngủ với. - Tôi gọi to hơn.
Im lặng.
- Mẹ Ơi! - Tôi gào lên.
- Mày sang chuồng lợn nhà bác Thạo mà ngủ.
- Mẹ Ơi, con muốn vào nhà.
- Mày mà gào lên lần nữa tao sẽ đánh cho mày nhừ đòn đấy!
Tôi lặng lẽ ngồi xuống bậc thềm. Ô kìa! Trăng cũng có bóng. Mái ra. nhà tôi đổ bóng xuống đến giữa sân, bóng cây na góc thềm cũng có những đốm trắng chui qua kẽ lá. Ô, mặt trời đêm, đúng rồi. Mặt trời đêm mọc rồi. Tôi chạy ra ngõ. Con đường lát đá sáng bóng loáng. Bụi tre, vại nước, cây cau bên nhà bác Thạo cũng đổ bóng xuống thềm. Trăng sáng rõ từng ngọn cỏ cũng đang vươn dậy, động đậy khẽ ngả sang nhau. Ô, thì ra mọi vật đều thức cả, chỉ có mẹ và con người nằm trong bóng tối của ngôi nhà mới đang ngủ. Tôi cảm thấy đầu óc rất tỉnh táo nhưng mí mắt thì nặng trĩu. Tôi rất muốn thức cùng vạn vật nhưng tôi cũng buồn ngủ như những con người ở trong các ngôi nhà kia. Theo bản năng tôi đi về phía cửa nhà mình. Cánh cửa đã để ngỏ chờ tôi chứ không còn cài chặt nữa. Một ý nghĩ loáng qua đầu, thì ra mẹ cũng chẳng ghét mình đâu, rồi tôi ngủ thiếp đi mê mệt.
Mùa hè, những câu chuyện cổ tích. Sau cái đêm được cha rửa tội, tôi có thêm một người bạn mới - đó là cha. Những lúc rỗi rãi, tôi không còn chơi thả đỉa ba ba, chơi ô ăn quan hay trèo lên cây nhãn rồi nhảy xuống ao bơi sang bờ bên kia nữa, mà tôi ra nhà thờ. Tôi được phép vào gặp cha bất cứ lúc nào. Nếu là lúc cha rỗi rãi tôi với cha sẽ ngồi trò chuyện. Cha hay kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Cha kể chuyện rất có duyên. Truyện ngàn lẻ một đêm làm tôi đứng cả tim. Nếu là lúc cha bận việc, tôi có thể vào tủ sách của cha để mượn một quyển nào đó tôi muốn đọc. Có điều phải ngồi đó đọc không được mang về nhà. Mùa hè năm tôi lên tám tuổi tôi đã đọc trọn bộ cổ tích Andecxen. Mặc dù rất mải mê đọc truyện nhưng tôi vẫn phải nhớ về trước khi mẹ về. Có một bản nhạc vào lúc 11 giờ trưa đánh thức nỗi sợ hãi của tôi... Cái bản nhạc đó nổi lên, tôi đang ở đâu cũng nhanh chân chạy về nhà, rửa sạch chân tay và ngồi lên giường chờ mẹ.
Một hôm tôi đến chỗ cha, cha đang chuẩn bị đi đâu đó.
Cha rủ tôi đi cùng:
- Cha sang xứ làng bên đây, con có đi với cha không?
Lâu lắm tôi chẳng được đi chơi ở đâu cả nên tôi thích lắm. Tôi đồng ý đi cùng cha. Cha dắt tay tôi đi trên những bờ mương, rồi đi qua những bờ vùng, bờ thửa. Chỗ nào lội cha bế bổng tôi qua. Tôi cảm thấy rất yêu quý cha và không còn nhớ đến bố nữa. Thế là bố đã đi bộ đội được ba năm rồi. Bố không gửi thư về nhà nhưng tôi tin là bố chưa chết, vì mẹ không khóc. Tôi hỏi cha:
- Cha ơi, cha có con không?
- Không có con ạ.
- Vì sao thế?
- Vì cha không được phép có con.
- Ai cấm cha?
- Khi nào lớn con sẽ hiểu.
Đường đi khá xa, tôi mỏi nhừ chân nhưng vì những câu chuyện cha kể nên tôi không thấy mệt. Buổi trưa ấy tôi được ăn một bữa cỗ rất thịnh soạn. Sau đó cha nhờ một người đèo tôi về nhà. Mẹ tôi rất giận dữ, bỏ buổi làm chiều để chờ tôi về. Mẹ chuẩn bị sẵn một cái roi. Mẹ đánh cho tôi một trận rất đau. Vừa đánh mẹ vừa khóc.
- Mày bêu riếu tao rồi con ơi, mày nghe làng xóm họ nói gì không? Từ nay tao cấm mày không được ra nhà thờ chơi với cha nữa nghe chưa? Bố mày ở đâu không về mà dạy mày để mày mất dạy thế này.
Mẹ vừa khóc vừa nhắc đến bố làm tôi bỗng nhiên thót cả tim. Bố làm sao phải không? Vì mẹ vẫn bảo rằng không được khóc vì bố chưa chết đâu. Vậy mà mẹ lại khóc. Tôi sợ lắm không dám đến chơi với cha nữa. Vài tuần sau cha nhờ người mang đến cho tôi quyển chuyện cổ tích Grim. Cha đề tặng tôi hẳn hoi.
Mùa hè, bố chiến thắng trở về. Bố về nhà vào buổi tối, khi cả nhà vừa ăn cơm xong. Bé út, khi bố đi bộ đội mới chưa đầy một tuổi thốt lên. "Có chú bộ đội vào nhà mình" Mẹ Ỏa khóc. "Anh đã về đấy à? Anh có bị sao không?" Bố cười hàm răng trắng trên khuôn mặt sạm đen. Mẹ đứng nép vào một bên ngực bố, tôi đứng bên kia, còn hai đứa em thì nhìn bố ngơ ngác. Tôi cầm vào tay bố nhưng đó chỉ là một tay áo rỗng. Tôi thốt lên: "Tay bố đâu rồi? "Bố bỏ vai mẹ ra xoa tay lên đầu tôi: "Mất rồi con ạ". Mẹ thảng thốt nắn từ vai bố trở xuống xem còn đến đâu. Bố bảo: "May mà còn tay phải, còn làm được nhiều việc". Tối đến cả nhà vui không thể tả được.
Ngày hôm sau mẹ trong trạng thái cực kỳ sung sướng. Mẹ dậy sớm đi chợ. Tôi được theo mẹ đi. Đi qua một chiếc cầu nhỏ bằng tre, chợ được họp ở một khu đất rộng, dưới gốc những cây chay già. Đêm hôm trước trời mưa rào, để ngày hôm sau, trời mang xuống một thứ nắng thủy tinh. Nắng trong veo không một gợn bụi. Chợ mà không ồn ào. Người mua, người bán nói khẽ khàng như sợ nắng thủy tinh vỡ òa ra. Mẹ mua gà, mua thịt, mua rau... rất nhiều thứ. Về đến nhà có mấy bác cùng cơ quan bố mẹ đã chờ sẵn, mỗi người xúm vào một tay thế là tôi không phải làm gì cả. Tôi nhớ đến cha. Tôi muốn báo cho cha biết bố tôi đã về. Cha đón tôi mừng rỡ lắm:
- Lâu lắm rồi con chẳng đến thăm ta. Con cao quá rồi, chắc lớn lên con sẽ thành cô bé xinh đẹp đây.
- Cha ơi, bố con đã về rồi. Bố con bị mất một cánh tay.
- Ơn Chúa, nhờ Chúa che chở cho ông ấy.
- Có phải là nhờ Chúa hay do con đã không khóc và nhắc đến bố như lời mẹ dặn hở cha? - Nhờ cả hai điều đó con ạ.
- Thôi chào cha con về đây, mẹ không muốn con chơi với cha đâu.
- Cha biết, tạm biệt con.
Sau mùa hè đó, nhà tôi có một sự chuyển dời. Nhà tôi không ở miền quê đó nữa mà chuyển lên thành phố. Mẹ tôi thuyết phục bố:
- Vì tương lai của chúng nó anh ạ. Lên thành phố chúng nó được học hành tử tế hơn. Vả lại con Hoa, sao mà nó lại giống em đến thế. Dường như nó đang lặp lại chính em. Mẹ nghẹn ngào như khóc.
Tôi chuyển lên thành phố với một bí mật mang theo. Tôi không đến từ biệt cha được, nhưng quyển sách cha tặng tôi đã giấu mang theo.
Lên thành phố tôi thay đổi hẳn. Dù không muốn thay đổi cũng sẽ phải thay đổi. Mỗi lần tôi phát biểu, bạn cùng lớp cười khúc khích; chúng bảo: "Nghe con nhà quê nó nói buồn cười quá". Về nhà tôi đóng chặt cửa để tập nói. Tôi ngâm chân vào nước nóng cho đến bợt cả ra để kỳ sạch những móng chân vàng. Ngoài những thứ đó tôi học rất giỏi.
Lên thành phố mẹ cũng như khác hơn, mẹ sống có vẻ thoải mái hơn. Nhưng với tôi mẹ vẫn một mực khắt khe. Mẹ theo dõi từng đường đi, nết ăn ngủ của tôi rồi riết gióng, mắng mỏ. Tôi cố thu mình lại trong chữ nhẫn. Mặc dù thế trong tim tôi vẫn vang lên những câu nói của mẹ: "Con Hoa - sao mà nó giống em thế!". Nếu tôi giống mẹ thì tại sao mẹ lại không yêu tôi? Đối với hai đứa em tôi lại khác, mẹ chiều chuộng chúng hơn tôi nhiều. Mẹ hay đi chơi với chúng, điều đó thật xa lạ với tôi. Điều bí mật tôi không thể nào lý giải được. Sau tôi cho rằng hay mẹ không thích tôi vì tôi là con gái. Nhưng nhà tôi chỉ có một mình tôi là con gái thôi mà. Với bố, bố lại hay chăm sóc đến tôi. Bố hay trò chuyện hỏi han tôi nhưng tình cảm với bố, có một cái gì đó như è dè, ngăn cách. Có lẽ bố không biết những câu chuyện cổ tích hay lý giải về vũ trụ như cha, tôi cảm thấy thiếu thốn một thứ tình cảm nào đó. Càng lên lớp cao hơn tôi càng thu mình lại. Tận đáy lòng tôi vẫn ước ao rằng đến một lúc nào đó bố mẹ sẽ hiểu tôi hơn.
Tôi tốt nghiệp đại học, tôi bỗng hiểu được tấm lòng bố hơn. Tôi hay tâm sự cùng bố. Một lần tôi đem thắc mắc của tôi ra với bố:
- Con không hiểu sao mẹ và con không hiểu được nhau, mà con thấy con rất giống mẹ, từ nét mặt, dáng đi đến lời ăn tiếng nói.
- Chỉ có điều mẹ không có được chữ nhẫn như con mà thôi.
- Sao bố biết?
- Bố chỉ không nói ra thôi con ạ.
- Nhưng con cảm thấy chữ nhẫn của con cũng có giới hạn. Con thề rằng con không bao giờ sinh con gái để rồi nó lại khổ như con.
- Giêsu ma! Sao con độc mồm thế.
- Sao hở bố? Bố đã từng theo đạo Thiên Chúa à?
- à không, bố bắt chước đấy.
Bố có vẻ rất bối rối.
Nó về chữ "Nhẫn", lúc lên tám tuổi cha dạy cho tôi về chữ nhẫn, tôi đã học được nó. Nhưng kèm với chữ nhẫn đó thì tôi học được tính bướng bỉnh, tôi chỉ làm theo ý mình. Khi tôi nói với bố rằng, tôi không muốn sinh con gái, tôi không muốn nó phải giống số phận của tôi thì tôi đã nung nấu điều đó. Mặt khác, do học hành mà tôi biết rằng chưa có cách gì để sinh con theo ý muốn cả. Vậy chỉ có một cách là tôi không bao giờ có con dù là trai hay gái. Còn việc lấy chồng - đương nhiên là tôi sẽ lấy chứ.
Về già, mẹ tôi trở nên đỡ nghiệt ngã với tôi hơn, tuy nhiên để mẹ con tâm sự được với nhau thì có lẽ là không bao giờ. Nhiều lần mẹ chỉ nói bóng gió - Con gái có thì, lấy chồng đi kẻo ế. Mỗi lần mẹ chỉ nói bóng gió thế thì tôi càng sắt đá hơn trong ý nghĩ - Không bao giờ tôi sinh con gái. Bởi ý nghĩ quyết liệt đó mà ngay cơ thể tôi ngày càng như khô đét lại. Về việc lấy chồng, có khá nhiều người theo đuổi tôi nhưng khi tôi nói ra điều kiện thì họ lần lượt bỏ tôi mà đi. Tôi chẳng lấy đó làm đau khổ hay mục đích để đạt tới. Hai đứa em tôi đã đàng hoàng gia thất, chúng đẻ ra những đứa con gái, con trai rất xinh đẹp. Bố mẹ tôi tự hào về chúng lắm.
Bất chợt vào một đêm tôi làm việc khuya đã nghe thấy câu chuyện của bố mẹ tôi. Giọng mẹ tôi run run:
- Ông ơi, hay tôi nói thật với con đi. Tôi ân hận quá, cầu Chúa lòng lành tha tội cho tôi. Bây giờ thì tôi vừa mang tội với ông, tôi vừa mang tội với nó. Tôi nào có ghét gì nó đâu kia chứ. Đáng lẽ tôi phải thương nó gấp hai lần. Tôi mang ơn ông vì ông đã thương yêu nó vậy. Ông ơi, tôi cảm thấy sức mình đang yếu dần, ông hãy giúp tôi nói với con.
- Bà chớ có âu sầu thế. Bằng ấy năm, Chúa đã rửa tội lỗi cho bà rồi. Nhưng này, bây giờ tôi mới hỏi bà, cái hồi tôi đi bộ đội, đêm bà khóa trái cửa con cái trong nhà, bà đi đâu vậy?
- Ông cũng biết chuyện đó ư? Tôi đi cầu chúc. Tôi không dám vào nhà thờ, tôi quỳ ở ngoài vườn chay để cầu nguyện cho ông. Về điều này, tôi dám ngửng mặt lên mà nói với ông. - Tôi tính với bà thế này, ngày mai tôi với con về quê. Bao nhiêu năm chúng mình không về quê.
Tôi nghe trọn câu chuyện của bố mẹ, một nỗi giận hờn con trẻ bừng lên trong tim làm đau đớn. Tôi tự nhủ dứt khoát tôi không về quê với bố. Tôi không muốn biết cái sự thật mà bấy lâu bố, mẹ đã giấu giếm tôi nữa.
Hôm sau, để bố không có cơ hội nói với tôi chuyến về thăm quê, tôi nói với bố mẹ tôi phải đi công tác một tháng. Tôi đến để xin cơ quan đi công tác xa. Hóa ra chuyến đi của tôi không phải một tháng mà kéo dài đến ba tháng. Sắp kết thúc chuyến công tác thì tôi nhận được tin mẹ Ốm nặng. Tim tôi đau nhói vì một linh cảm xấu. Tôi không oán giận bố mẹ nữa. Tôi chỉ mong bố mẹ khỏe mạnh. Tôi nhanh chóng trở về nhà. Mẹ tôi ốm rất nặng. Tôi nhào đến bên mẹ. Mẹ tôi thiêm thiếp. Bao nhiêu năm rồi bây giờ tôi mới động vào người mẹ. Từ cái thuở biết nhớ, tôi chỉ nhớ đến những cái tát, cái cốc của mẹ, tôi không nhớ một sự vuốt ve âu yếm nào của mẹ cả. Cũng vì thế mà tôi cũng không bao giờ tỏ tình cảm với mẹ. Thậm chí có lúc hai mẹ con cùng bước vào cửa nhà, tôi tránh vào một bên để không đụng vào mẹ.
Khi động vào người mẹ, tôi bỗng cảm nhận thấy một luồng điện giao cảm của mẹ và tôi hòa vào nhau rất mạnh. Tôi biết, tôi đã và đang yêu mẹ biết chừng nào. Mẹ dường như cũng cảm nhận được điều đó, mẹ từ từ mở mắt ra. Mẹ ứa nước mắt và lẩy bẩy rút ra từ dưới gối một tấm ảnh đưa cho tôi. Tôi cầm lấy và thốt lên.
- Cha!
Mẹ lắc đầu:
- Không phải cha của con đâu mà cha của mẹ đấy.
Tôi lật phía sau tấm ảnh ghi G.L 1958. Cha Luận. Cha của tôi là Nghi. Cha Nghi. Mẹ thều thào:
- Cha con đấy, à không, bố đẻ của con đấy!
Mắt mẹ thật thanh thản khi nói ra điều ấy. Còn tôi, tôi muốn ngất xỉu. Bố đứng bên cạnh đỡ tôi đứng lên ra bàn uống nước.
- Con lại đây cho mẹ nghỉ.
Tôi theo bố như một cái máy. Bố ngồi xuống bên cạnh cầm lấy tay tôi:
- Con có muốn nghe không? Bố kể cho con nghe câu chuyện này.
... Điều con vẫn biết là mẹ con mồ côi từ bé được bà cô chết chồng, chết con nuôi nấng dạy dỗ. Nhà bà cô rất giàu ở một vùng theo đạo Thiên Chúa nhưng bà cô lại không theo đạo nào cả. Có lẽ vì là người chết chồng, chết con nên bà cô rất độc ác. Bà đánh mẹ con những trận đòn rất đau. Khi lên tám tuổi mẹ con chạy trốn vào nhà thờ những khi đòn đau. Cha xứ che chở linh hồn cho mẹ. Mẹ con lớn lên xinh đẹp, còn bố là con một người dân cày ở đó. Bố mẹ đã trốn làng quê đó, rồi xin đi làm công nhân ở một nhà máy đóng trên cái nơi con đã sinh ra... Con hiểu không, mẹ rất yêu con nhưng những mặc cảm tội lỗi cứ bám theo bà. Bây giờ con có quyền phán xử bố mẹ đây. Bố mẹ có lỗi với con.
Tôi lau khô những giọt nước mắt và nắm chặt tay bố.
- Trên đời này con chỉ có một bố thôi, đó là bố. Chính bố đã sinh ra con. Con mãi mãi biết ơn bố.
Tôi đi đến bên mẹ. Mẹ đang ngủ ngon lành lắm. Tôi ngồi xuống bên cạnh, cầm lấy bàn tay mẹ. Tôi thì thầm:
- Mẹ Ơi, mẹ không có lỗi nào hết. Điều bí mật mẹ mang hộ con đến bây giờ con đã thành một người phụ nữ trưởng thành. Nếu con biết điều này sớm hơn, không biết rằng đời con sẽ ra sao. Mẹ Ơi, con muốn nói với mẹ điều này, ngày mai con sẽ đồng ý để anh ấy cưới con. Dẫu bốn mươi tuổi con vẫn có thể đẻ cho chồng con một đứa con gái cơ mà. Chồng con rất thích một đứa con gái.
Mẹ hãy tỉnh dậy đi để con nói với mẹ điều này.
St.
|
09/08/2011
6380 lượt xem
Suốt thời thơ ấu, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi...vì bà chỉ có một mắt. Đó là lý do bạn bè trong lớp luôn chế giễu tôi- đứa con có một người mẹ tật nguyền, không toàn vẹn. Tôi xấu hổ và đau khổ mỗi khi đến lớp bị bạn bè trêu chọc " Mẹ mày chỉ có một mắt". Tôi ước gì mẹ biến mất khỏi cuộc đời tôi để tôi không bao giờ thấy mẹ, không bao giờ còn bị bạn bè trêu chọc. Tôi cáu bẳn và nói với mẹ " Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười cho mọi người". Lúc đó tôi chỉ là một cậu bé chưa đầy 10 tuổi, tôi chẳng để ý đến cảm xúc của mẹ, và chỉ muốn trốn thoát khỏi nhà càng xa mẹ càng tốt. Từ đó, tôi quyết tâm phải học hành thật tốt, để giành được học bổng du học để thực hiện ước mơ của mình “ Tránh xa mẹ!” và tôi đã đạt được
Vài năm sau, tôi thành đạt, kết hôn và có một gia đình hạnh phúc. Tôi cũng đã có những đứa con của mình.
Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ và hàng tháng gửi một ít tiền về cho mẹ xem như hoàn thành nghĩa vụ của người con đối với cha mẹ. Tôi không về thăm bà và cũng không cho vợ con về thăm. Có lần, vì nhớ cháu, bà đã lăn lội tìm đến nhà tôi. Tôi đã xua đuổi bà như xua đuổi một kẻ ăn mày. Tôi không muốn bà lại gần con tôi, không muốn bà lại gieo bao lời đàm tiêu cho con tôi như tôi đã từng chịu đựng.
Thế rồi, thời gian cứ trôi qua, tôi vẫn bận bịu với công việc và mái ấm nhỏ bé của mình. Tôi không có thời gian suy nghĩ những vấn đề khác hay quan tâm đến ai ngoài gia đình mình, và bà cũng là một trong số người mà tôi đã vô tình lãng quên. Nhân dịp họp lớp, tôi gặp lại những người bạn cũ. Vô tình, một cô bạn hỏi thăm sức khỏe tôi và gia đình, trong đó có nhắc đến mẹ tôi. Tôi mới sực tỉnh , đã quá lâu rồi tôi không còn để ý đến việc mình có một người mẹ. Tôi đã để mẹ vào một góc lãng quên. Tôi về thăm mẹ vì một chút tò mò xem hiện giờ bà thế nào…
Một phút sững sờ như nghẹt thở, tôi không còn tin vào mắt mình. Trước mắt tôi không phải là hình ảnh của một bà già lụm khụm một mắt, mà là một bức ảnh bên áng hương nghi ngút. Đến bên bàn thờ, tôi thấy một bức thư bà để lại cho tôi. “ Con yêu quý của mẹ, mẹ xin lỗi đã làm con xấu hổ với bạn bè, mẹ không phải người mẹ tốt để được con yêu thương kính trọng như những người mẹ khác. Mẹ không thể cho con tất cả những gì con muốn nhưng con hãy biết rằng mẹ luôn yêu con hơn cả bản thân mình. Mẹ mong con sẽ sống tốt, hạnh phúc và hãy luôn nhìn cuộc đời màu xanh bằng đôi mắt yêu thương mẹ đã trao cho con, con nhé!”
Tôi như vỡ òa, hóa ra tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay đều nhờ có đối mắt của mẹ. " Mẹ!" tôi kêu thật to, nhưng tôi biết giờ đây mẹ đã không thể nghe được nữa rồi... " Mẹ ơi, mẹ ơi,"
Đó chỉ là một câu chuyện nhưng mong sao những người đang còn mẹ hãy yêu thương, trân trọng những gì mình đang có, Mẹ - chỉ có một trên đời! Tôi còn nhớ trong một bài hát có câu hát” ..và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn. Rủi mai này mẹ hiền có mất đi, như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm…”. Hãy yêu thương và gửi những lời yêu thương đến mẹ khi còn có thể bạn nhé!
“Mẹ! Con yêu mẹ không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Con luôn lo sợ nếu một ngày nào đó mở mắt ra không còn có mẹ bên cạnh, con không biết sẽ ra sao… Mẹ hãy luôn khỏe để ở bên con mãi nha mẹ…!”
|
27/07/2011
2049 lượt xem
Lorenzo Duran là một nghệ sĩ yêu thiên nhiên và có rất nhiều kinh nghiệm trong môn nghệ thuật cắt tỉa giấy. Ông đã kết hợp niềm đam mê cùng những kỹ năng của mình để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật về thiên nhiên rất độc đáo từ lá cây.
Duran dành rất nhiều thời gian để tìm nhặt những chiếc lá ưng ý, rửa sạch, phơi khô và ép thật thẳng trước khi tạo hình cho chúng. Trong khi chờ những chiếc lá sẵn sàng cho việc tạo hình, Duran vẽ những ý tưởng của mình lên giấy. Với chiếc lá và mẫu vẽ sẵn trên tờ giấy, Duran dùng con dao nhỏ và cẩn thận tạo hình cho chiếc lá từng chút một.
Sau khi hoàn thành tác phẩm, Duran đóng khung và bán tác phẩm của mình. Duran không đưa ra giá cho tác phẩm chiếc lá của mình (ha ha) mà ông ấy để cho người mua định giá nó và chỉ yêu cầu một phần tiền nhỏ cho chi phí vận chuyển thôi. Tuyệt vời.
|
11/07/2011
2270 lượt xem
>>Đặc sản món ăn vùng miển nổi tiếng Việt Nam (Phần 1)
IV. Bắc Cạn
Tôm chua Ba Bể
Chắc quý khách sẽ tò mò muốn biết cách chế biến tôm chua Ba Bể như thế nào mà có được hương vị đậm đà như vậy. Trước hết là cách chọn tôm: con tôm làm mắm chua phải đều nhau,mình tròn, béo, râu ngắn.Con tôm mới bắt về còn đang nhảy tanh tách, nhặt hết rác, râu rửa sạch để cho ráo và xóc muối, đồ xôi chín (chọn loại nếp nương hạt tròn đều) dỡ ra giá để nguội sau đó trộn đều với men lá, thời gian để ngấm men tuỳ thuộc vào bí quyết mỗi gia đình, tỏi, ớt, riềng mỗi thứ một ít đập dập thái chỉ. sau đó trộn đều tôm, xôi và các loại gia vị trút vào vại đậy kín sau từ 7 đến 10 ngày ( theo thời tiết từng mùa) tôm bát đầu chua, đến ngày thứ 30 tôm bốc mùi thơm ngon lúc này theo khẩu vị mỗi người mà nêm thêm ơt, đường, bột ngọt.
Bánh gio Bắc Cạn
Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm. Làm bánh gio cầu kì đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt . Muốn làm bánh được ngon ta phải bắt đầu từ khâu chọn loại cây đốt thành gio trắng mịn đem hoà với nước vôi có nồng độ thích hợp, quan trọng nhất là khâu thử độ đậm nhạt của nước gio trước khi ngâm gạo.
V. Bạc Liêu
Bánh tằm Ngan Dừa
Bánh tằm là món ăn lót lòng, món ăn chơi bình dân có mặt ở nhiều nơi trên đất nước ta. Phổ thông nhất là loại bánh tằm bì với sợi bánh lớn hơn cọng bún một chút, được ép bằng khuôn. Chỉ có bánh tằm ở Ngan Dừa (Bạc Liêu) là dùng cọng bánh lớn gần bằng thân con tằm.Bánh tằm Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) độc đáo bởi sự hiện diện của xíu mại theo phong cách ẩm thực đồng bào Hoa (Triều Châu). Nhưng, bánh tằm Ngan Dừa vẫn đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực của người Kinh nhờ bì làm bằng da heo và thịt nạc mới “xả” luộc chín, xắt từng sợi hơi to, trộn với thính và đậu phộng rang đâm nhuyễn… ăn với dưa leo thái nhỏ, rau thơm, giá sống, nước sốt cà chua, nước mắm giấm ớt đường, nước cốt dừa.
VI. Bắc Ninh
Bánh phu thê Đình Bảng
Bánh phu thê là đặc sản của vùng quê Đình Bảng (Bắc Ninh). Đây là một nét đặc trưng của nền văn hóa Kinh Bắc. Ai chưa được ăn thì bị hấp dẫn bởi cái tên của nó, còn ai đã từng một lần thưởng thức thì khó có thể quên.Bánh phu thê từ xa xưa đã được coi là thứ bánh sang trọng dùng trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi hoặc dùng làm quà biếu. Bánh được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên. Có một điều lạ ở thứ bánh này đó là không khoe mùi, tỏa hương như bánh rán, bánh khúc; chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa nó mới “quyến rũ” các giác quan của bạn. Dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt lộ rõ nhân bánh mới biết để làm ra được cặp bánh công phu thế nào.
VII. Bến Tre
Đuông dừa
"Đuông" là loại côn trùng có nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Bến Tre. Loài côn trùng này rất thích ăn củ hủ dừa (phần lá mầm nằm chính giữa ngọn của cây dừa) là một trong những món ăn quý nhất của dân sành ẩm thực. Đuông vốn là món ăn dân dã, nhưng thời nay trở nên quý hiếm và rất đắt tiền, không phải lúc nào cũng có. Ngay cả những bậc lão nông lăn lộn với ruộng đồng, vườn tược mà trong đời cũng chỉ thưởng thức món này được vài ba lần.
VIII. Bình Định
Bánh ít lá gai
Món bánh rất Bình Định - từ cách làm đến hương vị đều rất riêng. Hình dáng bánh không giống loại bánh nào. Nếu có vài chiếc bánh đặt trong đĩa ta có thể tưởng tượng đó là những tháp cổ Ai Cập nằm trong sa mạc.Bánh có hình nón, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh, đó là cách nhìn của họa sĩ. Nếu nhìn dưới đôi mắt của người bình thường thì đó là đôi nhũ hoa của thiếu nữ nên ca dao Bình Định có câu:"Gặt rồi em đứng chờ ai?Mang chi đôi bánh lá gai đẫy đà."
Bánh hỏi Bình Định
Ở Bình Định có một loại bánh mang tên là bánh hỏi. Không biết vì đâu có tên này và có từ lúc nào? Xưa nay chưa có ai nói rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của tên bánh, chỉ biết bánh hỏi từ lâu trở thành món ăn quen thuộc của người Bình Định trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều gia đình còn dùng bánh thay các bữa cơm.
|
07/07/2011
2222 lượt xem
>>Đặc sản món ăn vùng miển nổi tiếng Việt Nam (Phần 2)
I. An Giang
Bánh phồng Phú Mỹ
Chiếc bánh phồng Phú Mỹ chỉ nhỏ bằng cái đĩa nhưng nướng lên phồng to hơn cái quạt nan, vừa xốp, vừa mềm, có vị béo của nếp, ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng…
Bún cá Long Xuyên
Bún cá Long Xuyên được chế biến với miếng cá lóc hấp rồi bẻ thành từng miếng xào qua với nghệ, cho nên ăn bún cá mà không nghe mùi cá vì mùi thơm đã lấn lướt hẳn. Ngoài ra còn có vị giòn thơm của rau nhút bẻ cọng, rau muống bào xanh cùng rau chuối thái rối.
Bò cạp núi Tịnh Biên
Bò cạp núi - đặc sản độc đáo của vùng biên giới An Giang - được mang ra bán tại chợ cửa khẩu Tịnh Biên, rất được du khách phương xa quan tâm.
Tung lò mò (Lạp xưởng)
Lạp xưởng bò còn gọi là tung-lò-mò, là món ngon độc đáo của người Chăm.Món ăn này từ lâu cũng được người Kinh ưa thích và chế biến thành món lạp xưởng bò giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn
Mắm thái Châu Đốc
Mắm thái được làm từ cá lóc, cá bông tươi, đường, thính (gạo rang vàng giã nhuyễn) và đu đủ thái sợi, một cách chế biến thật giản dị, dân dã.
Khô bò Châu Đốc
Còn một đặc sản mà đi vòng quanh chợ Châu Đốc, hầu hết các quầy bán thực phẩm, nhu yếu phẩm, các cửa hàng rượu, bia, các nhà hàng cao cấp… đều có bán: khô bò. Có ba loại khô bò: loại màu vàng cứng và giòn, loại màu nâu sẫm cứng mà không giòn, loại màu nâu xốp, giòn và dẻo.
Cháo bò Tri Tôn
Trải qua chặng đường dài khoảng 60 km từ Châu Đốc thì đến Tri Tôn (An Giang), thị trấn hiện ra trong tầm mắt khách như một sơn nữ. Khách sẽ được thưởng thức món lót lòng vừa quen mà vừa lạ: cháo bò.
II. Bà Rịa - Vũng Tàu
Bánh khọt
Bánh khọt là một trong những món ăn đặc sản của xứ biển Vũng tàu mang một hương vị riêng đậm chất dân dã được mọi người ưa thích từ dân địa phương cho đến khách thập phương và cả du khách quốc tế, nguyên liệu chính để làm món bánh này là bột gạo pha với nước cốt dừa cùng nhiều thứ gia vị khác, bánh được đổ trong những khuôn nhỏ và phải đổ thật đều tay thì bánh mới giòn và ngon, chiếc bánh tròn tròn nhỏ xinh màu trắng sữa. còn mặt kia thì vàng rộm, ở giữa là nhân tôm béo ngậy thơm ngào ngạt, cho thêm ít tôm chà nhuyễn mịn trong rất bắt mắt.
Ốc Vú nàng
Chỉ với tên gọi thôi, loài ốc độc đáo này đã khiến nhiều người tò mò, tìm hiểu, muốn khám phá để rồi ngạc nhiên khi gặp gỡ và mê mẩn lúc thưởng thức…
III. Bắc Giang
Bánh đa kế
Sở dĩ có cái tên như vậy là vì có một khu chợ bán toàn bánh đa nướng ở ngã ba Kế, ven thị xã Bắc Giang. Dân làng Kế sống hầu hết bằng nghề làm bánh đa. Khác với bánh đa Sầm Sơn (Thanh Hóa), bánh đa nước cốt dừa ở Quy Nhơn (Bình Định), công nghệ và nguyên liệu làm bánh đa Kế khác hẳn.
Rượu làng Vân
Rượu làng Vân từ xưa đã nổi tiếng là thơm ngon nhờ hương liệu của nếp cái hoa vàng - thứ nếp đặc biệt thơm ngon hòa cùng men rượu bí truyền của làng Vân sau 72 giờ ngâm ủ mới cho ra rượu nếp như một thứ tinh túy nhất của trời đất ban tặng cho con người. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Nay làng Vân vẫn còn nấu rượu, nhưng đã chuyển sang dùng một loại nguyên liệu khác đó là sắn.
|
01/07/2011
1059 lượt xem
Yoshino thực hiện chương trình khuyến mại lớn nhất hè 2011. Theo đó, khi mua một sản phẩm, khách hàng sẽ được tặng một sản phẩm cùng loại. Chương trình được thực hiện từ ngày 1/7 trên toàn bộ hệ thống showroom của hãng.
|
30/06/2011
646 lượt xem
Đặt chân đến Canada cách đây 10 năm, bắt đầu từ học tiếng Anh, qua đại học, rồi thạc sĩ, đến nay làm nghiên cứu sinh tiến sĩ năm cuối và tham gia giảng dạy tại Đại học Victoria, Võ Hiếu Dân có những điều giá trị để chia sẻ về kinh nghiệm du học thành công.
Võ Hiếu Dân kết thúc bài giảng về kinh tế vi mô bằng những diễn đạt sôi nổi, lưu loát và đầy cảm hứng. Hơn một trăm sinh viên lắng nghe anh trong giảng đường Đại học Victoria rõ ràng hài lòng với kiến thức nhận được. Trả lời của họ trong bản đánh giá giáo viên nói lên điều đó.
Nghiên cứu sinh Võ Hiếu Dân trong phòng làm việc của mình tại Đại học Victoria.
Năm thứ hai giảng dạy học phần 10 tuần với 3 tiết mỗi tuần như thế này, anh đã tiến bộ rất nhiều. Năm đầu tiên, các góp ý của sinh viên khá nhiều và gay gắt. "Thày cần chú trọng lĩnh vực này hơn...", "Thày cần cho nhiều ví dụ thực tế về...". Dân nói với phóng viên VnExpress: "Những ý kiến đó vô cùng hữu ích, khiến mình phải cập nhật. Đi dạy - là cách học tốt nhất".
Dẫn đến hôm nay là cả một con đường dài. Năm 2001, nguyên học sinh trường phổ thông Lê Quý Đôn TPHCM, Dân được ba mẹ cho sang du học. Anh chọn Đại học Victoria, thuộc tỉnh British Columbia làm nơi khởi đầu học tiếng Anh, và kết cục đã ở lại đó tận bây giờ. Năm đầu chi phí chưa nhiều, hơn 10 nghìn đô Canada tiền học và gần 7 nghìn đô ăn ở, nhưng cũng là cố gắng rất lớn của ba mẹ. Trước những khó khăn đang chờ đợi, ba mẹ chỉ biết nói "hãy cố gắng hết sức".
Là sinh viên năm thứ hai, Dân có công việc trường cho làm thêm – trông coi thư viện. "Tiền công trường trả như cho, 10-11 đô một giờ", Dân kể lại. Đó thực sự là nguồn thu quan trọng để chia sẻ gánh nặng với ba mẹ. Chính sách chung ở Canada cho sinh viên quốc tế tại các trường cao đẳng và đại học, qua 6 tháng đến một năm học đầu tiên, được phép làm thêm bán thời gian khi đang học hoặc toàn bộ thời gian vào kỳ nghỉ.
Võ Hiếu Dân trong quang cảnh trường
Khó khăn tài chính là điều thường gặp với du học sinh. Lời khuyên quan trọng mà Dân có thể chia sẻ với các bạn trẻ là: cần biết tìm kiếm cơ hội học bổng. "Học bổng không tự nhiên đến với bạn". Văn phòng sinh viên quốc tế thường có ở các trường là nơi trợ giúp bạn tìm hiểu các điều kiện học bổng và thực hiện đúng các thủ tục cần thiết. Với cách đó, khi lên học thạc sĩ Dân đã được học bổng từ các trường. Vài tháng trước khi tốt nghiệp đại học, năm 2005, Dân đã được trường báo tin sẽ được nhận chuyển tiếp học thạc sĩ. Đó thực sự là thành công bao mong đợi của Dân và ba mẹ.
Cơ cấu dân số Canada cho thấy nguy cơ thiếu hụt đáng kể nhóm ở tuổi lao động trong tương lai gần. Bà Tina Chow, Giám đốc Đảm bảo Chất lượng thuộc Cục Đào tạo người nước ngoài của tỉnh British Columbia cho phóng viên VnExpress biết, riêng giai đoạn 2009-2019, tỉnh này sẽ có thêm khoảng 1,1 triệu việc làm, và theo tính toán, một phần ba số đó sẽ phải cần đến người lao động nhập cư.
Chiến lược cơ bản của Canada trước tình hình này là thu hút lao động nước ngoài có kỹ năng, và cách thu hút tốt nhất là một hệ thống giáo dục chất lượng đỉnh cao của thế giới. Chính sách này, cộng với mức sinh hoạt không đắt đỏ, chất lượng cuộc sống an toàn và thiên nhiên đặc biệt tươi đẹp, đang khiến Canada trở thành điểm du học tốt nhất. Giáo sư Aaron Devor, Trưởng khoa Cao học Đại học Victoria, cho biết, 10% số sinh viên hiện nay ở trường này là đến từ nước ngoài, và chỉ số đó sẽ tăng trong năm tới.
Ngay ngoài cửa sổ giảng đường là thiên nhiên cây xanh và hoa nở rực rỡ đầu mùa hạ. Dân nói; "Đây là nơi tuyệt đẹp để học tập". Một năm nữa anh sẽ hoàn thành chương trình học tiến sĩ kinh tế. Kế hoạch tiếp theo của anh là giảng dạy tại Đại học Victoria.
"Công việc sung sướng nhất là giảng dạy, bởi vì nó cho mình điều kiện tiếp tục nghiên cứu", anh chia sẻ.
|
16/06/2011
620 lượt xem
Chương trình Học giả Việt Nam của Intel hỗ trợ đào tạo về nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam vừa cho kết quả đầu tiên: 28 sinh viên sang Mỹ học về cơ khí và điện tử đã tốt nghiệp xuất sắc ngày 13/6.
Đây là những “tài sản thật sự” cho Việt Nam - chủ tịch Trường ĐH Portland (bang Oregon, Mỹ) Wim Wiewel nhận xét về các sinh viên đến từ Việt Nam theo học tại trường.
24/28 sinh viên Việt Nam vừa tốt nghiệp khóa điện tử và cơ khí theo học bổng IVS tại ĐH Portland State, bang Oregon, Mỹ ngày 13/6/2011. (Ảnh: Melinda Lam)
Theo tiến sĩ khoa học Rengjeng Su, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học máy tính và kỹ thuật Maseeh thuộc ĐH Portland State, bang Oregon, 28 sinh viên của Việt Nam đã có kết quả điểm trung bình là 3.8/4.0, thuộc loại xuất sắc (2.0 là đủ để tốt nghiệp).Trong số đó, có 5 sinh viên đạt điểm số trung bình 3.9-4.0, tức điểm cao tuyệt đối.“Tôi cho rằng họ đã rất tập trung và nghiêm túc trong học tập, với sự thông minh vượt trội - ông nói với Tuổi Trẻ - Họ khiến chúng tôi ngạc nhiên, và cảm thấy rất khó khăn khi cho điểm các sinh viên khác, vì điểm của họ quá cao”.
Trong quá trình học tập, các sinh viên Việt Nam và quốc tế đã thực hiện các đồ án giải quyết các vấn đề mà Intel gặp phải nên mang tính ứng dụng rất cao.Trần Ngọc Anh Đức, 22 tuổi, trước khi sang Mỹ hoàn thành nốt chương trình ĐH đã đang là sinh viên năm 3 của ĐH Bách khoa Hà Nội.Tốt nghiệp với điểm trung bình thuộc mức được đeo sợi dây màu xanh (điểm trung bình 3.7 đến dưới 3.8), Đức cho biết điều lớn nhất bạn học được từ môi trường ĐH ở Mỹ chính là tinh thần “không sợ phạm sai lầm”, luôn sẵn sàng thay đổi và sẵn sàng mạo hiểm để thành công.“Có rất nhiều bạn cùng lứa học giỏi hơn tôi, nhưng có thể họ đã không chuẩn bị kỹ như tôi để có thể có học bổng đi du học và bước ra biển lớn” - Đức cho biết.
Đợt sinh viên thứ 2 gồm 24 sinh viên học về điện tử, cơ khí và kinh doanh sẽ tốt nghiệp vào năm 2012, “và họ đã chứng minh tiếp tục lực học vượt trội của mình” - đại diện của Trường Maseeh cho biết.
Sau khi hoàn thành đợt học, các sinh viên này sẽ làm việc cho Intel trong vòng ba năm trước khi họ có thể tùy ý chọn nơi làm việc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Rick Howarth, tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết hiện nhà máy đặt tại Khu công nghệ cao (quận 9, TP.HCM) đã tuyển dụng được 900 nhân viên làm việc, và mỗi năm trung bình sẽ tuyển dụng thêm 500 nhân viên cho tới khi có đủ nhân lực khoảng 3.000 nhân viên, vận hành được toàn bộ công suất của nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất thế giới của Intel.
“Tùy tình hình, chúng tôi có thể xây thêm nhà máy và tuyển dụng thêm nhân sự Việt Nam” - ông nói.
Cách đây hai năm, sau khi nhận thấy nguồn nhân lực, đặc biệt là các kỹ sư và kỹ thuật viên lành nghề ở Việt Nam chưa đủ đáp ứng yêu cầu hoạt động tại nhà máy được đầu tư 1 tỉ USD ở Việt Nam - vốn là dự án đầu tư lớn nhất của nước ngoài vào Việt Nam từ trước tới nay, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam đã đưa ra kế hoạch đào tạo tổng số 52 kỹ sư, chọn lựa từ những sinh viên năm thứ 3 và 4 tại các trường ĐH kỹ thuật hàng đầu ở Việt Nam, với tổng chi phí khoảng 4 triệu USD trong hai năm.
Đây là dự án mà giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Việt Nam khi đó nhận định “là sự đóng góp vô cùng quý báu trong chiến lược đào tạo lớp nhân tài trẻ về khoa học kỹ thuật trong tương lai của Việt Nam”.
IVS là chương trình gửi sinh viên của một nước mà Intel đến đầu tư đi học nước ngoài duy nhất mà hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới này thực hiện kể từ khi ra đời năm 1968 tại Mỹ. Đây cũng là một phần trong cam kết của Intel nhằm phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghệ cao của Việt Nam.
|