Chọn kiểu gõ: Tự động TELEX VNI Tắt
 
Hợp Phố
Giới thiệu cho bạn bè
Gửi lời cảm ơn

Gia nhập: 12/6/2007

Tổng Lượt Xem:  93895

1702 điểm
Lời cảm ơn
0
0
0
0
0
0
0
0
0
0
0
0
Đánh giá
Tỉ lệ điểm đánh giá
5 sao -
 10
4 sao -
 20
3 sao -
 10
2 sao -
 1
1 sao -
 2
Danh mục địa điểm đánh giá

Địa phương: Phân loại:   
      Lời bình đầu tiên
Nhân Sushi-Bito 29/09/2009
62 Ngô Đức Kế, Quận 1
Hồ Chí Minh
 

Nobu Matsuhisa từng nói khi viết sách về những món sushi trứ danh của mình: "tôi không ngại chia sẻ tất cả những recipes của tôi, vì tôi tin là mỗi khi chúng ta nấu ăn, chúng ta bỏ một phần hồn của mình vào đó...nên bạn sẽ không làm hoàn toàn giống tôi được".

Tôi cảm nhận được điều này khi ăn ở sushi bar mới khai trương Sushi-Bito: "người làm sushi". Nhân-san làm sushi lâu lắm rồi...con dao mài đã mòn quá nửa, bây giờ mới cùng vợ con mở cái quán bé bé này trên đường Ngô Đức Kế.  Mỗi sáng bà vợ đi "hàng chợ" - lựa từng đọt rau, cọng hành, ông chồng dậy từ tinh mơ để lựa gạo làm cơm, chuẩn bị seafood, lau cái bar gỗ thông láng mịn. 

Ngày mở cửa, tôi và hai người bạn thân lại ăn mở hàng. Mấy cái bàn. Tầng 1 thêm 4 cái bàn nữa. Chúng tôi ngồi ở bar chỉ đủ 9 người ngồi- sau bar là "sư phụ" Nhân-san, cộng với một "đệ tử" im lặng di chuyển như đang thiền - lúc thì đưa cái chén, lúc mài củ cải. Cái bar sáng ấm cúng, có đèn chiếu xuống, như một cái sân khấu...và chúng tôi là 3 khán giả đói bụng. 

Một ly rượu champaign khai vị (Duc de Berieu, bordeux) được mang ra cho từng người, miệng của chúng tôi sướng ran...mọi vị giác thức giấc. (Ngoài sake, Suhi Bito còn có các loại vang mà Nhân-san đã dày công chọn lựa để nhắm với đồ ăn của mình).

Sau đó là một ly rượu vang trắng mà nhà hàng đã chọn ra để uống cùng cho món sashimi đầu tiên. Đĩa sashimi gồm có sweet shrimps, kambachi (cá cam), và bụng cá hồi - ăn theo thứ thự này. Sau một miếng, chúng tôi uống một ngụm rượu vang trắng mát lạnh thoảng mùi dứa, và vani. Nice!

Món kế tiếp là 2 miếng cá tai (cá hồng) nigri kiểu edo - trên hai miếng cơm. Cách nắm cơm thể hiện đẳng cấp: những hạt cơm chín tới, dính vào nhau nhưng không bết, mà có một chút không khí giữa những hạt cơm. Gắp lên mà không vỡ ra, chúng tôi nghiêng miếng sushi và bỏ vào miệng...nguyên miếng...không chấm gì cả vì có sốt rồi. WOW! Chef Nhân theo dõi từng cử chỉ của chúng tôi, và cười khi thấy chúng tôi ăn nhồm nhoàm vui vẻ. Cụng ly!

Sau đó là 4 phần sushi nữa mà tôi quên chụp hình - mỗi món được đưa ra chậm rãi, từ từ...món nào cũng tuyệt.

Món sushi cuối đáng nhớ nhất - một miếng bò waygyue từ Nhật (mà ở đây hay gọi là bò Kobe) - hình chữ nhật, nướng sơ trên lửa hồng. Và trên đó là một miếng tỏi nhật. Mùi thịt bò nướng vừa tới mũi, là lúc miếng thịt bò được để ra ngay ngắn trước mặt.

1.2.3...bỏ hết vào miệng...mới đầu là mùi thơm của thịt nướng, xong rồi cắn xuống thì nó mềm và thịt bò béo ngọt ngầy ngậy...miếng tỏi cũng dịu chứ không cay. 

Để nhâm nhi, chúng tôi gọi một chai rượu đỏ từ Chile trong sưu tập của Nhân-san - những cái ly chuyên cho vang đỏ được mang ra, ly rất sạch, trong veo lấp lánh.  Cái rượu đỏ Chile ăn thịt bò sao mà bắt thế! Im lặng, thưởng thức. 

Tôi nửa muốn ăn thêm miếng nữa, nửa muốn ngừng vì thấy hơi tội lỗi...Thôi ngừng, để còn thèm thèm, và để tiết kiệm ngân sách cho những lần sau.

Tráng miệng chỉ có xoài với ya-ua, không hảo lắm. Chúng tôi ngồi đó, nhấm nháp rượu đỏ phải nói là ngon...và chúng tôi tán gẫu. Tôi chụp tấm hình Nhân-san cười khi thấy chúng tôi ăn ngon...nụ cười của một người thực sự vui vì làm cho người khác vui. Cái hồn nhân bản là ở đó.

Trả tiền: ~350 ngàn/người tính luôn rượu (Nhân-san không tính tiền 2 ly đầu tiên, còn chai đỏ chỉ có $19, vừa cho 5 người uống )  Phục vụ còn hơi lóng ngóng vì mới làm.

 
4 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
     
Lẩu Băng Chuyền Kichi Kichi 14/09/2009
19 Phùng Khắc Khoan, Quận 1
Hồ Chí Minh
 
Ăn lẩu băng chuyền cần một số kinh nghiệm căn bản, anh xin chia sẻ để bà con tham khảo:

1. Tư thế: ngồi không quá gần băng chuyền quá, vừa nóng vừa không quan sát được toàn cảnh đồ ăn mà đón lấy khi nó nến. Không ngồi xa quá, đụng người phục vụ cũng như sẽ không lấy đồ kịp - đồ tới rồi mà không lấy kịp, coi như qua tua. Bỏ.
2. Mắt: một mắt láo liên kiếm đồ ăn vừa ý, mắt kia xem chừng nhiệt độ của bếp. Nhưng mắt đừng dòm ra phía sau hay bên kia quá, người ta tưởng mình dòm ngó tài sản chưa phải là của mình.
3. Tôn trọng ranh giới chủ quyền của nhau: cái đường ranh giữa nguời ngồi đối diện và anh rất thiêng liêng, đừng xâm phạm. Cho dù bên kia đang chạy tới món tôm hay bông bí anh thích, chớ có thò tay qua bốc. Hãy từ từ đợi nó chạy đến chỗ mình. Nên nhớ nước lẩu rất nóng, và ai cũng có 1 nồi.
4. Đừng nóng: nếu món khoái khẩu không chạy đến chỗ mình vì đã bị người đầu dòng nẫng mất. Đừng nóng nảy cáu gắt. Cứ ngồi đó đợi. Đợi lâu quá, vẫn chưa ra món đó hay vẫn bị người đầu băng chuyền nẫng tay trên liên tục, hãy ném nhẹ một cái dĩa vào đầu người đó kèm theo một lời nhắc nhở là phải nghĩ đến người khác mộc chút.
5. Nên ngồi bên phải của người đi cùng: vì băng chuyền sẽ tới mình trước. Nhưng nhớ lịch sự và thỉnh thoảng để cho người đó chọn cùng, nếu không sẽ gặp cảnh huynh để tương tàn như (4).
6. Ngồi càng gần bếp càng tốt: "bếp" ở đây là chỗ người ta để đồ ăn lên băng chuyền. Chú nào ngồi gần đó nhất, được nhiều lựa chọn nhất. Chú nào ngồi cuối dòng, toàn ăn đồ nấu nước lẩu thôi. Cái cảm giác thấy bên kia lấy hết những món mình thích, hết đợt này đến đợt khác...tập cho mình tính nhẫn nhục, nhường nhịn, và vị tha.

Hôm anh vào, anh ngồi cuối hàng...nên sau 45 phút, anh húp miếng nước lẩu cùng 1 ít mì gói...đứng dậy, cảm thấy mình sao vĩ đại lắm. Vì đ* có ăn được gì mà thấy mấy đứa đầu băng chuyền ăn là thấy vui rồi. Uống nhiều bia lạnh với mấy thằng bạn thân cũng vui. Kỳ sau, ông sẽ xách lẩu vào thẳng bếp.
 
12 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
      Lời bình đầu tiên
CS BÁNH ĐÔNG HƯNG VIÊN 31/08/2009
176 BÃI SẬY, Phường 4, Quận 6
Hồ Chí Minh
 
Số lượng và chất lượng thường tỉ lệ nghịch với nhau. Khỏi cần xài hàng Trung Quốc mới nhận ra chân lý này. Cứ xem bánh Trung Thu mấy năm nay thì biết. Đầu tháng 8, nhà nhà bán bánh Kinh Đô, người người biếu bánh Kinh Đô...từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, chọi một cục đá thế nào cũng trúng một gian hàng bánh Kinh Đô.
 
Tôi chỉ chưa thấy ai ăn bánh Kinh Đô bao giờ.
 
Bao nhiêu năm nay, nhà tôi chỉ ăn hai loại bánh: hiệu Văn Hòa Lạc ở Bà Rịa, và hiệu Đông Hưng Viên ở Sài Gòn. Tôi khoái bánh Văn Hòa Lạc da dộp, nhưn khoai môn, to bằng cái đĩa - ăn ngầy ngậy, thơm thơm khoai môn tự nhiên. Còn bánh Đông Hưng Viên cổ điển theo công thức người Hoa chợ lớn bao đời nay: từ vi cá thập cẩm đến đậu xanh hai trứng. Hai loại này, hễ có ai biếu thì nhà tôi giữ lại để ăn. Còn không ai biếu, thì đi mua. Nếu không có tiền đi mua, thì đi thăm lò bánh, biết đâu được mời ăn free (he he). 

Tôi đến thăm lò bánh Đông Hưng Viên, cũng là nhà của gia chủ, một buổi chiều cuối tháng Tám. Trong một con đường lớn ở Quận 5, ngôi nhà đồ sộ mới xây lại phía trước, nhưng phía sau vẫn là lò bánh cũ. Hai người thợ nướng vừa xong mẻ cuối, đang ngồi uống trà. 

Mùi lá dứa, mùi vani, mùi gừng thoang thoảng. Cháu nội út của người sáng lập ra ĐHV dẫn tôi đi xem lò bánh.Tầng trệt là nơi hong bánh thành phẩm, vô hộp. Tầng 1 là nơi nướng bánh, và tầng 2 là tầng làm bột, trộn nhưn, làm đường. Tuy nhỏ, bộ phận nào cũng có ghi chú, có nội quy. 

Bỏ qua tầng trệt có hai phòng hong bánh trên mấy cái rack gỗ không có gì thú vị, tôi lên tầng 1 thơm phức mùi bánh nướng. Sát tường là hàng lò nưóng gạch cũ dài hơn 10 mét, đã không sử dụng cũng hơn chục năm nay. Chuyển sang lò inox đã lâu, nhưng ông chủ muốn để lò gạch lại làm kỷ kiệm (với lại đám người mẫu rỗi hơi có thể muốn đến đây làm dáng bên lò gạch cũ). Đứng kế cái lò nướng y nốc khổng lồ, tôi tưởng như đang đợi thang máy ở Sunwah (đôi khi máy lạnh hư, thanh máy ở Sunwah cũng nóng cỡ đó). Còn thêm mấy cái lò nữa, chắc để nướng các loại bánh khác nhau. 

Tầng 2 là nơi làm nhưn, ngào bột, hong trứng. Đâu ra đó: đậu xanh để hai khay (tôi được ăn thử một miếng... thơm thơm, béo béo...rất đã). Lạp xưởng lấy từ một chỗ người quen, cũng ở quận 5. Mè đen. Gừng giòn. Khoai môn tím. Trứng muối hồng tươi đang hong trên khay inox. Tất cả đều tinh tươm, và tất cả đều có thể ăn riêng rẽ được...chẳng cần bỏ vào bánh cũng đã ngon. "Khó nhất", và cũng là công thức gia truyền, "là khâu trộn nhưn, và làm đường sao cho vừa ngọt tới". 

Tôi xuống dưới nhà, ngồi uống trà với chủ hiệu bánh. Ông đã hơn 70, nhưng quắc thước và nhanh nhẹn. Năm nay là năm thứ 40 ông làm bánh. Ông không chạy theo trị trường, tuy có cải thiện bao bì cho đa dạng hơn. Và cũng không muốn sản xuất nhiều hơn để cạnh tranh với các tiệm lớn. Ông nói "mấy năm nay bán cũng ít lại, nhưng có nhiều khách quen àh, với lại mấy đứa (con) cũng phụ làm. Thằng Hai ở Mỹ nhưng tới mùa bánh là về." 

Tôi nhìn là khoảng sân trước, có mấy cái đèn cổ kiểu Hội An lung linh sáng. Vị ngọt bùi của bánh rất quen thuộc, ngụm chè sen nóng. Gió thổi nhẹ làm mấy cái lồng đèn đung đưa. Một chút thơ ấu ùa về. Chưa rằm tháng 8, nhưng ngồi đây, tôi thấy Trung Thu lắm rồi.
 
2 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
     
Quán Phở Gia Truyền 20/08/2009
49 Phố Bát Đàn
Hà Nội
 

Một bát phở Hà Nội ngon tuyệt! 

Miếng nạm thơm lừng mới cắt. Miếng tái mềm ngọt. Sợi phở chín tới. Nước dùng thật vừa và thật nóng, húp tới đâu người ấm lên tới đó. Sau hai ngày chầu chực nhưng bỏ đi vì hàng dài quá, cuối cùng cũng ăn được Phở Bát Đàn rồi, anh mừng mừng tủi tủi nhớ lại những người đi trước...và những lần đi ăn phở HN trước.

Vậy là bao nhiêu ức chế và bức xúc của anh với Phở Hà Nội lâu nay đã được giải tỏa. Ăn xong, anh bồi hồi nhìn những tảng thịt nạm ngon lành treo chỗ bếp. Chạnh lòng nhớ tới bao lần khác bưng bê, sắp hàng trong giá rét hay bụi mù xe cộ, nghe mắng nghe chửi vì lỡ xin thêm rau...

 
4 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
     
Cafe Nếp 13/03/2009
17 Ngô Thời Nhiệm, Quận 3
Hồ Chí Minh
 

Tối nay anh viết review này cho em, về một nơi nhẹ nhàng nay không còn nữa, và cho một người dịu dàng trong kỷ niệm.

Vespa cổ của anh rất ồn ào, nên anh hay dắt bộ vào Nếp, qua những chú rửa xe kiêm bảo kê, đầu trọc lóc, xâm mình tùm lum. Anh để Vespa ngay cửa, để lát nữa dắt ra xa rồi mới nổ máy.

Anh nghĩ sẽ có lúc dẫn em tới đây, và em sẽ rón rén cùng anh kiếm chỗ, mắt em ngời sáng vì cuối cùng cũng đến được chỗ anh kể cho em nghe qua ĐT. Cát Lý sẽ hát "chênh vênh", và ai đó sẽ hát "Để Dành" - vì anh sẽ yêu cầu, khẩn khoản (nếu cần).

Trong cái lung linh và mộc mạc của Nếp, không có chỗ nào cho tình nhân buồn và cũng không phải là nơi người độc thân vui chơi thái quá. Không có chỗ cho điện thoại và laptop. Mọi người tôn trọng sự yên tĩnh của Nếp, cũng vì cô chủ rất cá tính, và những "đại bàng giữ xe" ở duới nhà.

Nếp nay thành quán Bệt, có thêm dàn âm thanh, nhưng cũng cần im lặng. Anh dắt Vespa trở ra, đi thật xa, và không quay lại nữa.

 
4 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
      Lời bình đầu tiên
Quán Ốc 1A 23/06/2008
1A Đinh Liệt, Quận Ba Đình
Hà Nội
 
Hà Nội có một vài lý do làm cho anh nấn ná thêm một hai ngày công tác, trong đó phải kể đến quán ốc nóng ở 1A Đinh Liệt. Lần nào ra họp hành, anh cũng phải ghé thăm chị hàng ốc ngồi giữa hai thúng ống và bốn nồi luộc nghi ngút khói, thơm mùi sả. Cái vỉa hè không bao giờ khô ráo. Cái ghế con cũng là bàn. Phục vụ bình dân bỗ bã nhưng chu đáo. Anh không bao giờ ngồi trong nhà, cái không gian khoảng 8 mét vuông không hề biết ánh mặt trời. Không, trừ phi có thiên tai bão lụt, anh sẽ ngồi ngoài hiên. Hôm kia cũng vậy, anh và mấy người bạn lại ngồi trên bục thềm vừa lúc xế chiều, bên chai rượu nếp đục, tay anh cầm cái que nhôm khời ốc hơi run run như con nghiện lâu năm...lâu quá rồi còn gì.

"Ốc nóng" ở Hà Nội hoàn toàn khác ốc ở miền Nam. Ốc đá, ốc nhồi, hai loại to và nhỏ...người ta bắt ở các ven sông đồng lúa ở đâu mà nhiều thế. Một ngày bà chị và hai cô cháu gái bán được "những 4 bao to" (bao ở đây là bao bố đấy nhé), tuy cái chỗ ngồi chỉ đủ cho khoảng mươi khách. Rất nhiều người tới mua về. Người Bắc có vẻ thích ốc nhỏ hơn (ốc nhỏ hay hết trước), anh thì thích ốc mít (to) hơn. Người ta nấu kiểu gì anh không biết, chỉ biết có sả, hình như có 1 chút gừng, và (anh tin chắc ở 1A Đinh Liệt có) một ít chất gây nghiện. Ốc ở đây tươi sống, luộc liên tục nên thịt vừa chín tới là mang ra, con ốc mềm ngọt, và không có bùn hay cát. Nước mắm gừng cũng ngon. Rượu thì uống tới đâu trả tiền đến đó, chứ không phải "uống 1 cốc trả tiền 1 chai". Một người ăn hai tô ốc là chuyện thường. Có một hôm mùa đông lạnh giá, anh thấy hai cô Hà Nội da trắng má hồng tay thoăn thoắt một hồi, hết 5 tô...cứ gọi là đầu đội trời chân đạp vỏ ốc, tóc vương nước ốc...mắt hơi đờ đẫn đi một chút vì ốc, vậy mà miệng vẫn gọi thêm "chị ơi cho em hai bát nước ốc". 

Anh thích chỗ này lắm. Thích cả Hà Nội vì những chỗ như thế này. Những nơi người ta chỉ chuyên bán một thứ đời này qua đời khác, và người ta biết làm thế nào để một món dân dã như ốc sẽ phát huy hết sự ngon-bổ-rẻ-phê của nó (OK, vụ bổ sẽ xem lại). Sẽ có lúc những chỗ ẩm thực như quán ốc này là lý do duy nhất anh ra Hà Nội, những chuyện khác...có thể bàn qua điện thoại.
 
14 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
     
Nhà hàng Sóng 20/06/2008
9B-B1 Hoa Lan, Quận Phú Nhuận
Hồ Chí Minh
 

Người ta rót chè xanh thật nóng trong cái bát sứ trắng ngà. Nước chè trong xanh, một làn khói thoảng. Ở giữa là một lát chanh thơm ngát. Cái chén vừa đủ to...để cho bạn bỏ cả hai tay vào.

Thì là nước rửa tay mà. Tôi phun phèo ra, và ngoan ngoãn rửa tay như mọi người.  

Tôi chưa bao giờ rửa tay trong nước trà nóng tại bàn ăn bao giờ. Nhưng mà xét cho cùng, ăn ở Sóng bạn sẽ thấy nhiều cái "chưa bao giờ". Ví dụ: tôi cũng chưa bao giờ ăn cá hình vuông. Hay, tôi chưa thấy món gỏi cá mai nào rửa sạch sẽ như thế, sạch sẽ luôn cả mùi vị...nhai nhai cho vui thôi.  

Món tôm càng nướng rất ngon, bạn sẽ bảo "chưa bao giờ thấy tôm càng to thế này"...và lúc tính tiền sẽ thốt lên "chưa thấy tôm càng nào đắt thế này" (9 con tôm, giá 1 triệu 7). Nhà hàng Sóng cho bạn cái muỗng để múc gạch trong đầu tôm ra. Tôi thì dùng lưỡi và miệng mút kiểu người tiền sử...vài năm trước khi tiến hóa ra con vật kế tiếp mà chúng tôi sắp ăn.

Cá Bò Hộp xấu xí giống như một sinh vật trong Jurassic Park: cái mỏ nhọn, mình hình vuông, với những chiếc vảy cứng như đá, hình bát giác. Người phục vụ lấy con dao gõ cóc cóc, kiểu "vừng ơi mở ra", và con cá mở ra, trong đó có mấy múi thịt trắng. Bà chị bỏ vào đĩa tôi "phần ngon nhất": dai dai, ngòn ngọt như tôm hùm , nhưng rõ ràng tôi đang ăn cá...có thể đây là con cá Bò Hộp cuối cùng trong sách đỏ.

Món ghẹ xào ớt đỏ kiểu Singapore cay thật là cay. Sau đó là lẩu cá gì rất nhiều sụn, chắc cũng thuộc loại động vật nên được bảo tồn. Tôi bước ra khỏi Sóng, và ước gì được thấy biển. Cảm giác trống rỗng, dù bụng no căng.

 
4 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
      Lời bình đầu tiên
Nhà Hàng On the 6 21/05/2008
6 Đồng Khởi (góc Ngô Đức Kế), Quận 1
Hồ Chí Minh
 

Anh vừa ngó quanh, lập tức 3 người phục vụ phản ứng nhịp nhàng như có nhạc trưởng. Như thể đoán trước được anh sắp sửa đi WC sau mấy ly rượu đỏ, một người kéo ghế (không tiếng động), 1 người nhấc cái khăn ra khỏi đùi anh (mà không qua cọ sát), và 1 người chỉ đường vào toilet kiểu người ta rước hoàng đế ngự triều. Chỉ thiếu thêm 1 ít kèn trống và pháo hoa, thì sự kiện anh "đi giải" sẽ được đăng lên trang nhất.

Đó là mức phục vụ chu đáo đến ngột ngạt vào một buổi tối thứ Ba ở tầng 2 của "On the 6", nhà hàng mới nhất của đầu bếp 5 Sao Diamond Didier Corlou (www.didiercorlou.com) trên Đồng Khởi.

Bước qua cái piano, chúng tôi vào phòng rượu để chọn chai đầu tiên - một chai Cabernet từ Chilê - anh thì không sành rượu như người bạn làm nghề phân phối rượu đang ngồi nếm rượu như người ta súc miệng, nhưng anh cũng quay quay ly rượu cho nó bay bớt cồn, uống và cho nó qua kẽ răng và hơi lên mũi, và cảm nhận "vị chát, vị ngọt, vị dâu đen, sồi khói"...đại khái là ngon.
 
  Các món ăn thuần pháp: vịt, filet-mignon, foi-gras (gan ngỗng) và truffles (một loại nấm đen như đất, mùi cũng tương tự như đất, và mắc cũng bằng 1 mét vuông đất ở Q1). Với những cái tên món ăn Pháp anh không thể gọi mà người ta không phì cười hay lầm tưởng anh đang chửi ai, nên anh đành chụp hình lại cho em xem. Món nào cũng ngon, đặc biệt là món đầu tiên vì nó "on the house" (không tính tiền).

   Chai rượu thứ hai từ Pháp. Không ngon bằng chai trước. Ít ra cái mũi và lưỡi amatơ của anh cảm nhận thế.

   Đứng trong toilet, anh thoáng rùng mình nghĩ đến chuyện lát nữa tính tiền và những người phục vụ biết đọc ý nghĩ. Anh miên man tưởng tượng có 2 người phục vụ đang tươi cười đợi anh bước ra khỏi WC, tay cầm hoa và băng rôn đỏ "welcome anh Phố trở lại bàn ăn, hy vọng anh có những giây phút rất thoải mái".

 
14 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
      Lời bình đầu tiên
Ẩm Thực Việt Nam Airline 07/01/2008
Đâu đó trên biển đông
Hồ Chí Minh
 
Ngồi trên máy bay này nói chuyện ẩm thực máy bay kia. 

Danh hiệu vô địch đồ ăn dở phải dành cho Vietnam Airline. Bay chặng dài còn được ít cơm nóng với thịt kho, hay một ít cháo cũng với thịt heo bằm mằn mặn…con heo nào đó may mắn được VN Airline hóa kiếp sau một cuộc đời dài và nhiều kinh nghiệm sinh đẻ. 

Còn bay chặng ngắn, em tiếp viên phát cho mỗi người hộp đồ ăn lạnh tanh thơm thơm mùi giấy…trong đó có hộp nước lạnh uống bằng cái ống hút bé tẹo - nhìn qua thấy bác hàng xóm lớn tuổi loay hoay chọt chọt mà tôi thấy nao lòng. Trong cái hộp giấy này, VN airline còn chiếu cố 1 miếng sandwich trắng không hồn, kẹp miếng thịt nguội khô cong. Nhai đi em, nhai đi…và nhớ về những năm khó khăn…em có nhớ không, khi mà chúng ta ao ước có được miếng bánh mì kẹp thịt.

Rồi tôi cũng nhai cũng nuốt, cũng hút nước từ cái ống hút bằng cây tăm. Nhìn em tiếp viên duyên dáng trong tà áo dài VN, lòng tôi dịu lại. Tự nhiên tôi lo cho em. Ừ nhỉ, lát nữa nghỉ giải lao, em có phải ăn giống tôi? Hay trong cái buồng tiếp viên của mấy em có một nồi Bún Bò Huế? Cái hộp của em có mấy trái ớt, 1 chai ken, và 1 bịch chè sen? Mmm…mmm. Chứ ăn thế này làm sao mà xinh tươi thế kia được.
 
14 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
      Lời bình đầu tiên
Quán Bảy Đực 03/12/2007
Thanh Đa, Phường 28, Quận Bình Thạnh
Hồ Chí Minh
 

 

Tên quán xấu quá, nên tôi viết ngược cho nó đỡ xấu chút: "Bảy Đực Quán".

Nhưng ăn gà nướng ở đây rất ngon. Gà nướng ướp gia vị gia truyền nổi tiếng ở vùng này...từ hồi Mr. Bảy Đực còn bé chạy long nhong trước con đường đầy sỏi đá dẫn vào quán, và từ hồi Thanh Đa còn là một vùng đồng lúa thẳng cánh cò bay. Bây giờ, con cò bay chưa kịp làm nóng thì đã đụng phải bê tông.

Vì nó nổi tiếng, nên cho dù Bảy Đực Quán có khuất xa xa trong hẻm ruộng, bạn cũng sẽ kiếm ra. Cứ đi qua mấy hành quán đèn chớp nháy như đêm NôEn của Thanh Đa, hỏi người ta "Quán 7 Đực", là người ta chỉ ngay.

Đĩa gỏi đọt sen tôm thịt rất ngon vì tôm ở đây họ xài tôm tươi luộc vừa chín tới là bóc vỏ ngay, chứ không phải mấy con tôm đông lạnh và luộc đến chai vỏ như một vài chỗ khác. 70,000/đĩa - có mắc quá không? Cả nửa ký tôm trong đó mà...

Ra về cẩn thận nếu có uống - cái đường tối thui, gập ghềnh đá. Nhưng ăn ở 7 Đực mà không uống thì uổng. Có bề gì nhớ té về hướng ruộng...vừa mát vừa êm.
 
7 phản hồi Gởi cho bạn bè Tin xấu
 
 
Trang: 1 2 3 4 5 Tiếp