Ngũ hành vốn là từ chỉ năm nguyên tố cấu tạo nên vạn vật (theo quan niệm triết học Trung Quốc cổ đại) gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Thời hiện đại, ngũ hành còn được ứng dụng vào ẩm thực Việt, với món lẩu ngũ hành mới toanh vừa lạ, vừa ngon.
Đây là sáng tạo của một bếp trưởng tốt nghiệp trường nấu ăn… Tây! Tốt nghiệp trường đào tạo nghề bếp chuyên món Âu Cordon Bleu (Pháp) nhưng nghiên cứu ẩm thực Việt hơn 10 năm, bếp trưởng Hải của nhà hàng dinh dưỡng H2O còn mày mò nghiên cứu chế biến cả nước mắm Việt không mùi để phục vụ khách nước ngoài, đưa rất nhiều món Quảng quê hương anh lên bàn tiệc nhà hàng cao cấp.
Dân sành ăn TP HCM không ai không biết món bánh mì Quảng Nam, món cơm bê hay món bánh đa nướng xứ Quảng bọc nhân gà nổi tiếng một thời của H2O… Cuối năm nay, anh lại chào hàng tiếp món Quảng Nam pizza, món cambodiana nacho và một món độc khác: lẩu ngũ hành.
Thật ra bí mật của chiếc lẩu ngũ hành của nhà hàng H2O rất đơn giản: cà rốt màu đỏ tượng trưng cho hỏa, rau xanh là mộc, món nấm đen ngưu bang nổi tiếng bổ dưỡng là thổ, củ cải trắng là thủy, còn nấm đông cô vàng rực (loại nhập khẩu mỗi tai nấm to bằng lòng bàn tay, ăn ngon như miếng thịt) là kim! Song bí quyết của nồi lẩu này chính là món nước lẩu trong veo, ngọt tự nhiên nhờ ninh nhừ từ các loại củ, quả thiên nhiên – một loại nước lẩu không dùng đến xương hay bất kỳ loại thịt động vật nào.
Nhà bếp cũng không dùng đường, không bột ngọt, không phụ gia ngoài một ít muối để nêm nồi nước lẩu. Vì vậy, món lẩu ngũ hành đặc biệt này có thể dùng cả cho người bệnh tiểu đường, người muốn ăn kiêng, người cần giảm mỡ…
Thực đơn của H2O có đến gần 20 nguyên liệu đi kèm để nhúng lẩu. Dân nhậu hay gọi món cánh gà, chân gà, móng heo hay món gân, lá sách bò, tủy heo… ăn với nước lẩu ngũ hành. Người cần ăn kiêng chỉ cần gọi thêm tàu hủ non, tàu hủ ky, cá philê, các loại rau phong phú, bởi 2 món nấm: ngưu bang và đông cô có sẵn trong một phần lẩu đã có thể thay thế và ngon hơn hẳn các loại thịt động vật.
Còn một nét độc đáo khác, lâu nay ăn lẩu, dân ta chỉ quen dùng kèm miến, mì, hay bún. Bếp Hải lại đưa vào một sáng tạo mới: lẩu ngũ hành ăn với gạo lức - món gạo đã hấp chín vừa đủ nứt hạt. Vậy mà ngon lạ lùng!
Giá một nồi lẩu ngũ hành 90.000 đồng, các loại nguyên liệu đi kèm để nhúng lẩu từ 10.000 đến 30.000 đồng/đĩa. Thố dưỡng sinh có hai loại, nếu ăn chay, ăn kiêng giá 29.000 đồng/thố, thố dưỡng sinh mặn 32.000 đồng/thố.
Lẩu là món ăn dân dã, có thể ngồi cả hội 5-7 người, cả gia đình quây quần, thoải mái chọn món ăn theo ý thích. Nhưng nếu đi một mình, muốn thưởng thức món lẩu ngũ hành, đừng ngại, bạn chỉ cần gọi thố dưỡng sinh, chính là món lẩu ngũ hành thu nhỏ cho một phần ăn, vẫn có thể thưởng thức đầy đủ hương vị của kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Cuối năm, trời se lạnh, ngồi bên nồi lẩu ngũ hành bốc khói, nhâm nhi và khám phá thế giới ẩm thực Việt đầy sáng tạo, cũng là chuyện nên lắm chứ!